Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 24/1: Bình Dương ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên
D.Ngân - 24/01/2022 10:04
 
Bình Dương ghi nhận ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam ở mức 136.

Thêm 14.307 ca mắc Covid-19, TP.HCM có 97 F0

Trong 24 giờ qua, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.362 F0 mới.

Trong đó, 55 ca nhập cảnh và 14.307 người trong nước tại 61 tỉnh, thành phố. So với hôm qua, tổng số ca mắc mới giảm 627 F0. Trong đó, số ca nhiễm phát hiện tại cộng đồng là 9.534.

Các tỉnh, Thành phố có tổng số ca mắc trong ngày trên 400 ca là: Hà Nội (2.801), Đà Nẵng (958), Hải Phòng (733), Hưng Yên (644), Thanh Hóa (585), Quảng Ninh (404).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.734 ca/ngày.

Đồ thị số ca mắc mới tại Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ so với tuần trước nhưng vẫn dao động ở mức 14.000-16.000 ca/ngày (chưa tính ca bổ sung).

Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng ca nhiễm mới trong ngày (2.801 ca). Đà Nẵng đứng thứ 2 cả nước với 958 ca trong ngày 24/1, giảm nhẹ so với hôm qua. F0 tại Đà Nẵng trong 7 ngày qua dao động 800-900 ca/ngày.

TP.HCM tiếp tục giảm sâu số ca nhiễm mới với 214 F0 trong 22/1, 138 ca ngày 23/1. Ngày 24/1, số ca mới xuống còn 97 người. Đây là số lượng thấp kỷ lục ghi nhận tại thành phố này kể từ đầu tháng 7/2021 đến nay.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (-213), Hà Nội (-166), Quảng Nam (-165).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Thanh Hóa (+96), Nam Định (+89), Quảng Trị (+65).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.155.784 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 21.841 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.149.095.

Hơn 36.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Ngày 24/1, Bộ Y tế cho hay Việt Nam có thêm 36.331 bệnh nhân được công bố khỏi Covid-19. Như vậy, tổng số ca được điều trị khỏi tại Việt Nam đến nay là 1.841.180.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.484 người, trong đó: 2.676 ca thở oxy qua mặt nạ, 657 F0 thở ô-xy dòng cao HFNC, 139 người thở máy không xâm lấn. 631 ca thở máy xâm lấn và 19 người đang được can thiệp ECMO.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ 17h30 ngày 23/1 đến 17h30 ngày 24/1, Việt Nam ghi nhận 165 ca tử vong. TP.HCM có 6 ca bao gồm 4 người từ các tỉnh chuyển đến: Tiền Giang (2), Đồng Nai (1), Trà Vinh (1).

Những người còn lại ở: Bà Rịa - Vũng Tàu (21 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (20 ca trong 2 ngày), Vĩnh Long (11), Kiên Giang (11), An Giang (10 ca trong 2 ngày), Hậu Giang (10 ca trong 2 ngày), Tiền Giang (9), Cần Thơ (9), Bình Định (7 ca trong 2 ngày), Đồng Tháp (7), Tây Ninh (6), Trà Vinh (4), Bình Thuận (4), Bắc Ninh (3), Bình Dương (3), Sóc Trăng (3), Hà Giang (2), Quảng Nam (2), Đà Nẵng (2), Bạc Liêu (2), Cà Mau (2), Hà Nam (1), Ninh Bình (1), Thừa Thiên - Huế (1), Hải Dương (1), Lạng Sơn (1), Thái Nguyên (1), Phú Yên (1), Đắk Nông (1), Lâm Đồng (1), Bình Phước (1), Bến Tre (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 157 ca. Tổng số người tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.884 ca. Con số này chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Hà Nội: Giảm 170 ca mắc Covid-19

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 23/1 đến 18h ngày 24/1, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 2.801 ca Covid-19 (giảm 170 ca so với ngày trước đó). Huyện Gia Lâm là địa bàn ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong 24 giờ qua.

Cụ thể, 2.801 bệnh nhân phân bố tại 384 xã, phường, thị trấn thuộc 25/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (113); Đống Đa (110); Đông Anh (98); Hoàng Mai (98); Nam Từ Liêm (91); Thanh Trì (90).

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 114.578 ca.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 23/1, trên địa bàn Thành phố có 68.560 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 là 142 người, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 223 người, tại các bệnh viện của Hà Nội là 3.497 người, cơ sở thu dung điều trị thành phố là 878 người, cơ sở thu dung quận, huyện là 5.222 người và có 58.598 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm hơn 85%).

Trong ngày có 2 bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung. Số ca tử vong trong ngày là 17 trường hợp. Tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay là 469 người.

Về vấn đề tiêm chủng, đến nay Thành phố đã triển khai tiêm được hơn 14,3 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19.

Ngoài ra, Thành phố đã có gần 2,3 triệu người tiêm mũi 3 (gồm: 238.406 mũi bổ sung và 2.038.545 mũi vắc xin nhắc lại).

TP.HCM có thêm 2 ca nhiễm biến chủng Omicron cộng đồng

Ngày 24/1/2022, Sở Y tế TP.HCM thông tin, qua giải mã gen một số bệnh nhân nhiễm Covid-19 có liên quan đến ca nhập cảnh Mỹ trước đó, thành phố phát hiện thêm 2 ca nhiễm biến chủng Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến chủng này trong cộng đồng lên 5 ca.

Thứ nhất là bệnh nhân 25 tuổi, ngụ phường 17 (quận Bình Thạnh). Bệnh nhân này đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Từ ngày 28/12/2021, người này được giới thiệu làm bảo vệ tại nhà của bệnh nhân nhập cảnh ở Bình Thạnh.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân 28 tuổi, là bác sĩ khoa cấp cứu của một bệnh viện tại TP.HCM. Người này sống cùng nhà với bệnh nhân ở khu chung cư thương mại dịch vụ tại quận 11, đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19.

Trước đó, nữ bệnh nhân N.T.N.P, 41 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại phường 17, quận Bình Thạnh nhập cảnh từ Mỹ, đã tiêm 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Sau khi hoàn thành cách ly y tế tại Nha Trang và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, chị P. về TP.HCM.

3 người đón chị P tại sân bay và đi ăn cùng, sau đó nhiễm Covid-19 và được xác định là nhiễm biến chủng Omicron.

Các bệnh nhân đã được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12, chuyên tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron tại TP.HCM.

Như vậy, tính đến ngày 24/1, trong số 11 ca F1 có liên quan đến bệnh nhân nhập cảnh và 3 bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron trước đó trong cộng đồng, chỉ có 2 ca trở thành F0 với biến chủng Omicron.

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc "5K + vắc-xin" để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Đã có 136 ca mắc biến chủng mới Omicron

Sở Y tế Bình Dương chiều ngày 23/1 đã có thông báo kết quả xét nghiệm phân lập virus từ Viện Pasteur TP.HCM của trường hợp người nhập cảnh vào Bình Dương. 

Theo đó, trong số 3 trường hợp người nhập cảnh từ nước ngoài về nước mắc Covid-19 có 1 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.

Bình Dương ghi nhận ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên

Cụ thể, trường hợp nữ, sinh năm 1990, Quốc tịch Việt Nam. Ngày 9/1/2022 nhập cảnh từ Canada về sân bay Tân Sơn Nhất, trên chuyến bay VN09, số ghế 27A.

Ngay sau khi xuống sân bay, trường hợp này được cách ly tại khu phố 5, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một. 

Ngày 11/1/2022, ngành Y tế lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR có kết quả dương tính với chỉ số CT=18.7 và chuyển vào Khu điều trị Thanh Lễ, TP.Thủ Dầu Một. 

Ngày 19/1/2022, trường hợp này cho kết quả PCR lần 2 âm tính, ngày 20/1/2022 về nhà cách ly theo dõi sức khỏe đến nay. Từ lúc phát hiện dương tính đến nay sức khỏe của trường hợp này bình thường, không ho, không sốt.

Theo ngành Y tế tỉnh Bình Dương, đây là trường hợp nhiễm biến chủng Omicron từ người nhập cảnh về nước, được cách ly từ trước nên không nguy hiểm cho cộng đồng. Người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm 5K theo khuyến cáo của ngành Y tế và tiêm vắc-xin đầy đủ.

Như vậy với ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron mới nhất này, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 136 ca mắc Covid-19 nhiễm Omicron tại 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TP.HCM(68), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2), Bình Dương (1).

Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần với nhóm chưa tiêm chủng

Bộ Y tế cảnh báo tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch.

Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; 

Chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh, giám sát cộng đồng, thực hiện việc cách ly, giám sát y tế, giám sát sự biến thể của virus SARS-CoV-2.

Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá nguy cơ và áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa phù hợp, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Mở rộng việc cách ly, quản lý điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại nhà, nơi lưu trú, thu hẹp dần các khu cách ly tập trung.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang triển khai phòng khám hậu Covid-19

Hiện nay vấn đề chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 là vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt đối với những người đã từng bị nhiễm bệnh. 

Người bệnh hậu Covid-19 có thể bị các triệu chứng như: Khó thở, hụt hơi, tức ngực, stress, mệt mỏi và mồ hôi, đau đầu, ho kéo dài, chóng mặt, ù tai, thay đổi vị giác, khứu giác…

Nhận thấy những biến chứng hậu Covid-19 rất nhiều trên các bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã cử 6 bác sĩ, 6 điều dưỡng tham gia lớp đào tạo về điều trị, chăm sóc bệnh nhân hậu Covid-19 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Đến nay, các bác sĩ đã được đào tạo 1 cách bài bản và được WHO cấp chứng chỉ sau khi kết thúc khóa học. 

Chính thức từ hôm nay, ngày 24/1, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang sẽ triển khai phòng khám hậu Covid-19 cho các bệnh nhân đã từng mắc bệnh. Phòng khám sẽ đồng hành và mang lại sự chăm sóc tận tâm, toàn diện, hiệu quả dựa trên chứng cứ khoa học và nhu cầu cá thể hóa điều trị của từng bệnh nhân.

Phòng khám hậu Covid-19 là nơi khám, tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của bệnh, đồng thời can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau mắc Covid-19...

TS.Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện cho biết đây là nơi thăm khám và điều trị chuyên sâu với sự hỗ trợ của các chuyên gia dành cho người bệnh sau mắc Covid-19 về vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, dinh dưỡng.

Người bệnh sẽ được khám, tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của bệnh đồng thời đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau mắc Covid-19, nhất là những người từng nhiễm bệnh ở mức độ nặng, nguy kịch hoặc suy giảm sức khỏe sau khi khỏi bệnh.

Bác sĩ Thường nhấn mạnh, tất cả bệnh nhân Covid-19, bao gồm người bệnh nhẹ, nặng hay nguy kịch, đều cần được theo dõi, đánh giá và điều trị toàn diện các biến chứng và di chứng kéo dài của bệnh.

Vì vậy, Phòng khám sẽ đồng hành và mang lại sự chăm sóc tận tâm, toàn diện, hiệu quả dựa trên chứng cứ khoa học và nhu cầu cá thể hóa điều trị của từng bệnh nhân.

Hiện, Bệnh viện đã xây dựng phác đồ, các kỹ thuật có thể triển khai phòng khám này cho các bệnh nhân bị suy giảm nhận thức, suy giảm thể chất và suy nhược, suy chức năng hô hấp, suy giảm khả năng nuốt, suy giảm khả năng giao tiếp và những thách thức trong việc hoàn thành các hoạt động sống hàng ngày (ADLs).

Các kỹ thuật phục hồi chức năng sẽ được các bác sĩ giới thiệu và đưa ra hướng dẫn, mục tiêu cụ thể cho người bệnh. Các kiến thức về hậu Covid-19 vẫn đang được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cập nhật thường xuyên để phục vụ người bệnh tốt nhất. 

Tin mới về Covid-19 ngày 19/1: Phát hiện 3 ca mắc biến chủng Omicron ngoài cộng đồng
Đây là những trường hợp đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng mới được ghi nhận trong cộng đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư