Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 22/12: TP.HCM rút ngắn thời gian tiêm vắc-xin mũi 3
D.Ngân - 22/12/2021 09:23
 
TP.HCM rút ngắn thời gian tiêm liều nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 xuống 3 tháng.

Thêm 16.522 ca mắc Covid-19

Tối 22/12, Bộ Y tế cho hay Việt Nam ghi nhận thêm 16.555 ca nhiễm mới. Trong đó, 33 ca nhập cảnh và 16.522 trường hợp ghi nhận trong nước.

Như vậy, sau 24 giờ, số F0 của cả nước tăng 206 ca. 60 tỉnh, thành phố đều ghi nhận ca mắc mới (có 10.938 ca trong cộng đồng).

2 tỉnh, thành phố có số ca mắc trên mức 1.000 người là Hà Nội (1.646), Cà Mau (1.193). Trong đó, Hà Nội đã có 4 hôm liên tiếp dẫn đầu cả nước về số ca mắc. Trung bình số ca mắc trong vòng 7 ngày qua của Hà Nội đã tăng lên 1.224, xếp thứ 2 cả nước.

Trong khi đó, TP.HCM có 979 ca mắc (cao thứ 3 trong ngày). Ba ngày gần đây, TP.HCM luôn có số F0 dưới mức 1.000 người.

Ngoài 3 tỉnh kể trên, những nơi có F0 cao trong hôm nay là: Tây Ninh (923), Vĩnh Long (846), Khánh Hòa (798), Đồng Tháp (784), Cần Thơ (757), Bạc Liêu (678), Trà Vinh (515), Bến Tre (466), Hải Phòng (449).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều so với ngày trước đó: Cà Mau (-397), Tiền Giang (-191), Thanh Hóa (-168).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Vĩnh Long (+247), Hải Phòng (+214), Bạc Liêu (+171).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.752 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.571.780 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.937 ca nhiễm).

Tính từ 27/4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.566.261 người. Trong đó, 1.157.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (496.183), Bình Dương (289.464), Đồng Nai (95.496), Tây Ninh (65.900), Long An (39.760).

Hơn 13.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Trong ngày, Việt Nam có thêm 13.394 người khỏi Covid-19. Theo đó, cả nước đã có tổng cộng 1.173.484 người khỏi Covid-19.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 8.187 ca, tăng 447 người so với hôm qua. Trong đó, 5.658 trường hợp thở ô-xy qua mặt nạ, 1.199 ca thở ô-xy dòng cao (HFNC), 157 ca thở máy không xâm lấn, 1.152 ca thở máy xâm lấn và 21 trường hợp can thiệp ECMO.

Bộ Y tế cũng cho biết từ 17h30 ngày 21/12 đến 17h30 ngày 22/12, cả nước ghi nhận 210 ca tử vong. TP.HCM có 46 người bao gồm 7 trường hợp từ các tỉnh chuyển đến: An Giang (1), Tiền Giang (1), Trà Vinh (1), Bình Dương (1), Bình Phước (1), Bình Định (1), Trà Vinh (1).

Những người còn lại ở: An Giang (27), Bình Dương (17), Tiền Giang (15), Tây Ninh (13), Đồng Tháp (12), Sóc Trăng (11), Cần Thơ (11), Kiên Giang (10), Vĩnh Long (8 ), Bình Thuận (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (6), Hà Nội (5), Bạc Liêu (5), Cà Mau (5), Long An (4), Trà Vinh (3), Bình Định (2), Bến Tre (2), Đắk Lắk (1), Hậu Giang (1).

Như vậy, đến nay, Việt Nam có tổng cộng 30.251 người qua đời vì Covid-19, chiếm 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Hà Nội: 1646 ca mắc mới

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 21/12 đến 18h ngày 22/12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.646 ca Covid-19, trong đó có 483 ca tại cộng đồng, 1.074 ca tại khu cách ly và 89 ca tại khu phong tỏa.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (230); Hà Đông (165); Long Biên (139); Ba Đình (134); Đông Anh (132); Bắc Từ Liêm (96); Hai Bà Trưng (93).

1.646 bệnh nhân mới ghi nhận trong 24 giờ qua được phân bố tại 306 xã, phường thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, 483 ca cộng đồng ghi nhận tại 135 xã, phường thuộc 28/30 quận huyện.

Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng là Đống Đa (86); Ba Đình (50); Hà Đông (42).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4 đến nay) là 32.044 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 11.639 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 20.405 ca.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng

Theo tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2, hiện tại đây đang tiếp nhận điều trị 460 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 50 ca thở máy, 5 bệnh nhân chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Điều đáng nói, trong số các ca thở máy, chạy ECMO, có nhiều ca là thai phụ hoặc sản phụ. 

Tại Khoa Hồi sức tích cực - nơi điều trị các bệnh nhân có diễn biến nặng nhất, chỉ trong 1 tuần, các bác sĩ đã phải chỉ định chạy ECMO cho 5 bệnh nhân, gồm 4 thai phụ hoặc phụ nữ sau sinh và người phụ nữ 67 tuổi có bệnh lý nền.

Khoa đang có 30 bệnh nhân thở máy và 5 ca thở máy, đặt ECMO; trong đó có 10 bệnh nhân là thai phụ/phụ nữ sau sinh.

Tất cả thai phụ, sản phụ này đều chưa tiêm vắc-xin Covid-19. Các bệnh nhân này chỉ 1-2 ngày đã diễn biến nặng, tiên lượng tử vong nếu không kịp thời điều trị tích cực. Theo các bác sĩ của Bệnh viện, đây là tình trạng rất đáng báo động.

Cà Mau ghi nhận ca nhiễm cao kỷ lục trong ngày

Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, hôm qua, Cà Mau ghi nhận kỷ lục ca mắc trong ngày với 1.590 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, tăng 623 trường hợp so với hôm qua. Những ngày trước đó, tỉnh này cũng liên tiếp ghi nhận hơn 1.300 ca mỗi ngày.

Như vậy, tính từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có tổng số 26.954 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (có 16.553 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng).

Trong ngày 21/12, có thêm 677 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 được điều trị khỏi ra viện; tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi ra viện đến nay là 12.859 người, thêm 04 trường hợp tử vong, nâng tổng số 106 trường hợp tử vong.

Hiện tại, còn tổng số 14.077 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đang điều trị; trong đó, F0 điều trị tầng 3 có 42 trường hợp; F0 điều trị tầng 2 có 68 trường hợp và F0 điều trị tầng 1 có 13.969 trường hợp. Còn 171 người đang cách ly tập trung; 4.949 người đang cách ly tại nhà và 2.264 hộ đang cách ly và đang theo dõi 63 chùm ca bệnh.

Hiện có hơn 97% dân số từ 12 tuổi trở lên của tỉnh Cà Mau đã tiêm 1 mũi vaccine, khoảng 90% đã tiêm 2 mũi.

Đáng chú ý, theo thống kê của CDC Cà Mau: trong 101 trường hợp nhiễm Covid-19 tử vong thì có đến 67 trường hợp chưa tiêm vaccine. Do đó, tỉnh đang đẩy mạnh công tác tiêm mũi bổ sung và mũi tăng cường nhưng đang bị thiếu vaccine.

Mới đây, tỉnh này đã có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ khẩn cấp hơn 1,32 triệu liều vaccine Pfizer. Trong đó, nhu cầu cấp bách cần bổ sung ngay trong tháng 12 là gần 572.000 liều để tiêm mũi bổ sung và nhắc lại, số còn lại sẽ thực hiện tiêm từ tháng 1 - 3/2022.

An Giang vượt mốc 30.000 ca F0

Theo Sở Y tế An Giang, trong ngày 21/12/2021, phát hiện thêm 290 trường hợp mắc COVID-19, rải đều tại các địa phương trong tỉnh, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 từ ngày 15/4 đến nay là 30.289 trường hợp (có 19 trường hợp tái dương tính).

Trong đó 01 trường hợp có địa chỉ ngoài tỉnh đến An Giang khám và phát hiện (Tiền Giang: 01). Trong ngày số ca nhiễm trong cộng đồng toàn tỉnh tăng 36 trường hợp so với ngày 20/12/2021 (219/183).

Số trường hợp đang quản lý điều trị: 4.302 trường hợp. Tổng số điều trị khỏi tính từ 15/4/2020 đến ngày 21/12/2021: 25.158 trường hợp. Lũy kế số tử vong tại các cơ sở điều trị: 820  trường hợp (chiếm tỉ lệ 2,7% số ca bệnh)

UBND tỉnh An Giang chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát: tổ chức chủ trì phối hợp với các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm dịch y tế, duy trì thường xuyên 210 tổ, chốt (195 chốt cố định, 15 tổ cơ động) với 1.960 cán bộ nhân viên. Đặc biệt tăng cường công tác kiểm soát qua lại các cửa khẩu biên giới và cảng nhằm ngăn chăn, xử lý kịp thời các đối tượng nhập cảnh trái phép.

Hiện có 123 lao động người nước ngoài làm việc trong 20 cơ quan, doanh nghiệp (thuộc diện cấp phép lao động 120 trường hợp; còn 03 trường hợp không thuộc diện cấp phép lao động do là nhà đầu tư) và 22 lưu học sinh học tập tại Đại học An Giang.

Ban Chỉ đạo tỉnh An Giang đề nghị tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa ngõ ra vào của tỉnh và tại các nhà trọ, cơ sở lưu trú của địa bàn quản lý. Tăng cường kiểm soát các khu cách ly tập trung, cơ sở điều trị, không để xảy ra tình trạng người trốn khỏi khu cách ly và lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế. Tuyên truyền với mọi hình thức trong tình hình mới để nâng cao ý thức cho người dân về phòng chống dịch bệnh và phát hiện người nước ngoài, người từ vùng dịch về địa phương, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tăng tốc độ bao phủ vắc-xin

Tối 21/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, nhằm tăng cường miễn dịch phòng Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã ban hành công văn về việc điều chỉnh tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại.

Theo đó, TP.HCM điều chỉnh rút ngắn thời gian tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều nhắc lại từ 6 tháng xuống còn 3 tháng dành cho người trên 18 tuổi. 

Nghệ An điều chỉnh một số quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Người thuộc nhóm nguy cơ, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhóm ưu tiên triển khai trước.

Liều bổ sung sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên thuộc 2 nhóm có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang sử dụng hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng và nhóm người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc-xin của hãng Sinopharm hoặc vắc-xin Sputnik V. Những trường hợp này sẽ tiêm được tiêm mũi 3 sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.

Việc tiêm chủng phải đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên. Sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.

Liều nhắc lại sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 3 tháng, ưu tiên cho người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đối với những người đã mắc Covid-19, nếu chưa được tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại thì tiêm theo hướng dẫn như trên, ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định.

Thành phố dự kiến sẽ hoàn thành việc bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại vắc xin phòng Covids-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại TP.HCM trong tháng 1/2022.

Nghệ An điều chỉnh một số quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chiều 21/12, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An ban hành Văn bản số 6433 về việc hướng dẫn điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Trong đó nêu rõ, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch: tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp.

Về cách ly, xét nghiệm các trường hợp xác định là F1: Đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1: thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày; 

Tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Tuân thủ 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định. Thực hiện 2 lần xét nghiệm SARS-CoV-2, ngày đầu và ngày thứ 7.

Đối với người chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc không có khả năng tự chăm sóc sức khỏe nhưng chưa tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19 (người già trên 60 tuổi, có bệnh lý nền, trẻ em (dưới 18 tuổi), thai phụ, người tàn tật…): thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú ít nhất 14 ngày kể từ ngày bắt đầu cách ly; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo. Xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ bảy và ngày thứ 14.

Đối với người chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19: Thực hiện cách ly tập trung ít nhất 14 ngày kể từ ngày thực hiện cách ly. 

Tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo; không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm 5K. 

Xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày đầu; ngày thứ bảy và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly tập trung. Lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 13 kể từ ngày thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú.

Thái Bình quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2

Thái Bình quy định xét nghiệm bằng test nhanh tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm; xét nghiệm bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động tối đa không quá 186.600 đồng/xét nghiệm và xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR không quá 518.400 đồng/xét nghiệm. 

Đây là mức giá không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, mức giá trên đã được thông qua tại kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh khóa 17 diễn ra đầu tháng 12 vừa qua và có hiệu lực ngay.

Lý giải về cơ sở pháp lý thực hiện mức giá xét nghiệm, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Bình giải thích, mức giá này ban hành dựa trên Thông tư 16 ngày 8/11/2021 của Bộ Y tế.

Trong đó, tại khoản 2, điều 3 của Thông tư quy định mức giá xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn.

Việc ban hành quy định giá dịch vụ xét nghiệm nhằm tạo điều kiện cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có căn cứ thực hiện việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân có nhu cầu và tự chi trả kinh phí như: đối tượng đi công tác, học tập nước ngoài, đi làm việc, đi lại giữa các địa phương…

Đây là hoạt động cần thiết để kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn, duy trì trạng thái hoạt động bình thường của nền kinh tế, bảo đảm đời sống an sinh xã hội cho nhân dân trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Mức giá dịch vụ xét nghiệm nêu trên bao gồm việc lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm. 

Đối tượng áp dụng là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh Thái Bình (trừ cơ sở y tế công lập thực hiện dịch vụ y tế dự phòng).

Ngoài ra, là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước trực thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Thái Bình (trừ các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng 1 thuộc Bộ, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn) và các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tự chi trả tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Liên quan đến vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh Bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là Kit xét nghiệm Covid-19) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, trong thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh có mua thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á sản xuất với tổng số tiền hơn 645 triệu đồng, nhưng không mua trực tiếp, mà thực hiện hợp đồng với Công ty TNHH Hưng Mỹ tại Thái Bình.

Quảng Ngãi phê bình 3 huyện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt tỷ lệ thấp

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản phê bình Chủ tịch UBND các huyện: Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng khi tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương này đạt tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 85%. 

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm này, tỉnh đã tiêm đạt 98,4% mũi 1 và 90,6% mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên. 

Như vậy, ngành Y tế và các địa phương chưa hoàn thành đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đến 15/12 phải tiêm mũi 2 cho 100% cho người dân từ 18 tuổi trở lên (trừ các trường hợp không tiêm được).

Riêng 3 huyện có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thấp là Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm túc phê bình Chủ tịch UBND các địa phương này. 

Đồng thời, yêu cầu chậm nhất đến ngày 31/12, 100% người dân từ 18 tuổi trở lên phải được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 (trừ các trường hợp không tiêm được). 

Đối với các trường hợp không chịu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 phải có cam kết và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch và làm lây lan dịch (phải chịu toàn bộ chi phí điều trị và các chi phí có liên quan và trách nhiệm khác có liên quan).

Sau ngày 31/12, địa phương nào chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, nếu để xảy ra dịch bệnh Covid-19 thì phải tự bỏ ngân sách cấp mình để chi và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Phải hoàn thành việc tiêm đủ liều vắc-xin cho 100% trẻ từ 12 đến 17 tuổi, chậm nhất trước ngày 31/1/2022.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư