Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tiếp theo bài “Từ vụ bắt quả tang đến nghi án sản xuất phân bón giả”: Những khuất tất cần được làm rõ
Hữu Tuấn - Anh Trung - 28/09/2015 15:53
 
Trong khi cơ quan điều tra cho rằng, không đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì các cơ quan có liên quan đều cho rằng Thuận Phong sản xuất hàng giả…

Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 27-28/8/2015, Tổ công tác Liên ngành đã làm việc với Ban chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Đồng Nai về kết quả điều tra, xác minh các vi phạm của Công ty Thuận Phong.

Buổi làm việc có sự tham dự của Cơ quan cảnh sát điều tra (PC46, Công an tỉnh Đồng Nai), Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Thanh tra Bộ Quốc phòng – Thường trực ban chỉ đạo 1389 (Bộ Quốc phòng), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ khoa học và Công nghệ).

.

 

Chưa thể khởi tố vụ việc tại Thuận Phong

Tại buổi làm việc, PC46 Công an tỉnh Đồng Nai và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đều chung quan điểm “không đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự”.

Giải trình vấn đề này, theo PC46 Công an tỉnh Đồng Nai, từ khi tiếp nhận vụ việc, cơ  quan cảnh sát điều tra tập trung vào điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ, chứng cứ để chứng minh dấu hiệu tội phạm của 2 tội danh là kinh doanh trái phép và sản xuất, kinh doanh hàng giả. Tuy nhiên, sau gần 4 tháng điều tra, cơ quan điều tra xác định, không đủ căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Khiếu Mạnh Tường về tội kinh doanh trái phép.

Về việc không truy tố tội danh sản xuất và kinh doanh hàng giả, ông Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết: “Cơ quan giám định chỉ kết luận các mẫu có kết quả giám định không đạt, không đảm bảo chất lượng, không kết luận là hàng giả, do đó cơ quan cảnh sát điều tra không tiếp nhận vụ việc, phần việc thuộc thẩm quyền của Sở Công thương Đồng Nai”.

Đồng tình với báo cáo của cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, đối với các mẫu phân bón xuất xứ từ Mỹ thì kết quả đạt chất lượng so với công bố trên bao bì hàng hóa; việc Công ty Thuận Phong sang chiết lại các sản phầm từ bồn chứa, cũng như việc sử dụng các loại tem nhãn in tại Việt Nam được Công ty Bio Huma Netics cho phép; việc ghi thông tin Made in USA là đúng bản chất hàng hóa; việc không ghi nội dung thông tin nơi sang chiết, đóng gói tại Việt Nam chỉ vi phạm và xử phạt hành chính.

Cơ quan Cảnh sát điều tra PC46 tỉnh Đồng Nai xác định không đủ căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án
Cơ quan Cảnh sát điều tra PC46 tỉnh Đồng Nai xác định không đủ căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án

 

Tổ công tác Liên ngành: “Nhiều dấu hiệu làm hàng giả”

Trái ngược với quan điểm của PC46 tỉnh Đồng Nai và Viện Kiểm sát tỉnh Đồng Nai, Ban 389 tỉnh Đồng Nai cho rằng, Công ty Thuận Phong không ghi địa chỉ nơi sang chiết, đóng gói trên nhãn phụ, nhưng vẫn giữ nguyên “Made in USA” trên nhãn gốc là chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa, vì vậy có thể kết luận đây là hàng giả.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Được, Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng, Phó trưởng ban thường trực 1389 Bộ Quốc phòng cung cấp thêm thông tin, các giấy tờ của Công ty Bio Huma Netics cho phép Công ty Thuận Phong sang chiết phân bón chỉ được cung cấp sau khi đoàn đã tiến hành kiểm tra và các giấy tờ này cũng được ký sau ngày kiểm tra. Dấu hiệu này chứng tỏ, cách làm việc của Công ty Bio Huma Netics là khuất tất và các giấy tờ đó không có giá trị với cơ quan chức năng.

Ông Vũ Đại Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, sản phẩm của Thuận Phong dán đầy đủ nhãn gốc nhãn phụ khiến người tiêu dùng hiểu rằng, đây là hàng nhập khẩu nguyên chai. Do đó hành động Công ty tự in các loại nhãn, tem, bao bì và dán lên sản phẩm là hành vi giả mạo về nhãn, vì vậy nó là hàng giả.

“Toàn bộ tem, nhãn, bao bì, đóng gói đều ở Việt Nam, tại sao không ghi bằng tiếng Việt mà lại ghi bằng tiếng Anh và dán thêm nhãn phụ?”, ông Dương đặt câu hỏi và cho biết thêm, theo quy định pháp luật hiện hành, phân bón là sản phẩm hàng hóa nhóm 2, nhập khẩu phải có chứng nhận hợp quy, nhưng không hiểu bằng cách nào mà Công ty Thuận Phong nhập khẩu phân bón về Việt Nam khi chưa được chứng nhận hợp quy? Đây là cơ sở quan trọng của hồ sơ gốc nhập khẩu phân bón từ Mỹ để sau này có thể so sánh chất lượng công bố.

Cần phải nói thêm rằng, vào tháng 8/2014, do hành vi sản xuất phân bón giả có giá trị tương đương hơn 7,2 triệu đồng, Công ty Thuận Phong do ông Khiếu Mạnh Tường làm Tổng giám đốc đã từng bị UBND tỉnh An Giang ra quyết định xử phạt, với số tiền 45 triệu đồng.

Đề nghị chuyển hồ sơ lên Bộ Công an

Tại cuộc họp ngày 28/8/2015, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai nhận định, kết quả điều tra ban đầu cho thấy hoạt động của Công ty Thuận Phong có dấu hiệu của phạm tội hình sự. Theo ông Khánh, quá trình kiểm tra cho thấy nhiều dấu hiệu khuất tất trong quá trình sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong.

“Nếu không có sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón thì tại sao khi đoàn kiểm tra vào làm việc và lập biên bản lại có chuyện nhân viên của Công ty tiêu hủy số nhãn mác sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm của Công ty Thuận Phong là nhập khẩu, nhưng nhãn mác lại được in ấn ngay tại TP. Biên Hòa. Trong khi đó, tại thời điểm đoàn kiểm tra vào làm việc, phía Công ty Thuận Phong không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến sản phẩm. Anh là nhà sản xuất thì giấy tờ pháp lý về sản phẩm phải luôn để kè kè bên mình chứ”, Thiếu tướng Khánh phân tích.

Ông Khánh cũng cho rằng, hàng hóa của Thuận Phong được nhập khẩu từ tháng 8/2014, nhưng Công ty này đã bán sản phẩm từ tháng 1/2014, vậy khoảng thời gian đó công ty này đã bán gì, Cơ quan điều tra cần phải làm rõ. Bên cạnh đó, theo ông Khánh, một vấn đề mà Cơ quan điều tra cũng đã “bỏ qua” khi điều tra là tiền sử sản xuất hàng giả của Thuận Phong.

“Mặc dù thời hạn để áp dụng vào việc xử lý đối với hành vi của Công ty đã hết, nhưng đây là những cứ liệu rất quan trọng để cơ quan điều tra xem xét củng cố hồ sơ trước khi ra quyết định xử lý đối với sai phạm của Công ty Thuận Phong”, ông Khánh nhận xét. 

Trong đơn khiếu nại gửi Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam đều khẳng định, Thuận Phong trá hình núp bóng trong đất thuê của quân đội, để sang chiết và sản xuất phân bón giả “đội lốt” Mỹ. Việc sản xuất hàng giả đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến người nông dân, Hiệp hội đề nghị vụ việc cần phải được điều tra và xử lý nghiêm túc.

Trong một diễn biến mới nhất, Tổ Công tác liên ngành (gồm Ban 389, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đề xuất: Do vụ án có nhiều yếu tố phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, cá nhân và có yếu tố nước ngoài, để có thể xử lý đúng người, đúng tội, đề nghị Công an tỉnh Đồng Nai chuyển hồ sơ vụ việc lên Bộ Công an để giải quyết dứt điểm.

Báo Đầu tư sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc trong các bài viết tiếp theo.

Hiệp hội Phân bón lo phân bón nhập khẩu bị làm khó
Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy đã đề nghị Chính phủ nên sửa đổi hoặc không áp dụng Thông tư 35/2014/TT-BCT (Thông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư