Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thường vụ Quốc hội chọn phương án ban hành luật riêng về hộ kinh doanh
Nguyễn Lê - 20/05/2020 19:38
 
Số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn, vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng
TIN LIÊN QUAN
.

Hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, trong đó có khoảng 1,7 triệu hộ nộp thuế.

.

Hoàn thành ngày 20/5, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được gửi đến các vị đại biểu phục vụ phiên thảo luận toàn thể vào sáng 21/5.

Trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2019) một trong những điểm mới được nhấn mạnh ở lần sửa đổi này là Chính phủ đề xuất đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật.

Vẫn có hai loại ý kiến 

Qua nhiều phiên thảo luận đến nay vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau về hộ kinh doanh .

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với phương án của Chính phủ vì ba lý do. Một, nội dung quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;

Hai, Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết . Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh;

Ba, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Loại ý kiến thứ 2 đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh cũng vì ba lý do.

Một, xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng nghị định. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

Hai, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh. Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới.

Ba, số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn, vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tương tự như các hợp tác xã quy định tại Luật Hợp tác xã, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ 2. 

Duy trì quy định thông báo mẫu dấu

Một điểm mới nữa của lần sửa đổi này là Chính phủ đề xuất bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để  giảm bớt thủ tục hành chính, giảm rủi ro trong giao dịch dân sự và giao dịch với cơ quan nhà nước. Việc này góp phần cắt giảm chi phí gia nhập thị trường, nâng xếp hạng về môi trường kinh doanh của quốc gia.

Nhiều ý kiến đại biểu cũng đồng tình với đề xuất này.

Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai đề nghị duy trì quy định về thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh như Luật hiện hành để phù hợp với đặc điểm tình hình nước ta, bảo đảm tính chính danh cho doanh nghiệp.

Vì việc doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu cho Cơ quan đăng ký kinh doanh không mất nhiều thời gian, thủ tục hành chính (có thể thay thế bằng hình thức điện tử). Bảo đảm việc cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát được các hóa đơn, chứng từ trong việc kê khai thuế. Tránh phát sinh tranh chấp, lừa đảo trong các hợp đồng dân sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ 2.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư