Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiền Giang tạo đà tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu nhiệm kỳ mới
Huy Tự - 23/12/2020 09:51
 
Tiền Giang đang tích cực mời gọi đầu tư, huy động nguồn lực, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Nhiều doanh nghiệp chọn Khu công nghiệp Long Giang (tỉnh Tiền Giang) làm “bến đỗ” mới.
Nhiều doanh nghiệp chọn Khu công nghiệp Long Giang (tỉnh Tiền Giang) làm “bến đỗ” mới.

Thu hút đầu tư hiệu quả

Với vị trí “cửa ngõ” của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kết nối với TP.HCM và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiền Giang là điểm đến đầu tư lý trưởng trong khu vực. Tỉnh nằm trên các trục giao thông quan trọng (Quốc lộ 1A, 50, 60, 30), đặc biệt, đường cao tốc từ TP.HCM đến Trung Lương - Mỹ Thuận sắp được thông tuyến và trong tương lai là tuyến đường sắt TP.HCM - Trung Lương.

Bên cạnh đó, 2 dự án cầu lớn trên địa bàn Tiền Giang (Mỹ Thuận 2 và Rạch Miễu 2) đang triển khai, việc nâng cấp Quốc lộ 50 và tuyến Kênh Chợ Gạo (trục đường thủy huyết mạch của miền Tây về TP.HCM) cũng đã hoàn thành cơ bản…, tạo điều kiện kết nối giao thông, giao thương hàng hóa.

Năm 2020, kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình hạn mặn ảnh hưởng lớn tới đời sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục ổn định, có những điểm sáng trong phát triển, nhất là về thương mại, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư, thành lập mới doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 1,5%; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành đạt 101.728 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 57,4 triệu đồng (tăng 2,1 triệu đồng so với năm 2019; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 36.740 tỷ đồng (tăng 11,4% so năm 2019). Trên địa bàn tỉnh có 750 doanh nghiệp mới được thành lập (tăng 12% so với năm 2019) với tổng vốn đăng ký 6.000 tỷ đồng. Hiện Tiền Giang có 6.279 doanh nghiệp, vượt mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra; duy trì kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD và sớm về đích giải ngân vốn đầu tư công.

Đặc biệt, năm 2020, Tiền Giang ghi dấu ấn trong cải thiện môi trường đầu tư và kết quả thu hút đầu tư vào những lĩnh vực mà địa phương có tiềm năng, thế mạnh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, với thế mạnh là địa phương dẫn đầu về sản lượng nông sản, trái cây của ĐBSCL, tỉnh tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến; các mô hình kinh tế hiệu quả, áp dụng công nghệ cao; các dự án chế biến nông sản, nhất là trái cây, để góp phần ổn định đầu ra và nâng cao giá trị của nông sản. 

Các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh trong năm qua cũng phát triển khả quan nhờ hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án trong KCN, 3 dự án trong CCN với tổng vốn đầu tư cấp mới là 96,8 triệu USD và 564,7 tỷ đồng. Bên cạnh 9 CCN đang triển khai, Tiền Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 KCN với tổng diện tích đất quy hoạch 2.083,5 ha. Trong đó, có 4 KCN (Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang và Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp) đang hoạt động, thu hút 107 dự án (76 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư trên 2,3 tỷ USD và 5.080 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 88.000 lao động.

Các khu, điểm du lịch trong tỉnh tạo được bước phát triển mạnh, thu hút nhiều lượt khách đến Tiền Giang. Tỉnh đã lập quy hoạch Khu di tích quốc gia đặc biệt Rạch Gầm - Xoài Mút gắn với bảo tồn và phát triển du lịch. Bên cạnh Khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn, một số dự án phát triển du lịch đang được đầu tư, như: Dự án Cảng du thuyền (TP. Mỹ Tho), vốn đầu tư 665 tỷ đồng; các Khách sạn Lạc Hồng, Central Plaza Mỹ Tho, Moon River Hotel tại TP. Mỹ Tho. Ngoài ra, Dự án Khu đón tiếp đường bộ cù lao Thới Sơn đang điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Dự án Khu du lịch - Nhà hàng - Khách sạn MeKong Paradise đã được phê duyệt kết quả đấu giá; Dự án Công viên Trái cây Cái Bè gắn với Chợ nổi Cái Bè giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 được triển khai.

Theo Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, năm 2020, tỉnh thu hút được 37 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 17.779 tỷ đồng, tăng 33,4% so với năm 2019; tổng vốn đầu đăng ký mới và vốn tăng thêm đạt 18.889 tỷ đồng. Trong đó, điển hình là một số dự án lớn, như: Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1, vốn đầu tư 4.464 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 2, vốn đầu tư 2.242 tỷ đồng; Dự án Bến cảng - Tổng kho xăng dầu - Khí hóa lỏng và các sản phẩm sau dầu mỏ DKC Tiền Giang, vốn đầu tư 3.646 tỷ đồng...

Tập trung phát triển kinh tế theo hướng chất lượng và hiệu quả

Để phát triển xứng tầm với vị thế cửa ngõ quan trọng của vùng ĐBSCL, Tiền Giang tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được, huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh... Tỉnh đã đề ra 8 nhóm giải pháp chính để tập trung triển khai trong năm 2021, tạo đà tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu nhiệm kỳ mới.

Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm mục tiêu cùng với cả nước tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững, nhất là thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Tỉnh sẽ tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho ngân sách.

Hai là, khẩn trương lập Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch và hướng nâng cao chất lượng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, gia tăng năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu hội nhập. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực mới cho phát triển, đẩy mạnh triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; thu hút đầu tư phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, phát triển khu dân cư, khu đô thị mới; tập trung khai thác, phát triển hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 qua địa bàn tỉnh; quản lý đầu tư đồng bộ theo tuyến, theo cụm, đồng thời liên kết với các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, ĐBSCL, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL và ký kết hợp tác với TP.HCM, Long An…

Ba là, phát triển kinh tế đi liền với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Bốn là, phát huy nguồn lực, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm là, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục kiểm tra rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các chính sách, pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương.

Sáu là, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp nâng cao các chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); nâng cao hiệu quả hoạt động của Đề án thí điểm Chính quyền số tỉnh Tiền Giang tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Bảy là, tăng cường công tác quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tám là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến thông tin, tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đang đàm phán và sẽ ký kết đến các doanh nghiệp, địa phương để chủ động khai thác có hiệu quả những cơ hội do các hiệp định mang lại và giảm thiểu những tác động bất lợi.

Tiền Giang phấn đấu thu hút 41 dự án mới trong năm 2021

Năm 2021, Tiền Giang phấn đấu thu hút 41 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22.268 tỷ đồng (gồm 29 dự án trong nước, vốn đầu tư khoảng 20.568 tỷ đồng; 12 dự án nước ngoài, vốn đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng); cùng 9 dự án đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm khoảng 900 tỷ đồng. Tính chung, tổng vốn đầu tư thu hút năm 2021 của tỉnh phấn đấu đạt 23.168 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2020.

Một số dự án lớn của tỉnh: Dự án Khu dân cư trung tâm hành chính huyện Cai Lậy, vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Bình Đông, vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị mới Mỹ Khánh, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; Dự án đường Nguyễn Công Bình nối dài và khu dân cư hai bên đường, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Tiền Giang - điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công
Trong bối cảnh khó khăn chung do Covid-19, tỉnh Tiền Giang đã chủ động đề ra các giải pháp để vượt qua thách thức, đưa kinh tế - xã hội của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư