Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin: Loay hoay, đụng ngay đối thủ mới
Hữu Tuấn - 13/12/2015 09:31
 
Trong khi doanh nghiệp Việt Nam đang loay hoay tìm khách hàng cho thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT), thì rất có thể, họ sẽ phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh mới…

Một năm đđã trôi qua kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 cho thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước, nhưng nhiều cơ quan nhà nước vẫn chưa áp dụng. Riêng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thuê ngoài CNTT như FPT, Viettel, VNPT,CMC…, dù đã đầu tư lớn, song vẫn rất khó thu hút khách hàng.

Trong khi đó, Văn phòng Chính phủ mới đây đã đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, khuyến khích thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho ngành CNTT để tạo thuận lợi cho hoạt động thuê dịch vụ CNTT.

Chướng ngại khó vượt

Theo ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel, dù Chính phủ đã có chủ trương cho thuê dịch vụ CNTT, song trên thực tế, việc này không dễ do trở ngại lớn về nguồn vốn đầu tư cho dịch vụ CNTT. Vốn đầu tư cho dịch vụ CNTT khá lớn và các địa phương hiện vẫn đang phụ thuộc vào sự cấp bổ, phê duyệt từ Nhà nước.

.
Cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý bằng việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn việc triể khai thuê ngoài CNTT

Ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết thêm, cơ quan nào cũng có kinh phí thường xuyên để đảm bảo hoạt động nghiệp vụ của mình, nhưng lại chưa có kinh phí hoặc quy trình pháp lý, pháp nhân để chi trả, thanh toán cho dịch vụ thuê ngoài.

Còn theo đại diện VNPT,  tập đoàn này cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Cụ thể, ngoài việc chưa rõ sẽ lấy kinh phí từ vốn đầu tư hay chi thường xuyên, còn có khó khăn là chưa có hướng dẫn cụ thể về giá thuê…

Ở góc độ khác, theo phân tích của ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), nguyên nhân chậm triển khai thuê ngoài dịch vụ CNTT là do nhiều lãnh đạo địa phương chưa chỉ đạo sát sao việc triển khai ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội, họ còn có tâm lý lo lắng sẽ gặp rủi ro trong quá trình triển khai.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Misa cho rằng, tâm lý e ngại tại các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp khi đi thuê dịch vụ CNTT chính là rào cản lớn nhất. Hầu hết khách hàng vẫn còn lối tư duy “phải sở hữu, nhìn thấy, phải cầm, nắm thì mới an tâm”, trong khi việc thuê dịch vụ CNTT thì chỉ tập trung vào mục tiêu đáp ứng nhu cầu chính là cho phép người thuê sử dụng, chứ không sở hữu.

Để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai cho thuê ngoài dịch vụ CNTT cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý bằng việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thuê ngoài CNTT.

Xẻ miếng bánh cho doanh nghiệp FDI?

Văn phòng Chính phủ đề xuất việc khuyến khích doanh nghiệp FDI tham gia hoạt động cho thuê dịch vụ CNTT, bởi đây được coi là một biện pháp thúc đẩy nâng cao chất lượng cạnh tranh của bên cung cấp dịch vụ và hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo nhận định của Văn phòøng Chính phủ, việc doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư trước để xây dựng phần mềm, rồi quảng bá dịch vụ, sản phẩm để cơ quan nhà nước thuê là hoạt động rủi ro cao. Hơn nữa, một số ứng dụng không phổ biến rất khó thực hiện được theo hình thức thuê dịch vụ. Nếu được đưa ra môi trường CNTT toàn cầu thì lựa chọn dịch vụ sẽ phong phú, đa dạng hơn. Lối ra cho các doanh nghiệp cho thuê dịch vụ sẽ rộng hơn rất nhiều.

Như vậy, có thể thấy rằng, các nhà cung cấp dịch vụ CNTT Việt Nam sẽ có thêm các đối thủ mới như IBM, Microsoft, Huawei…

Điều này rất có thể sẽ xảy ra bởi trong một lần chia sẻ với giới công nghệ gần đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định rằng, Chính phủ hoàn toàn trung lập về công nghệ và chính thị trường sẽ quyết định lựa chọn xu hướng nào. Việc Chính phủ làm chỉ là xây dựng cơ chế để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, chứ không áp đặt, ép buộc xã hội, cơ quan tổ chức phải lựa chọn sản phẩm nào cả.

Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần có một chiến lược hợp lý, có những sản phẩm tốt, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trong tương lai. Trong cuộc chơi sòng phẳng toàn cầu sẽ không có sự ưu ái đặc biệt nào cho doanh nghiệp Việt. Nếu không sớm có sự chuẩn bị và thay đổi tư duy, doanh nghiệp Việt sẽ thua trong lĩnh vực cho thuê ngoài CNTT.

VNPT bắt đầu cung cấp dịch vụ CNTT cho y tế Hà Nội
Ngày 21/10, Sở Y tế Hà Nội và VNPT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị "Triển khai ứng dụng CNTT trong ngành y tế Hà Nội". Theo đó, Sở Y tế Hà Nội bắt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư