Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 1/8: Dịch đang giai đoạn tấn công, phải duy trì cấp độ ứng phó cao
D.Ngân - 01/08/2021 08:26
 
Trong bản tin sáng 1/8, Bộ Y tế cho hay 884 trường hợp trên tổng số 4.372 ca mắc mới là bệnh nhân được phát hiện tại cộng đồng.

Vì sao số ca mắc vẫn tăng tại Hà Nội?

Theo CDC Hà Nội, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 1/8 có 16 ca mắc mới, trong đó 7 ca phát hiện tại khu cách ly và 9 ca phát hiện tại cộng đồng. Tính chung trong ngày Thành phố đã ghi nhận 73 trường hợp mắc mới.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 1.247ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 751 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 496 ca.

Theo Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, lượng người mắc mới có thể chia thành 2 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất là ca mắc tại ổ dịch hiện hữu (Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai...).

Đây là F1 của trường hợp dương tính trước đó, hoặc được phát hiện thông qua sàng lọc tại khu vực có nguy cơ cao, quanh nơi có ca bệnh.

Nhóm thứ hai là trường hợp dương tính được xác định qua sàng lọc cộng đồng, sàng lọc theo yếu tố dịch tễ (ho, sốt, mất vị giác...).

Lý giải về số lượng ca mắc những ngày qua tăng, ông Tuấn cho rằng số ổ dịch tại Hà Nội còn tương đối nhiều và thường phải mất 21 - 28 ngày mới có thể ổn định. Ngoài ra, F0 trong cộng đồng chưa được phát hiện còn khá nhiều, cần có thời gian để bóc tách hết.

Lãnh đạo CDC Hà Nội nhìn nhận sau 7 đến 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội, Thành phố mới có thể tìm được gần hết F0 tản mát ở cộng đồng. Vì vậy, nhiều khả năng những ngày tới số ca ghi nhận tiếp tục tăng nhanh.

"Phát hiện thêm F0 là chúng ta đang đi đúng hướng. Rà soát có trọng tâm, hiệu quả cao, phát hiện càng sớm khả năng dập dịch càng cao", ông Tuấn nói.

Nói về công tác phòng chống dịch sau 1 tuần giãn cách, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, bên cạnh kết quả tích cực chung, vẫn còn có địa phương, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện giãn cách xã hội.

Một số chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách; thậm chí còn có hiện tượng cơ quan, đơn vị hiểu sai là đi làm 50%, nghỉ 50%.

Trong đó, theo quy định, các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, tập đoàn bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

Trước việc số ca mắc Covid-19 tăng nhanh tại Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang gấp rút thi công bệnh viện dã chiến tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, để điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện có quy mô 500-700 giường bệnh và có thể mở rộng nếu cần thiết.

Đây là một trong 12 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 Quốc gia được Bộ Y tế phê duyệt nhằm đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch.

***

Quy định mới về ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19

Bộ Y tế vừa có quyết định số 3638/QĐ- BYT về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19" thay thế cho quyết định được ban hành trước đó vào tháng 8/2020. 

Theo đó, có thay đổi một số khái niệm. Chẳng hạn ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát) mắc Covid-19 là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác.

Hoặc người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với virus SARS-CoV-2.

So với quy định cũ, khái niệm này đã bỏ điều kiện về tiền sử dịch tễ, tiền sử tiếp xúc F0. 

Bên cạnh đó, các tiêu chí về người tiếp xúc gần (F1) cũng có một số điều chỉnh. Chẳng hạn, ngoài điều kiện là người tiếp xúc gần với F0 trong khoảng 2m thì còn là người có tiếp xúc gần trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

Cụ thể, quyết định mới này phân chia rõ trường hợp nào tiếp xúc gần với F0 có triệu chứng và F0 không có triệu chứng (không dùng khái niệm người lành mang trùng) thì được xác định là F1. 

Chẳng hạn, đối với F0 có triệu chứng, một người được xác định là F1 nếu tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của F0 cho đến khi F0 được cách ly y tế.

Thời điểm khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường về sức khỏe đầu tiên mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là một trong các triệu chứng sau: mệt mỏi; chán ăn; đau người; gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng.

***

Quy định về cách ly F1

Tại quyết định này, Bộ Y tế cũng quy định rõ, tổ chức cách ly ngay tất cả người tiếp xúc gần (F1) tại cơ sở cách ly tập trung ít nhất 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. 

Tốt nhất nên thiết lập cơ sở cách ly tập trung dành riêng cho F1 vì những người này có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn các đối tượng cách ly tập trung khác. 

Trong trường hợp không có cơ sở cách ly riêng thì trong cơ sở cách ly tập trung cần bố trí phân khu cách ly dành riêng cho những người tiếp xúc gần.

Những người sống trong cùng hộ gia đình, sống cùng nhà, cùng phòng ở, cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định cần được cách ly riêng với những người khác vì những người này có nguy cơ bị lây bệnh cao nhất. 

Quyết định này cũng yêu cầu bố trí, sắp xếp người cách ly vào phòng cách ly theo nguyên tắc phân loại theo nguy cơ: những người có cùng đặc điểm dịch tễ, cùng nguy cơ cùng thời gian thì vào cùng phòng/cùng khu cách ly. 

Trong trường hợp số lượng F1 quá nhiều, vượt quá khả năng cách ly tập trung hoặc các trường hợp đặc biệt khác (người già, người hạn chế vận động, trẻ nhỏ, người bị bệnh hoặc sức khỏe yếu cần phải có người chăm sóc…), thì xem xét áp dụng hình thức cách ly F1 tại nơi lưu trú 14 ngày theo hướng dẫn. 

***

Triển khai ngay phương án điều động, chi viện nhân lực y tế cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản hỏa tốc số 5258/VPCP-KGVX gửi Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tăng cường nhân lực y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Văn bản nêu rõ, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường kịp thời nhân lực chống dịch, đặc biệt là các bác sĩ, điều dưỡng viên điều trị, hồi sức cấp cứu cho các địa phương có số ca nhiễm rất cao như: Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang,… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo:

Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan y tế địa phương nâng cao năng lực, tham gia lực lượng chi viện theo sự điều động của Bộ trưởng Bộ Y tế.

***

Phân bổ, tổ chức tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất tại khu vực TP.HCM

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5256/VPCP-KGVX ngày 1/8/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc phân bổ, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất đối với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Văn bản nêu rõ, để tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất đối với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa bàn giáp ranh thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng Covid-19 có ý kiến chỉ đạo:

1. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An chủ động phối hợp với Bộ Y tế để điều chỉnh quy trình tiêm vaccine cho phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn dịch bệnh trên địa bàn, xây dựng kế hoạch tiêm và thông báo cho Bộ Y tế nhu cầu vaccine theo kế hoạch tiêm.

Xây dựng phương án tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại… của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân sau khi người dân được tiêm vaccine.

2. Bộ Y tế phân bổ vaccine đảm bảo tiến độ tiêm theo đề nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

***

Cấp phép sử dụng 19 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2

Bộ Y tế vừa cấp phép sử dụng 19 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, với mức giá dao động từ 100.000 - 200.000 đồng.

Như vậy, trong tháng 7, Bộ Y tế cập nhật 4 lần danh mục test nhanh kháng nguyên được cấp phép, bao gồm 2 sản phẩm trong nước, 17 sản phẩm nhập khẩu.

Kết quả test nhanh kháng nguyên cũng là hình thức được Sở Y tế TP.HCM lấy làm căn cứ cho các F0 xuất viện, cách ly theo dõi tại nhà.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị các bệnh viện dã chiến chủ động rà soát F0 không triệu chứng, xét nghiệm rRT-PCR vào ngày thứ 8. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính hoặc dương tính với giá trị CT > 30, bệnh nhân tiếp tục được test nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 10. Nếu test nhanh âm tính, F0 được phép xuất viện và cách ly theo dõi tại nhà.

Xét nghiệm nhanh kháng nguyên, hay còn gọi là test nhanh, có ưu điểm thuận tiện khi sử dụng, cho kết quả nhanh trong vòng 30 phút. Phương pháp này không quá khó thực hiện.

Theo chuyên gia, ưu điểm của test nhanh là ưu điểm của xét nghiệm này là đơn giản, dễ thực hiện, cho kết quả nhanh (dưới 60 phút), ít bị phụ thuộc vào thời gian virus xâm nhập cơ thể. Do đó, test nhanh kháng nguyên giúp chẩn đoán sớm ngay giai đoạn mới nhiễm (thay vì cần 7-10 ngày sau phơi nhiễm như xét nghiệm phát hiện kháng thể).

Về nhược điểm, test nhanh kháng nguyên có độ nhạy kém hơn xét nghiệm rRT-PCR, dễ bỏ sót các ca nhiễm bệnh. Các kết quả dương tính của phương pháp này vẫn cần phải khẳng định lại bằng xét nghiệm rRT-PCR.

Quá trình lấy mẫu phải bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm cho người thực hiện, người được lấy mẫu và ra môi trường.

***

TP.HCM bắt đầu tiêm vắc-xin lưu động

Sáng 1/8, TP. Thủ Đức, TP.HCM đã tổ chức ra quân các đội lưu động, phản ứng nhanh để tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân. Những chiếc xe lưu động này sẽ đến từng hẻm trong điều kiện giãn cách xã hội.

Theo lãnh đạo TP. Thủ Đức, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, những đối tượng người trên 65 tuổi, có bệnh nền, nhóm cán bộ thực hiện công tác phòng chống dịch tuyến đầu sẽ được ưu tiên tiêm vắc-xin. Vì vậy chúng tôi đã triển khai một đội hình xe tiêm chủng lưu động đến từng khu phố để tiêm cho người dân.

Trong thời gian đầu, Thành phố sẽ tập trung tiêm cho các khu vực có nguy cơ cao. Sau khi đánh giá lại các khu vực phong tỏa sẽ thực hiện tiêm chủng, biến khu vực này thành vùng xanh, đồng thời để người dân tham gia tự quản các khu vực này, duy trì vùng xanh trong thời gian tới.

Có mặt tại điểm ra quân tiêm vắc-xin bằng xe lưu động, đại diện Bộ Y tế, TS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo và các đơn vị hỗ trợ phòng chỗng dịch Covid-19 tại TP. Thủ Đức.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc tiêm vắc-xin là một trong những giải pháp rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

TP. Thủ Đức là một trong những nơi triển khai công tác phòng chống dịch rất hiệu quả. Tuy nhiên để thực hiện chống dịch tốt hơn nữa thì việc tiêm vắc-xin phải được đẩy mạnh càng sớm càng tốt.

Việc tổ chức buổi ra quân cho đội cơ động phản ứng nhanh thực hiện tiêm chủng là một giải pháp hết sức kịp thời, phù hợp, giúp việc tiêm chủng an toàn, hiệu quả, nhanh hơn.

Trước đó, ngày 30/7, UBND TP. Thủ Đức đã có quyết định thành lập 40 đội phản ứng nhanh. Trong đó cấp Thành phố có 6 đội, cấp phường có 34 đội để phục vụ người dân cấp cứu, điều trị.

Bên cạnh một số đội lưu động bằng ô tô sẽ có các đội đi xe máy, được trang bị cấp cứu gồm có bình oxy, đồ phòng chống dịch. Việc di chuyển bằng xe máy sẽ giúp nhanh gọn, tiếp cận gần như khắp các khu vực tại TP. Thủ Đức.

Sau khi nhận được yêu cầu của người dân gọi đến tổng đài trung tâm hoặc đường dây nóng, trong thời gian ngắn nhất các đội phản ứng này có thể tiếp cận đến người dân để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về y tế, đặc biệt là những người dân có triệu chứng Covid-19.

Lực lượng này sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng và tăng cường tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của UBND TP.HCM.

***

Những bệnh nhân này được cập nhật trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 trong thời gian từ 19h ngày 31/7 đến 6h ngày 1/8.

Ngành Y tế đang duy trì cấp độ ứng phó dịch ở mức cao.

Trong số các ca bệnh được phát hiện, TP.HCM có 2.027 ca, Bình Dương (1.415), Long An (318), Đồng Nai (262)… Hiện, Việt Nam có 150.060 ca mắc gồm 2.241 bệnh nhân nhập cảnh và 147.819 bệnh nhân trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ 27/4 đến nay là 146.249, trong đó, 35.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Trong ngày 31/7, Việt Nam có thêm 276.373 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều đã được tiêm là 6.203.866, trong đó, tiêm một mũi là 5.583.255 liều, tiêm mũi 2 là 620.611 liều.

***

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, trong giai đoạn này dịch đang ở giai đoạn tấn công. Ðối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, cần duy trì chống dịch ở mức độ cao. Ðịa phương nào thực hiện càng nghiêm Chỉ thị 16 thì càng làm giảm tác động đến kinh tế - xã hội trên địa bàn. 

Ðể chuẩn bị tình huống dịch bệnh gia tăng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn, do đó tùy vào mức độ đánh giá và tình hình dịch trên địa bàn, mỗi địa phương cần xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch phù hợp, không để lúng túng, bị động khi dịch xảy ra.

Ðồng thời lên phương án chuẩn bị theo phân tầng điều trị, đặc biệt lưu ý hệ thống hồi sức trong cơ sở điều trị ở tầng cao nhất, đây đang là điểm yếu của điều trị ở nhiều tỉnh, thành phố.

Ngày 31/7, Bộ Y tế ban hành Tiêu chí phân loại nguy cơ đối với F0. Việc phân loại nguy cơ tốt sẽ giúp hệ thống y tế tránh áp lực quá tải, lúng túng trong điều trị. 

Nhân viên y tế cần xử trí phân loại nhanh F0, ưu tiên tất cả người được phân loại mức "nguy cơ rất cao" được đưa đến cơ sở y tế phù hợp gần nhất. 

***

Cùng với nỗ lực của các địa phương, Bộ Y tế đã huy động lực lượng tinh nhuệ thiết lập 5 trung tâm hồi sức tích cực tại các tỉnh phía Nam.

Mặt khác, Bộ cũng triển khai đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng" để vừa phát huy phương châm "bốn tại chỗ" vừa kết hợp phương châm "ba tập trung" (tập trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnh Covid-19 nặng để điều trị). 

Bộ Y tế chỉ định và thành lập 12 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia quy mô từ 200 đến 3.000 giường bệnh hồi sức tích cực đặt tại 12 cơ sở y tế ở cả ba miền. 

Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia là cơ sở điều trị cao nhất, có nhiệm vụ thu dung, điều trị và thực hiện các kỹ thuật hồi sức tích cực cao, phức tạp nhất cho các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch trong bậc thang điều trị ca bệnh Covid-19. Ngoài ra cũng có 33 bệnh viện được chỉ định làm các bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực.

***

TP.HCM vừa tiếp nhận một triệu trong tổng số 5 triệu liều vắc-xin Vero Cell của Sinopharm do Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua và nhập khẩu dưới sự ủy quyền của UBND Thành phố.

***

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội sáng 1/8, các trường hợp mới được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 liên quan một số ổ dịch gồm: Bệnh viện Phổi Hà Nội, nhà thuốc Đức Tâm, Tân Mai, Hoàng Mai, sàng lọc tại cộng đồng.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.192 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có 923 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Thông qua tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng mới đây, thành phố đã phát hiện thêm tổng cộng 331 trường hợp nhiễm Covid-19.

Hà Nội xây dựng Bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch quy mô 500-700 giường trên địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai theo chỉ đạo của Bộ Y tế và thành phố.

16 doanh nghiệp đăng ký ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 cho gần 62.000 người giao hàng
Sở Công thương TP.HCM đã tổng hợp danh sách đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 61.850 người lao động thuộc 16 doanh nghiệp có hoạt động xe mô...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư