Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 21/4: Hà Nội giải thể cơ sở điều trị F0 nhẹ; Cấp gần 1 triệu hộ chiếu vắc-xin
D.Ngân - 21/04/2022 11:28
 
Hà Nội sẽ giải thể các cơ sở thu dung bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và không triệu chứng, hệ thống y tế dần trở về trạng thái bình thường mới.

Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội đã giảm xuống dưới 1.000 ca/ngày

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua (tính từ 18h ngày 20/4 đến 18h ngày 21/4), trên địa bàn Thành phố ghi nhận 986 ca Covid-19, trong đó có 284 ca cộng đồng và 702 ca đã cách ly. 

Cụ thể, 986 bệnh nhân phân bố tại 254 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (87), Nam Từ Liêm (78), Sóc Sơn (76), Bắc Từ Liêm (72).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (tính từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 1.538.325 ca, trong đó có 1.335 ca tử vong.

Hiện, chỉ còn hơn 123.300 ca đang điều trị, theo dõi; trong đó, có 423 ca điều trị tại các bệnh viện, gần 123.00 ca theo dõi, cách ly tại nhà. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, dịch Covid-19 bước vào giai đoạn thoái trào nhưng khó kết thúc sớm. Số ca mắc, chuyển nặng sẽ tiếp tục giảm. Do đó, hệ thống y tế cần tiếp tục đặt trọng tâm vào điều trị giảm ca tử vong và dần trở về trạng thái bình thường mới.

Về công tác tiêm chủng, trong 5 ngày (từ ngày 16 đến 20/4), Hà Nội đã tiêm được 40.497 mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện, chưa ghi nhận các phản ứng nặng sau tiêm.

Số F0 tử vong giảm mạnh

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 12.029 ca nhiễm mới tại 59 tỉnh, thành phố (giảm 1.242 ca so với ngày trước đó); ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 giảm mạnh. 

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Gia Lai (giảm 168 ca), Sơn La (giảm 163 ca), Vĩnh Phúc (giảm 104 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hải Dương (tăng 140 ca), Đắk Nông (tăng 105 ca), Đà Nẵng (tăng 75 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 14.860 ca/ngày. 

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.533.164 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.490 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.525.416 ca, trong đó có 9.074.110 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.537.814), TP.HCM (607.793), Nghệ An (478.198), Bình Dương (383.101), Bắc Giang (382.069).

Về tình hình điều trị, có thêm 8.693 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.076.927 ca. Ngoài ra, hiện có 826 bệnh nhân đang thở ô xy.

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 9 ca tử vong tại 8 tỉnh: Đồng Nai (2), Đắk Lắk (1), Kiên Giang (1), Lâm Đồng (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 13 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.991 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Dịch giảm mạnh tại Hà Nội

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, từ ngày 13 đến 19/4, trung bình Hà Nội ghi nhận 1.368 ca bệnh/ngày, giảm 42,3% so với tuần trước (trung bình 2.371 ca bệnh/ngày). 

Hà Nội sẽ giải thể các cơ sở thu dung bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và không triệu chứng.

Thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch, trong đó, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã đưa cấp độ dịch về cấp độ 1, sẵn sàng bước sang trạng thái bình thường mới.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho rằng, dự báo thời gian tiếp theo, dịch bước vào giai đoạn thoái trào, tuy nhiên, khó kết thúc sớm; số ca mắc, chuyển nặng sẽ tiếp tục giảm, cần trọng tâm và điều trị giảm tử vong; hệ thống y tế dần trở về trạng thái bình thường mới.

Từ ngày 16/4, Thành phố đã triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hà Nội đã tiếp nhận 72.700 liều vắc-xin Moderna và tính từ ngày 16 đến 19/4 đã tiêm được 33.626 mũi trong tổng số 370.631 đối tượng trẻ cần tiêm, đạt 9,1%.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhấn mạnh, đơn vị đã triển khai tập huấn tiêm chủng đến trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã. 

Trẻ sẽ được tiêm 2 mũi vắc-xin Moderna, mỗi mũi cách nhau 4 tuần; riêng với trẻ 11 tuổi 10 tháng sẽ trì hoãn việc tiêm cho đến khi trẻ đủ 12 tuổi và tổ chức tiêm vắc-xin Pfizer.

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, thành phố, nhằm kiểm soát tình hình dịch, không để tăng số ca chuyển tầng và tử vong.

Thời gian tới, ông Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Y tế hỗ trợ các địa phương chủ động, bảo đảm an toàn trong công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tuyệt đối không để xảy ra bất cứ tình huống sai sót nào do chủ quan, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm có đánh giá về tình hình hậu Covid-19 để có giải pháp ứng phó hiệu quả, nhất là những đề xuất với Bộ Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân về vấn đề này. 

Về hoạt động của các cơ sở thu dung điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và không triệu chứng của Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng cho rằng, việc giải thể các cơ sở này trong bối cảnh hiện nay là cần thiết nhằm tránh lãng phí các thiết bị y tế và huy động đưa vào sử dụng lại khi cần thiết. 

Sở Tài chính dựa trên đề xuất của Sở Y tế sớm có văn bản hướng dẫn các đơn vị liên quan trong việc giải thể, bàn giao cho địa phương các cơ sở thu dung điều trị F0 nói trên bảo đảm đúng quy định, tránh lãng phí.

Việt Nam đã cấp gần 1 triệu hộ chiếu vắc-xin

Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, cập nhật đến hết ngày 20/4, gần 1 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vắc-xin. Con số này tăng gấp đôi so với thống kê cách đó 5 ngày.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, hộ chiếu vắc-xin điện tử là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh châu Âu ban hành, đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.

Thời hạn của hộ chiếu vắc-xin điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.

Người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vắc-xin mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm. 

Quá trình này được thực hiện do các cơ sở tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng là đầu mối để ký số.

Do đó, với người dân chưa được cấp hộ chiếu vắc-xin do thiếu, sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn.

Ngoài ra, người dân có thể gọi điện đến tổng đài của Bộ Y tế theo số 19009095 để phản ánh hoặc tư vấn các vấn đề liên quan đến hộ chiếu vắc-xin.

Liên quan đến việc ký xác nhận hộ chiếu vắc-xin, Bộ Y tế vừa có văn bản về việc làm sạch dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và triển khai ký xác nhận hộ chiếu vắc-xin. 

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các bộ, ngành rà soát, xác thực, bổ sung thông tin sai lệch, còn thiếu của người dân tiêm chủng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19, hoàn thành trước ngày 30/04/2022.

Bộ Y tế cũng nêu rõ, người đứng đầu các cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm nếu thông tin tiêm chủng của người dân bị sai sót không được cập nhật kịp thời, ảnh hưởng đến việc cấp hộ chiếu vắc-xin, phục vụ cho việc đi lại, giao thương quốc tế.

Chi tiết quy trình cấp “hộ chiếu vaccine” cho người dân từ ngày 15/4
Chỉ với ba bước thực hiện từ các cơ sở tiêm chủng, hệ thống quản lý, người dân sẽ được cấp “hộ chiếu vaccine” từ 15/4.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư