Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Tích cực tiếp cận nhà đầu tư để gọi vốn thành công
Đức Thọ - 19/11/2022 08:06
 
Nhiều start-up tuy có mô hình kinh doanh độc đáo, khả thi, nhưng lại không biết làm cách nào để tiếp cận nhà đầu tư; hoặc tiếp cận được, nhưng lại không thể gây ấn tượng.

Các nhà sáng lập có thể tham khảo một số kinh nghiệm để tăng khả năng tiếp cận nhà đầu tư và gọi vốn thành công.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia về khởi nghiệp, start-up có thể tăng khả năng tiếp cận nhà đầu tư thông qua một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp cận nhà đầu tư thông qua lời giới thiệu. Thông thường, trừ những dự án nổi bật, có nhiều nhà đầu tư cùng săn đuổi, còn lại, hầu hết các dự án được nhà đầu tư rót vốn đều nhờ sự giới thiệu từ cá nhân/tổ chức uy tín. Thông qua giới thiệu, nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian tìm hiểu về start-up và hạn chế rủi ro, trong khi start-up cũng dễ có được cuộc gặp gỡ đầu tiên hơn.

Thứ hai, tiếp cận thông qua cách truyền thống. Nếu không có mối quan hệ quen biết, tỷ lệ thành công của start-up khi tiếp cận nhà đầu sẽ thấp hơn, nhưng start-up vẫn có thể tiếp cận theo cách truyền thống và tự tin trình bày mô hình của mình với nhà đầu tư. Để làm được điều này, nhà sáng lập nên tích cực tham gia các sự kiện cộng đồng có tính chất kết nối, các buổi tọa đàm, cuộc thi về kinh doanh, khởi nghiệp… Đó là cách tốt để đội ngũ sáng lập học hỏi kinh nghiệm và tìm cách tiếp cận nhà đầu tư phù hợp.

Thứ ba, tạo ấn tượng với các nhà đầu tư. Ở giai đoạn gặp gỡ đầu tiên, nhà sáng lập thường chỉ có từ 30 giây đến 2 phút để giới thiệu nhanh về dự án và gây ấn tượng với đại diện nhà đầu tư. Vì vậy, nhà sáng lập nên luyện tập trước đó nhiều lần để có thể thuyết trình trôi chảy, chuẩn bị sẵn một số câu trả lời nếu nhà đầu tư muốn tìm hiểu thêm. Kinh nghiệm cho thấy, các quỹ đầu tư thường hỏi

start-up những vấn đề tương tự nhau, nên nhà sáng lập có thể tìm hiểu, tham khảo mẫu câu hỏi để trả lời đúng trọng tâm, tránh bị động, lúng túng.

Thứ tư, luôn gặp nhà đầu tư với người đồng sáng lập hoặc cố vấn của mình để có được sự hỗ trợ, cùng thuyết phục nhà đầu tư tốt hơn; đừng đi một mình nếu bạn chưa đủ giỏi, chưa đủ tự tin.

Ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc điều hành Quỹ Lotte Ventures tại Việt Nam chia sẻ, một thương vụ đầu tư thường kéo dài 6 - 12 tháng. Trong đó, phần nhiều thời gian tập trung vào giai đoạn nhà sáng lập chứng minh mô hình của mình có tiềm năng thế nào, mang lại giá trị gì và tạo ấn tượng với nhà đầu tư. Sau đó, khoảng thời gian để kiểm chứng các con số, đánh giá thị trường diễn ra nhanh hơn nhiều.

Vì vậy, để rút ngắn thời gian ở bước đầu tiên, gây ấn tượng giữa hàng trăm start-up đang “vây quanh” nhà đầu tư, ông Huy gợi ý một cách làm khá đơn giản, đó là start-up nên gửi email cho nhà đầu tư 2 tuần một lần để cập nhật thông tin. Dù không chắc có gọi được vốn hay không, nhưng việc này giúp nhà đầu tư biết start-up đang phát triển như thế nào, đồng thời đánh giá cao độ quyết tâm của nhà sáng lập. Động thái gửi email này cũng cho thấy, nhà sáng lập đang rất muốn chinh phục nhà đầu tư...

Ngoài ra, đại diện Lotte Ventures khuyên nhà sáng lập nên cố gắng tìm cách để nhà đầu tư có thể gặp gỡ toàn bộ thành viên trong start-up, hoặc mời nhà đầu tư đến văn phòng, xưởng sản xuất… Khi có cơ hội trao đổi trực tiếp với những người còn lại trong nhóm cũng như các nhân viên, nhà đầu tư sẽ thấy tự tin hơn trong việc ra quyết định.

“Bằng cách này, khoảng thời gian 6 - 12 tháng sẽ được rút ngắn hơn. Còn nếu quá 12 tháng, hai bên không chốt được thương vụ đầu tư, thì khả năng cao là không thành công”, ông Huy nói.           

Bốn chiến lược tuyển dụng start-up không nên bỏ qua
Bên cạnh việc gọi vốn, phát triển sản phẩm, tìm kiếm khách hàng…, thì vấn đề tìm kiếm nhân sự phù hợp cũng là bài toán đau đầu với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư