Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Tiết kiệm hơn 2.000 tỷ đồng nhờ đàm phán giá thuốc
D.Ngân - 27/10/2023 16:34
 
Theo đại diện Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng.

Tiết kiệm nhờ đấu thầu tập trung

Nhằm cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế, năm 2022, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia tổ chức đấu thầu đối với 106 danh mục thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia cung cấp cho giai đoạn 2022-2024 và đã phê duyệt kết quả được 86-88 thuốc trúng thầu (tùy theo vùng, miền Bắc, miền Trung và miền Nam).

Theo đại diện Trung tâm Đấu thầu thuốc quốc gia, nhờ đàm phán giá mà đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng.

Về hiệu quả kinh tế: Tổng giá trị trúng thầu là 6.455 tỷ đồng/Tổng giá kế hoạch của các danh mục trúng thầu là 7.873 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá trung bình đạt là 18,01% (tương đương với 1.418 tỷ đồng); Thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng kể từ ngày 1/9/2022 đến ngày 31/8/2024.

Năm 2023, Trung tâm tiến hành mời thầu lại đối với 19 danh mục thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu năm 2022 và đã lựa chọn được 13/19 mặt hàng trúng thầu.

Về hiệu quả kinh tế, tổng giá trị trúng thầu là 496 tỷ đồng/tổng giá kế hoạch của các danh mục trúng thầu là 535 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá đạt là 7,38% (tương đương với 39,5 tỷ đồng); thời gian thực hiện hợp đồng 12 tháng kể từ ngày 1/9/2023 đến ngày 31/8/2024.

Đối với mua sắm thuốc ARV trong năm 2023, Trung tâm cũng tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu và kết quả có 7/10 danh mục thuốc trúng thầu với thời gian thực hiện hợp đồng đến hết 31/12/2023 trong đó 4 mặt hàng thuốc có giá trúng thầu bằng giá kế hoạch, 3 mặt hàng thuốc có giá trúng thầu thấp hơn giá kế hoạch.

Cụ thể, so với giá kế hoạch của gói thầu giảm được hơn 0,107 tỷ đồng; như vậy so với giá kế hoạch thì giá trị trúng thầu của các thuốc tỷ lệ tiết kiệm đạt 0,08%.

Việc thực hiện mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp giảm giá thuốc, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, tiết kiệm thời gian, giảm đầu mối tổ chức đấu thầu, thay vì hàng nghìn hội đồng đấu thấu tại các cơ sở y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố.

Từ đó, giúp tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, tiết kiệm nhân lực, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tập trung vào công tác chuyên môn.

Đàm phán giá tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Đối với công tác đàm phán giá, năm 2022 và đầu năm 2023, Hội đồng đàm phán giá đã đàm phán thành công đối với 64 thuốc biệt dược gốc với tỷ lệ giảm giá trung bình đạt 14,23% so với giá trúng thầu tại các cơ sở y tế trước đó (tương đương 2.035 tỷ đồng), thời gian thực hiện thỏa thuận khung là 24 tháng (có hiệu lực đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025).

Các thuốc biệt dược gốc được Hội đồng tiến hành đàm phán giá thành công là các hoạt chất có giá trị sử dụng trên 100 tỷ đồng (chiếm khoảng 50% tổng giá trị sử dụng nguồn bảo hiểm y tế của 681 thuốc biệt dược gốc thuộc danh mục đàm phán giá).

Đàm phán giá thuốc là hình thức mua sắm thuốc biệt dược gốc hiệu quả, góp phần giảm giá thuốc biệt dược gốc (thường không thay đổi giá với các hình thức đấu thầu khác), giúp giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, giảm tình trạng thiếu thuốc và việc giảm giá cũng giúp tăng khả năng tiếp cận thuốc biệt dược gốc cho bệnh nhân Việt Nam.

Cũng trong năm 2022, Hội đồng đàm phán giá đã đàm phán thành công đối với 02 thuốc điều trị HIV/AIDS với tỷ lệ giảm giá đạt 11,91% so với giá trúng thầu trước đó (tương đương 69 tỷ đồng), hiệu lực thỏa thuận khung đến hết ngày 23/3/2024.

Việc thực hiện kết quả lựa chọn nhà thầu trong vòng 24 tháng và cơ chế điều tiết các thuốc trúng thầu theo hình thức đàm phán giá trên phạm vi cả nước cũng giúp cung cấp thuốc ổn định cho nhu cầu khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Trước một số thông tin cho rằng, việc các cơ sở y tế trên toàn quốc hiện nay thiếu thuốc một phần do nguyên nhân Trung tâm chậm có kết quả đấu thầu tập trung và đàm phán giá đại diện Trung tâm lý giải rằng, đấu thầu tập trung quốc gia phần lớn (88/106 thuốc) đã có kết quả từ ngày 3/8/2022 và có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/9/2022 đến hết ngày 31/8/2024.

Như vậy, kết quả đã được thực hiện hơn 1 năm và thời gian thực hiện còn gần 1 năm. Hơn nữa, Trung tâm chỉ tổ chức đấu thầu đối với các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 của 32 hoạt chất trong tổng số 1.226 hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu.

Vì vậy, phần lớn nhu cầu các thuốc phục vụ công tác điều trị được thực hiện bởi đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.

Đối với các thuốc đàm phán giá, đã có kết quả trúng thầu 64 thuốc biệt dược gốc được công bố 4 đợt và hiệu lực thực hiện thỏa thuận khung đợt 1 từ ngày 15/11/2022 đến ngày 14/11/2024, đợt 4 từ ngày 17/4/2023 đến ngày 16/4/2025.

Đàm phán giá là một hình thức đấu thầu có quy trình phức tạp, gặp rất nhiều khó khăn, không có quy định về thời gian phải công bố kết quả.

Đồng thời, số lượng thuốc thuộc danh mục được áp dụng hình thức đàm phán giá rất lớn gồm 701 thuốc nên Trung tâm xây dựng kế hoạch và lộ trình phù hợp với điều kiện về thời gian của Hội đồng Đàm phán giá và số lượng nhân lực của cán bộ thực hiện công tác đàm phán giá (đã tăng từ 4 thuốc năm 2021 lên 64 thuốc cho 1 đợt đàm phán vào năm 2022).

Trong thời gian chưa có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá được công bố, các cơ sở y tế được tổ chức đấu thầu đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị theo quy định tại Điều 18 Thông tư 15/2019/TT-BYT.

Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia luôn có văn bản thông báo về tiến độ công tác mua sắm tập trung và đề nghị các cơ sở y tế chủ động mua sắm thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.

Giải pháp nào cho tình trạng thiếu thuốc?

Được biết, tình hình sử dụng các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia đến nay tương đối thấp. Cụ thể, gói 1 (Miền Bắc): đạt 24,0 % (519,5 tỷ đồng/2.162,3 tỷ đồng); gói 2 (Miền Trung): đạt 18,6 % (233,1 tỷ đồng/ 1.256,4 tỷ đồng); gói 3 (Miền Nam): đạt 19,0 % (562,9 tỷ đồng/ 2.962,9 tỷ đồng).

Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở y tế có báo cáo lại do thời điểm dự trù thuốc diễn ra trước dịch Covid-19 nên việc sử dụng thuốc, mô hình bệnh tật, số lượng bệnh nhân cơ bản có sự thay đổi sau đại dịch.

Về các giải pháp mua sắm thuốc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, theo lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Trung tâm đã thực hiện giám sát trực tiếp tới các sở y tế để tìm hiểu nguyên nhân cũng như đôn đốc việc sử dụng tối thiểu 80% số lượng thuốc các cơ sở y tế đã cam kết khi dự trù.

Ngoài ra, khi giám sát Trung tâm đã tuyên truyền tới các cơ sở y tế về việc đảm bảo dự trù thuốc phù hợp với nhu cầu, không vượt quá lớn với nhu cầu thực tế.

Trong trường hợp các cơ sở y tế không sử dụng đúng tiến độ thuốc đã dự trù, Trung tâm, các sở y tế/đơn vị mua sắm tập trung thuốc đã thực hiện chức năng điều tiết thuốc tới các cơ sở có nhu cầu để kịp thời đảm bảo cung ứng thuốc, tỷ lệ sử dụng thuốc hiệu quả.

Trung tâm thường xuyên theo dõi thỏa thuận khung và hợp đồng để đôn đốc nhà thầu, cơ sở y tế thực hiện theo đúng tiến độ. Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện giám sát thường xuyên và đột xuất kho thuốc của các nhà thầu cung ứng, đảm bảo không để thiếu thuốc phục vụ kịp thời cho người bệnh

Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên nhắc nhở các cơ sở y tế sử dụng ít hoặc không sử dụng, đảm bảo sử dụng tối thiểu 80% khi hết hiệu lực thảo thuận khung.

Đối với các thuốc đàm phán giá: Các nhà thầu cung cấp thuốc trúng thầu đàm phán giá nhìn chung ổn định, hiếm gặp tình trạng gián đoạn cung ứng.

Nhà thầu thường chủ động có văn bản gửi Trung tâm cảnh báo khi có nguy cơ gián đoạn cung ứng chủ yếu do thuốc có sự thay đổi thông tin và chưa được Cục Quản lý Dược công bố tại danh mục thuốc biệt dược gốc.

Khi đó, Trung tâm luôn phối hợp gửi văn bản cho Cục Quản lý Dược đề nghị hỗ trợ, xem xét sớm công bố các thủ tục cần thiết để việc cung ứng thuốc của nhà thầu không bị gián đoạn.

Về tình hình sử dụng kết quả đàm phán giá của các cơ sở y tế: Với 64 thuốc đàm phán thành công năm 2022-2023, do hiệu quả của công tác đàm phán, có những biệt dược gốc giảm giá trên 30%, thậm chí 52%, về gần với giá của thuốc generic nhóm 1 nên cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc tăng lên.

Vì vậy, nhiều thuốc có tỷ lệ thực hiện theo tiến độ rất cao (trên 80%) chủ yếu là các thuốc thuộc nhóm kháng sinh (Meronem), tim mạch (Crestor), thuốc điều trị thiếu máu (Eprex 4000U) và một vài thuốc thuộc nhóm điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch (Glivec 100mg, Cellcept 250mg).

Thời gian tới, đối với công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Trung tâm đang trình Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc ARV cho các cơ sở y tế trên toàn quốc năm 2024-2025. Sau khi được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Trung tâm sẽ tiến hành các bước tiếp theo trong quy trình lựa chọn nhà thầu.

Đối với 50 thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Trung tâm đang tiến hành rà soát danh mục để tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho cơ sở y tế, dự kiến thời gian cung cấp thuốc cho cơ sở từ ngày 1/9/2024 đến ngày 31/8/2026.

Đối với công tác đàm phán giá: Ngày 26/10/2023, Trung tâm đã được Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp 02 thuốc điều trị HIV/AIDS thuộc danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá nguồn bảo hiểm y tế và các nguồn hợp pháp khác năm 2024-2025. Trung tâm hiện đang khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo theo quy định đối với gói thầu này.

Đối với các thuốc biệt dược gốc, Trung tâm đang hoàn thiện Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 86 thuốc, dự kiến trình Bộ Y tế phê duyệt trong tháng 11/2023.

Đồng thời cùng thời gian này, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia dự kiến sẽ tiến hành tổng hợp nhu cầu của các cơ sở y tế trên toàn quốc đối với 64 thuốc biệt dược gốc sẽ hết hiệu lực thỏa thuận khung vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Giảm 251,13 tỷ đồng từ đấu thầu thuốc tập trung quốc gia
Kết quả từ đấu thầu thuốc tập trung quốc gia do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thí điểm đã làm giảm 251,13 tỷ đồng so với giá thuốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư