Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Tín dụng khựng lại và nỗi lo nợ xấu
Hà Tâm - 07/03/2023 09:18
 
Các ngân hàng thừa vốn, song lại không thể cho vay. Điều này phản ánh “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp đang suy kiệt, đồng thời dấy lên cảnh báo cho các ngân hàng về rủi ro nợ xấu.
Hầu hết các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 12 tháng. Ảnh: Đ.T

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang sút giảm

Không nằm ngoài dự báo của các ngân hàng thương mại trước đó, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 2/2023 chỉ tăng chưa đầy 0,8%, chưa bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm ngoái.

Tín dụng tăng chậm hiện nay không phải do ngân hàng khát thanh khoản, khát room tín dụng như cuối năm ngoái. Thanh khoản của hệ thống đang dư thừa hơn 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc; room tín dụng cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp cho các tổ chức tín dụng, còn rất dồi dào.

Lý giải về tín dụng tăng chậm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra một số lý do như: 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán; “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn; đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái; thị trường bất động sản khó khăn khiến nhu cầu suy giảm.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tín dụng tăng trưởng thấp cho thấy khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp cho hay, đơn hàng sút giảm, nên nhu cầu vay vốn hầu như không có. Thậm chí, thay vì vay thêm vốn, nhiều doanh nghiệp lại cố gắng xoay xở để tất toán bớt các khoản vay nhằm giảm áp lực tài chính.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu đều đối mặt với tình trạng sút giảm đơn hàng. Lạm phát tăng cao, sức mua suy giảm ở các thị trường chính như Mỹ, châu Âu… đang đánh thẳng vào hoạt động của doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, sức mua toàn cầu giảm khiến lượng đơn hàng toàn ngành quý I/2023 giảm 25 - 30%.

Với doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sao Nam cho hay, đơn hàng của Sao Nam giảm tới 30 - 35% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Không chỉ lo đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng lãi suất cho vay cao. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngoài khó khăn thị trường, lãi vay cao và khó tiếp cận vốn đang là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp. Theo ông Nam, NHNN cần đưa ra chính sách lãi suất ưu đãi hơn với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, vì với lãi suất cho vay hiện tại, doanh nghiệp thủy sản đang phải chịu áp lực lớn về chi phí đầu vào.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV phân tích, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, ngoài sức cầu giảm, còn do khó tiếp cận vốn, lãi suất cao…

Với “thể trạng” của doanh nghiệp hiện nay, chuyên gia này đặc biệt lo ngại tình hình nợ xấu có thể gia tăng. Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát (nợ xấu nội bảng 2%, nợ xấu gộp 3,5%). Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, nền kinh tế có nguy cơ suy thoái nhẹ và mặt bằng tỷ giá cao, tỷ giá còn chịu áp lực tăng, nghĩa vụ trả nợ tăng…, thì doanh nghiệp ở một số lĩnh vực sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Hy sinh” tỷ giá để giảm lãi suất có quá mạo hiểm?

GS-TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, năm 2023 sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất. Theo chuyên gia này, nên chấp nhận mất giá VND trong ngắn hạn để giảm được lãi suất. Bởi xét ra, lãi suất cao có hại nhiều hơn cho nền kinh tế so với việc VND mất giá.

Tin tốt với doanh nghiệp là bắt đầu từ tuần này (từ ngày 6/3), các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm thêm 0,2 - 0,5% lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 12 tháng để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay. Theo khảo sát của Báo Đầu tư, đến cuối tuần trước, hầu hết các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 12 tháng, hiện mức cao nhất của kỳ hạn này là 9%/năm.

Tuy vậy, những dữ liệu mới nhất của kinh tế châu Âu và Mỹ vừa tung ra đầu tháng 3/2023 cho thấy, lạm phát lõi còn cao, cầu tiêu dùng tiếp tục suy yếu. Giới chuyên gia dự báo, châu Âu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất hơn so với dự kiến. Điều này có thể sẽ trở thành rào cản đối với việc hạ lãi suất trong nước.

Các động thái của NHNN gần đây cho thấy, cơ quan này vẫn hết sức thận trọng với tỷ giá, nhất là khi USD đang tăng mạnh trở lại trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, NHNN vẫn phải tăng mua vào ngoại tệ dự trữ sau khi đã bơm ra lượng lớn để can thiệp thị trường năm 2022. Theo ước tính của một số công ty chứng khoán, trong tháng 2/2023, NHNN mua vào 3,6 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên 9,3 tỷ USD.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ, thị trường tài chính thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương chưa dừng lại. Theo Thống đốc, diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối, bởi NHNN vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Trong điều kiện nền kinh tế mở, việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá rất quan trọng. 

Hiện lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.

Riêng với tín dụng bất động sản, để khai thông, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trước hết, phải gỡ vướng về pháp lý, vì 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là do pháp lý. Một khi pháp lý được tháo gỡ, ngân hàng mới có thể giải ngân.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tổ chức thực hiện để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định; nghiên cứu, điều hành lãi suất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với kiểm soát lạm phát; cắt giảm lãi suất thực chất; chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế phát sinh nợ xấu mới; rà roát, có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản…
Nợ xấu phân hóa mạnh giữa các ngân hàng
Trong khi nợ xấu giảm tại một số ngân hàng, không ít nhà băng không chỉ có tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong năm qua, mà còn trong xu hướng tăng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư