Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiếng thở dài… tăng giá
Tố Vương - 02/08/2013 06:45
 
Giá điện tăng quá bất ngờ, chẳng khác nào “đánh úp” người tiêu dùng. Hộ gia đình đã đành, còn hệ thống doanh nghiệp đang vật lộn trong khó khăn vì sức mua yếu, hàng tồn kho tăng cao, nay nhìn giá điện tăng mà muốn thở dài cũng...khó.

Điện đã chính thức tăng giá, bắt đầu từ hôm nay, thêm 71,85 đồng/kWh, tương ứng tăng 5% so với giá bán điện bình quân đang áp dụng là 1.437 đồng/kWh.

Giá gas cũng bắt đầu tăng thêm 8.000 đồng/bình 12 kg bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng 8/2013.

Tương tự như vậy, ngày hôm qua, cũng đã thêm một loạt công ty sữa công bố tăng giá thêm 5-20%, từ ngày 1/8.

Dồn dập các mặt hàng thiết yếu tăng giá vào ngày đầu tiên của tháng Tám, khi tiết thu Hà Nội còn chưa bắt đầu.

Và khi cái nắng, dù không oi ả như trưa hè tháng Bảy, nhưng đủ sức “rám trái bòng” bắt đầu khiến những giọt mồ hôi rơi mặn đắng, người dân bắt đầu thở dài. Bởi không biết, sau điện, gas, sữa…, sẽ còn bao nhiêu mặt hàng nữa tăng giá. Bao giờ chẳng thế, kéo theo giá xăng, giá điện, là đủ vòng xoay tăng giá.

Giá gas tháng 5/2013 tiếp tục giảm 17.000 đồng/bình 12k

Có nhiều lý lẽ để “ông điện” quyết định tăng giá. Là để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên, do giá than và giá khí đều tăng. Đặc biệt, giá than từ ngày 20/4/2013 đã tăng tới 37 - 41% tùy loại.

Gas tăng giá cũng là lẽ đương nhiên, bởi giá gas thế giới công bố tháng 8/2013 bình quân là 820 USD/tấn, tăng 27,5 USD/tấn so với tháng 7.

Còn giá sữa, chỉ là câu chuyện “đến hẹn lại lên”, chỉ có tăng mà không có giảm. Từ tháng 3 tới nay, các hãng sữa đã rục rịch điều chỉnh tăng giá và cứ tăng hết đợt này đến đợt khác. Tổng cộng cho đến trước thời điểm ngày 31/7, nhiều hãng sữa đã tăng giá lên tới 8-20%.

Thực ra, xét trên bình diện vĩ mô, chuyện tăng giá trong dịp này là… dễ hiểu, thậm chí đã được dự báo trước. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều “ông” sẽ nhân lúc lạm phát ở mức thấp (sau 7 tháng, chỉ ở mức 2,68%, gần như thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), mà tăng giá hàng hóa, dịch vụ của mình.

Và đó là thực tế.

Lạm phát đang thấp, dù có tăng giá thế nào, cũng không tác động nhiều tới kinh tế vĩ mô, ít bị “kêu” hơn. Nếu giá cả đang ở mức cao, lại “bồi” thêm việc tăng giá, chuyện dư luận ì xèo nhiều thế nào cũng có.

Đưa giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, như điện, nước… tiệm cận với giá thị trường là điều hiển nhiên phải làm. Nhưng vẫn không nén nổi một tiếng thở dài.

Giá điện tăng quá bất ngờ, chẳng khác nào “đánh úp” người tiêu dùng. Hộ gia đình đã đành, còn hệ thống doanh nghiệp đang vật lộn trong khó khăn vì sức mua yếu, hàng tồn kho tăng cao.

Giá điện tăng, chi phí sản xuất - kinh doanh ắt sẽ tăng, và trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khó có thể nói đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Người dân cũng vậy, thêm một khoản chi phí, có thể không quá lớn, nhưng cũng là “đánh” vào túi tiền đang rất eo hẹp.

Mà nào chỉ một giá điện tăng. Gas đã tăng. Sữa đã tăng. Sắp tới, sẽ là một loạt mặt hàng khác ăn theo. Là thực phẩm. Rau xanh. Là các mặt hàng thiết yếu khác…

Có thể cũng vì điều này mà sức mua của nền kinh tế, đang ở mức rất thấp - 7 tháng là 4,68% - sẽ còn thấp hơn nữa. Cầu suy giảm, sao có thể tạo động lực cho sản xuất - kinh doanh. Và như một vòng xoáy tất yếu, hệ lụy sẽ là tăng trưởng thấp, là thu nhập giảm, kéo theo sức mua lại tiếp tục giảm sút…

Chỉ nghĩ vậy, đã thấy lo và không nén được một tiếng thở dài…

Từ 1/8, giá gas tăng tiếp 8.000 đồng/bình
Tiếp nối đà tăng giá trong tháng 6 và tháng 7, giá gas tháng 8 sẽ tiếp tục tăng thêm 8.000 đồng/bình 12kg.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư