Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tiêm vắc-xin vẫn là chìa khóa chống dịch
D.Ngân - 04/12/2021 19:50
 
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin nhất là khi biến chủng mới đang có xu hướng lan nhanh.

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn trực tuyến về an toàn tiêm chủng ngày 4/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tiếp tục khẳng định tiêm vắc-xin đóng vai trò then chốt trong ngăn ngừa dịch bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin nhất là khi biến chủng mới đang có xu hướng lan nhanh.

Để đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn tiêm chủng, từ khi chuẩn bị tiếp nhận những lô vắc-xin đầu tiên tới nay, Bộ Y tế và ngành Y tế liên tục tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn an toàn tiêm chủng cho toàn tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về vắc-xin, cấp cứu, hồi sức, tim mạch.

Từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế có 5 lần cập nhật, sửa đổi hướng dẫn sàng lọc trước tiêm, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, khi có sự cố trong tiêm chủng xảy ra ở bất kỳ cấp độ nào, hội đồng chuyên môn y tế các cấp đã họp, đánh giá, đưa ra những kết luận kịp thời.

Nhắc lại những tai biến tiêm chủng xảy ra gần đây như 4 công nhân ở Thanh Hoá hay 3 trẻ em ở Hà Nội, Bắc Giang và Bình Phước tử vong sau tiêm vắc-xin Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, bên cạnh việc phân tích các nguyên nhân dẫn tới sốc phản vệ và các biện pháp cấp cứu tại các cơ sở tiêm chủng, các đơn vị y tế củng cố kiến thức, tăng cường năng lực, tổ chức hệ thống cấp cứu, xử trí để tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Cũng về việc tiêm vắc-xin cho trẻ, trước việc một số học sinh bị phản ứng sau tiêm vắc-xin Pfizer phải nhập viện, các chuyên gia y tế cho biết, trẻ 12-17 tuổi cần được theo dõi chặt chẽ hơn người lớn khi tiêm chủng.

TS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, 12-17 tuổi là lứa tuổi có những xáo trộn về tâm sinh lí, hormone có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của buổi tiêm, trong đó yếu tố tâm lí tác động lớn đến phản ứng của cơ thể với vắc-xin. 

Do đó, các hướng dẫn liên quan tới tiêm chủng trẻ em đều cho phép cha mẹ, người giám hộ có mặt trong buổi tiêm để hỗ trợ tốt nhất, trấn an tâm lý của trẻ.

PGS.TS.Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau tiêm, các bậc phụ huynh cần giám sát chặt chẽ các biểu hiện của con trẻ trong 3 - 5 ngày đầu.

Chuyên gia cũng cho hay, vắc-xin là một kháng nguyên, khi đi vào cơ thể gặp hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra đáp ứng miễn dịch, từ đó gây các biểu hiện sốt và giãn mạch. 

Trong đó, sốt có thể thấy ngay được, thường có các biểu hiện đi kèm như đau người, ớn lạnh.

Trong trường hợp này, có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau như paracetamol. Với tình trạng sốt cao, trên 38,5 độ C, uống thuốc hạ sốt nhưng đáp ứng kém trong 4 - 6 tiếng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. 

Ngoài ra, nếu trẻ sốt đồng thời xuất hiện một số triệu chứng như đánh trống ngực, mệt mỏi, cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay. 

Trước thông tin tiêm vắc-xin Covid-19 có nguy cơ gây vô sinh khiến nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng, TS.Điển cho hay, virus xuất hiện mới được 2 năm, vắc-xin cũng mới được tiêm hơn một năm, vắc-xin trên trẻ em cũng chỉ mới được triển khai tiêm bắt đầu mùa hè. 

Những dữ liệu ban đầu cho thấy chưa có ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, sức khỏe sinh sản. Các kết quả này là tương tự với vắc-xin Pfizer. Với vắc-xin Pfizer, phản ứng phụ phổ biến là đau tại vị trí tiêm, đau người, ớn lạnh hoặc sốt kèm theo. Dữ liệu về phản ứng nặng hơn như phản vệ có ghi nhận song rất ít.

Thông tin về phản ứng phụ sau tiêm vắc-xin Covid-19 ở trẻ nhỏ, ông Điển cho biết, hiện không có báo cáo liên quan đến tử vong với tất cả trường hợp viêm cơ tim sau tiêm vắc-xin Covid-19. 

“Các gia đình không nên lo lắng vì trong quá trình tiêm, trẻ cũng sẽ được theo dõi cẩn thận, xử lí kịp thời nếu có tình huống phát sinh”, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nêu.

Nói về trọng tâm chống dịch tại Việt Nam hiện nay, TS.Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho hay, 5 công cụ hiệu quả để kiểm soát dịch Covid-19 gồm: Vắc-xin; các biện pháp y tế công cộng- xã hội (như 5K của Việt Nam); quản lý ca bệnh, quy trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân; giám sát và kiểm soát đường biên giới.

Trong số các công cụ này, bao phủ vắc-xin ở các quần thể dân số phù hợp được coi là biện pháp có thể tạo ra sự thay đổi toàn bộ cục diện. Cùng với các biện pháp 5K (như ở Việt Nam), đây là biện pháp hiệu quả nhất cứu sống con người trong đại dịch.

Tuy nhiên, theo Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, hiện số ca mắc Covid-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của biến thể mới như Omicron, khiến chúng ta lo lắng hơn. "Vắc-xin là công cụ quan trọng nhất để vượt qua sự lo lắng này", TS.Kidong Park nêu quan điểm.

Tiêm vắc-xin vẫn là cần thiết để ứng phó với biến thể Omicron
Các chuyên gia y tế lo ngại nếu biến thể mới Omicron lây lan nhanh, vắc-xin không còn tác dụng, nhiều người nhiễm sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư