Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 19/12: Hà Nội siết chặt biện pháp chống dịch; Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Nam Định
D.Ngân - 19/12/2021 09:25
 
Trước số mắc tăng cao, Hà Nội sẽ xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, nâng cao năng lực điều trị F0.

Thêm 16.093 ca mắc Covid-19

Tối 19/12, Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.110 ca nhiễm mới. Trong đó, 17 ca nhập cảnh và 16.093 người ghi nhận trong nước.

Như vậy, số F0 tăng 210 ca so với hôm qua. 60 tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc mới (có 10.542 ca trong cộng đồng).

Ba tỉnh, thành phố có số ca mắc cao nhất, đều ở mức trên 1.000 F0 là: Hà Nội (1.405), Cà Mau (1.345), TP.HCM (1.014). Theo đó, hôm nay, Hà Nội tăng 161 ca so với hôm qua và là nơi có F0 mới cao nhất trong ngày, vượt TP.HCM.

Ngoài Hà Nội, Hải Phòng (+209) và Bình Định (+155) là 2 nơi có ca mắc mới tăng nhiều nhất sau 24 giờ.

Trong khi đó, Hậu Giang (-337), Bình Thuận (-193), Bình Phước (-156) lại giảm ca mắc Covid-19 so với hôm qua.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua của Việt Nam là 15.505 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.540.478 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tính từ 27/4, ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.534.979. Trong đó, 1.105.145 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (494.683), Bình Dương (289.175), Đồng Nai (94.928), Tây Ninh (64.014), Long An (39.663).

Số ca tử vong giảm sau 24 giờ

Trong ngày 19/12, Việt Nam có thêm 10.799 F0 được công bố khỏi Covid-19. Như vậy, đến nay, cả nước đã có 1.107.962 người khỏi Covid-19.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.587 ca, trong đó, 5.291 trường hợp thở oxy qua mặt nạ, 1.240 ca thở oxy dòng cao (HFNC), 175 ca thở máy không xâm lấn, 860 ca thở máy xâm lấn và 21 trường hợp can thiệp ECMO.

Từ 17h30 ngày 18/12 đến 17h30 ngày 19/12, Việt Nam ghi nhận 215 ca tử vong. Trong số này, TP.HCM có 57 ca, bao gồm 5 người từ các tỉnh chuyển đến: Bình Dương (2), Tiền Giang (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1).

Những người còn lại ở các tỉnh, thành phố như sau: Đồng Nai (23), Bình Dương (18), An Giang (16), Tiền Giang (13), Cần Thơ (12), Sóc Trăng (11), Đồng Tháp (11), Tây Ninh (9), Bình Thuận (7), Bình Phước (6), Vĩnh Long (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (5), Trà Vinh (5), Hà Nội (3), Bến Tre (3), Khánh Hoà (3), Bạc Liêu (3), Long An (2), Quảng Ngãi (1), Hậu Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 247 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 29.566 người, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Hà Nội: Gần ½ số ca mắc mới là ở ngoài cộng đồng

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 18/12 đến 18h ngày 19/12, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 1.400 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 500 ca tại cộng đồng; 747 ca tại khu cách ly và 153 ca tại khu phong tỏa. Quận Nam Từ Liêm là địa bàn ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất với 250 ca/ngày.

Như vậy, đây cũng là ngày thứ ba liên tiếp Hà Nội ghi nhận số ca dương tính lên tới 1.400 ca/ngày.

Cụ thể, 1.400 bệnh nhân mới được phân bố tại 252 xã, phường, thị trấn thuộc 27/30 quận, huyện: Nam Từ Liêm (250); Thanh Trì (226); Hoàng Mai (148); Gia Lâm (146); Hai Bà Trưng (131); Ba Đình (117); Bắc Từ Liêm (88); Hà Đông (53); Đống Đa (48); Cầu Giấy (25); Hoàn Kiếm (22); Tây Hồ (17); Hoài Đức (16); Mỹ Đức (15); Thanh Xuân (12); Thanh Oai (12); Long Biên (12); Đông Anh (11); Ứng Hòa (10); Sóc Sơn (8); Thường Tín (7); Thạch Thất (6); Chương Mỹ (6); Phú Xuyên (4); Đan Phượng (4); Quốc Oai (4); Mê Linh (2).

Riêng 500 ca cộng đồng được phân bố tại 156 xã, phường thuộc 26/30 quận, huyện: Thanh Trì (162); Nam Từ Liêm (105); Gia Lâm (42); Đống Đa (29); Hà Đông (27); Hai Bà Trưng (19); Hoàng Mai (18); Bắc Từ Liêm (15); Cầu Giấy (13); Thanh Xuân (11); Long Biên (10); Hoàn Kiếm (9); Ba Đình (9); Tây Hồ (7); Hoài Đức (6); Đông Anh (4); Thường Tín (2); Sóc Sơn (2); Quốc Oai (2); Đan Phượng (2); Ứng Hòa (1); Mê Linh (1); Chương Mỹ (1); Thanh Oai (1); Thạch Thất (1); Phú Xuyên (1).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29-4 đến nay) là 27.053 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 10.265 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 16.788 ca.

Hải Phòng: F0 tăng cao

Theo ngành Y tế Hải Phòng, những ngày qua trên địa bàn liên tiếp ghi nhận hàng trăm ca mắc mới ở các quận, huyện.

Cụ thể, huyện Thủy Nguyên trong ngày phát hiện 74 trường hợp; quận Lê Chân ghi nhận 42 ca mắc; huyện An Dương có 38 trường hợp; huyện Cát Hải 18 trường hợp; quận Hồng Bàng ghi nhận 7 trường hợp; huyện An Lão có 11 ca;

Huyện Tiên Lãng ghi nhận 10 trường hợp; quận Dương Kinh 8 ca; quận Ngô Quyền 6 ca; quận Hải An ghi nhận 5 ca; huyện Vĩnh Bảo 3 trường hợp và quận Đồ Sơn 2 ca. Trong ngày, TP.Hải Phòng còn ghi nhận 3 ca bệnh là thuyền viên và đã được cách ly y tế ngay khi về địa phương.

Để phòng chống dịch tỉnh đã kích hoạt và đưa các trạm y tế lưu động vào hoạt động tại phường để quản lý, điều trị bệnh nhân. Cùng với đó, ngành Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin và phát huy hoạt động các tổ giám sát Covid tại cộng đồng.

Tại quận Lê Chân, 15 Trạm Y tế lưu động được thành lập với 414 thành viên thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn, thường xuyên theo dõi sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc trường hợp mắc Covid-19 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, hướng dẫn và cấp phát thuốc điều trị các F0 nhẹ, không triệu chứng; phát hiện, sơ cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời đối với ca bệnh có triệu chứng trung bình hoặc trở nặng đến các cơ sở y tế phù hợp.

Dừng các hoạt động không cần thiết

UBND TP.Hà Nội ban hành Chỉ thị 25/CT-UBND tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Lễ cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Chỉ thị nêu rõ, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp, xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương theo diễn biến dịch và chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Trước số mắc tăng cao, Hà Nội sẽ xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, nâng cao năng lực điều trị F0.

Đồng thời, căn cứ cấp độ dịch trên địa bàn, khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, nhất là trong dịp cuối năm, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, đám tang, đám cưới... Hướng dẫn tổ chức Lễ Giáng sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh lây nhiễm dịch, hoàn thành chậm nhất trong ngày 20/12/2021.

Phân công Tổ Covid-19 cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, lập danh sách người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, người chống chỉ định chưa được tiêm vắc-xin và các trường hợp chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19… để quản lý, tiêm vắc-xin (có thể tổ chức tiêm lưu động, tại nhà), hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời.

Chủ động vận dụng tối đa mọi biện pháp, phân công các lực lượng phối hợp ngành Y tế để tổ chức “thần tốc” tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo kế hoạch, phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất trước 31/12/2021; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trước ngày 31/1/2022; hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên trước ngày 31/1/2022.

Thủ đô thực hiện hiệu quả nguyên tắc “5K+ vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”; chủ động công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần. 

Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp nhập cảnh về thành phố, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới Omicron.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa bàn, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao như: Bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe…; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện “5K”, không chủ quan, lơ là vì đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Hà Nội nâng năng lực điều trị F0

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng, ban hành các kịch bản, phương án ở mức cao hơn để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 từ cấp quận, huyện, thị xã đến cấp xã, phường, thị trấn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 31/12/2021.

Bảo đảm triển khai tối đa việc quản lý, điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi đủ điều kiện; sẵn sàng kích hoạt các cơ sở thu dung điều trị F0; chỉ đạo điều tiết, hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị giữa các xã, phường, thị trấn. Đánh giá hiệu quả hoạt động của các trạm y tế lưu động, việc điều trị F0, cách ly F1 tại nhà.

Chủ động rà soát hệ thống y tế cơ sở, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị F0 để có giải pháp cụ thể về trang thiết bị y tế, thuốc, nguồn nhân lực y tế (ngoài công lập, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, các y, bác sĩ nghỉ hưu, tình nguyện viên…) tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch, hoàn thành trong tháng 12/2021.

Cập nhật đầy đủ danh sách F0 điều trị tại nhà, đảm bảo việc cấp phát thuốc theo phác đồ điều trị và hướng dẫn đầy đủ quy trình cách ly, điều trị, xét nghiệm đối với người bệnh trong vòng 24 giờ đầu tiên khi phát hiện ca nhiễm.

Nam Định: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Những ngày gần đây, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Nam Định trở nên phức tạp với số ca mắc mới tăng cao, chiếm phần lớn là ca bệnh trong cộng đồng. Không chỉ xuất hiện nhiều trường hợp không rõ nguồn lây, tình hình còn đáng lo ngại bởi liên tiếp có các chùm ca bệnh trong cơ sở giáo dục.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định, ngày 18/12 tỉnh ghi nhận 67 ca Covid-19, trong đó có 50 ca phát hiện trong cộng đồng. Ngày 17/12, số ca bệnh mới của tỉnh thậm chí còn lên tới 82 ca (57 ca trong cộng đồng), mức cao chưa từng có từ khi Nam Định xuất hiện dịch. Trong thời gian trước đó, tỉnh chỉ ghi nhận trung bình khoảng 30-40 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Theo bản đồ cấp độ dịch toàn tỉnh, Nam Định đã có 87 xã/phường/thị trấn thuộc vùng nguy cơ trung bình; 3 xã/phường/thị trấn và 2 khu vực/tổ dân phố/thôn, xóm thuộc vùng nguy cơ cao; 2 xã/phường/thị trấn và 1 khu vực/tổ dân phố/thôn, xóm thuộc vùng nguy cơ rất cao.

Từng là vùng tâm dịch đầu tiên của tỉnh Nam Định trong đợt bùng phát Covid-19 lần này, nhưng huyện Ý Yên hiện lại là địa phương có nhiều “vùng xanh” nhất (25/31 xã, thị trấn). Huyện Trực Ninh đang trở thành “điểm nóng” với 10/21 xã, thị trấn là “vùng vàng”; 1 xã “vùng cam” và 1 xã “vùng đỏ”.

Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục trở nên phức tạp trong các cơ sở giáo dục, nơi các em học sinh từ 12-17 tuổi chưa được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin.

Trong 2 ngày 17 và 18/12, Trường THCS Mỹ Hưng (huyện Mỹ Lộc) ghi nhận 20 ca F0 đều là học sinh lớp 9C. Trước đó, Trường THPT A Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Hưng) ghi nhận chùm 7 ca Covid-19 là học sinh lớp 12A1; Trường THCS Trực Cường (huyện Trực Ninh) ghi nhận 24 ca là học sinh các khối; Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) cũng ghi nhận 1 trường hợp mắc Covid-19 là học sinh lớp 12.

Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố của tỉnh Nam Định đã khẩn trương huy động lực lượng tiến hành truy vết, xét nghiệm, thực hiện cách ly, phong tỏa diện hẹp với các khu vực có dịch; đồng thời khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các em từ 12-17 tuổi. 

Nhận định nguy cơ nguồn bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng hiện khá phức tạp, tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng tiếp tục dồn sức khống chế dịch; đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác phòng dịch, đặc biệt là thực hiện 5K, tự giác tuân thủ và giám sát việc tuân thủ quy định cách ly, khai báo y tế của những người đi về từ vùng dịch.

Đồng Tháp: F0 nặng, tử vong chiều hướng tăng

Ngày 18/12, Đồng Tháp ghi nhận 785 ca mắc mới, trong đó có 107 trẻ em dưới 12 tuổi và 173 người từ 50 tuổi trở lên mắc Covid-19. Ngoài ra, còn 1.218 mẫu xét nghiệm RT-PCR đang chờ kết quả. Trong ngày, tỉnh ghi nhận 12 trường hợp tử vong do Covid-19. 

Hiện Đồng Tháp có gần 35 nghìn trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 417 người tử vong. Số bệnh nhân không qua khỏi đa phần là có bệnh nền và người cao tuổi, hầu hết chưa tiêm ngừa Covid-19 hoặc chỉ tiêm 1 mũi.

Điều đáng quan tâm là gần đây, số ca tử vong ở tỉnh này đang có chiều hướng gia tăng. Nếu cách đây 15 ngày, trong 1 tuần tỉnh ghi nhận 30 ca tử vong do Covid-19, thì chỉ trong 3 ngày gần đây, tỉnh đã ghi nhận 33 ca tử vong. 

Tương tự, sau 15 ngày, số bệnh nhân nặng và rất nặng cũng tăng cao (từ 161 ca lên hơn 200 ca).

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm nỗ lực để chạy đua với thời gian giành giật sự sống cho bệnh nhân nặng và rất nặng.

Chủ động ứng phó biến chủng Omicron; Kiểm soát chặt việc sử dụng thuốc điều trị Covid-19
Tại Việt Nam, trong khi đợt bùng phát bởi biến chủng Delta chưa “hạ nhiệt”, Omicron càng trở thành nguy cơ khiến nhiều người dân lo lắng, đặc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư