Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Thúc đẩy xuất khẩu nông sản Lào Cai sang thị trường Trung Quốc
Nhung Bùi - 06/08/2024 10:56
 
Sở hữu cửa khẩu quốc tế cùng khí hậu phân mảnh thành nhiều tiểu vùng, Lào Cai đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu nông sản theo hướng chính ngạch sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết tỉnh có gần 200 km đường biên giới với 3 cặp cửa khẩu giao thương Trung Quốc đặt tại thành phố Lào Cai, huyện Mường Khương, huyện Bát Xát.

Số liệu thống kê Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho thấy 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu Lào Cai đạt 1,1 tỷ USD. Trong đó, giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu đạt 535 triệu USD, trong đó phần lớn là xuất khẩu mặt hàng quả sầu riêng với gần 97 nghìn tấn (trị giá 412 triệu USD), thanh long (49,6 triệu USD), dưa hấu (13,6 triệu USD)...

“Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh có địa khí hậu phân mảnh thành các tiểu vùng khí hậu khác nhau, tạo cho Lào Cai lợi thế cạnh tranh để phát triển nhiều cây trồng chủ lực”, ông Nguyễn Quang Vĩnh chia sẻ tại Hội thảo hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc, tổ chức tại Lào Cai ngày 6/8.

Ảnh: Nhung Bùi.

Trong giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn tới 2050, ngành nông nghiệp Lào Cai dự kiến đặt trọng tâm vào 5 cây, 1 con và 2 lĩnh vực (gồm lợn, quế, chè, chuối, dứa, dược liệu; kinh tế đồi rừng và các ngành hàng tiềm năng như cây ăn quả ôn đới, rau, hoa, cá nước lạnh, gia cầm).

Đặc biệt với nhóm 5 cây trồng chủ lực, đến thời điểm hiện tại, Lào Cai đã có hơn 60.000 ha trồng quế, cơ bản xuất khẩu thành công sang Trung Quốc. Gần như 100% tinh dầu quế của Lào Cai đã tiếp cận thị trường Trung Quốc, ngoài ra còn một số sản phẩm dược liệu như thảo quả, xa nhân.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp Lào Cai là làm sao để chuẩn hóa quy trình, đáp ứng các điều kiện xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt từ phía Trung Quốc.

“Trước đây, Trung Quốc chưa rào hàng rào biên giới, yêu cầu hàng hóa chưa cao. Bên cạnh xuất khẩu chính ngạch, Lào Cai còn xuất khẩu tiểu ngạch qua đường mòn, lối mở”, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết.

“Nhưng từ 2021, Trung Quốc rào lại tuyến biên giới khiến hoạt động xuất khẩu qua đường mòn, lối mở không còn. Nước bạn cũng yêu cầu cao hơn về chất lượng, mã số vùng trồng, quy trình chăm sóc, thu hoạch,… đây là điểm khó đối với các hợp tác xã, hộ nông dân trong việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc”, ông Vĩnh nói thêm.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lào Cai, năm 2023 tỉnh duy trì 13 vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, 7 cơ sở xuất khẩu đóng gói đã được cấp mã số.

Qua theo dõi kiểm tra, tỉnh đã thu hồi 3 mã số vùng trồng do không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định vùng trồng xuất khẩu, đồng thời thu hồi mã số 4 cơ sở đóng gói không đạt yêu cầu.

Việc cấp mã số vùng trồng mới cũng như kiểm tra, giám sát các vùng trồng cũ còn nhiều hạn chế do địa hình đồi núi phức tạp, đi lại khó khăn.

Một số địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung vào công tác mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến việc tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Trong thời gian tới, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sở sẽ tập trung phổ biến các chính sách hỗ trợ nông nghiệp tới hợp tác xã, doanh nghiệp. Đặc biệt những doanh nghiệp tham gia phát triển chế biến sâu ngành hàng chè sẽ được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ tích tụ đất đai, hỗ trợ xây dựng nhà máy chế biến, lấy chứng nhận OCOP,…

Chợ Du lịch Lào Cai tạo xu hướng đầu tư "hot" với vốn nhỏ từ 270 triệu
Cách cửa khẩu quốc tế 1km và nằm ngay trung tâm sầm uất nhất của thành phố Lào Cai, Chợ Du lịch Lào Cai được đánh giá là “siêu phẩm” đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư