Thứ Ba, Ngày 22 tháng 07 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 22/7: Chủ quan với vết thương nhỏ, coi chừng mắc uốn ván nguy hiểm
D.Ngân - 22/07/2025 11:40
 
Uốn ván là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Trên thực tế, nhiều người chỉ bị vết thương nhỏ như đâm phải đinh gỉ, thanh gỗ mục hay dao cứa nhẹ… nhưng do chủ quan, không xử lý đúng cách và không tiêm phòng uốn ván nên đã rơi vào tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong.

Chủ quan với vết thương nhỏ, coi chừng mắc uốn ván nguy hiểm

Vi khuẩn gây bệnh uốn ván có tên Clostridium tetani. Đây là loại vi khuẩn sinh nha bào, có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường tự nhiên như đất, bụi bẩn, phân người, phân động vật, đặc biệt là trong ruột của gia súc như trâu, bò, ngựa.

Bệnh nhân mắc uốn ván đang điều trị tại cơ sở y tế.

Khi nha bào xâm nhập vào cơ thể qua vết thương, nhất là những vết thương hở ở tay, chân hoặc các tổn thương do tai nạn sinh hoạt, lao động, dẫm đạp phải dị vật nhọn, chúng có thể “ngủ yên” trong mô hoại tử rồi phát triển, sinh độc tố thần kinh cực mạnh, gây co rút cơ toàn thân.

Điều đáng lo ngại là các vết thương dẫn đến nhiễm uốn ván có thể rất nhỏ, không chảy nhiều máu và thường bị bỏ qua. Nhiều người tự sơ cứu tại nhà mà không biết rằng mình đã bị nhiễm khuẩn. Khi bệnh tiến triển nặng với các biểu hiện rõ rệt như co cứng hàm, đau đầu, cứng cổ, đau lưng, co giật các nhóm cơ… thì mới đến cơ sở y tế trong tình trạng nặng, khó cứu chữa.

Bệnh uốn ván không lây từ người sang người mà xảy ra do nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài. Vi khuẩn uốn ván xâm nhập qua vết thương, đặc biệt là các vết thương kín miệng, không được làm sạch kỹ, có dị vật hoặc mô hoại tử bên trong. Đây là môi trường yếm khí lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và tiết ra độc tố gây bệnh.

Triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm các cơn co cứng cơ hàm (cứng hàm), sau đó lan dần đến cơ mặt, cổ, ngực, lưng, bụng và toàn thân. Người bệnh có thể bị đau dữ dội do co cơ, rách cơ hoặc thậm chí gãy xương.

Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván có thể gây co thắt thanh quản, suy hô hấp, viêm phổi, thuyên tắc phổi, suy thận, và tử vong. Thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 10 ngày, có thể kéo dài đến 3 tuần. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao.

Để phòng ngừa uốn ván, biện pháp hiệu quả nhất là tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch. Khi bị thương, cần rửa sạch vết thương ngay bằng nước sạch và dung dịch sát trùng (như oxy già), không bịt kín vết thương bằng băng gạc quá sớm nếu chưa được làm sạch. Người bị thương cần đến cơ sở y tế để được xử lý vết thương, đánh giá nguy cơ và tiêm phòng hoặc tiêm huyết thanh kháng uốn ván nếu cần.

Đặc biệt, những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với đất, bùn, phân gia súc như nông dân, công nhân công trình, thợ xây… cần chú ý bảo hộ lao động đúng cách, mang giày ủng, găng tay khi làm việc. Các trang trại, công trường cần có sẵn các chất sát trùng và phương tiện sơ cứu tại chỗ, đồng thời duy trì vệ sinh môi trường sạch sẽ.

Ngoài ra, các cơ sở y tế cần tuân thủ nghiêm quy trình vô trùng để phòng tránh lây nhiễm trong y tế, đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh và uốn ván sản khoa ở phụ nữ sinh đẻ.

Chủ động phòng bệnh, không chủ quan với bất kỳ vết thương nào, dù là nhỏ nhất chính là cách bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mỗi người trước căn bệnh nguy hiểm này.

Phát hiện ung thư buồng trứng di căn từ những dấu hiệu mơ hồ

Một phụ nữ 63 tuổi tại TP.HCM đã được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng di căn sau khi đến khám tại Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Gò Vấp với các triệu chứng ban đầu khá mơ hồ như chướng bụng, ăn chậm tiêu, tiểu ít, kèm cơn chóng mặt thoáng qua và đau vùng gáy lan lên vai phải.

Đây là một trường hợp điển hình cho thấy ung thư buồng trứng có thể âm thầm tiến triển và chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn nếu người bệnh không chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Bệnh nhân L.T.L đến khám trong tình trạng bụng căng tức, khó chịu khi ăn uống và đi tiểu ít. Dù đại tiện vẫn bình thường nhưng bà có thêm biểu hiện chóng mặt nhẹ và đau cổ vai, những triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề tuổi già hoặc rối loạn tiêu hóa, tuần hoàn thông thường.

Qua khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, BS.CKI Bùi Thị Cẩm Bình, Chuyên khoa Nội, Phòng khám MEDLATEC Gò Vấp, nghi ngờ có bất thường nội khoa sâu và đã chỉ định thực hiện gói khám tổng quát, bao gồm các xét nghiệm thường quy kết hợp chẩn đoán hình ảnh.

Kết quả siêu âm bụng cho thấy bệnh nhân có tràn dịch ổ bụng lượng nhiều. Bên cạnh đó, hình ảnh siêu âm tuyến giáp phát hiện phình giáp đa nhân hai thùy.

Đặc biệt, chụp MSCT ngực độ thấp ghi nhận tràn dịch ổ bụng kèm theo hình ảnh thâm nhiễm mạc nối lớn và mạc treo ruột non đây là những dấu hiệu nghi ngờ có khối u ác tính trong ổ bụng.

Trước diễn tiến đáng lo ngại này, BS.CKI Cẩm Bình đã chủ động kết nối hội chẩn chuyên môn cùng các bác sỹ đầu ngành thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC ở các chuyên khoa Sản phụ khoa, Ngoại khoa và Chẩn đoán hình ảnh. Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm hai chỉ dấu ung thư buồng trứng là CA 125 và HE4, kết quả đều tăng rất cao.

Tiếp theo đó, siêu âm đầu dò âm đạo ghi nhận u buồng trứng trái kèm thâm nhiễm tai vòi cùng bên và dịch ổ bụng khu trú nhiều tại cùng đồ sau.

Ngay lập tức, bệnh nhân được hướng dẫn làm thủ tục chuyển viện lên tuyến trên để tiếp tục chẩn đoán và điều trị chuyên sâu. Kết quả cuối cùng xác định bà L. mắc ung thư buồng trứng di căn, một bệnh lý nguy hiểm, có diễn tiến âm thầm và thường chỉ phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.

Ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư phụ khoa phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai trong các loại ung thư đường sinh dục ở nữ giới, chỉ sau ung thư cổ tử cung.

Trên thế giới, bệnh lý này ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn phụ nữ mỗi năm, trong đó Việt Nam ghi nhận khoảng 1.200 ca/năm.

Đây là tình trạng các tế bào bất thường tại buồng trứng phát triển không kiểm soát, hình thành khối u ác tính. Khi ung thư tiến triển, các tế bào có thể xâm lấn ra ngoài buồng trứng, lan tới tử cung, ruột, gan hoặc các bộ phận khác thông qua máu hoặc hệ bạch huyết.

Nguy hiểm hơn, ung thư buồng trứng thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” do các triệu chứng ban đầu rất mơ hồ, dễ bị bỏ qua.

Các dấu hiệu thường gặp có thể bao gồm: đau hoặc tức vùng bụng dưới kéo dài, đầy bụng, ăn ít nhưng mau no, rối loạn tiêu hóa, tiểu nhiều lần, chảy máu âm đạo sau mãn kinh, sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc đau khi quan hệ. Do triệu chứng không rõ ràng, phần lớn người bệnh chỉ phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, khi khối u đã lan rộng và việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém.

Theo BS.CKI Bùi Thị Cẩm Bình, trường hợp của bà L. là một lời cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư định kỳ, đặc biệt là với phụ nữ trong độ tuổi trung niên, tiền mãn kinh và mãn kinh. Việc khám phụ khoa định kỳ kết hợp siêu âm bụng và xét nghiệm chỉ điểm khối u (như CA 125, HE4) là những biện pháp hiệu quả để phát hiện sớm u buồng trứng hoặc các bệnh lý phụ khoa khác.

Các chuyên gia sản phụ khoa cũng khuyến cáo, phụ nữ nên chủ động đi khám khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, tiêu hóa hoặc tiết niệu. Đồng thời, duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 đến 12 tháng một lần sẽ giúp phát hiện sớm những vấn đề tiềm ẩn, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả điều trị.

Trường hợp của bà L.T.L là minh chứng rõ ràng cho việc không nên chủ quan với bất kỳ dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất. Với sự thận trọng và can thiệp kịp thời từ đội ngũ y bác sỹ tại MEDLATEC Gò Vấp, bệnh nhân đã được chuyển tuyến điều trị đúng thời điểm. Đây cũng là lời nhắc nhở chung cho cộng đồng về việc chủ động bảo vệ sức khỏe, bởi đôi khi, chỉ một cơn đau mơ hồ cũng có thể là tín hiệu ngầm báo động từ cơ thể.

Ứng dụng robot hiện đại cắt trọn ung thư trực tràng

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nữ 56 tuổi mắc ung thư trực tràng giai đoạn tiến triển, với khối u ăn sâu vào lớp cơ vùng chậu hẹp, gần tử cung. Ca phẫu thuật đặc biệt được thực hiện bằng hệ thống robot hiện đại, giúp loại bỏ khối u triệt để, bảo tồn cấu trúc quan trọng, hạn chế biến chứng và giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng.

Bệnh nhân là bà Thu (ngụ tại An Giang), phát hiện bất thường khi đi nội soi đại tràng kiểm tra sức khỏe định kỳ. Kết quả cho thấy có một khối u sùi kích thước 4 cm tại trực tràng, cách rìa hậu môn 7 cm, cùng một polyp 0,9 cm ở đại tràng sigma (cách rìa hậu môn 30 cm). Polyp được cắt bỏ ngay trong quá trình nội soi, còn khối u sùi được sinh thiết và cho kết quả là ung thư biểu mô tuyến.

Sau đó, bà Thu được chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu. Chụp cộng hưởng từ MRI 3 tesla cho thấy có tổn thương dày không đều thành bên phải trực tràng đoạn giữa, dài khoảng 1,3 cm, chiếm 1/3 chu vi lòng trực tràng, xâm lấn đến lớp cơ và lan xuống mô mỡ trực tràng. Tuy nhiên, may mắn là khối u chưa xâm lấn đến các cấu trúc xung quanh và mạc treo trực tràng.

Tiến sỹ, bác sỹ Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, nhận định, bệnh đang ở giai đoạn tiến triển nên cần được phẫu thuật cắt bỏ càng sớm càng tốt. Phẫu thuật cần đảm bảo nạo vét hết hạch bạch huyết nhằm ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển và di căn, gây biến chứng như tắc ruột, chảy máu hoặc lan đến các cơ quan xa, đe dọa tính mạng.

Do khối u nằm sâu trong vùng chậu, gần tử cung, không gian phẫu trường rất hẹp nên các dụng cụ nội soi tiêu chuẩn khó thao tác.

Sau khi hội chẩn và trao đổi với bệnh nhân, êkip quyết định sử dụng hệ thống Robot Da Vinci Xi hiện đại hỗ trợ phẫu thuật. Robot có camera 3D độ phân giải cao, hình ảnh sắc nét giúp bác sỹ quan sát rõ các cấu trúc mạch máu, dây thần kinh.

Bốn cánh tay robot mô phỏng linh hoạt thao tác của con người, có thể luồn sâu vào không gian chật hẹp để phẫu tích chính xác, giảm sang chấn mô, bảo tồn tối đa các dây thần kinh vùng tiểu khung.

Trong ca mổ, các bác sỹ mở phúc mạc dọc động mạch mạc treo tràng dưới, cắt tĩnh mạch và động mạch liên quan, cắt trực tràng sigma cách khối u 1,5 cm, đưa đại tràng ra ngoài qua đường mổ và cắt ngang đại tràng cách khối u 20 cm trước khi nối lại với trực tràng.

Nhờ kỹ thuật tinh vi, người bệnh phục hồi rất nhanh. Chỉ sau một ngày, bà Thu đã có thể đi lại, ăn uống nhẹ sau 3 ngày và xuất viện sau 5 ngày. Kết quả giải phẫu bệnh xác định đây là ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa, xâm nhập lớp cơ trực tràng nhưng chưa di căn hạch. Bờ phẫu thuật sạch, người bệnh chỉ cần theo dõi định kỳ, chưa phải điều trị bổ sung.

Ung thư trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới và tại Việt Nam.

Theo số liệu Globocan 2022, mỗi năm thế giới ghi nhận hơn 1,9 triệu ca mới, đứng thứ 3 trong các loại ung thư. Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng là nguyên nhân gây ra hơn 8.400 ca tử vong mỗi năm, xếp thứ 5 trong các loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất, sau ung thư phổi, gan, vú và dạ dày.

Nguyên nhân chính xác gây ung thư trực tràng chưa rõ ràng, nhưng các yếu tố nguy cơ bao gồm chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn (như xúc xích, thịt xông khói), ít chất xơ, lối sống ít vận động, béo phì và căng thẳng kéo dài.

Theo bác sỹ Minh Hùng, nếu được phát hiện sớm, ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể chữa khỏi, với tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến 90%. Tuy nhiên, khi đã di căn xa (giai đoạn IV), tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn khoảng 11-15%. Điều trị khi ấy sẽ trở nên phức tạp, cần kết hợp đa mô thức gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị trúng đích và điều trị hỗ trợ.

Do đó, tầm soát định kỳ, đặc biệt ở những người từ 40-50 tuổi trở lên hoặc có yếu tố nguy cơ cao (tiền sử polyp, viêm ruột mạn tính, tiền sử ung thư trong gia đình…) là chìa khóa để phát hiện sớm ung thư. Hiện nay, các hệ thống nội soi hiện đại như Olympus Evis X1 CV1500 hay Fujifilm 7000 có độ phóng đại lên tới 150 lần, tích hợp nhuộm màu điện tử… có thể phát hiện sớm những tổn thương nhỏ, polyp tiền ung thư giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ tử vong.

Hạn chế biến chứng nguy hiểm của vết thương hở bằng tiêm vắc-xin uốn ván
Ngày 25/10, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhân mắc uốn ván.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư