Chủ Nhật, Ngày 20 tháng 07 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 20/7: Cảnh giác với viêm não Nhật Bản ở người trẻ
D.Ngân - 20/07/2025 08:21
 
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (CDC) vừa ghi nhận hai trường hợp dương tính với viêm não Nhật Bản B. Cả hai bệnh nhân đều dưới 18 tuổi, có biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau đầu giống cảm cúm thông thường.

Cảnh giác với viêm não Nhật Bản

Các triệu chứng khởi phát nhẹ khiến gia đình chủ quan, tự điều trị tại nhà, dẫn đến tình trạng bệnh diễn tiến nặng.

Trường hợp đầu tiên là bé gái D.T.X, 8 tuổi, trú tại xã Tiên Yên. Bé bắt đầu có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi và được gia đình cho uống thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm. Sau vài ngày, tình trạng sức khỏe xấu đi, bé liệt nửa người, lơ mơ và phải thở máy.

Triệu chứng của viêm não Nhật Bản dễ bị nhầm với các bệnh sốt virus thông thường. 

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi dương tính với viêm não Nhật Bản. Hiện bệnh nhân đã được cai máy thở, sức khỏe có tiến triển nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi và phục hồi chức năng.

Trường hợp thứ hai là thiếu nữ Đ.T.K.L, 17 tuổi, ở xã Quảng Hà. Bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, đau đầu, sau đó co giật, nôn và lơ mơ.

Sau khi nhập viện, các bác sỹ lấy mẫu xét nghiệm và xác nhận bệnh nhân dương tính với viêm não Nhật Bản. Hiện tại, tình trạng đã ổn định hơn và bệnh nhân đang trong giai đoạn phục hồi chức năng.

Điểm đáng chú ý là cả hai bệnh nhân đều không rời khỏi địa phương trước khi khởi bệnh. Khu vực sinh sống của các em có nhiều muỗi, nước đọng và cây cối rậm rạp, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.

Ngay sau khi ghi nhận các ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với trung tâm y tế địa phương điều tra, xử lý môi trường, phun hóa chất diệt muỗi và khoanh vùng ổ dịch tại cộng đồng.

Theo đại diện Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm thuộc CDC Quảng Ninh, viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm, lây truyền qua muỗi Culex, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Thời tiết hiện nay nóng ẩm, xen kẽ mưa rào đã tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, làm tăng nguy cơ lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ở trẻ em.

Triệu chứng của viêm não Nhật Bản dễ bị nhầm với các bệnh sốt virus thông thường. Giai đoạn đầu bệnh nhân thường sốt cao đột ngột, đau đầu nhiều, buồn nôn hoặc nôn. Khi chuyển nặng có thể xuất hiện co giật, lơ mơ, hôn mê, cứng gáy, liệt tay chân. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng như liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ.

Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ từ 1 tuổi trở lên, tiêm nhắc đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi như ngủ màn, mặc quần áo dài tay, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, loại bỏ các vật dụng chứa nước tù đọng xung quanh nhà.

Khi trẻ có biểu hiện sốt cao kèm đau đầu, co giật hoặc lơ mơ, cần đưa đến cơ sở y tế sớm, không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Việc chủ động tiêm vắc-xin và kiểm soát môi trường sống có vai trò quyết định trong việc ngăn chặn bệnh viêm não Nhật Bản lây lan và bùng phát trong cộng đồng.

Tỷ lệ mang đột biến gen di truyền khá cao ở nhiều loại ung thư

Theo số liệu từ GLOBOCAN 2022, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới và tử vong do các bệnh ung thư phổ biến như ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt và tụy. Đáng chú ý, tỷ lệ mang đột biến gen di truyền, đặc biệt là BRCA1 và BRCA2, ở những bệnh lý này được đánh giá là khá cao.

Cụ thể, Việt Nam ghi nhận 24.563 ca mắc mới ung thư vú mỗi năm, trong đó có 10.008 trường hợp tử vong. Ung thư buồng trứng ghi nhận 1.534 ca mắc mới và 1.003 ca tử vong. Với ung thư tuyến tiền liệt, có 5.875 ca mắc mới và 2.800 ca tử vong.

Ung thư tụy có tỷ lệ tử vong gần tương đương với số ca mắc, lần lượt là 1.251 và 1.226 trường hợp mỗi năm. Theo các chuyên gia ung bướu, tỷ lệ mang đột biến gen di truyền BRCA1/2 ở người mắc ung thư hiện đang ở mức đáng báo động.

Cụ thể, khoảng 15% ở ung thư biểu mô buồng trứng, 10-17% ở ung thư vú thể tam âm, 6% ở ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính, từ 5 đến 10% ở ung thư tuyến tiền liệt và khoảng 5 đến 7% ở ung thư biểu mô tuyến tụy. Những con số này cho thấy vai trò quan trọng của xét nghiệm di truyền trong tầm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư hiện đại.

Bác sỹ Võ Văn Kha, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.Cần Thơ cho biết, vào tháng 11 tới, bệnh viện sẽ phối hợp cùng Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức đào tạo tại chỗ về tư vấn di truyền cho các chuyên viên y tế trong khu vực. Việc đào tạo này nhằm mở rộng năng lực chuyên môn và tiếp cận sâu rộng hơn tới đội ngũ nhân sự y tế ở các tỉnh thành trong vùng.

Theo lãnh đạo bệnh viện, đơn vị Tư vấn Di truyền do Bệnh viện vừa thành lập, không chỉ giúp người bệnh nhận diện sớm yếu tố di truyền liên quan đến ung thư, từ đó đưa ra hướng điều trị cá thể hóa và hạn chế biến chứng, mà còn tạo ra giá trị xã hội thông qua tầm soát nhóm người có nguy cơ cao. Điều này giúp giảm tỷ lệ tử vong, tiết kiệm chi phí điều trị và góp phần giảm áp lực lên hệ thống y tế địa phương.

Bệnh viện Ung bướu TP.Cần Thơ cũng thường xuyên phối hợp với Hội Ung thư TP.Cần Thơ tổ chức các chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn cho y bác sỹ.

Các hoạt động này góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận nhanh chóng với những tiến bộ quốc tế trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư, đặc biệt là các bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao như ung thư phổi, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

Một trong những chương trình tiêu biểu là ứng dụng trí tuệ nhân tạo qXR trong đọc phim X-quang phổi, được bệnh viện triển khai từ cuối năm 2023. Công nghệ này giúp các bác sỹ phát hiện sớm tổn thương phổi ngay khi còn ở kích thước rất nhỏ, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị.

Với việc triển khai đồng bộ các chiến lược chẩn đoán và điều trị dựa trên nền tảng khoa học hiện đại, Bệnh viện Ung bướu TP.Cần Thơ đang ngày càng khẳng định vai trò trung tâm điều trị ung thư chất lượng cao tại khu vực miền Tây Nam Bộ.

Nguy cơ vỡ động mạch chủ ngực và giải pháp stent graft cứu người bệnh

Anh Tín, 48 tuổi, được chẩn đoán phình động mạch chủ ngực và u nhầy ruột thừa cùng lúc, đã trải qua hai lần phẫu thuật ít xâm lấn nhằm ngăn ngừa biến chứng vỡ khối phình. Trước đó, anh có tiền sử đau ngực âm ỉ trong sáu tháng.

Qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh, các bác sỹ phát hiện khối phình động mạch chủ ngực xuống với kích thước tối đa 54 mm và có chỉ định can thiệp nhưng anh chọn điều trị nội khoa kết hợp theo dõi định kỳ.

Ba tháng trước, anh xuất hiện cơn đau ngực tăng dần, kèm cảm giác khó chịu vùng thượng vị, buồn nôn và chán ăn. Khi nhập cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chụp CT phát hiện bên cạnh khối phình động mạch chủ ngực còn có một khối u nhầy tại ruột thừa.

TS.Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, nhận định khối phình kéo dài từ ngực đến đoạn trên thận với đường kính đoạn lớn nhất 54 mm, nhỏ nhất 30 mm, cần can thiệp đặt stent graft hoặc phẫu thuật sớm để ngăn nguy cơ vỡ, huyết khối, suy tim, đột quỵ hoặc đột tử. Tuy nhiên, khối u nhầy ruột thừa chưa xác định được bản chất lành hay ác tính, có nguy cơ gây nhiễm trùng cao.

Sau khi hội chẩn, ê kíp quyết định xử lý u nhầy ruột thừa trước. Các bác sỹ Ngoại Tiêu hóa thực hiện phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải kèm nạo vét hạch, có sự hỗ trợ của ê kíp Ngoại Lồng ngực - Mạch máu phòng ngừa nguy cơ vỡ khối phình.

Kết quả giải phẫu bệnh xác định u lành tính, không có dấu hiệu ác tính. Sau hai tháng theo dõi, anh hồi phục tốt, ổn định và đủ điều kiện để can thiệp phình động mạch chủ ngực.

Bác sỹ Dũng chọn đặt stent graft thay vì phẫu thuật mở để rút ngắn thời gian thủ thuật, giảm biến chứng và giúp phục hồi nhanh hơn.

Ê kíp luồn ống thông từ động mạch đùi đến đoạn động mạch chủ ngực tổn thương, đưa stent graft vào, mở ra và bám sát thành động mạch, cô lập hoàn toàn khối phình khỏi dòng máu, điều chỉnh dòng chảy trong lòng stent và ngăn ngừa nguy cơ vỡ.

Ca can thiệp kết thúc sau gần hai giờ, anh Tín có thể sinh hoạt bình thường chỉ sau một ngày và xuất viện sau ba ngày. Theo bác sỹ Dũng, thành công của ca thủ thuật nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên khoa Ngoại Tiêu hóa và Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, giúp đưa ra quyết định đúng đắn về thứ tự xử lý bệnh nhằm giảm biến chứng và tăng hiệu quả điều trị.

BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, cho biết phình động mạch chủ là bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất cơ thể, chịu trách nhiệm mang máu giàu oxy từ tim đến các cơ quan. Khi thành động mạch suy yếu, máu chảy liên tục tạo thành khối phình, giảm chức năng vận chuyển máu và gây biến chứng nghiêm trọng.

Phình động mạch chủ phổ biến nhất là phình động mạch chủ bụng (chiếm khoảng 75%), còn lại là phình động mạch chủ ngực. Nam giới trên 65 tuổi, hút thuốc lá nhiều năm, có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc tăng huyết áp là nhóm nguy cơ cao.

Biến chứng nguy hiểm nhất của phình động mạch chủ là vỡ động mạch, một cấp cứu đe dọa tính mạng vì máu tràn ra ngoài gây sốc mất máu nghiêm trọng, làm giảm cung cấp máu cho tim, não, thận. Nếu không can thiệp kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và nâng cao khả năng hồi phục.

Theo bác sỹ Hoài, giai đoạn đầu bệnh thường không có triệu chứng nên khó phát hiện. Khi không điều trị, khối phình phát triển làm tăng nguy cơ vỡ, thường được phát hiện tình cờ qua thăm khám hình ảnh như siêu âm bụng hoặc chụp CT mạch máu (CTA) để đánh giá kích thước, vị trí và lập kế hoạch điều trị.

Người bệnh cần đi khám sớm khi có các triệu chứng nghi ngờ như đau âm ỉ vùng bụng, đau một bên bụng hoặc đau lưng kéo dài (với phình động mạch chủ bụng), đau ngực, đau lan ra sau lưng, ho kéo dài, khàn tiếng, khó thở (với phình động mạch chủ ngực).

Khi khối phình vỡ, các dấu hiệu gồm da nhợt, chân tay lạnh, đổ mồ hôi, chóng mặt, ngất xỉu, tim đập nhanh, buồn nôn, khó thở và đau đột ngột ở bụng, lưng dưới hoặc chân với mức độ tăng dần, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay.

Tin mới y tế ngày 17/7: Phát hiện mắc viêm não Nhật Bản B sau triệu chứng đau đầu
Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản B đầu tiên trong năm 2025. Bệnh nhân là một bé trai 9 tuổi, khởi phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư