Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiền ảo rung lắc, có nguy cơ bị đè bẹp bởi tiền số pháp định
Hà Tâm - 11/12/2020 08:39
 
Thị trường tiền ảo giữa tuần qua có những phiên rực lửa.

Sự hồi phục của vàng, xu hướng thử nghiệm tiền số pháp định của các quốc gia cùng các chính sách kiểm soát chặt tiền ảo đang là những tin tức bi quan cho kênh đầu tư này.

Bitcoin sụt giảm khiến toàn bộ thị trường tiền ảo chao đảo, giá trị vốn hóa bay mất hàng trăm tỷ USD. Ảnh: Shutterstock
Bitcoin sụt giảm khiến toàn bộ thị trường tiền ảo chao đảo, giá trị vốn hóa bay mất hàng trăm tỷ USD. Ảnh: Shutterstock

Thị trường tiền ảo bay hàng chục tỷ USD, nhà đầu tư lo bong bóng vỡ

Giữa tuần qua, giá Bitcoin (BTC) trên thị trường tiền ảo về dưới 18.000 USD/BTC, giảm khoảng 10% so với mức giá thiết lập đầu tháng này. BTC sụt giảm khiến toàn bộ thị trường tiền ảo chao đảo, giá trị vốn hóa bay mất hàng trăm tỷ USD so với đầu tháng. Nhiều nhà đầu tư lo ngại, bong bóng BTC đang vỡ dần, trước mắt sẽ lùi về quanh 16.200 USD/BTC trước khi xu thế tăng giảm được xác lập rõ.

Giá vàng tăng trở lại chạm mốc 1.867 USD/oz giữa tuần này và có thể tăng tiếp đang tác động tiêu cực tới BTC và các loại tiền ảo khác. Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia cho rằng, giá vàng sẽ sớm tăng trở lại mức 1.900 - 2.000 USD trong cuối năm nay hoặc đầu năm sau do làn sóng bơm tiền kích thích kinh tế phục hồi của các quốc gia vẫn sẽ tăng mạnh.

Bên cạnh đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích cho rằng, xu hướng các quốc gia phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương cũng gây tiêu cực tới thị trường tiền ảo.

Thụy Điển là nước đầu tiên trên thế giới thí điểm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương với dự án đồng e-krona. Đi sau, song Trung Quốc lại khiến cả thế giới chú ý với quy mô thử nghiệm nhân dân tệ kỹ thuật số lên tới 1,1 tỷ CNY. Mục tiêu của nước này là phát hành nhân dân tệ kỹ thuật số trước Thế vận hội mùa đông vào năm 2022. Mới đây, Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ thử nghiệm tiền kỹ thuật số vào năm 2021.

Theo bà Lynn Hoàng, Giám đốc Binance Việt Nam, Blockchain sẽ là xu hướng tương lai. Tương lai của Blockchain sẽ nghiêng về tiền điện tử phát hành bởi ngân hàng trung ương.

“Tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành được truyền cảm hứng bởi BTC, nhưng sẽ không phải là tiền kỹ thuật số thông thường, mà sẽ được kiểm soát bởi Chính phủ. Chính phủ Trung Quốc, Thụy Điển, Uruguay đã bắt đầu thử nghiệm loại tiền này từ năm nay và các chính phủ khác cũng xúc tiến những nghiên cứu mới”, bà Lynn Hoang cho biết.

Hiện Mỹ và EU vẫn chưa công bố về kế hoạch phát hành tiền điện tử của ngân hàng trung ương, song đều cho biết đang nghiên cứu về tiền điện tử. Tại phiên họp của các quan chức tài chính G7 ngày 7/12, các quốc gia thuộc G7 đã thống nhất ủng hộ mạnh chiến lược tăng cường kiểm soát các đồng tiền kỹ thuật số để tránh các bất ổn tài chính. Song ông Phan Dũng Khánh cho rằng, không loại trừ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phát hành USD điện tử.    

Theo phân tích của các chuyên gia, tiền kỹ thuật số pháp định và tiền ảo có giá trị khác nhau, một bên dùng để thanh toán, một bên có ý nghĩa đầu cơ, đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, một khi các quốc gia tăng cường phát hành tiền kỹ thuật số pháp định, tiền ảo sẽ ngày càng mất đi ý nghĩa. Hơn nữa, các quốc gia sẽ kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động đầu tư vào tiền ảo.

Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc

Mặc dù thống nhất phải kiểm soát chặt chẽ tiền ảo (như BTC) và tiền kỹ thuật số của các công ty tư nhân (ví dụ đồng Diem của Facebook), song nhiều quốc gia cũng thừa nhận, tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ là xu thế khó tránh trong tương lai.

Tiếp tục nghiên cứu về tiền kỹ thuật số pháp định

Sự xuất hiện của tiền kỹ thuật số pháp định có thể giúp tăng độ truyền dẫn của chính sách tiền tệ đến thị trường tài chính và nền kinh tế. Tuy nhiên, cần chú ý tới vai trò không thể thay thế của hệ thống ngân hàng thương mại. Số lượng các nghiên cứu về tiền kỹ thuật số pháp định đang ngày một tăng lên và có chiều sâu hơn, song đây là chủ đề mới và chưa được áp dụng vào thực tế tại bất cứ quốc gia nào. Vì vậy, các quốc gia đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ còn phải dõi theo hành động của các quốc gia phát triển đối với tiền kỹ thuật số pháp định để tiếp tục nghiên cứu về loại tiền này.

ThS. Nguyễn Thanh Tùng, Vụ Chính sách tiền tệ (ngân hàng Nhà nước)

Hiện nay, ngân hàng trung ương các quốc gia đua nhau in tiền, nhưng nền kinh tế vẫn trì trệ, tiền vật lý ngày càng bộc lộ điểm yếu. Các ngân hàng trung ương cũng nhận ra điều này, nên đã và đang xây dựng các kế hoạch tài chính mới như nghiên cứu phát hành tiền kỹ thuật số pháp định.

“Thực tế, hệ sinh thái của tài chính phi tập trung (DeFi) đã tăng gần 20 lần trong hai năm qua. Nếu khắc phục được một số nhược điểm hiện nay, DeFi sẽ bùng nổ. Tôi cho rằng, năm 2020 có thể là năm bắt đầu kỷ nguyên mới của nền kinh tế thế giới với sự mở rộng của DeFi và các công nghệ ứng dụng từ nó”, ông Khánh nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, trong tương lai gần, có khả năng các đồng tiền kỹ thuật số pháp định sẽ được sử dụng trong giao dịch “bán buôn”, giao dịch liên ngân hàng cho đến khi có khung khổ pháp lý và cơ sở hạ tầng thích hợp. Tương lai của tiền kỹ thuật số pháp định là rất sáng sủa khiến các quốc gia - trong đó có Việt Nam - không thể đứng ngoài.

Một khi các đối tác muốn thanh toán bằng tiền kỹ thuật số, Việt Nam sẽ cần có một cơ sở pháp lý cho phép chấp nhận. Về lâu dài, nếu thói quen thanh toán bằng tiền kỹ thuật số pháp định lan rộng, Việt Nam cũng phải có một đồng tiền số của mình nếu không muốn tụt hậu. Việc đưa ra khung khổ pháp lý về tiền ảo, tiền kỹ thuật số pháp định cũng sẽ đẩy lùi nạn lừa đảo liên quan đến tiền ảo.

Thị trường tiền ảo rực lửa: Bong bóng Bitcoin đang vỡ như năm 2017?
Sáng 27/11, thị trường tiền ảo có phiên giao dịch rực lửa. Bitcoin sau tăng gần mức giá lịch sử - trên 19.000 USD/BTC - đã cắm đầu lao dốc khiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư