Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, tiền ảo nở rộ tại Việt Nam: Chưa có “giấy khai sinh”
Hữu Tuấn - 07/08/2021 10:12
 
Tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, tiền ảo đang nở rộ tại Việt Nam, nhưng chưa được pháp luật công nhận, chưa có hành lang pháp lý bảo hộ.
Tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, chưa có hành lang pháp lý bảo hộ.

Vốn hóa hàng tỷ USD tiền mã hóa

Dự án Axie Infinity phát triển theo công nghệ NFT (Non-Fungible Tokens) chạy trên nền tảng blockchain của Công ty Sky Mavis, do Nguyễn Thành Trung phát triển đang cán mốc 3 tỷ USD với 600.000 người chơi mỗi ngày. Đồng AXS do Axie Infinity phát hành đang được giao dịch trên nhiều sàn giao dịch tiền điện tử lớn như Binance. Đây được coi là dự án game gắn với tiền mã hóa có giá trị lớn nhất Việt Nam hiện tại.

Cùng với dự án này, Dự án Coin98, do Lê Thanh và Nguyễn Thế Vinh phát triển năm 2017, với các sản phẩm gồm sàn giao dịch phi tập trung Coin98 Exchange, ví Coin98 Wallet và hệ thống quản lý tài sản Coin98 Portfolio. Riêng đồng C98 đã bắt đầu giao dịch trên một số sàn tiền số, với giá hiện tại 1,4 USD/đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của C98 đạt 300 triệu USD.

Tiếp đến là TomoChain (TOMO) trình làng mạng lưới chính thức cho đồng tiền riêng (mã TOMO) vào năm 2018, sau đó được niêm yết trên nhiều sàn giao dịch như Binance, FTX, KuCoin... Hiện tại, giá của đồng tiền này là 2,75 USD/đồng, vốn hóa thị trường đạt 250 triệu USD.

Cùng với đó là Kyber Network (KNC) do Lưu Thế Lợi, Trần Huy Vũ và Yaron Velner phát triển được niêm yết trên nhiều sàn giao dịch với giá hiện tại là 1,46 USD/đồng, vốn hóa đạt gần 300 triệu USD…

Làn sóng công nghệ blockchain đang bùng nổ mạnh mẽ với ứng dụng nổi bật là tiền mã hóa đã lan về Việt Nam từ vài năm qua. Các dự án trên chủ yếu phát triển ở thị trường nước ngoài, những năm gần đây khi thị trường Coin, NFT sôi động, mới nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư Việt Nam. 

Theo ông Đinh Viết Hùng, Chủ tịch Quỹ đầu tư VIC Partners, nhà sáng lập JoomlArt, có nhiều lý do khiến đồng tiền mã hóa bùng nổ trong thời gian qua, nhưng quan trọng nhất là thị trường blockchain, NFT, Cripto có lượng tiền lớn đẩy vào, giúp nó phát triển rất nhanh.

“Thị trường tài chính phi tập trung đang đẩy một lượng tiền khổng lồ vào thị trường này, giúp phát triển nhanh hơn”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Thế Vinh, đồng sáng lập, CEO Coin98 Finance cho rằng, thị trường tiền số bùng nổ theo chu kỳ. Ví dụ, với tiền truyền thống, chu kỳ biến động thường diễn ra trong khoảng 10 năm, nhưng với tiền số, chu kỳ ngắn và nhanh hơn, khoảng 4 năm.

Còn ông Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập Axie Infinity - game NFT thì cho rằng, trong tương lai, công nghệ blockchain có thể thay đổi sâu sắc đến cách con người tiếp cận các dịch vụ số, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Nếu nhìn về chặng đường phát triển của tiền số, blockchain hay NFT, công nghệ này còn quá trẻ so với lĩnh vực tài chính ngân hàng. Suốt chặng đường hàng trăm năm, hệ thống ngân hàng, tài chính truyền thống đã phát triển nhiều bộ công cụ để duy trì sự minh bạch, rõ ràng của dòng tiền. Ngay từ khi khởi đầu, blockchain đã giải quyết được những vấn đề này, vì vậy, cần nhìn nhận công nghệ này là sự hỗ trợ tốt hơn cho xã hội, cần sự phối hợp thay vì hoài nghi hay chối từ.

“Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để bắt kịp, thậm chí là đi trước công nghệ của thế giới. Cá nhân tôi chọn blockchain để bắt đầu, cũng là để khẳng định Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với đội ngũ công nghệ quốc tế. Chúng ta sẽ không đứng ngoài cuộc chơi công nghệ này”, ông Trung khẳng định.

Vẫn tiềm ẩn rủi ro

Tiền số đang trở thành trào lưu đầu tư mới phi chính thức tại Việt Nam, tuy chưa được pháp luật công nhận, bảo hộ. Tại Việt Nam, hiện Nhà nước vẫn chưa công nhận bất cứ loại tiền số hoặc tiền ảo nào là đơn vị thanh toán hợp pháp. Đồng thời, việc kinh doanh, trao đổi tiền số cũng chưa có quy định trong hệ thống pháp luật và mới đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Do vậy, các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân, tổ chức tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro

“Việt Nam chưa công nhận tiền kỹ thuật số, chưa có các quy định về tiền ảo, nên nếu nhà đầu tư gặp rủi ro sẽ không được bảo vệ. Đấy là chưa kể những rủi ro kỹ thuật khác và dễ mất tiền như quên địa chỉ bí mật của ví điện tử, bị hacker xâm nhập…”, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận định.

Theo ông Đào Minh Tú,  Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bitcoin và các loại tiền số khác không phải đồng tiền pháp lệnh, nó là loại tài sản ảo, tiền ảo được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp. Nó không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam. Vì thế, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của chúng ta hiện nay là vi phạm pháp luật.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain trong giai đoạn 2021 - 2023. Hiện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng để làm rõ vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo.

Theo ông Phạm Toàn Thắng, nhà sáng lập dự án Cổng trời, trước khi đầu tư bất kỳ một dự án nào, người dùng nên xem xét kỹ giá trị công nghệ mà đồng tiền ảo đó mang lại. Sản phẩm đưa ra giải quyết được vấn đề gì của đời sống. Các đối thủ của họ đang giải quyết vấn đề đó như thế nào. Nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu kỹ về đội ngũ sáng lập để có thể an tâm nắm giữ các đồng coin. Đặc biệt, không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ, chia đều nhiều kênh khác nhau và xem đây là khoản tiết kiệm để chốt lời trong thời điểm phù hợp.
Thị trường tài chính tiền kỹ thuật số: Cuộc chiến CeFi và DeFi - (Bài 1) CeFi, DeFi và những rủi ro tiềm ẩn
Thị trường tài chính dựa trên thị trường tiền mã hóa đang dần hình thành, từ các định chế tài chính tập trung (CeFi - centralized finance) cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư