Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thương chiến Mỹ - Trung đặt Nhật Bản trước sức ép kích thích kinh tế
Lê Quân (Reuters) - 09/09/2019 16:58
 
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được kêu gọi tăng cường các biện pháp kích thích nền kinh tế ngay trong tháng này, sau thông tin tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong quý II/2019 được điều chỉnh thấp đi do chi phí kinh doanh sụt giảm và lo ngại rủi ro thương chiến Mỹ - Trung.
Nghe bài viết này tại đây :
.
Xuất khẩu của Nhật Bản tiếp tục lao dốc trong tháng 7 do đơn hàng xuất khẩu phụ tùng ô tô và thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc sụt giảm - Ảnh: AFP.

Xem xét kích thích kinh tế

Kinh tế toàn cầu suy yếu và bảo hộ thương mại gia tăng đang gây áp lực khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải xem xét tăng cường các biện pháp kích thích nền kinh tế vào cuộc họp tuần tới.

Theo số liệu điều chỉnh được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố hôm nay 9/9, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,3% trong quý II/2019, nhích lên 0,3% so với quý I, nhưng thấp hơn mức 1,8% ước tính trước đó.

Nhiều khả năng kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng âm trong quý IV/2019, ông Izuru Kato, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu Totan Research dự báo.

“Nếu ngày càng nhiều lo ngại kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm trong các tháng tới, BOJ có thể sẽ xem xét hạ lãi suất sâu hơn ở các khu vực tăng trưởng âm,” ông Kato nhận định.

Chi phí đầu tư trong quý II tăng 0,2% so với quý trước, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng ước tính 1,5% trước đó.

Các nhà sản xuất ở Nhật Bản đã “thắt lưng buộc bụng” chi tiêu trong quý II do lo ngại thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Do đó, dù đầu tư của khối phi sản xuất chế tạo phần nào thúc đẩy tăng trưởng chung, nhưng vẫn chưa đủ để bù lại mức sụt giảm chi tiêu của khối sản xuất, Stefan Angrick, chuyên gia cao cấp tại công ty phân tích và dự báo toàn cầu Oxford Economics lý giải.

Trong quý II, tiêu dùng cá nhân - yếu tố đóng góp 60% GDP của Nhật Bản - đã tăng 0,6% so với quý trước. Xuất khẩu ròng của Nhật Bản giảm 0,3 điểm phần trăm theo số liệu GDP điều chỉnh. Điều này báo hiệu kinh tế Nhật Bản đang chịu tác động mạnh bởi suy giảm kinh tế toàn cầu.

Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trở nên u ám do lo ngại sản xuất ở nước ngoài sụt giảm và tác động trở lại xuất khẩu của Nhật Bản. Các nhà phân tích cũng cảnh báo tiêu dùng nội địa Nhật Bản có thể sụt giảm sau khi nước này tăng thuế tiêu dùng từ mức 8% hiện nay lên 10% vào tháng 10 tới. Động thái này có thể là cú giáng mạnh lên thị trường tiêu dùng - một trong số ít cực tăng trưởng của Nhật Bản.

Sức ép nới lỏng tiền tệ

Trước những rủi ro tăng trưởng trên, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda vẫn “hé cửa” việc hạ lãi suất ở khu vực tăng trưởng âm. Đây là một trong những lựa chọn chính sách của BOJ, Thống đốc khẳng định tuần trước.

Nhiều suy đoán cho rằng BOJ có thể nới lỏng chính sách sớm nhất là trong tháng này để ngăn đồng yên Nhật tăng vọt. Điều này càng có khả năng trở thành hiện thực nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới.

“Tăng trưởng (kinh tế Nhật Bản) dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong quý này (quý III/2019), một phần là do sức mua nội địa sẽ tăng lên trước thời điểm tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10 tới”, chuyên gia Kato của công ty Totan Research đánh giá. Ông Kato nói thêm, vẫn chưa thể khẳng định nhu cầu tiêu dùng nội địa trong quý này sẽ tăng mạnh như trước đợt tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4/2014.

Tiêu dùng là một trong số ít điểm sáng của kinh tế Nhật Bản khi liên tiếp tăng trưởng trong 3 quý qua, bất kể tăng trưởng kinh tế nước này đang chậm lại.

Chi tiêu hộ gia đình ở Nhật Bản trong tháng 7/2019 đánh dấu mức tăng trưởng lớn nhất kể từ khi công bố số liệu tiêu dùng năm 2000.

Tuy nhiên, điều này là chưa đủ để cứu Nhật Bản khỏi tình trạng kinh doanh chùng xuống và sản xuất bị thu hẹp. Xuất khẩu của Nhật Bản tiếp tục trượt dốc trong tháng 7 do sự sụt giảm các lô hàng xuất khẩu phụ tùng ô tô và thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc, trong khi lần đầu tiên các nhà sản xuất Nhật Bản có tâm lý bi quan kể từ tháng 4/2013.

Tổng thống Trump sốt sắng với thương chiến Mỹ - Trung
Những diễn biến gần đây cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn “chơi lớn” trong thương chiến với Trung Quốc, cùng với đó là những toan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư