Thứ Ba, Ngày 22 tháng 07 năm 2025,
Tử vong vì không tiêm phòng: Bài học đau lòng từ những ca bệnh dại
D.Ngân - 22/07/2025 12:45
 
Bệnh dại có vắc-xin phòng ngừa hiệu quả, nhưng mỗi năm vẫn có hàng chục người tử vong chỉ vì sai lầm là không tiêm phòng kịp thời sau khi bị chó, mèo cắn.

Khi lên cơn dại, mọi biện pháp đều trở nên vô nghĩa. Sự thờ ơ, tin vào mẹo dân gian, hoặc đơn giản là ngại tiêm đang khiến nhiều cái chết trở nên đầy oan uổng.

Bệnh dại không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt là cách duy nhất để ngăn chặn tử vong.

Dù y học hiện đại đã có đầy đủ công cụ phòng ngừa, bệnh dại, một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất với tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối vẫn đang âm thầm cướp đi sinh mạng của hàng chục người mỗi năm tại Việt Nam.

Điều đau lòng là hầu hết các trường hợp tử vong đều xuất phát từ sự chủ quan, thiếu hiểu biết hoặc chậm trễ trong việc tiêm vắc-xin phòng bệnh sau khi bị chó, mèo cắn.

Thời gian gần đây, các cơ sở y tế trên cả nước liên tục tiếp nhận những ca bệnh nghi dại, trong đó nhiều người từng bị chó cắn nhiều lần nhưng không đi tiêm phòng. Khi phát bệnh, 100% bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa, và cái chết thường đến nhanh chóng, trong đau đớn.

Điển hình là trường hợp ông Đ.H.B (62 tuổi, tài xế ở Bắc Ninh), được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 15/7 với các biểu hiện hoảng loạn, kích thích, tăng tiết nước bọt, sợ nước, sợ gió, triệu chứng điển hình của bệnh dại thể hung dữ.

Gần 3 tháng trước, ông bị chó nhà hàng xóm cắn vào cẳng chân nhưng không xử lý vết thương đúng cách, cũng không tiêm vắc-xin. Con chó sau đó trở nên hung dữ rồi bị bán đi. Khi phát bệnh, ông B. đã bỏ lỡ cơ hội sống duy nhất là tiêm phòng kịp thời.

Chỉ vài ngày trước đó, một bé trai 13 tuổi ở Đắk Lắk cũng tử vong vì bệnh dại. Em từng bị chó cắn nhiều lần trong hai năm nhưng không lần nào được đưa đi tiêm phòng.

Trước khi nhập viện, cậu bé sốt cao, đau đầu, sợ nước, sợ gió. Dù đã được chuyển đến bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM, khi lên cơn dại, gia đình đành xin đưa về quê, em qua đời chỉ vài tiếng sau. Theo người thân, có thể em đã bị con chó chết bất thường gần nhà cắn mà không ai biết. Đây là ca tử vong nghi do dại thứ 6 tại tỉnh từ đầu năm 2025 đến nay.

Cũng trong năm nay, một nam thanh niên 28 tuổi ở Hòa Bình tử vong sau hơn một tháng bị chó cắn. Dù vết cắn nông, có chảy máu, anh V. không tiêm vắc-xin hay huyết thanh mà chỉ rửa qua vết thương. Khi xuất hiện triệu chứng buồn nôn, đau đầu, khó thở, tiết nhiều nước bọt, anh được đưa đi điều trị nhưng bệnh tiến triển nhanh.

Kết quả xét nghiệm RT-PCR cho thấy dương tính với virus dại. Anh qua đời ngày ¾. Đây là một trường hợp tử vong thương tâm chỉ vì chủ quan không tiêm vắc-xin.

Không chỉ những người bị chó lạ tấn công, nhiều ca bệnh gần đây xuất phát từ chó nhà chưa tiêm phòng. Chị N.H.H (45 tuổi, Hà Nội) bị chó nhà cắn vào tay, con chó sau đó chết đột ngột.

Do có tiền sử lupus ban đỏ, bệnh rối loạn miễn dịch chị được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để theo dõi sát quá trình tiêm vắc-xin và phòng ngừa biến chứng. Nhờ can thiệp kịp thời, chị đã hoàn tất phác đồ tiêm và sức khỏe ổn định.

Một trường hợp khác là bé gái 5 tuổi ở Hà Nội bị chó nhà nặng hơn 20kg cắn vào vùng đầu, mặt, khu vực gần hệ thần kinh trung ương. Bé được nhập viện trong tình trạng có hơn 10 vết thương, trong đó có vết cắn sâu rõ dấu răng.

Các bác sỹ tiến hành khâu hở để giảm nguy cơ nhiễm trùng và theo dõi biến chứng, đồng thời tiêm vắc-xin và huyết thanh phòng dại cho bé. Hiện bệnh nhi đang được theo dõi tích cực.

Theo báo cáo của Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận 42 trường hợp tử vong nghi do bệnh dại tại 19 tỉnh, thành phố, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (47 trường hợp) nhưng vẫn ở mức cao đáng báo động.

Gia Lai tiếp tục là địa phương có số ca tử vong do bệnh dại cao nhất khu vực Tây Nguyên. Trong khi đó, Bình Thuận (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng) trở thành “điểm nóng mới” với 5 trường hợp tử vong do dại từ năm 2024 đến tháng 5/2025.

Theo các bác sỹ, nguyên nhân chính của các ca tử vong là do người dân không tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại sau phơi nhiễm. Nhiều người vẫn có tâm lý sợ vắc-xin “độc”, lo tác dụng phụ hoặc tin theo phương pháp dân gian như đắp lá, bôi thuốc Nam… Tất cả những hành vi này đều cực kỳ nguy hiểm và thường dẫn tới hậu quả không thể đảo ngược.

Bác sỹ Nguyễn Nguyên Huyền, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và Tiêm chủng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, tất cả vắc-xin phòng dại hiện nay đều đã được kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng, không chứa virus sống, rất an toàn và hiệu quả. Sự chần chừ sau khi bị chó cắn có thể khiến bạn mất đi cơ hội sống duy nhất. Bệnh dại không cho cơ hội thứ hai. Một mũi tiêm kịp thời có thể cứu cả cuộc đời.

Theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, bệnh dại không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt là cách duy nhất để ngăn chặn tử vong. Vắc-xin dại thế hệ mới được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, không chứa tế bào thần kinh nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến trí nhớ hay sức khỏe của người tiêm.

Khi bị chó, mèo cắn, người dân cần sơ cứu đúng cách bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng trong ít nhất 15 phút, sát trùng bằng cồn hoặc iốt, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng.

Các chuyên gia khuyến cáo, việc quản lý tốt đàn chó và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho vật nuôi là biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại ở người.

Mỗi người dân nuôi chó, mèo cần có trách nhiệm: không thả rông, đeo rọ mõm cho chó khi ra ngoài, tiêm phòng đầy đủ định kỳ và giám sát trẻ nhỏ tiếp xúc với động vật. Với những người thuộc nhóm nguy cơ cao như bác sỹ thú y, người buôn bán hoặc tiếp xúc thường xuyên với chó mèo, nên tiêm vắc-xin dự phòng chủ động.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư