Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về Covid-19 ngày 1/3: Hà Nội phân bổ Molnupiravir
D.Ngân - 01/03/2022 11:45
 
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản về việc phân bổ 401.000 viên thuốc Molnupiravir 200mg điều trị Covid-19.

Việt Nam đạt mốc hơn 98.000 ca mắc/ngày

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 98.762 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 19 ca nhập cảnh và 98.743 ca ghi nhận trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (tăng 4.367 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Gia Lai (tăng 1.392 ca), Thái Nguyên (tăng 1.296 ca), Sơn La (tăng 984 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Quảng Ninh (giảm 5.094 ca), Lai Châu (giảm 618 ca), Quảng Trị (giảm 454 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 80.898 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 28-2 đến 16h ngày 1/3, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 98.762 ca nhiễm mới, trong đó có 19 ca nhập cảnh và 98.743 ca tại 63 tỉnh, thành phố (gồm có 66.861 ca tại cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 3.557.629 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 36.014 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.550.249 ca, trong đó có 2.477.066 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (536.115), Bình Dương (298.294), Hà Nội (285.273), Đồng Nai (101.399), Tây Ninh (90.932).

Số bệnh nhân khỏi bệnh cao kỷ lục

Về tình hình điều trị, có thêm 40.932 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.479.883 trường hợp. Ngoài ra, có 3.851 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 28/2 đến 17h30 ngày 1/3, nước ta ghi nhận 86 ca tử vong tại: Hà Nội (20), Thái Nguyên (6 ca trong 2 ngày), Đà Nẵng (5), Hải Dương (5), Ninh Bình (5), Bình Định (4), Bình Thuận (3), Hà Nam (3), Hà Tĩnh (3 ca trong 2 ngày), Hòa Bình (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bắc Ninh (2), Cao Bằng (2), Gia Lai (2), Kiên Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Quảng Ninh (2), Thanh Hóa (2), Bạc Liêu (1), Cà Mau (1), Đắk Nông (1), Đồng Nai (1), Hà Giang (1), Lạng Sơn (1), Long An (1), Nam Định (1), Quảng Bình (1), thành phố Hồ Chí Minh (1), Trà Vinh (1).

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 94 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.338 ca, chiếm tỷ lệ 1,1% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 24/225 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 6/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 3 ASEAN); tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 4 ASEAN).

Hà Nội tăng hơn 400 ca mắc sau 24h

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 28/2 đến 18h ngày 1/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 13.323 ca Covid-19 (tăng 473 ca so với ngày hôm qua), trong đó có 5.214 ca cộng đồng; 8.109 ca đã cách ly.

Cụ thể, 13.323 bệnh nhân phân bố tại 505 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoài Đức (798), Nam Từ Liêm (761), Long Biên (721), Mê Linh (692), Bắc Từ Liêm (649), Thanh Xuân (570), Thanh Trì (565).

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 28/2, số bệnh nhân đang điều trị là 556.447 ca, trong đó có 548.868 người theo dõi cách ly tại nhà;

1.156 người cách ly tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố và của quận, huyện, thị xã; 6.063 người điều trị tại bệnh viện tầng 2 và tầng 3 của thành phố và 360 người điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Đến nay, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi tại Hà Nội là 442.195 người.

Ngày 28/2, Hà Nội ghi nhận 20 người mắc Covid-19 tử vong. Như vậy, tổng số người tử vong do Covid-19 (tính từ 27/4/2021 cho đến nay) là 1.084 người.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện chiến lược của Hà Nội là tập trung điều trị sớm ca chuyển nặng theo từng tầng, giảm tỷ lệ tử vong.

Để tránh việc quá tải, các khu điều trị thực hiện việc hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến triển điều trị. Cụ thể, đối với bệnh nhân tầng 2 và 3 chuyển biến tốt sẽ được cho về nhà tự cách ly, điều trị, thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện như trước đây. 

Hiện, thành phố đã mở toàn bộ giường điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 ở tất cả bệnh viện. Thành phố cũng làm việc với một số bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành để đề nghị hỗ trợ thu dung bệnh nhân. Hà Nội đã phối hợp, huy động thêm cơ sở y tế của trung ương, trực thuộc bộ, ngành để điều trị cho F0. 

Để giảm tải cho y tế cơ sở, thành phố đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp ngành Y tế huy động nhân lực hỗ trợ y tế cơ sở, từ lực lượng đoàn thanh niên, hội phụ nữ, y tế ngoài công lập, y, bác sĩ nghỉ hưu... Ngoài ra, thành phố cũng huy động thêm lực lượng học sinh, sinh viên trường y.

Ngành Y tế Thủ đô cũng đã tập huấn, phổ biến cho các quận, huyện trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để xác nhận gián tiếp qua các hình thức điện tử (như Zalo). Người dân có thể được xác nhận dương tính, khỏi bệnh, hoàn thành thời gian cách ly, sẽ được gửi bản cứng về các nội dung trên qua tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng, ban quản lý các tòa nhà dân cư...

Bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định, thành phố vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải trong điều trị cho bệnh nhân. Trong tình huống xảy ra kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay, theo tính toán khả năng thu dung, điều trị, thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được.

Hà Nội phân bổ thuốc Molnupiravir cho các cơ sở y tế

Theo đó, Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Đa khoa Đống Đa liên hệ với nhà cung ứng, làm thủ tục nhận thuốc Molnupiravir 200mg và có trách nhiệm bảo quản theo đúng điều kiện bảo quản ghi trên nhãn; thực hiện việc cấp phát cho các đơn vị tham gia Chương trình thử nghiệm theo phân bổ của Sở Y tế.

Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản về việc phân bổ 401.000 viên thuốc Molnupiravir 200mg điều trị Covid-19.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị giám đốc các đơn vị theo danh sách phân bổ thuốc Molnupiravir khẩn trương tiếp nhận thuốc, triển khai cấp phát cho F0 đủ điều kiện tham gia chương trình tại cơ sở thu dung, điều trị và tại nhà, tránh việc để bệnh nhân diễn biến nặng phải chuyển tầng làm tăng áp lực lên các cơ sở y tế và cán bộ y tế. 

Đồng thời, các đơn vị cập nhật ngay dữ liệu điều trị lên hệ thống đúng các quy định về quản lý, cấp phát, sử dụng thuốc Molnupiravir của Bộ Y tế.

Theo quyết định của Sở Y tế Hà Nội, 6 trung tâm y tế các quận, huyện: Cầu Giấy, Đan Phượng, Mỹ Đức, Hoài Đức, Ba Vì, Tây Hồ và Bệnh viện Tâm thần Hà Nội được phân bổ 10.000 viên; Bệnh viện Đa khoa Đống Đa được nhận 4.000 viên; Bệnh viện Đa khoa Hà Đông nhận 3.000 viên; Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phổi mỗi nơi nhận 2.000 viên. 16 trung tâm y tế quận, huyện còn lại mỗi nơi nhận 20.000 viên. 

Trong thời gian gần đây, số ca Covid-19 mỗi ngày ở Hà Nội tăng nhanh. Cao điểm 3 ngày gần đây, số F0 mới phát hiện mỗi ngày từ gần 10.000 lên hơn 11.500 ca.

Thành phố Hà Nội đang khẩn trương lên kịch bản F0 tăng gấp đôi. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, hiện tại Thành phố vẫn đang ở thế chủ động trong việc đánh giá tình hình dịch Covid-19 và đủ khả năng đáp ứng y tế trong bối cảnh số ca tăng mắc mới tăng gấp đôi hiện tại.

Yêu cầu xử lý đúng quy trình rác thải của F0

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà. 

Theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại các địa phương trên toàn quốc. Số trường hợp mắc Covid-19 tăng cao đặc biệt trong thời gian từ sau Tết Nguyên đán, phần lớn số ca mắc thường không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được thực hiện việc quản lý, cách ly, theo dõi tại nhà, nơi lưu trú.

Để tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo kịp thời và an toàn phòng, chống dịch. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp UBND cấp tỉnh kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 theo thẩm quyền, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. 

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện quản lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà.

Đắk Lắk huy động nhân viên y tế tham gia chống dịch

Trước tình hình số ca bệnh trên địa bàn tăng nhanh, thực hiện Công văn 176/KCB-NV ngày 24/2/2022 của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, ngành Y tế Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động để nâng cao công tác phòng, chống dịch và thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn nhằm hạn chế mức thấp nhất việc chuyển tầng, chuyển viện và giảm ca tử vong. 

Căn cứ theo tình hình dịch bệnh khẩn trương thiết lập và tổ chức triển khai cơ sở điều trị Covid-19 của tỉnh bảo đảm theo quy định. Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ..., đặc biệt là ô-xy y tế tại các cơ sở điều trị Covid-19.

Đồng thời, tiếp tục triển khai kế hoạch để bảo đảm thực hiện tốt quản lý người mắc Covid-19 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm y tế lưu động; trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, phòng khám; trung tâm cấp cứu và các cơ sở y tế trên địa bàn trong công tác quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để kịp thời hỗ trợ người mắc Covid-19 tại nhà.

Bên cạnh đó, phân loại mức độ bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 của Bộ Y tế để phân tuyến điều trị phù hợp tình trạng bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của từng ca bệnh, tổ chức hội chẩn liên khoa, liên viện, hội chẩn trực tuyến với tuyến trên để lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho người bệnh hoặc trước khi chuyển viện. 

Triển khai tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 ở trẻ em theo Quyết định số 405/QĐ-BYT ngày 22/2/2022 của Bộ Y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc để sẵn sàng thu dung, quản lý, chăm sóc, điều trị trẻ mắc Covid-19; cơ sở điều trị Covid-19 mức độ trung bình và nặng cho trẻ em.

Cùng với đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các tổ đã được thành lập triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 như Tổ phản ứng nhanh về công tác cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19; Tổ phòng, chống dịch Covid-19; Tổ tư vấn phòng dịch; Tổ tư vấn điều trị và Tổ điều phối, xử lý thông tin Covid-19 phát huy hơn nữa vai trò, thực hiện nhiệm vụ đã được phân công…

Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch cấp vắc-xin phòng Covid-19 cho các đơn vị để triển khai công tác tiêm chủng, đặc biệt tập trung tiêm cho các trường hợp là trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữa mang thai…

Trước yêu cầu khối lượng công việc quá lớn, để kịp thời bảo đảm nguồn nhân lực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng y tế và các phòng, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, huy động và lập danh sách nhân lực y tế đang làm việc tại các cơ sở y tế ngoài công lập, phòng khám đa khoa, nhân lực y tế đã nghỉ hưu, thôi việc trên địa bàn quản lý, đăng ký tình nguyện tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần sớm kiểm soát, khống chế, ngăn chặn dịch lây lan trên địa bàn.

Quảng Ngãi vận động người dân đi tiêm chủng kịp thời

UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Công văn số 817/UBND-KGVX chỉ đạo Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đồng thời tập trung vận động người dân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ tích cực đi tiêm chủng kịp thời.

Cụ thể, đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong quý 1/2022; tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc-xin. 

Tổ chức tiêm vắc-xin an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Bố trí các điểm tiêm chủng tập trung, lưu động, tại nhà một cách khoa học, hợp lý, linh hoạt để mọi đối tượng được tiêm chủng miễn phí, kịp thời đúng quy định với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” và “tiêm chủng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, đất nước”. 

Đặc biệt, quan tâm đến người cao tuổi, người có bệnh nền, người không đi lại được, người có hoàn cảnh khó khăn…

Xây dựng ngay kế hoạch và thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ, các bậc phụ huynh khẩn trương, tích cực cho con em đi tiêm chủng kịp thời, an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả, đúng quy định. 

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 98,2% số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19; tiêm mũi 3 (bổ sung, nhắc lại)  đạt tỷ lệ 39,4%. Số trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ 96,6%.

Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng thuốc Molnupiravir
Chiều 25/2 Bộ Y tế đã công bố hướng dẫn sử dụng thuốc Molnupiravir.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư