Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tín dụng tăng 2,52%, tiếp tục chỉ đạo ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt
T.L - 05/03/2022 11:57
 
Giảm so với tháng 1/2021, song tín dụng 2 tháng đầu năm vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ. NHNN chỉ đạo các ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt, tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay.

Yêu cầu ngân hàng giảm chi phí, tập trung nguồn lực giảm lãi vay

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, 2 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Đến ngày 25/2/2022, tín dụng tăng 2,52% (VND tăng 2,34%, ngoại tệ tăng 3,96%). Trước đó, NHNN cho biết tín dụng cuối tháng 1 tăng 2,74%, như vậy tín dụng trong tháng 2/2021 đã giảm nhẹ.

Huy động vốn vẫn tiếp tục tăng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Đến 25/2, huy động vốn tăng 1,29% (VNĐ tăng 1,30%, ngoại tệ tăng 1,24%) so với cuối năm 2021.

 Mặc dù chịu áp lực từ xu hướng thu hẹp nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, duy trì nguồn vốn chi phí thấp để tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...; thực hiện cho vay bằng ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước về hạn chế tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế.

Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt  theo hướng công bố tỷ giá trung tâm biến động linh hoạt hàng ngày phù hợp diễn biến thị trường trong và ngoài nước, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Nhìn chung, thị trường ngoại tệ trong nước hoạt động ổn định, thanh khoản thị trường diễn ra bình thường, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Ngày 17/2/2022, tỷ giá trung tâm ở mức 23.113 VND/USD, giảm 0,14% so với mức cuối năm 2021; tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng ở mức 22.765 VND/USD, giảm 0,09% so với mức cuối năm 2021; tỷ giá Vietcombank ở mức 22.620/22.900 VND/USD, giảm 0,09%/0,09% so với cuối năm 2021.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đến 07/02/2022, các tổ chức tín dụng đã tiếp tục cơ cấu nợ, miễn giảm và hạ lãi suất, cho vay mới lãi suất thấp với hàng triệu khách hàng.

Thứ nhất, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 752.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 280.000 tỷ đồng. Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/01/2020 khoảng trên 630.000 tỷ đồng;

Thứ hai, các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2,2 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,8 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/01/2020 đến 07/02/2022, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 40.300 tỷ đồng;

Thứ ba, các ngân hàng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,95 triệu tỷ đồng cho khoảng 1,4 triệu khách hàng.

Tín dụng tăng ngay đầu năm
Cầu vốn trở lại sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát đẩy dư nợ tín dụng tăng trong những tháng đầu năm và kỳ vọng cả năm 2022 tăng 14%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư