Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tổng thống Trump sốt sắng với thương chiến Mỹ - Trung
Lê Quân (Reuters, CNBC) - 04/09/2019 21:43
 
Những diễn biến gần đây cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn “chơi lớn” trong thương chiến với Trung Quốc, cùng với đó là những toan tính ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ khi thời gian bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần.
Nghe bài viết này tại đây :

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Sẽ "cứng rắn" hơn

Tổng thống Trump ngày 3/9 tuyên bố ông sẽ “cứng rắn” với Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai của mình nếu đàm phán thương mại vẫn kéo dài.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cảnh báo Bắc Kinh phải đối mặt với các điều khoản cứng rắn hơn, nếu tranh chấp thương mại hai bên không được giải quyết và ông Trump tái đắc cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 11/2020. “Thỏa thuận (thương mại) sẽ cứng rắn hơn nhiều và chuỗi cung ứng của Trung Quốc có thể sụp đổ; doanh nghiệp, việc làm và tiền bạc sẽ tiêu tan,” ông Trump viết, nhưng không đề cập chi tiết nội dung đàm phán.

Thương chiến Mỹ - Trung leo lên nấc thang mới khi hai bên đều tung thuế ăn miếng trả miếng cuối tuần trước. Washington ngày 1/9 kích hoạt thu thuế 15% đối với 112 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, còn Bắc Kinh áp thuế bổ sung 5-10% lên hàng hóa Mỹ cùng ngày. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa dầu thô của Mỹ vào mục tiêu trả đũa.

Chưa hết, Trung Quốc ngày 2/9 đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Mỹ áp thuế quan lên 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ nước này.

Tổng thống Trump từng nổi cơn thịnh nộ khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế trả đũa lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1/9. Dự định của ông Trump về việc tăng gấp đôi thuế quan đối với hàng Trung Quốc có thể là “sự đã rồi” nếu không có sự căn ngan của Nhà Trắng, mà công đầu thuộc về Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. 

Hai quan chức này đã khéo vận động nhiều CEO kêu gọi ông chủ Nhà Trắng “hạ hỏa” và cảnh báo về những tác hại đối với thị trường chứng khoán và kinh tế Mỹ nếu tăng thuế, nguồn thạo tin của CNBC hé lộ.

Được gì… từ thương chiến?

Việc hai siêu cường kinh tế liên tục đụng độ thuế quan khiến giới tài chính như “ngồi trên đống lửa” và dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. 

Sản xuất công nghiệp Mỹ lao dốc trong tháng 8/2019. (Ảnh: Reuters)
Sản xuất công nghiệp Mỹ lao dốc trong tháng 8/2019. (Ảnh: Reuters)

Tác hại của thương chiến bủa vây kinh tế Mỹ và nhiều chỉ số đã quay lưng lại với ông Trump. Hậu quả nhãn tiền nhất của thương chiến là nhấn chìm các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ. 

Sản xuất công nghiệp Mỹ lao dốc với chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) trong tháng 8 giảm còn 49,8, Viện Quản lý Cung ứng (ISM) công bố. Chỉ số PMI dưới 50 báo hiệu nền sản xuất đang bị thu hẹp. 

Chứng khoán Mỹ cũng “đỏ sàn” phiên 3/9 sau thông tin hoạt động sản xuất tháng 8 sụt giảm, lần đầu tiên kể từ năm 2016. Cùng ngày, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt đáy trong 3 năm qua, xuống còn 1,441%. 

Cuối tháng trước, nhà đầu tư đứng ngồi không yên khi chênh lệch lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm giảm xuống âm 5 điểm cơ bản trong phiên 27/8, mức thấp nhất trong 12 năm qua. Hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược này được cho rằng là “điềm báo” về một cuộc suy thoái.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một kỳ tích về tăng trưởng việc làm ở nước Mỹ dưới thời ông Trump và giữa lúc thương chiến “nước sôi lửa bỏng”. Với 263.000 việc làm mới, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ rớt còn 3,6% vào tháng 4/2019 - mức thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ qua, theo thông cáo Nhà Trắng phát đi đầu tháng 5.

Phớt lờ các số liệu kinh tế bất lợi, ông Trump vẫn bình thản trên Twitter rằng Mỹ “đang làm rất tốt việc đàm phán với Trung Quốc” và thuế quan của Mỹ đang phát huy “tác dụng” với kinh tế Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, chính quyền Mỹ dưới thời các tổng thống Clinton, Bush và Obama đều có quan điểm “ngây thơ” về việc Trung Quốc tham gia thương mại thế giới một cách không công bằng. Nhưng với cái nhìn dài hạn về chính sách thương mại của Tổng thống Trump, Mỹ đang ở một vị trí tốt để sửa các chính sách sai lầm trong quá khứ vốn khiến hàng triệu người mất việc làm và hàng ngàn nhà máy phải đóng cửa, James D. Schultz, nhà bình luận pháp lý của CNN nêu quan điểm.

Một ngày hoặc một tuần tồi tệ của Phố Wall không thể kết luận chính sách của ông Trump thất bại. Biến động thị trường là điều dễ hiểu, thị trường sẽ phản ứng theo diễn biến đàm phán thương mại hai bên, Schultz nhận định.

Lối thoái cho thương chiến

Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ Thomas Donohue bình luận trên CNBC rằng doanh nghiệp và người lao động Mỹ đang hứng chịu hậu quả từ những đòn thuế quan của Mỹ lên hàng Trung Quốc, ngược lại kinh tế Trung Quốc cũng chịu thiệt hại.

Giới phân tích nhận định, thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USCMA) có thể là cứu cánh cho kinh tế Mỹ, giúp chấn hưng các thị trường tài chính, nhưng không thể sẽ xóa sạch hậu quả từ những đòn thuế Mỹ đối với Trung Quốc.

Hai bên sẽ “có cửa” đạt được thỏa thuận thương mại nếu ông Trump hoãn áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc trong thời gian qua, ông Donohue nhận định.

Tổng thống Trump, một thành viên đảng Cộng hòa, thường gieo niềm tin rằng Bắc Kinh đang cố gắng “câu giờ” để làm chậm các cuộc đàm phán thương mại với hy vọng ứng viên đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 và thỏa thuận thương mại sẽ có các điều khoản thuận lợi hơn.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 3/9 đánh tiếng rằng Trung Quốc kịch liệt phản đối chiến tranh thương mại.

Các nhà đàm phán hai bên rục rịch gặp mặt tại Washington trong tháng này, nhưng chưa rõ thời gian cụ thể. Nhà Trắng chưa phản hồi về vấn đề này, còn Văn phòng Đại diện Thương Mại Mỹ từ chối bình luận.

Trung Quốc và Mỹ bắt đầu áp thuế bổ sung, thương chiến Mỹ - Trung “tăng nhiệt”
Trung Quốc và Mỹ bắt đầu áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau từ hôm nay 1/9, đẩy cuộc chiến thương mại lên nấc thang mới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư