Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thừa tiền mà lo
Thùy Liên - 30/09/2016 09:03
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm có thể bị ảnh hưởng khi hàng trăm ngàn tỷ đồng đang ứ thừa tại ngân hàng trong bối cảnh tín dụng tăng chậm lại. Tình trạng ngân hàng thừa tiền còn cho thấy, niềm tin trên thị trường - không chỉ giữa ngân hàng với doanh nghiệp, mà cả giữa ngân hàng với nhau - đang có vấn đề.
TIN LIÊN QUAN

Nếu đúng như ước định của tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nhà nước về việc từ đầu năm đến nay, lượng tiền dư thừa tại riêng ngân hàng này là 25.000 - 30.000 tỷ đồng là tương đối chính xác thì có thể hiểu rằng, tổng tiền dư thừa của 4 ngân hàng thương mại nhà nước đứng đầu hệ thống cộng lại sẽ lên tới cả trăm ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, theo thống kê mới nhất, với khối ngân hàng TMCP, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn di động chỉ khoảng 79%, nên lượng vốn thừa còn nhiều hơn nữa.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng thừa vốn trong hệ thống ngân hàng:

Thứ nhất, từ đầu năm đến nay, huy động vốn tăng mạnh, trong khi tín dụng  tăng chậm lại, với con số tương ứng là hơn 9% và 11%. Có tình trạng này một phần do nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn như PetroVietnam, Sabeco, SCIC… đang gửi tiền ngân hàng lấy lãi.       

.
.

Thứ hai, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bơm một lượng tiền đồng đáng kể ra nền kinh tế để mua vào ngoại tệ do cung ngoại tệ dồi dào.

Thứ ba, đến thời điểm này, tổng khối lượng huy động trái phiếu chính phủ đã đạt 100,36% so với kế hoạch đề ra, tức khách hàng lớn nhất của hệ thống ngân hàng trong năm nay không còn cần vốn.

Tình trạng thừa tiền, cả tiền đồng lẫn ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng cho thấy một thực tế đáng lo: đó là tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Kịch bản thừa tiền như những năm 2013, 2014 khi nền kinh tế tăng trưởng chậm đang xuất hiện trở lại, ám ảnh nồi cơm của mỗi gia đình. Các ngân hàng cũng lo ngại không kém, vì đã trót ôm cả trăm tỷ đồng với lãi suất cao mà không có đầu ra. Tuy nhiên, còn một nghịch lý khác, đó là tín dụng tăng trưởng chậm không chỉ vì ít khách hàng vay vốn, mà một phần vì ngân hàng luôn có tâm lý đề phòng. Nói cách khác, niềm tin thị trường đang “có vấn đề”.

Minh chứng là từ đầu năm đến nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục phá đáy, nhưng giao dịch rất ít. Lãi suất thấp, giao dịch trầm lắng không phải do ngân hàng không muốn vay mượn lẫn nhau, mà bởi trên thị trường liên ngân hàng hiện có rất nhiều ngân hàng muốn vay, nhưng lại trong diện bị giám sát đặc biệt, nợ xấu cao, mâu thuẫn nội bộ, khó đáp ứng điều kiện về tài sản thế chấp...

Gần đây, các ngân hàng giải ngân đã chặt chẽ hơn khi giải ngân và tiến hành giải ngân theo hợp đồng, theo địa chỉ thanh toán. Việc nhiều ngân hàng chủ động dự phòng nợ xấu, chặt tay hơn trong dự phòng rủi ro là dễ hiểu trong bối cảnh nợ xấu mới vẫn tiếp tục tăng lên, nợ xấu cũ đang tồn khá nhiều ở Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Tiền thừa, tín dụng tăng chậm, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng, song các cơ quan quản lý chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ ngay do đây là diễn biến ngắn hạn, do thanh khoản của hệ thống ngân hàng chưa vững chắc, nhất là khi việc đẩy mạnh bơm tiền có thể sẽ làm gia tăng lạm phát. Ở khía cạnh khác, hệ thống ngân hàng dư thừa tiền lại là cơ hội để ngành này đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung xử lý nợ xấu, thúc đẩy tiến trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước… qua đó góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư