Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Thương hiệu Trung Quốc giấu gốc tích để kinh doanh
Hà Thu - 03/11/2013 09:49
 
Trong cuộc đua quốc tế, thương hiệu Trung Quốc rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp phương Tây và Nhật Bản. Để giấu mác Trung Quốc, họ tìm cách xây dựng hình ảnh thuần ngoại, hoặc mua các công ty nước ngoài.  

Là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, nhưng nước này không có một thương hiệu nào lọt top 100 tốt nhất thế giới, theo xếp hạng của hãng tư vấn marketing Interbrand. Một khảo sát của hãng nghiên cứu HD Trade Service cũng chỉ ra 94% người Mỹ không nêu được tên một thương hiệu Trung Quốc nào. Trong đó, một phần ba cho biết sẽ không mua đồ nếu biết đó là hàng Trung Quốc.

"Các thương hiệu Trung Quốc có rất nhiều vấn đề, như sự minh bạch, đạo đức nghề nghiệp, cách đối xử với nhân viên và chất lượng sản phẩm", Richard Edelman – Giám đốc hãng quan hệ công chúng Eldeman cho biết trong Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đại Liên hồi tháng 9.

Để giải quyết vấn đề này, công ty an ninh điện thoại Trung Quốc - NQ Mobile đã tấn công thị trường Mỹ dưới hình ảnh một công ty Mỹ, AFP cho biết. Họ xây trụ sở mới ở Texas, niêm yết tại Mỹ, thuê CEO Mỹ từng làm cho Citigroup và website bằng tiếng Anh với tuyên bố "Sản phẩm làm tại Dallas, Texas".

Lenovo-1915-1383406747.jpg

Lenovo đã mua mảng sản xuất máy tính cá nhân của IBM năm 2005. Ảnh: AFP

Người sáng lập công ty - Henry Lin cho biết: "Tất cả nhân viên của NQ Mobile tại đây đều là người Mỹ. Vì thế, người tiêu dùng sẽ nghĩ chúng tôi là công ty Mỹ. Chúng tôi chia thị trường toàn cầu làm hai phần, các nước đang phát triển có trụ sở ở Bắc Kinh và các nước phát triển thì trụ sở ở Dallas. Nếu có thể thành công tại Mỹ, bạn cũng sẽ phát triển được ở Tây Âu, Nhật Bản và Australia".

Một số công ty khác thì chọn cách đơn giản hơn là mua doanh nghiệp ngoại. Tháng trước, cổ đông hãng chế biến thịt lợn lớn nhất thế giới Smithfield Foods (Mỹ) đã chấp thuận để Shuanghui International mua lại với giá 7,1 tỷ USD. Đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất của một công ty Trung Quốc với một doanh nghiệp Mỹ.

Năm 2010, hãng sản xuất ôtô Trung Quốc - Geely đã mua thương hiệu Volvo từ Ford. Còn Lenovo tiếp quản bộ phận sản xuất máy tính cá nhân (PC) của IBM từ năm 2005. Lenovo đang trên đường trở thành nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới.

Dù vậy, một số công ty vẫn quyết định giữ nguyên tên, như hãng sản xuất tủ lạnh Haier hay đại gia viễn thông Huawei. 67% doanh thu của Huawei đến từ nước ngoài. Năm ngoái, họ còn lọt top 5 công ty trên thế giới về số bằng sáng chế.

Tuy nhiên, dù đầu tư quảng cáo mạnh tay về dòng smartphone được gọi là mỏng nhất thế giới, hãng vẫn rất chật vật khi cạnh tranh với Samsung hay Apple và luôn bị nghi ngờ làm gián điệp cho Chính phủ.

Năm ngoái, Huawei đã bị Quốc hội Mỹ loại ra khỏi các hợp đồng cung cấp thiết bị. Australia cũng cấm hãng này cung cấp dịch vụ băng thông rộng tại đây.

Phó chủ tịch Huwei - Scott Sykes cho biết: "Chúng tôi đã kinh doanh 26 năm rồi, tại 140 quốc gia, và chẳng có vấn đề về an ninh nào xảy ra cả. Huawei chỉ muốn kinh doanh, và nếu chúng tôi làm bất kỳ việc gì cho Chính phủ Trung Quốc, đó là tự giết mình. Vì chúng tôi sẽ mất 70% doanh thu".

Rất nhiều công ty lớn ở phương Tây có sản phẩm lắp ráp tại các nhà máy ở Trung Quốc, Sykes cho biết. Theo ông, vấn đề chỉ nằm ở chỗ trụ sở Huawei đặt ở trong nước. "Thế giới luôn lo ngại về bảo hộ thương mại và thiếu tin tưởng vào Trung Quốc", Sykes nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư