Thứ Sáu, Ngày 25 tháng 07 năm 2025,
Viêm não Nhật Bản: Nguy cơ và giải pháp từ vắc-xin hiện đại
D.Ngân - 24/07/2025 12:20
 
Không có thuốc đặc trị, viêm não Nhật Bản chỉ có thể kiểm soát hiệu quả nhờ vắc-xin. Nghiên cứu mới khẳng định JE-VC bảo vệ dài hạn, an toàn, phù hợp với chương trình tiêm chủng mở rộng.

Gánh nặng bệnh tật lớn

Ngày 24/7 tại Quảng Ninh, Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cập nhật thông tin về vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết.

Tại đây, các chuyên gia đầu ngành về dự phòng và vắc-xin đã có những báo cáo quan trọng về hai loại dịch bệnh hiểm nguy này.

GS-TS.Vũ Sinh Nam phát biểu tại Hội thảo.

GS-TS.Vũ Sinh Nam, đại diện Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus họ Flavivirus gây ra.

Bệnh lây truyền chủ yếu qua muỗi, đặc biệt là muỗi Culex, có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Đây là căn bệnh phổ biến ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương, nơi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

WHO xác định VNNB là nguyên nhân hàng đầu gây viêm não virus tại khu vực này, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em. Ước tính có khoảng 3 tỷ người tại 24 quốc gia châu Á có nguy cơ mắc bệnh, trong đó 700 triệu là trẻ dưới 15 tuổi.

Tại Việt Nam, viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu vào năm 1952 trên một lính Pháp, và năm 1953 đã ghi nhận 98 ca mắc. Đến năm 1964, virus được phân lập thành công tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với chủng HN-60.

Trước khi có vắc xin, số ca mắc dao động từ 2.000 - 3.000 người mỗi năm, với đỉnh dịch vào năm 1985 ghi nhận tới 4.935 ca. Các ổ dịch thường tập trung ở vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và khu vực trồng lúa nước. Năm 1995, viêm não Nhật Bản chiếm tới 61% tổng số các trường hợp viêm não do virus tại Việt Nam.

Từ năm 1997, Việt Nam chính thức đưa vắc xin viêm não Nhật Bản vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR). Kể từ đó, số ca mắc viêm não Nhật Bản đã giảm đáng kể, trung bình chỉ còn từ 100 - 400 ca mỗi năm, tức giảm khoảng 90% so với giai đoạn trước tiêm chủng đại trà.

Số liệu từ năm 2020 đến 2022 cho thấy số ca mắc dao động từ 108 đến 196 ca mỗi năm. Tuy nhiên, sự phân bố ca bệnh vẫn cho thấy tính mùa vụ rõ rệt, đặc biệt vào các tháng hè (tháng 5 - 7), khi mật độ muỗi tăng cao do trùng với mùa mưa và thời điểm cấy trồng lúa nước.

Mặc dù tỷ lệ mắc đã giảm, nhưng gánh nặng bệnh tật do viêm não Nhật Bản vẫn còn lớn. Khoảng 94% bệnh nhân cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực (ICU), phần lớn cần hỗ trợ thở máy.

Thời gian điều trị trung bình tại ICU là 21 ngày và tổng thời gian điều trị nội trú trung bình là 43 ngày. Chi phí điều trị trung bình tại Philippines được ước tính là 859 USD mỗi ca.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo dữ liệu từ năm 2019 - 2020, chi phí điều trị trực tiếp (viện phí) trung bình cho một ca bệnh là hơn 19 triệu đồng. Bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản thường phải đối mặt với nguy cơ di chứng nặng nề như bại liệt, động kinh, rối loạn tâm thần và chậm phát triển trí tuệ.

Nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2014 - 2016 cho thấy trong số 861 bệnh nhân viêm não cấp, có tới 72,7% trường hợp xác định căn nguyên là viêm não Nhật Bản.

Một nghiên cứu dịch tễ tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2004 - 2017 cũng cho thấy virus viêm não Nhật Bản chiếm tỷ lệ 20,2% trong số các mẫu bệnh phẩm dương tính. Trong đó, 87,5% các trường hợp mắc thuộc nhóm tuổi dưới 15 tuổi, tuy nhiên xu hướng hiện nay đang dịch chuyển dần sang các nhóm tuổi lớn hơn do vắc xin chủ yếu tiêm cho trẻ nhỏ.

Ngoài ra, các ca bệnh thường xảy ra ở những đối tượng chưa tiêm phòng, tiêm chưa đủ liều hoặc không tiêm nhắc đúng lịch. Phân tích dữ liệu từ nhiều năm gần đây cho thấy viêm não Nhật Bản có xu hướng lưu hành quanh năm, đặc biệt tại miền Nam và Tây Nguyên.

Tại miền Bắc, bệnh gia tăng rõ rệt vào mùa hè và giảm mạnh trong mùa đông. Sự lưu hành liên tục của virus trong môi trường cùng với điều kiện thuận lợi về khí hậu, địa lý (vùng đồng bằng, ruộng lúa, ao hồ) khiến việc kiểm soát viêm não Nhật Bản trở thành một nhiệm vụ lâu dài, cần sự can thiệp đồng bộ từ cả hệ thống y tế dự phòng và điều trị.

Về lịch tiêm chủng, Bộ Y tế khuyến cáo trẻ em cần được tiêm đủ 3 liều vắc xin viêm não Nhật Bản: mũi 1 lúc 12 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi 1 một tháng, và mũi nhắc lại sau 1 năm. Việc tiêm phòng đầy đủ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay.

Dữ liệu từ các nghiên cứu tại Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam đều khẳng định hiệu quả cao của vắc xin viêm não Nhật Bản, không chỉ giúp giảm số ca mắc mà còn tiết kiệm chi phí điều trị, giảm tải cho hệ thống y tế.

Trong bối cảnh nhiều bệnh truyền nhiễm đang có nguy cơ quay trở lại do tác động của biến đổi khí hậu và sự gián đoạn tiêm chủng, việc duy trì và mở rộng chương trình tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản là rất cần thiết. Cùng với đó, cần tăng cường truyền thông, giám sát dịch tễ và nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị để bảo vệ tốt hơn sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em, nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất.

Vắc-xin là vũ khí hiệu quả phòng dịch

Trong bài báo cáo về tính an toàn và hiệu quả bảo vệ dài hạn của vắc-xin viêm não Nhật Bản bất hoạt nuôi cấy trên tế bào Vero (JE-VC), bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, dựa trên nghiên cứu của Dr. Sidda Lingaiah đã nêu rõ nhiều vấn đề quan trọng của vắc-xin này.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải phát biểu tại Hội thảo.

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus họ Flavivirus gây ra, lây truyền qua muỗi, có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề suốt đời.

Trong bối cảnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc-xin đóng vai trò then chốt trong chiến lược kiểm soát dịch. Một bước tiến quan trọng trong dự phòng viêm não Nhật Bản hiện nay là sự ra đời của vắc-xin bất hoạt nuôi cấy trên tế bào Vero (JE-VC), được chứng minh có hiệu quả bảo vệ cao và duy trì miễn dịch dài hạn với độ an toàn đáng tin cậy.

JE-VC được phát triển lần đầu bởi Viện Nghiên cứu Quân sự Walter Reed (Hoa Kỳ), sau đó được nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa bởi công ty Valneva tại châu Âu (trước đây là Intercell).

Quy trình sản xuất sau đó được chuyển giao cho công ty Biological E của Ấn Độ. Vắc-xin đã được Cục Quản lý Dược phẩm Hoa Kỳ (USFDA) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép lưu hành cho người lớn từ năm 2009, và mở rộng cho trẻ em từ năm 2013.

Tại Ấn Độ, vắc-xin cũng được DCGI phê duyệt sử dụng cho cả người lớn và trẻ nhỏ từ năm 2012. Hiện JE-VC đã được sử dụng tại hơn 40 quốc gia, bao gồm Mỹ, các nước EU, Úc, Canada, Ấn Độ và Việt Nam, cho thấy độ bao phủ toàn cầu ngày càng tăng.

Điểm nổi bật của JE-VC so với các vắc-xin truyền thống là quá trình sản xuất không sử dụng mô não chuột mà nuôi cấy virus trên dòng tế bào Vero, giúp nâng cao độ tinh khiết và hạn chế nguy cơ phản ứng phụ.

Các vắc-xin này sử dụng chủng virus SA-14-14-2, có hoặc không có chất phụ gia nhôm tùy theo nhà sản xuất. Lịch tiêm chủng cơ bản của JE-VC gồm 2 liều cách nhau 28 ngày, có thể bắt đầu từ 2 tháng tuổi (đối với IXIARO của Valneva) hoặc từ 12 tháng tuổi (đối với JEEV của Biological E). Trong các vùng dịch lưu hành, liều tiêm nhắc sau 1 năm được khuyến nghị để đảm bảo miễn dịch bền vững.

Đáp ứng nhu cầu cấp thiết về dữ liệu bảo vệ dài hạn, một nghiên cứu tại Philippines tiến hành đánh giá khả năng duy trì miễn dịch và tính an toàn của JE-VC trong vòng 3 năm sau tiêm trên 300 trẻ em, chia làm hai nhóm: Nhóm thứ nhất tiêm 2 liều cơ bản, nhóm thứ hai tiêm 2 liều cơ bản và 1 liều nhắc sau 12 tháng.

Các chỉ số đánh giá gồm tỷ lệ huyết thanh dương tính (SPR), hiệu giá kháng thể trung bình (GMT) và các biến cố bất lợi ghi nhận đến 36 tháng sau tiêm.

Kết quả cho thấy sau 2 liều cơ bản, 100% trẻ đạt mức kháng thể bảo vệ. GMT đạt đỉnh vào ngày thứ 56 (207), giảm nhẹ vào tháng thứ 12 (49) và duy trì ổn định ở mức cao hơn ngưỡng bảo vệ trong 2 năm tiếp theo (50 tại tháng 24 và 59 tại tháng 36).

Đặc biệt, nhóm được tiêm liều nhắc sau 12 tháng duy trì hiệu giá kháng thể cao và ổn định hơn rõ rệt. Về tính an toàn, không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng hoặc biến cố bất lợi nghiêm trọng liên quan đến vắc-xin. Các phản ứng nhẹ tại chỗ hoặc toàn thân như sưng đỏ hoặc sốt thoáng qua được ghi nhận với tần suất thấp và tự khỏi.

Những kết quả trên khẳng định JE-VC là một trong những lựa chọn tối ưu trong phòng ngừa viêm não Nhật Bản, đặc biệt tại các vùng lưu hành dịch.

Theo bác sỹ Tuấn Hải, vắc-xin không chỉ đảm bảo đáp ứng miễn dịch sớm sau tiêm mà còn duy trì hiệu quả bảo vệ lâu dài, đặc biệt khi có bổ sung liều nhắc.

Việc JE-VC được sản xuất theo công nghệ hiện đại, không dùng mô não động vật góp phần quan trọng vào việc nâng cao độ an toàn và khả năng chấp nhận rộng rãi của cộng đồng.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh bệnh dịch có xu hướng thay đổi độ tuổi mắc và thời điểm xuất hiện, chiến lược tiêm chủng cần được cập nhật linh hoạt. Việc triển khai JE-VC vào chương trình tiêm chủng mở rộng, cùng với khuyến cáo tiêm nhắc sau năm đầu tiên, sẽ góp phần giảm mạnh tỷ lệ mắc và tử vong do viêm não Nhật Bản, đặc biệt trong nhóm trẻ em tại các quốc gia Đông Nam Á, nơi bệnh vẫn còn lưu hành mạnh.

Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh cao
Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh cao, làm gia tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội. Việc phát hiện muộn và điều trị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư