Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 14/3: WHO công bố 3 di chứng của Covid-19
D.Ngân - 14/03/2022 11:08
 
Sau khi khỏi bệnh, nhiều người vẫn phải tiếp tục đối mặt với một số biến chứng, được gọi là tình trạng Covid-19 kéo dài.

Ghi nhận thêm 161.247 ca Covid-19 mới tại 61 tỉnh, thành

Tính từ 16h ngày 13/3 đến 16h ngày 14/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 161.262 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 161.247 ca ghi nhận trong nước tại 61 tỉnh, thành phố, có 113.084 ca trong cộng đồng.

Ngày 14/3/2022. Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 32.400 ca, Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 30.000 ca, Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 25.112 ca, Sở Y tế Lào Cai đăng ký bổ sung 16.016 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-3.925), Hà Giang (-1.911), Bình Dương (-1.162). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Thái Nguyên (+2.241), Bắc Ninh (+1.054), Hà Nội (+564).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 164.807 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 6.377.438 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 64.535 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 6.369.816 ca, trong đó có 3.269.161 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (838.217), TP. Hồ Chí Minh (570.931), Bình Dương (340.740), Bắc Ninh (231.613), Nghệ An (226.561).

108.407 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 3.271.978 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.230 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 3.370 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 430 ca; thở máy không xâm lấn là 107 ca; thở máy xâm lấn là 319 ca; ECMO là 4 ca.

Từ 17h30 ngày 13/3 đến 17h30 ngày 14/3 ghi nhận 92 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 84 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.477 ca, chiếm tỷ lệ 0,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 35.777.446 mẫu tương đương 81.738.760 lượt người, tăng 192.543 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 13/3 có 189.673 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 200.368.920 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 183.322.407 liều: Mũi 1 là 70.910.444 liều; Mũi 2 là 67.816.092 liều; Mũi 3 là 1.493.220 liều; Mũi bổ sung là 14.516.928 liều; Mũi nhắc lại là 28.585.723 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.046.513 liều: Mũi 1 là 8.748.917 liều; Mũi 2 là 8.297.596 liều.

Hà Nội thêm 27.833 ca F0 mới, 9.491 ca cộng đồng

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua đã ghi nhận 27.833 ca bệnh, trong đó có 9.491 ca cộng đồng; 18.342 ca đã cách ly.

Bệnh nhân phân bố tại 511 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Sóc Sơn (1.739); Đông Anh (1.701); Hoài Đức (1.636); Hoàng Mai (1.595); Long Biên (1.552).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 29/4/2021 là 839.391 ca.

Tới hết ngày 13/3, Hà Nội có 536.826 ca đang điều trị, theo dõi. Có hơn 532.18 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm 99%); hơn 430 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện, thị xã.

Có 3.972 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố và 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Số ca phải nhập viện ở Hà Nội chỉ chiếm 0,8% tổng số ca dương tính đang điều trị, theo dõi trên toàn thành phố.

Tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi ở Hà Nội là 1.116.497 người. Tổng số người tử vong do Covid-19 từ 27/4/2021 đến nay là 1.261 người.

Về tiêm vắc-xin Covid-19, đến nay có 243.853 người đã tiêm mũi bổ sung (tương đương 99,9%).

Gần 80% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi vắc-xin nhắc lại. Phấn đấu hết tháng 3 sẽ hoàn thành 100% số người cần tiêm mũi bổ sung vắc-xin Covid-19.

Ba di chứng phổ biến của Covid-19

TS.Janet Diaz, Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có hơn 200 triệu chứng được mô tả từ những tài liệu của bệnh nhân từng bị Covid-19. Trong đó, 3 di chứng rất phổ biến đó là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức.

Sau khi khỏi bệnh, nhiều người vẫn phải tiếp tục đối mặt với một số biến chứng, được gọi là tình trạng Covid-19 kéo dài.

Sau khi khỏi Covid-19, nhiều người thường bị mệt mỏi. Đây là một phản ứng bình thường của cơ thể khi chiến đấu chống lại virus. Tình trạng này tồn tại trong nhiều tuần. Các chuyên gia cho rằng, đây là một triệu chứng khá phổ biến, được tìm thấy ở tất cả bệnh nhân hồi phục sau Covid-19.

Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của não. Một thuật ngữ thường được sử dụng đó là “sương mù não”. Điều đó có nghĩa là mọi người đang gặp khó khăn với những gì họ chú ý, khó tập trung, khó nhớ, khó ngủ, khó điều khiển. Theo The Time of India, Covid-19 làm suy giảm chức năng nhận thức ở nhiều người.

Theo chuyên gia, nếu xuất hiện các triệu chứng này sau 3 tháng kể từ khi mắc Covid-19, có thể, bạn đang gặp phải tình trạng Covid-19 kéo dài.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu dành cho các bệnh nhân mắc tình trạng Covid-19 kéo dài. Vì vậy, việc điều trị chủ yếu là phục hồi chức năng để giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. 

Thảo luận về thời điểm kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Vừa qua, các chuyên gia y tế cộng đồng thuộc WHO đã khởi động thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.

WHO cho biết, Ủy ban Khẩn cấp quy định y tế quốc tế về Covid-19 đang xem xét những tiêu chí cần thiết để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng được quốc tế quan tâm.

Quyết định về việc tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu về Covid-19 sẽ do Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra, sau khi tham vấn kỹ lưỡng với các chuyên gia.

Quyết định quan trọng này nếu được đưa ra không chỉ là một dấu mốc mang ý nghĩa lớn, mà chắc chắn sẽ tác động đến nhiều chính sách y tế cộng đồng. Tuy nhiên, WHO cũng thừa nhận rằng "ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa đạt đến mức đó".

Nhiều quốc gia trên thế giới đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 để quay trở lại hoạt động xã hội bình thường như nới lỏng quy định đeo khẩu trang, cách ly và mở cửa biên giới, đón khách du lịch... Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia ghi nhận con số kỷ lục về ca lây nhiễm.

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, ngay cả khi các trường hợp mắc Covid-19 giảm xuống mức thấp hơn, dịch bệnh này vẫn có khả năng gây ra hàng nghìn ca tử vong mỗi năm, không giống như những căn bệnh khác như sốt rét và lao.

Ngoài ra, các nhà khoa học vẫn không thể dự đoán được liệu có xuất hiện thêm những biến thể mới của Covid-19, nguy hiểm hơn hay không.

WHO luôn rất cẩn trọng khi tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Trước đó, WHO đã công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020. Đây là lần thứ 5 trong lịch sử y tế thế giới, WHO công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Phát hiện mới về hiệu quả của vắc-xin Covid-19 với trẻ nhiễm Omicron

Theo dữ liệu mới công bố của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, hai mũi tiêm vắc-xin Pfizer có hiệu quả 31% trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm Omicron ở trẻ 5-11 tuổi. Con số này chỉ bằng một nửa so với tỷ lệ ở nhóm trẻ 12-15 tuổi (59%).

Về cơ bản, hiệu quả của hai liều vắc-xin ở hai nhóm trẻ đều bị suy giảm trước biến chủng Omicron. Trong làn sóng Delta, nghiên cứu cho thấy hiệu quả chống lại nguy cơ lây nhiễm của vắc-xin trên trẻ vị thành niên là 87%.

Ngoài ra, thời gian tồn tại các triệu chứng bệnh ở trẻ em được tiêm chủng cũng ít hơn nửa ngày so với nhóm chưa tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu cũng lưu ý hai nhóm báo cáo có hành vi khác nhau. Trẻ em được tiêm chủng đeo khẩu trang thường xuyên hơn.

Đây không phải lần đầu tiên các chuyên gia nhận thấy hiệu quả của hai mũi vắc-xin Pfizer bị suy yếu trên trẻ em, nhất là trước biến chủng Omicron. 

Tại Mỹ, trẻ em không nằm trong số các trường hợp được khuyến cáo tiêm liều tăng cường hoặc nhắc lại, trừ trường hợp bị suy giảm miễn dịch, dễ tổn thương như mắc ung thư, bệnh lý nền.

Pfizer cho biết hãng sẽ công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng mũi 3 ở trẻ em vào tháng 4.

Trẻ em 5-11 tuổi thường ít phải nhập viện vì Covid-19 so với người lớn. Song, Mỹ vẫn ghi nhân các trường hợp tử vong hoặc phải đối mặt biến chứng nặng nề. Nghiên cứu khác từ CDC cho thấy tỷ lệ trẻ nhập viện trong làn sóng Omicron tăng kỷ lục.

CDC cũng khuyến cáo cha mẹ có thể tiêm hai mũi đầu tiên cho con với khoảng cách 8 tuần để tăng hiệu quả của vắc-xin, giảm tác dụng phụ hiếm gặp. Đến thời điểm hiện tại, chỉ khoảng 26,6% trẻ em 5-11 tuổi tại Mỹ được tiêm chủng đầy đủ.

Hậu Covid-19, nỗi lo không thể xem nhẹ
Số lượng bệnh nhân cả người lớn và trẻ em đến khám do các vấn đề sức khỏe sau Covid-19 đang tăng những ngày qua. Các chuyên gia cảnh báo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư