Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ hơn
Quang Hà - 28/11/2014 17:13
 
Tại phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII, chiều nay (28/11), Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Có 459/460 đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường thông qua.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tái cơ cấu kinh tế: “Thuốc bắt đầu ngấm”
Tái cơ cấu kinh tế: Không ai tự chặt chân mình
Tái cơ cấu kinh tế cần thước đo và lộ trình cụ thể
  Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc  
  Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc  

Nghị quyết số NQ/QH13 tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng nhấn mạnh: Hơn 3 năm qua, việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã mang lại kết quả bước đầu, khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu nền kinh tế là đúng đắn và kịp thời.

Trình bày trước Quốc hội toàn văn nghị quyết trước khi thông qua, Ủy viên Đoàn thư ký kỳ họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho biết: Việc xây dựng đề án tái cơ cấu và hệ thống văn bản pháp luật đã nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, tạo cơ sở quan trọng cho việc tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu, phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ được bố trí tập trung cho các dự án quan trọng, cấp bách và các dự án đang thi công dở dang có hiệu quả.

Huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, khu vực vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án khu vực đầu tư công nhiều hơn ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông. Các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được sắp xếp, chấn chỉnh, đổi mới, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Việc cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính có chuyển biến tích cực trong năm 2014.

Các tổ chức tín dụng cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống. Xử lý nợ xấu ngân hàng thương mại đạt được kết quả bước đầu. Kết quả tái cơ cấu 3 lĩnh vực trong tâm đã tác động toàn diện tới kinh tế xã hội, tăng trưởng, tạo việc làm, giảm số lượng hộ nghèo, tăng thu nhập. Tiềm lực khoa học công nghệ tiếp tục được tăng cường cả cơ sở vật chất và nhân lực.

Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu đã cho thấy rõ hơn thực trạng của nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng mới chưa thực sự định hình, chưa xác định được toàn diện mối quan hệ tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm và tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu, công nghiệp chế tạo phát triển chậm, công nghiệp lắp ráp còn chiếm tỷ trọng lớn. Chưa có giải pháp đột phá và đồng bộ để khai thác các lợi thế của sản xuất nông nghiệp. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cải thiện chậm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn thấp so với nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào khu vực công. Đầu tư vào ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại còn chưa đáp ứng nhu cầu.

Tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm, chưa có chuyển biến mang tính đột phá. Việc phân công, phân cấp, phân quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu nhà nước còn chồng chéo.

Quản trị doanh nghiệp còn chậm được đổi mới, một số giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu chưa mang lại hiệu quả, chưa phối hợp chặt chẽ với các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo trong tổ chức tín dụng còn chậm. Các hạn chế của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chủ yếu từ các nguyên nhân chủ quan, nhất là, các đề án tái cơ cấu chưa được lượng hóa bằng các chỉ tiêu cụ thể và triển khai một cách đồng bộ.

Việc phê duyệt đề án chậm so với yêu cầu. Vẫn còn bộ, ngành, địa phương đến nay vẫn chưa có đề án tái cơ cấu. Nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết triệt để, còn lúng túng. Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính gắn với tái cơ cấu nền kinh tế còn thiếu đồng bộ, chưa có đột phá mạnh mẽ…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, từ nay đến hết năm 2015, Chính phủ cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sau đây:

Tập trung thực hiện mục tiêu nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015, để đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Bổ sung, hoàn thiện đề án tái cơ cấu, trong đó lượng hóa nội dung mô hình tăng trưởng nêu rõ mục tiêu, lộ trình, phương thức phân bổ lại nguồn lực, huy động sự tham gia của xã hội, gắn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gắn tái cơ cấu nền kinh tế ngành và dịch vụ với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Hoàn thành công việc các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực của từng địa phương chậm nhất vào cuối quý II/2015. Tạo chuyển biến mạnh mẽ ngay từ năm 2015 trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Coi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ khoa học công nghệ cao là nhân tố quyết định để tăng năng suất lao động, phát triển thị trường lao động đồng bộ với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cân đối cung cầu lao động, chuyển dịch lao động hợp lý, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm…

Sắp xếp, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% trong tổng dư nợ. Tiếp tục hoàn thiện quy chế hoạt động của công ty quản lý tài sản tổ chức tín dụng. Khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh các quy định của pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm, phát triển thị trường mua – bán nợ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với tổ chức tín dụng, giám sát chặt chẽ vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo, xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro phát sinh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư