Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thường vụ Quốc hội: Không thể không có quy hoạch tổng thể quốc gia
Hà Nguyễn - 26/05/2017 10:50
 
Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ góp phần tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển.

Không thể không có quy hoạch tổng thể quốc gia

Sáng nay (26/5), Dự án Luật Quy hoạch đã chính thức được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật, ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật là đề xuất việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia.

Tuy nhiên, qua thẩm tra, vẫn còn có những ý kiến cho rằng không cần thiết lập quy hoạch tổng thể quốc gia vì đã có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

.
Cần có quy hoạch tổng thể quốc gia để tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bổ nguồn lực

Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, công cụ để hoạch định phát triển ở Việt Nam bao gồm hiến lược - quy hoạch - kế hoạch. Trong đó, quy hoạch giữ vai trò kết nối giữa chiến lược và kế hoạch, đồng thời để cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

“Sự khác biệt của quy hoạch so với chiến lược và kế hoạch chính là tổ chức không gian phát triển trên lãnh thổ quốc gia”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh và cho biết, ở Việt Nam đã có chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, nhưng lại không có quy hoạch tổng thể quốc gia, dẫn tới việc hoạch định phát triển không có sự cân đối chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Theo khẳng định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì đây là nguyên nhân chính làm lãng phí hoặc phân tán nguồn lực, giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia.

“Do vậy, cần có quy hoạch tổng thể quốc gia để tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bổ nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Cũng liên quan đến quy hoạch tổng thể quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, vì đây là những quy hoạch đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nước.

Nhận thấy các ý kiến này là hợp lý, phù hợp với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội tại khoản 3 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 7 Luật tổ chức Quốc hội, nên Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã quy định như vậy.

“Quy định này cũng phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội đối với việc quyết định ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy định tại Điều 19 Luật Ngân sách nhà nước và quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương các chương trình, dự án đầu tư công của Quốc hội tại Luật Đầu tư công”, ông Thanh nhấn mạnh.

Bỏ quy hoạch sản phẩm để tránh chồng chéo, lãng phí

Ban đầu, khi Luật Quy hoạch được dự thảo, một trong những đề xuất nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất chính là chủ trương bỏ quy hoạch sản phẩm. Tuy nhiên, cho đến nay, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến đồng tình chủ trương này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn, tới đây sẽ quản lý thế nào đối với các ngành sản phẩm, khi mà tới đây sẽ không còn quản lý bằng quy hoạch. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, cần tiếp tục lập quy hoạch sản phẩm vì nếu bỏ quy hoạch sản phẩm sẽ gặp khó khăn trong quản lý nhà nước.

Chẳng hạn, trong ngành nông nghiệp, có những quy hoạch sản phẩm rất quan trọng, cần được giữ lại vì nếu không có định hướng quy hoạch, thì sẽ xảy ra hiện tượng phát triển sản phẩm tràn lan.

Mặc dù vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu tuy có những đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng vẫn còn những tồn tại, như nhiều quy hoạch có sự chồng chéo, mâu thuẫn và thiếu tính liên kết với nhau, gây lãng phí cho xã hội.

Trong khi đó, nguyên lý quy hoạch là phân bổ nguồn lực hiện có trong tầm kiểm soát và quản lý của nhà nước. Đối với việc đầu tư phát triển sản phẩm phụ thuộc vào nguồn lực tài chính của nhà đầu tư trong xã hội, ngoài ý muốn chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước nên không thể ấn định lượng hàng hóa sản phẩm bằng quy hoạch trong nền kinh tế thị trường.

“Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lập một số quy hoạch kết cấu hạ tầng và quy hoạch sử dụng tài nguyên. Đối với các sản phẩm có gắn với việc sử dụng nguồn tài nguyên sẽ không lập quy hoạch sản phẩm mà chỉ lập quy hoạch sử dụng nguồn tài nguyên (ví dụ đối với sản phẩm xi măng sẽ không lập quy hoạch sản phẩm xi măng, chỉ lập quy hoạch nguồn tài nguyên đá vôi)”, ông Thanh khẳng định.

Trong khi đó, đối với các sản phẩm cụ thể, việc quản lý đối với những ngành sản phẩm trong thời gian tới sẽ không bằng quy hoạch nữa, mà theo hướng sử dụng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đặc biệt là nhiệm vụ cung cấp thông tin, tín hiệu, xu hướng thị trường…

“Các nội dung này sẽ do các ngành tự xác định căn cứ vào nhu cầu quản lý của mình và sẽ được bổ sung trong quá trình sửa đổi các quy định hiện hành về quy hoạch”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm.

Luật Quy hoạch: Vì lợi ích toàn cục của đất nước
Luật Quy hoạch cần được thảo luận và sớm thông qua, để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, vì lợi ích toàn cục của đất nước,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư