Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tìm giải pháp tăng cường liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Anh Phong - 19/12/2018 13:45
 
Sáng nay (19/12), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Sứ quán Úc tổ chức Hội thảo “Tăng cường Liên kết Vùng ở Đồng bằng Sông Cửu Long” nhằm tìm giải pháp tăng cường điều phối và liên kết vùng trong giai đoạn tới.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng lãnh thổ có vị trí đặc biệt quan trọng, không chỉ là nơi sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy hải sản lớn nhất mà còn là một vùng động lực quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

Trong thời gian qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát triển khá, đạt được nhiều thành tựu trên nhiều mặt trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, khu vực này đang bị tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản cũng như sinh kế của người dân và sự phát triển kinh tế xã hội môi trường trong vùng.

Những hậu quả đã hiện hữu như hạn hán, xâm nhập mặn, xâm thực bờ biển diễn ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt chưa từng có ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn nhất là hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, gây ra tình trạng lũ về ít và muộn ở đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó là cấu tạo địa chất sụt lún khoảng 2cm/năm do tự nhiên và do khai thác nước ngầm quá mức.

Nhận rõ thách thức trên, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường.

Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như: huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; hoàn thiện thể chế, ban hành chiến lược, kế hoạch hành động; tăng cường các nguồn lực đầu tư; lồng ghép các yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; sử dụng bền vững tài nguyên nước…

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, đối với Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết 120 ban hành năm 2017 được xây dựng theo hướng tiếp cận tổng thể, tích hợp và định hướng lâu dài. Trong đó, tăng cường liên kết vùng để phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

“Liên kết và điều phối vùng hiệu quả là nền tảng có tính quyết định đối với sự phát triển hài hòa và bền vững của vùng. Liên kết và điều phối vùng giúp giải quyết các xung đột trong phát triển, tránh được sự chồng chéo và thiếu hụt trong quy hoạch và thực hiện, đảm bảo hài hòa các lợi ích cả ngắn hạn và lâu dài, cục bộ và toàn diện, trong bối cảnh phát triển và biến đổi khí hậu nhiều bất ổn”, Thứ trưởng Hiếu nhận định.

Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, và với Ngân hàng Thế giới và các đối tác quốc tế thực hiện nghiên cứu về “Tăng cường Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Thứ trưởng Hiếu cho rằng, đây là cơ hội để tập trung xem xét một cách thấu đáo, toàn diện tình hình triển khai Quy chế liên kết thí điểm phát triển kinh tế xã hội Vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ khi được ban hành, từ đó đề ra các cơ chế, chính sách, giải pháp, mô hình liên kết mang tính lâu dài, có tính thực tiễn cao để phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng ngày càng tốt hơn với các khó khăn thách thức hiện tại.

Cùng phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ông Ousmane Dione đánh giá, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đang ở ngã rẽ quan trọng. Để đảm bảo sự phát triển khu vực này diễn ra đúng theo định hướng Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đề ra, Chính phủ Việt Nam (và các đối tác phát triển) cần chọn các giải pháp thực hiện hiệu quả.

“Sự phối kết hợp chặt chẽ trong vùng là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết 120 – cần phải đảm bảo một cách tiếp cận tích hợp liên vùng khi đưa các kế hoạch, chương trình, đầu tư, chia sẻ thông tin nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững ở đồng bằng”, ông Ousmane Dione nói.

Đồng quan điểm trên, ông Justin Baguley, Quyền Đại sứ Australia tại Việt Nam chia sẻ thêm, phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi phải có một cơ chế phối hợp liên vùng mạnh mẽ giữa tất cả các tỉnh và Bộ ban ngành liên quan, qua đó sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài chính và tài nguyên sẵn có.   

Trong khuôn khổ Hội thảo hôm nay, các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đã tập trung thảo luận 5 nội dung lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề điều phối và liên kết ở Đồng bằng sông Cửu Long

Một là, kết quả thực hiện Quyết định 593/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về Liên kết vùng, những điểm đã làm được và chưa làm được, còn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Hai là, xem xét và cân nhắc các kinh nghiệm quốc tế,từ đó sàng lọc các biện pháp, phương án có thể phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của vùng;

Ba là, thảo luận và cho ý kiến về các mô hình đề xuất trong báo cáo nhằm tăng cường điều phối và liên kết vùng trong giai đoạn tới; vai trò của các bên liên quan trong việc xây dựng và áp dụng các mô hình khả thi.

Bốn là, thảo luận một lộ trình có tính thực tế, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để xây dựng và hoàn thiện mô hình điều phối và liên kết vùng.

Năm là, Định hướng về các cơ chế chính sách và nguồn lực để triển khai thực hiện.

Tổ chức lại Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc tổ chức lại Tổng công ty Đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư