Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 18/12: Cấp phép khẩn cấp vắc-xin Covovax
D.Ngân - 18/12/2021 09:35
 
Covovax là vắc-xin ngừa Covid-19 thứ 8 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Thêm 15.883 người mắc Covid-19

Trong 24 giờ qua, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.895 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 15.883 ca ghi nhận trong nước (tăng 668 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.493 ca trong cộng đồng).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.294 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.524.368 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.458 ca nhiễm).

Tính từ 27/4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.518.886, trong đó, 1.094.346 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (493.669), Bình Dương (288.930), Đồng Nai (94.511), Tây Ninh (63.073), Long An (39.594).

Hơn 1.600 F0 được công bố khỏi bệnh

Trong ngày 18/12, Bộ Y tế công bố 1.645 F0 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi lên 1.097.163 người.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.895 ca, trong đó, 5.480 trường hợp thở oxy qua mặt nạ, 1.304 ca thở ô-xy dòng cao (HFNC), 159 ca thở máy không xâm lấn, 933 ca thở máy xâm lấn và 19 trường hợp can thiệp ECMO.

Từ 17h30 ngày 17/12 đến 17h30 ngày 18/12 ghi nhận 248 ca tử vong tại TP.HCM (65), trong đó có 6 ca từ các tỉnh chuyển đến từ Long An (1), Bình Dương (1), Tiền Giang (1), An Giang (1), Cà Mau (1), Thái Nguyên (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác như Đồng Nai (24), An Giang (23), Tiền Giang (15), Kiên Giang (15), Bình Dương (14), Đồng Tháp (12), Cần Thơ (12), Sóc Trăng (11), Tây Ninh (9), Long An (9), Vĩnh Long (9), Khánh Hoà (7), Bình Thuận (7), Cà Mau (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Bạc Liêu (3), Quảng Ngãi (1), Gia Lai (1), Lạng Sơn (1).

Hà Nội: 1.412 ca mắc mới trong ngày

Số ca mắc mới từ 18h ngày 17/12 đến 18h ngày 18/12 Hà Nội ghi nhận 1412 ca bệnh trong đó cộng đồng (411); khu cách ly (958); khu phong tỏa (43).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 25.653 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 9.765 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 15.888 ca.

Nhiều nước ASEAN ghi nhận người nhiễm biến thể Omicron

Kể từ khi được công bố vào cuối tháng 11 vừa qua, biến thể Omicron đã lây lan ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, trong đó có các nước khu vực Đông Nam Á là: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Campuchia.

Việt Nam đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp mắc biến chủng Omicron.

Mở rộng nguồn cung vắc-xin

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid-19 có tên gọi là Covovax do Ấn Độ sản xuất.

Covovax là vắc-xin ngừa Covid-19 tiếp theo được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Theo WHO, cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Covovax giúp mở rộng nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19, qua đó sẽ có thêm nhiều người dân được tiếp cận vắc-xin, đặc biệt là ở những nước có thu nhập thấp hơn.

Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất vắc-xin Covovax theo giấy phép của Công ty Dược Novavax có trụ sở tại Mỹ cấp và phân phối qua cơ chế chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX.

Covovax là vắc-xin ngừa Covid-19 tiếp theo được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp, sau vắc-xin của các hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna, Sinopharm/BBIP, Sinovac, Covaxin.

Nghiên cứu mới về hiệu quả của vắc-xin Sputnik V

Ngày 17/12, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đã công bố nghiên cứu sơ bộ của Trung tâm Gamaleya về hiệu quả của vắc-xin Sputnik V đối với biến thể Omicron.

Nghiên cứu cho thấy Sputnik V có khả năng vô hiệu hóa cao biến thể Omicron và có khả năng bảo vệ mạnh mẽ tránh các trường hợp "bệnh diễn biến nặng và nhập viện".

Thêm vào đó, Sputnik V cho thấy mức giảm khả năng vô hiệu hóa virus ít hơn nhiều so với các loại vắc-xin phòng Covid-19 hàng đầu khác: mức giảm ít hơn từ 3-7 lần so với vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA.

Ngoài ra, theo ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Gamaleya, tiêm chủng vắc-xin Sputnik V và tái chủng ngừa sau 6 tháng giúp bảo vệ đầy đủ trước biến thể Omicron.

Biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện ở Botswana và Nam Phi vào giữa tháng 11. 

Biến thể chứa hàng chục đột biến trong protein S, cần thiết để mầm bệnh lây nhiễm sang tế bào, một số ý kiến cho rằng ban đầu biến thể này phát triển ở một người bị suy giảm hệ miễn dịch - có thể là người nhiễm HIV.

Các chuyên gia cho rằng ngay cả những người đã khỏi bệnh và được tiêm phòng cũng có thể tái nhiễm Omicron, với các triệu chứng từ mệt mỏi đến nhức đầu và đau nhức cơ thể.

WHO khuyến nghị tạm thời tiêm kết hợp các loại vắc-xin phòng Covid-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 16/12 đã đưa ra khuyến nghị tạm thời về việc kết hợp các loại vắc-xin phòng Covid-19 của các hãng dược phẩm khác nhau để tiêm liều thứ 2 và thứ 3.

Theo WHO, tùy thuộc vào số vắc-xin sẵn có, các loại vắc-xin được sản xuất theo công nghệ mRNA như vắc-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna có thể được sử dụng để tiêm liều thứ 2, sau khi tiêm mũi 1 là vắc-xin theo công nghệ vector của hãng AstraZeneca và ngược lại.

WHO cho biết, vắc-xin của hãng AstraZeneca và bất kỳ loại vắc-xin nào được sản xuất theo công nghệ mRNA cũng có thể dùng để tiêm liều thứ 2, sau khi đã tiêm mũi đầu tiên là vắc-xin bất hoạt của hãng Sinopharm.

WHO đưa ra hướng dẫn trên dựa trên khuyến nghị của Nhóm Chuyên gia cố vấn chiến lược về vắc-xin của tổ chức này và một nghiên cứu lớn công bố hồi tuần trước cho thấy việc tiêm liều thứ nhất là vắc-xin của hãng AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech.

Sau đó 9 tuần tiêm liều thứ 2 là vắc-xin của hãng Moderna đã cho thấy phản ứng miễn dịch tốt hơn.

Tuy nhiên, WHO cho rằng, việc tiêm kết hợp các loại vắc-xin như vậy cần tính đến nguồn cung vắc-xin, khả năng tiếp cận cũng như lợi ích và rủi ro của các loại vắc-xin được sử dụng.

Cũng theo WHO, khuyến nghị trên sẽ được xem xét lại nếu có thêm các dữ liệu. Trước khi WHO đưa ra khuyến nghị trên, nhiều quốc gia đã tiến hành tiêm kết hợp các loại vắc-xin khi phải đối mặt với số ca mắc mới tăng vọt, trong khi nguồn cung thấp và tốc độ tiêm chủng chậm vì lo ngại về tính an toàn.

Cần Thơ điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong quản lý, điều trị F0 tại nhà

UBND TP.Cần Thơ ban hành công văn điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong công tác quản lý F0, F1 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tại văn bản ban hành ngày 17/12, nêu rõ sau khi có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 do cơ sở y tế thực hiện, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn xử trí người có kết quả dương tính giống như người mắc Covid-19 xác định, không cần chờ kết quả RT-PCR để khẳng định.

Khi có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tiến hành thẩm định điều kiện cách ly tại nhà. 

Trường hợp đủ điều kiện về sức khỏe và cơ sở vật chất sẽ cách ly tại nhà, Trạm Y tế hoàn tất hồ sơ thẩm định theo quy định trình UBND xã, phường, thị trấn ban hành quyết định cách ly, điều trị tại nhà. 

Trường hợp không đủ điều kiện về cơ sở vật chất cách tại nhà hoặc trường hợp F0 cư trú tỉnh, thành khác, Trạm Y tế làm hồ sơ chuyển vào cơ sở thu dung điều trị người mắc Covid-19.

Để thực hiện thủ tục kết thúc cách ly điều trị tại nhà, cơ quan y tế lấy mẫu test nhanh vào ngày thứ 14. 

Trường hợp F0 có kết quả test nhanh âm tính và đã hết các triệu chứng lâm sàng từ 3 ngày trước đó trở lên sẽ được kết thúc cách ly. 

Trường hợp F0 có kết quả test nhanh dương tính, tiếp tục cách ly tại nhà đủ 21 ngày và chỉ kết thúc cách ly khi đảm bảo đã hết các triệu chứng lâm sàng từ 3 ngày trước đó trở lên và không cần lấy mẫu xét nghiệm lại.

Các trường hợp F1 cách ly tại nhà chỉ áp dụng lấy mẫu test nhanh vào ngày đầu và ngày thứ 14. Trường hợp có kết quả test nhanh dương tính, Trạm Y tế thực hiện quy trình áp dụng cách ly, điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở thu dung điều trị theo quy định.

Trường hợp người mắc Covid-19 trong tình trạng cấp cứu, chuyển viện, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phải tiếp nhận xử trí, điều trị không cần chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR. Sau khi tiếp nhận, cơ sở y tế có thể lấy mẫu RT-PCR để hoàn tất hồ sơ điều trị.

UBND TP.Cần Thơ yêu cầu Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về việc cung cấp Quyết định hết cách ly điều trị và Giấy chứng nhận hoàn thành cách ly điều trị tại nhà kịp thời cho người đang thực hiện cách ly.

Nếu được cấp phép, vắc-xin Nanocovax có thể được sử dụng có điều kiện?
Hội đồng đạo đức quốc gia đề xuất trong trường hợp Nanocovax được cấp giấy đăng ký lưu hành, vắc-xin có thể chỉ được sử dụng có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư