
-
Bộ Y tế tạm dừng lưu thông lô thực phẩm bảo vệ sức khỏe APIROCA-B
-
Người trẻ loãng xương sớm do ăn uống thiếu chất và ít vận động
-
Kiện toàn Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao
-
Viêm não Nhật Bản: Nguy cơ và giải pháp từ vắc-xin hiện đại -
Tin mới y tế ngày 24/7: Vấn nạn lạm dụng bóng cười ở người trẻ
Vinmec tiên phong điều trị động kinh bằng Robot
Từ năm 2021, bé B.Q.K. (sinh năm 2016, Hà Nội) bắt đầu xuất hiện những cơn co giật bất thường. Chẩn đoán mắc động kinh khiến gia đình em rơi vào chuỗi ngày lo lắng, bất an.
![]() |
Các bác sỹ đang điều trị cho bệnh nhân. |
Chị C.L.V, mẹ bé chia sẻ, ban đầu con đáp ứng thuốc khá tốt, nhưng đến năm 2024, dù tăng liều và kết hợp nhiều loại thuốc, con vẫn lên cơn thường xuyên, có ngày hàng chục lần.
Các cơn co giật kéo dài không chỉ khiến bé có nguy cơ té ngã, chấn thương mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ. Dù đã điều trị ở nhiều nơi trong và ngoài nước, tình trạng của bé không cải thiện. Gần 5 năm ròng, gia đình không từ bỏ hy vọng, chỉ mong con có thể sống khỏe mạnh và có một giấc ngủ trọn vẹn.
Cánh tay Robot AutoGuide giúp bác sỹ đặt điện cực vào nội sọ được chính xác và nhanh chóng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 30% bệnh nhân động kinh không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, tình trạng gọi là động kinh kháng trị.
Trong những trường hợp này, phẫu thuật loại bỏ ổ động kinh là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc xác định chính xác vị trí tổn thương trong não lại vô cùng khó khăn, nhất là khi vùng bệnh nằm sâu hoặc lan rộng.
Trường hợp của bé K. là một ca phức tạp. Các kỹ thuật hiện có như điện não đồ da đầu, cộng hưởng từ (MRI) hay PET scan đều không phát hiện được ổ động kinh rõ ràng. Bệnh nhi đã sử dụng tối đa liều thuốc nhưng không thể kiểm soát bệnh.
Sau quá trình thăm khám, hội chẩn đa chuyên khoa và đánh giá toàn diện, các bác sỹ tại Vinmec Central Park đã quyết định ứng dụng kỹ thuật hiện đại nhất là đặt điện cực nội sọ dưới định vị của Robot AutoGuide - một công nghệ chưa từng được triển khai trước đây tại Việt Nam.
Theo ThS.Trương Văn Trí, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, để xác định chính xác ổ động kinh, các bác sỹ cần cấy điện cực sâu vào não và ghi điện não đồ nội sọ (SEEG) liên tục nhiều ngày. Đây là kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi độ chính xác gần như tuyệt đối để không làm tổn thương các cấu trúc thần kinh và mạch máu quan trọng.
Trong ca này, Robot AutoGuide đóng vai trò như một hệ thống dẫn đường thông minh, giúp bác sỹ định vị và đưa điện cực vào não bộ một cách chính xác, nhanh chóng, hạn chế tối đa xâm lấn.
Cánh tay robot được lập trình sẵn, đảm bảo điện cực đi đúng vị trí cần khảo sát mà không ảnh hưởng đến các vùng chức năng. Vết mổ nhỏ chỉ vài milimet, giúp giảm đau, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và rút ngắn thời gian phẫu thuật đáng kể.
“Trước đây, việc định vị đặt điện cực chủ yếu dựa vào tay nghề và kinh nghiệm. Nay, với AutoGuide, chúng tôi đạt được độ chính xác tối đa trong những ca bệnh phức tạp,”, bác sỹ Trí nhận định.
Quá trình theo dõi điện não đồ nội sọ kéo dài 7 ngày, dưới sự hỗ trợ của PGS.TS Nakae Shunsuke, chuyên gia thần kinh đến từ Nhật Bản. Dữ liệu ghi lại giúp xác định “thủ phạm”, ổ động kinh của bé K. nằm sâu tại vùng trán ổ mắt phải và thùy trán dưới, nơi tập trung nhiều dây thần kinh và mạch máu lớn như thị giác, khứu giác.
Ngày 17/6/2025, ca phẫu thuật loại bỏ ổ động kinh được ekip của bác sỹ Trí thực hiện. Nhờ định vị chính xác từ robot, phẫu thuật diễn ra an toàn, hạn chế mất máu, thời gian can thiệp ngắn, không để lại di chứng thần kinh.
Sau hơn 1 tháng hậu phẫu, bé B.Q.K. hồi phục tốt, sinh hoạt và vui chơi bình thường, không có bất kỳ khiếm khuyết thần kinh nào.
Ghi nhận chỉ có 2 cơn giật nhẹ trong khi ngủ, so với hàng chục cơn mỗi ngày trước đó. Theo y văn, phẫu thuật động kinh có thể giúp 60-80% bệnh nhân kiểm soát hoặc hết hoàn toàn co giật nếu thực hiện đúng chỉ định, đúng kỹ thuật.
Thành công của ca bệnh đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa: ngoại thần kinh, nội thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức… cùng chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và nhân lực tại Vinmec.
Vinmec Central Park hiện là một trong số ít cơ sở y tế tại Việt Nam: triển khai thành công đặt điện cực nội sọ SEEG, sở hữu hệ thống Robot định vị AutoGuide, có đội ngũ bác sỹ được đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài, hợp tác thường xuyên với chuyên gia quốc tế.
Mô hình điều trị cá thể hóa, thiết kế phác đồ riêng cho từng bệnh nhân cũng là điểm khác biệt giúp nâng cao hiệu quả điều trị, đặc biệt ở trẻ nhỏ, nhóm bệnh nhân rất nhạy cảm với mọi tổn thương thần kinh.
Theo bác sỹ Trí, Ca phẫu thuật thành công tại Vinmec Central Park không chỉ giúp bé K. thoát khỏi những cơn co giật dai dẳng, mà còn mở ra một hướng đi hoàn toàn mới trong điều trị bệnh lý thần kinh phức tạp.
“Chúng tôi không chỉ dùng công nghệ để điều trị bệnh, mà biến công nghệ thành người dẫn đường cho hy vọng, giúp tương lai của hàng ngàn bệnh nhi không còn bị chặn lại bởi cơn co giật,”, đại diện Vinmec chia sẻ.
Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung giúp điều trị dễ dàng, chi phí thấp
Theo thống kê từ GLOBOCAN, mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận khoảng 6.200 ca ung thư liên quan đến virus HPV, trong đó hơn 2.500 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung.
Đây là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với nữ giới, song nếu được tầm soát sớm và điều trị kịp thời, hoàn toàn có thể bảo vệ được sức khỏe, đặc biệt là chức năng sinh sản.
Cổ tử cung là một cơ quan thuộc hệ sinh dục nữ, nằm giữa âm đạo và tử cung, đóng vai trò quan trọng trong sinh lý và sinh sản. Trong những năm gần đây, ung thư cổ tử cung có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, cho thấy nhiều phụ nữ vẫn còn chủ quan trong việc phòng ngừa và tầm soát bệnh.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), gánh nặng ung thư toàn cầu vẫn đang gia tăng đáng kể. Năm 2022, thế giới ghi nhận gần 19,3 triệu ca ung thư mới và 9,9 triệu ca tử vong. Riêng ung thư cổ tử cung đứng thứ tư về tỷ lệ mắc mới ở nữ giới với hơn 662.000 ca mắc và gần 349.000 ca tử vong.
Tại Việt Nam, ghi nhận 4.612 ca mắc mới và 2.571 ca tử vong mỗi năm. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, con số tử vong do ung thư cổ tử cung tại Việt Nam có thể tăng lên đến 200.000 ca vào năm 2070. Những con số đáng báo động này cho thấy việc nâng cao nhận thức, phòng ngừa và tầm soát bệnh là vô cùng cấp thiết.
Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV (Human Papilloma Virus), một loại virus gây u nhú ở người, chủ yếu lây qua đường tình dục.
Tuy nhiên, virus này cũng có thể lây lan gián tiếp qua đường miệng, tiếp xúc da, dịch tiết cơ thể hoặc các cơ quan nhiễm bệnh. Sự hiểu lầm rằng chỉ có quan hệ tình dục trực tiếp mới dẫn đến lây nhiễm khiến nhiều người chủ quan và vô tình mắc bệnh.
Trong khoảng 200 chủng HPV, có khoảng 40 chủng lây truyền qua đường tình dục, trong đó 14 chủng được xếp vào nhóm có nguy cơ gây ung thư cao, điển hình là HPV type 16 và 18, hai chủng phổ biến nhất có khả năng gây tổn thương sâu ở cổ tử cung, làm biến đổi cấu trúc tế bào và dẫn đến ung thư nếu nhiễm kéo dài.
Ngoài ung thư cổ tử cung, HPV còn có thể gây các bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư âm đạo, âm hộ, hậu môn, dương vật, miệng họng, cũng như mụn cóc sinh dục.
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nhiều người lầm tưởng rằng nhiễm HPV đồng nghĩa với ung thư cổ tử cung.
Thực tế, nếu ngăn chặn được tình trạng nhiễm HPV dai dẳng, hoặc phát hiện sớm và can thiệp đúng cách khi có tổn thương do HPV, nguy cơ tiến triển thành ung thư là rất thấp. Hiện nay tại Việt Nam, có hai loại vắc xin phòng ngừa HPV phổ biến là Gardasil và Gardasil 9.
Cả hai đều có hiệu quả phòng ngừa HPV type 16 và 18. Tuy nhiên, tiêm vắc xin không thể thay thế hoàn toàn cho tầm soát định kỳ vì vắc xin không bao phủ được tất cả các chủng HPV nguy cơ cao. Do đó, phụ nữ dù đã tiêm vắc xin vẫn cần xét nghiệm tầm soát để đảm bảo an toàn.
Tầm soát là biện pháp giúp phát hiện sớm các bất thường ở cổ tử cung ngay cả khi chưa có triệu chứng. Quá trình từ lúc tế bào bị tổn thương đến khi phát triển thành ung thư thường mất 15 đến 20 năm, tuy nhiên nếu người bệnh có hệ miễn dịch yếu, quá trình này có thể rút ngắn còn 5 đến 10 năm.
Tiền ung thư thường không có biểu hiện rõ rệt, vì vậy việc tầm soát định kỳ là cần thiết, đặc biệt với phụ nữ đã có quan hệ tình dục hoặc từ 21 tuổi trở lên. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn tiền ung thư, việc điều trị sẽ đơn giản, ít xâm lấn, chi phí thấp và ít ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Một số xét nghiệm phổ biến trong tầm soát bao gồm Pap Smear (phát hiện tế bào bất thường), xét nghiệm ThinPrep (cải tiến của Pap Smear, giúp tăng độ chính xác và giảm âm tính giả), và xét nghiệm HPV DNA (giúp xác định chủng HPV gây bệnh).
Tần suất tầm soát sẽ phụ thuộc vào từng phương pháp và tình trạng cụ thể: nếu xét nghiệm Pap Smear hoặc ThinPrep âm tính thì thực hiện 2 năm/lần; nếu xét nghiệm HPV DNA âm tính thì 3 năm/lần; kết hợp cả hai và âm tính thì 5 năm/lần. Trường hợp có bất thường, bác sỹ sẽ chỉ định các bước chẩn đoán chuyên sâu hơn như soi cổ tử cung, sinh thiết, hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định giai đoạn bệnh.
Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm hoặc tiền ung thư, bệnh có thể điều trị bằng các phương pháp đơn giản như khoét chóp bằng dao lạnh hoặc vòng cắt đốt (LEEP), bệnh nhân có thể về trong ngày và hồi phục nhanh.
Trong trường hợp ung thư xâm lấn, bác sỹ có thể chỉ định phẫu thuật cắt tử cung toàn phần (nội soi), hoặc cắt tử cung tận gốc kết hợp nạo hạch chậu, tùy thuộc vào tuổi tác, tình trạng sinh sản và kết quả xét nghiệm.
Ở những bệnh nhân đã đủ con hoặc không còn nhu cầu sinh sản, việc điều trị triệt để có thể giúp loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư.
Ngoài ung thư cổ tử cung, phụ nữ cũng có nguy cơ mắc các loại ung thư khác như ung thư buồng trứng, âm đạo, âm hộ… Vì thế, việc khám phụ khoa định kỳ là cực kỳ quan trọng. Khi xuất hiện các dấu hiệu như rong kinh, rong huyết, khí hư có màu bất thường hoặc mùi hôi, chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân, đau vùng bụng dưới, đi tiểu liên tục… thì cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo bác sỹ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng bộ đôi tiêm vắc xin và tầm soát định kỳ.
Các tổn thương tiền ung thư nếu được phát hiện sớm có thể điều trị dứt điểm bằng các phương pháp đơn giản, ít tốn kém và ít ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Đừng để sự chủ quan trở thành nguyên nhân khiến bạn đánh mất cơ hội bảo vệ sức khỏe và thiên chức làm mẹ.
Phát hiện sớm ung thư điều trị kịp thời nhờ khám sàng lọc
Xuất hiện cảm giác ù tai phải kéo dài gần hai tháng, kèm theo nghe kém nhẹ và cảm giác có nước trong tai, ông T. (73 tuổi, ở Phú Thọ) vô cùng lo lắng, đặc biệt khi từng được một phòng khám tư gần nhà nghi ngờ mắc u vòm họng. Là người có tiền sử hút thuốc lá và thuốc lào nhiều năm, ông càng thêm bất an khi các triệu chứng không thuyên giảm.
Được khuyên sinh thiết để kiểm tra bản chất tổn thương, nhưng vì còn băn khoăn, ông quyết định đến Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ để được thăm khám kỹ lưỡng hơn.
Tại đây, sau khi được thăm khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, bác sỹ ghi nhận tai giữa phải có dịch vàng, siêu âm vùng cổ phát hiện các hạch nhóm II, III hai bên cổ, nhiều khả năng là phản ứng viêm. Kết quả xét nghiệm marker ung thư vòm họng (SCC) hoàn toàn trong giới hạn bình thường.
Để đánh giá sâu hơn, ông được chỉ định chụp MRI vùng cổ có tiêm thuốc tương phản. Hình ảnh cho thấy có một nang nhỏ ở vùng vòm họng phải, kèm theo viêm đa xoang và viêm xoang chũm hai bên. Các hạch cổ ghi nhận dạng phản ứng, không có dấu hiệu điển hình của ung thư.
Tuy nhiên, để xác định chắc chắn bản chất của tổn thương vùng vòm, bác sỹ chỉ định sinh thiết vị trí nghi ngờ. Kết quả giải phẫu bệnh cuối cùng cho thấy tổ chức viêm mạn tính, không phải ung thư như nghi ngờ ban đầu. Ông T. và gia đình thở phào nhẹ nhõm, an tâm tiếp tục điều trị theo chỉ định chuyên khoa.
Bác sỹ Nguyễn Đình Hiệp, chuyên khoa Tai Mũi Họng, người trực tiếp điều trị cho ông T. cho biết, ông T. thuộc nhóm nguy cơ cao vì tuổi đã lớn, có tiền sử hút thuốc lâu năm và xuất hiện triệu chứng kéo dài như ù tai, nghe kém, có dịch trong tai.
Tuy hình ảnh tổn thương vùng vòm không đặc trưng cho ung thư nhưng cũng không thể loại trừ hoàn toàn, nên sinh thiết là cần thiết để có chẩn đoán chính xác. Rất may là kết quả cuối cùng chỉ là tổ chức viêm mạn tính, lành tính và có thể điều trị bằng nội khoa mà không cần can thiệp phức tạp.
Chia sẻ sau khi biết mình không mắc ung thư, ông T. xúc động nói: "triệu chứng ù tai kéo dài làm tôi rất lo lắng, cứ nghĩ mình bị ung thư. Đến khi bác sỹ nói chỉ là viêm mạn tính, tôi thấy như trút được gánh nặng. Nhờ được thăm khám kỹ càng và có kết quả sinh thiết rõ ràng, tôi hoàn toàn yên tâm tiếp tục điều trị”.
Theo bác sỹ Nguyễn Đình Hiệp, viêm mạn tính vùng tai-mũi-họng và ung thư vòm họng có thể có những biểu hiện giống nhau trong giai đoạn đầu như nghẹt mũi, ù tai, chảy dịch mũi, nghe kém... nên rất dễ nhầm lẫn. Điều này khiến không ít người chủ quan hoặc chậm trễ trong việc khám và tầm soát, bỏ lỡ thời điểm vàng trong chẩn đoán sớm bệnh lý ác tính.
Thực tế, ung thư vòm họng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, đặc biệt ở nam giới trong độ tuổi trung niên, do đó không thể xem nhẹ các triệu chứng kéo dài.
Ung thư vòm họng (Nasopharyngeal Carcinoma - NPC) là khối u ác tính xuất phát từ biểu mô phủ của vòm họng. Nguyên nhân chính chưa được xác định rõ ràng nhưng có ba yếu tố nguy cơ nổi bật gồm: nhiễm virus Epstein-Barr (EBV), viêm nhiễm mạn tính vùng tai - mũi - họng, và lối sống thiếu lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, thường xuyên ăn đồ nướng hoặc đồ muối lên men.
Các dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng thường gồm: hạch cổ một bên to lên bất thường, ban đầu di động nhưng sau cố định và dính vào cơ hoặc da; chảy máu mũi hoặc khạc ra dịch mũi có máu, ngạt mũi kéo dài; ù tai một bên, nghe kém hoặc có cảm giác như bị viêm tai giữa; đau đầu âm ỉ, đau sau hốc mắt, vùng đỉnh chẩm và có thể kèm theo liệt dây thần kinh sọ nếu khối u lan rộng.
Để chẩn đoán chính xác, bác sỹ sẽ thực hiện khám lâm sàng kết hợp với nội soi tai mũi họng và chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT scan vùng vòm (giúp đánh giá đặc điểm khối u và hạch), MRI (giúp phân biệt mô đặc, mô dịch và đánh giá tái phát), PET/CT (phát hiện di căn xa). Tuy nhiên, sinh thiết mô tổn thương kết hợp giải phẫu bệnh mới là tiêu chuẩn vàng để xác định ung thư.
Bác sỹ Hiệp cho biết thêm, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (I hoặc II), ung thư vòm họng có thể được điều trị hiệu quả bằng xạ trị đơn thuần, với tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 70-90%. Ngược lại, nếu phát hiện muộn (giai đoạn III, IV), điều trị sẽ phức tạp hơn, đòi hỏi phối hợp xạ trị và hóa trị, và tỷ lệ sống giảm xuống còn dưới 40%.
Vì vậy, việc tầm soát định kỳ là rất cần thiết, nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao như nam giới từ 30-60 tuổi, người có tiền sử hút thuốc, uống rượu, có người thân mắc ung thư, đã từng nhiễm EBV, hay sống ở khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao.
Những người có triệu chứng kéo dài như ngạt mũi một bên, ù tai, nghe kém, hoặc nuốt vướng nên đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác. Khám đúng chuyên khoa, kết hợp các xét nghiệm phù hợp và đặc biệt là sinh thiết tổ chức nghi ngờ sẽ giúp phân biệt lành tính, ác tính, từ đó lựa chọn phương án điều trị phù hợp, hiệu quả và kịp thời.

-
Tin mới y tế ngày 25/7: Vinmec tiên phong điều trị động kinh bằng Robot -
Tin mới y tế ngày 24/7: Vấn nạn lạm dụng bóng cười ở người trẻ -
Cảnh báo thuốc giả chứa hoạt chất Theophyllin -
Bộ Y tế yêu cầu thu hồi, tiêu hủy nhiều lô sữa rửa mặt và sản phẩm chăm sóc da vi phạm -
Tin mới y tế ngày 23/7: Trẻ hóa ung thư tuyến giáp -
Cấp thiết sửa đổi Luật An toàn thực phẩm -
Giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai
-
Vinamilk: Tri ân thế hệ đi trước là cách chăm sóc thế hệ mai sau
-
Hinode Supermarket gửi thư mời hợp tác cung ứng ngành hàng
-
Máy đo chuyên dụng - Đơn vị phân phối kìm bấm cos thủy lực uy tín
-
Symlife - Giải pháp đầu tư kép an cư và sinh lời
-
“Ký ức những huyền thoại” - Giai điệu tri ân từ trái tim Tổ quốc
-
Bridgestone ra mắt dòng lốp cao cấp TURANZA 6-Lái êm đầm đẳng cấp