Thứ Tư, Ngày 23 tháng 07 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 23/7: Trẻ hóa ung thư tuyến giáp
D.Ngân - 23/07/2025 10:03
 
Vùng cổ sưng to bất thường, xuất hiện khối di chuyển theo nhịp nuốt, bé Hạnh (12 tuổi, ở Bình Dương) được đưa đi khám và phát hiện mắc ung thư tuyến giáp đã di căn.

12 tuổi đã mắc ung thư tuyến giáp

Theo chia sẻ của gia đình, từ khoảng một năm trước, vùng cổ của bé Hạnh bắt đầu phát triển nhanh, sưng to. Tuy nhiên, do bé không có các triệu chứng kèm theo như sốt, đau họng hay khó nuốt, gia đình cho rằng nguyên nhân là do tăng cân nên không đưa đi kiểm tra.


Đến tháng 6/2025, khi nhận thấy bé sụt cân bất thường và vùng cổ có khối nổi rõ, di chuyển theo nhịp nuốt, gia đình mới đưa bé đến bệnh viện tại TP.HCM, nơi bé được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp.

Gia đình sau đó quyết định chuyển bé đến viện đa khoa điều trị. Tại đây, bác sỹ CKII Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng khoa Ngoại nhi cho biết, bé được siêu âm, chọc hút tế bào bằng kim chuyên dụng (FNA) để xét nghiệm. Kết quả xác định bé mắc ung thư tuyến giáp đã di căn vào các nhóm hạch hai bên cổ.

Ung thư tuyến giáp là bệnh hiếm gặp ở trẻ em. Tại châu Âu, tỷ lệ mắc bệnh chỉ khoảng 1-2 ca trên một triệu trẻ từ 10-14 tuổi. Tại Việt Nam, theo thống kê GLOBOCAN 2024, ung thư tuyến giáp là loại ung thư phổ biến thứ 6, chủ yếu xuất hiện ở người từ 40-70 tuổi, ít gặp ở trẻ em. Nếu có, bệnh thường xảy ra ở nhóm tuổi 15-19.

Trong 5 năm qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã tiếp nhận và điều trị thành công cho ba bệnh nhi mắc ung thư tuyến giáp, trong đó có trường hợp nhỏ tuổi nhất mới 8 tuổi.

Với trường hợp của bé Hạnh, bác sỹ Tuấn cùng êkip bác sỹ CKII Đoàn Minh Trọng (khoa Ngoại vú – Đầu mặt cổ), các chuyên gia Ung bướu và Nội tiết phối hợp xây dựng phác đồ điều trị tối ưu và an toàn. Bé được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo hạch cổ loại bỏ tế bào ung thư.

Quá trình phẫu thuật kéo dài khoảng 4 giờ, các bác sỹ đặc biệt thận trọng khi bóc tách dây thần kinh thanh quản nhằm bảo toàn giọng nói và tối ưu hóa đường mổ để giảm thiểu sẹo. Sau mổ, bé hồi phục tốt, không bị khàn giọng hay gặp biến chứng như tê tay, hụt hơi. Bệnh nhi tiếp tục được điều trị bằng i-ốt phóng xạ nhằm ngăn ngừa tái phát.

Theo bác sỹ Tuấn, ở độ tuổi dậy thì, cơ thể trẻ em phát triển nhanh, kéo theo sự phát triển nhanh của các tế bào ung thư nếu có. Nếu ở người lớn, quá trình tế bào ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ mất từ 6-12 tháng hoặc lâu hơn, thì ở trẻ em, thời gian này chỉ từ 3-6 tháng.

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể di căn xa đến hạch thượng đòn, phổi, xương, não…, gây khó khăn cho điều trị và ảnh hưởng đến tiên lượng sống.

Ung thư tuyến giáp ở trẻ nhỏ diễn tiến âm thầm, các dấu hiệu thường không rõ ràng khiến nhiều trường hợp phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn di căn hạch. Bác sỹ khuyến cáo phụ huynh nên đưa trẻ đi khám định kỳ, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì, để sớm phát hiện các bất thường.

Cấy mỡ và tiêm chất làm đầy, cảnh báo biến chứng nguy hiểm

Sau khi tiêm chất làm đầy và cấy mỡ vùng mông tại các cơ sở không chuyên, chị Trang Minh 33 tuổi ở Hà Nội phải nhập viện phẫu thuật khẩn cấp trong tình trạng nhiễm trùng lan rộng, hoại tử mô nghiêm trọng.

Bốn năm trước, chị Minh từng tiêm chất làm đầy vào vùng mông tại một spa không rõ nguồn gốc. Người thực hiện không phải là nhân viên y tế hay bác sỹ chuyên môn. Sau đó, khi thấy vùng mông có dấu hiệu bất thường, chị quay lại cơ sở này hai lần để tiêm tan filler nhưng không cải thiện.

Cuối năm 2024, chị tiếp tục thực hiện cấy mỡ tự thân vào hai bên mông tại một bệnh viện tư nhân. Khoảng một tháng trước khi nhập viện, chị phát hiện một nốt sưng ở mông phải nhưng nghĩ là mụn nhọt do thời tiết nóng nên tự mua thuốc kháng sinh điều trị tại nhà.

Tình trạng không cải thiện mà ngày càng lan rộng, vết sưng trở nên đau nhức, rỉ mủ. Chị đến bệnh viện gần nhà để chích mủ và dùng kháng sinh nhưng không hiệu quả, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội để tiếp tục điều trị.

Tại đây, các bác sỹ ghi nhận vùng mông phải sưng đỏ, nhiễm trùng diện rộng, vết thương rỉ dịch mủ màu vàng nâu, vùng viêm lan khoảng 20x15 cm. Mông trái dù không rỉ dịch nhưng biến dạng, sờ vào thấy mô không đều do tồn dư chất làm đầy và mỡ cấy.

Ngày 22/7, tiến sỹ bác sỹ Hoàng Thị Phương Lan, chuyên khoa Chấn thương và chỉnh hình cho biết, kết quả siêu âm và cộng hưởng từ MRI cho thấy ổ áp xe lớn lan rộng vùng mông phải. Trước nguy cơ hoại tử mô và nhiễm trùng huyết, các bác sỹ quyết định phẫu thuật khẩn cấp để dẫn lưu mủ và nạo vét toàn bộ vùng tổn thương.

Ca phẫu thuật được tiến hành trong tư thế nằm nghiêng. Vùng tổn thương được sát trùng diện rộng trước khi rạch da dẫn lưu khoảng 200 ml mủ vàng sậm lẫn mỡ hoại tử và dịch máu. Sau khi làm sạch, các bác sỹ đặt dẫn lưu áp lực âm để kiểm soát nhiễm trùng.

Tiếp theo, quá trình nạo vét chất làm đầy được thực hiện. Khoảng 150 ml chất dạng nhầy màu vàng sậm được lấy ra khỏi khoang mông phải. Đây là lượng chất đã tồn tại trong cơ thể bệnh nhân nhiều năm và từng trải qua các can thiệp như tiêm tan filler hay chích mủ.

Tình trạng này khiến mô vùng mông viêm xơ mạn tính, lan rộng, biến dạng. Hình ảnh MRI giúp định vị rõ ràng tổ chức viêm và mô lành để hạn chế tổn thương lan rộng trong quá trình phẫu thuật.

Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, vết thương khô, huyết động ổn định, có thể tự đi lại và ăn uống. Tuy nhiên, các bác sỹ vẫn duy trì ống dẫn lưu dịch trong vài ngày tiếp theo để kiểm soát nhiễm trùng tồn lưu.

Dù đã xử lý ổ áp xe mông phải, tình trạng bên mông trái của bệnh nhân vẫn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng. Qua thăm khám, bác sỹ ghi nhận chất làm đầy còn tồn tại trong mô với mật độ không đều. Bệnh nhân được lên kế hoạch theo dõi sát và sẽ can thiệp nếu có dấu hiệu bất thường.

Theo bác sỹ Phương Lan, các chất làm đầy được cấp phép tại Việt Nam thường có khả năng tự tiêu trong vòng mười tám tháng. Việc chất tồn tại quá lâu trong cơ thể, đặc biệt là các loại không rõ nguồn gốc như trong trường hợp của chị Minh, có thể gây viêm, áp xe, ăn mòn mô và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nhân Minh được chỉ định tái khám mỗi tháng một lần, thay băng hai ngày một lần, mặc quần định hình vùng mông trong suốt tháng đầu sau phẫu thuật. Bệnh nhân cũng được hướng dẫn kiêng vận động mạnh và hạn chế thực phẩm dễ gây sẹo lồi như rau muống, hải sản, trứng và thịt bò.

Bác sỹ Phương Lan cho biết những biến chứng do tiêm chất làm đầy tại cơ sở không phép đang ngày càng phổ biến. Các vùng như mông, ngực, mặt là những vị trí nguy hiểm, dễ biến chứng nặng nề nếu tiêm chất không rõ nguồn gốc hoặc thực hiện bởi người không có chuyên môn.

Bác sỹ cảnh báo, bất cứ ai có nhu cầu làm đẹp vùng mông, ngực hay mặt cần đến các cơ sở được cấp phép, có bác sỹ chuyên khoa thực hiện. Chất làm đầy phải rõ nguồn gốc, có khả năng tự tiêu và thời gian tồn tại không quá mười tám tháng. Nếu có dấu hiệu bất thường như sưng đau, đỏ nóng hay chảy dịch, người bệnh cần đến bệnh viện uy tín để khám càng sớm càng tốt.

Nuôi sống thành công cặp song sinh nặng hơn 1kg chào đời ở tuần 30

Một phụ nữ 33 tuổi mang thai đôi nhờ thụ tinh ống nghiệm đã sinh non ở tuần thai thứ 30. Hai bé gái chào đời với cân nặng chỉ hơn 1kg, suy hô hấp nặng sau sinh nhưng đã được cứu sống, phát triển tốt và khỏe mạnh xuất viện.

Hai bé gái nặng lần lượt 1,2kg và 1,1kg được các bác sỹ hồi sức ngay sau sinh. Các bé được ổn định thân nhiệt bằng túi giữ nhiệt chuyên dụng, hỗ trợ thở không xâm lấn. Khi hô hấp ổn định, da hồng hào, hai bé được chuyển về phòng Hồi sức Sơ sinh, tiếp tục nuôi dưỡng trong lồng ấp.

Bác sỹ chuyên khoa I Lê Thị Ngọc Dung, Trung tâm Sơ sinh, cho biết cả hai bé đều được điều trị kháng sinh trong vòng bảy ngày. Ban đầu, cả hai phải hỗ trợ hô hấp bằng máy thở không xâm lấn. Bé lớn đáp ứng tốt, chỉ cần thở với áp lực dương và nồng độ oxy thấp. Bé nhỏ thở yếu hơn, được bơm surfactant để giúp nở phổi, tăng khả năng trao đổi khí.

Về dinh dưỡng, cả hai được nuôi ăn tiêu hóa một phần qua ống thông dạ dày, kết hợp truyền dinh dưỡng tĩnh mạch. Khi sức khỏe cải thiện, lượng sữa được tăng dần đến khi các bé có thể ăn hoàn toàn bằng đường tiêu hóa. Bé chị được truyền máu để điều trị thiếu máu do sinh non.

Đặc biệt, mẹ được vào khoa Sơ sinh tiếp xúc da kề da với các con ngay từ đầu. Điều này giúp ổn định nhịp tim, nhịp thở, giảm căng thẳng và hỗ trợ tăng trưởng. Sau một tháng rưỡi điều trị, bé lớn nặng 2,2kg và bé nhỏ 2,5kg. Theo bác sỹ Dung, cân nặng của bé lớn chưa đạt tiêu chuẩn nhưng các chỉ số sức khỏe đều ổn định. Cả hai bé đã có thể tự thở, bú tốt, được xuất viện và theo dõi tái khám định kỳ.

Trẻ sinh non là những em bé chào đời trước tuần thai thứ 37. Những trường hợp sinh từ tuần 28 đến 32 được xếp vào nhóm rất non và có nguy cơ cao gặp các biến chứng như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, vàng da, nhiễm trùng, thiếu máu, xuất huyết não, viêm ruột hoại tử và các vấn đề về giác quan.

Bác sỹ Dung cho biết thai đôi liên quan mật thiết đến tỷ lệ tử vong chu sinh cao gấp ba lần so với thai đơn. Nguyên nhân chủ yếu là sinh non, khi có đến 50% các trường hợp thai đôi sinh trước tuần thứ 37 và 10% sinh trước tuần thứ 32. Thực tế cho thấy tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm không phụ thuộc vào số lượng phôi chuyển mà phụ thuộc vào chất lượng phôi và sức khỏe người mẹ.

Bác sỹ chuyên khoa I Châu Hoàng Phương Thảo, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản nhận định, hiện vẫn chưa có cách phòng ngừa sinh non hiệu quả trong trường hợp song thai hoặc tam thai. Vì vậy, để giảm nguy cơ, phụ nữ nên chuyển một phôi duy nhất vào tử cung trong mỗi chu kỳ.

Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại hiện nay cho phép người hiếm muộn có nhiều phôi tốt để lựa chọn, từ đó tăng khả năng mang thai thành công mà vẫn đảm bảo sức khỏe mẹ và bé. Việc mang thai đôi dù mang lại hy vọng lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như sảy thai, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ hoặc băng huyết sau sinh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư