Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Thay đổi chiến lược tiêm chủng, ứng phó biến chủng Omicron
Dương Ngân - 21/01/2022 14:50
 
Trước việc TP.HCM đã xuất hiện ca mắc biến chủng mới Omicron tại cộng đồng, các chuyên gia cho rằng, chiến lược tiêm chủng tại Việt Nam cần phải thay đổi để thích ứng.
Ảnh minh họa.
Phải nhanh chóng thay đổi chiến lược tiêm chủng, ứng phó biến chủng Omicron

Bao phủ vắc-xin cho nhóm nguy cơ cao

Sau khi TP.HCM đã xuất hiện 3 ca mắc Covid-19 chứa biến chủng mới Omicron đã buộc chính quyền Thành phố phải có các giải pháp quyết liệt nhằm chặn đà lây lan. Theo đó, 5 giải pháp về tiêm chủng được đưa ra là ưu tiên tiêm vắc-xin cho người dân quay về TP.HCM từ các địa phương khác; đi từng ngõ, gõ từng nhà không bỏ sót bất kỳ ai, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao; xây dựng dữ liệu lớn về tiêm vắc-xin phòng Covid-19; tăng cường truyền thông để người dân tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19; cuối cùng là mở rộng độ bao phủ vắc-xin cho trẻ đến 3 tuổi và triển khai mũi tiêm tăng cường, trong đó giải pháp quan trọng đặt ra là tiêm vét vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ cao.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đến nay 18.493 người thuộc nhóm nguy cơ cao tại Thành phố đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, chiếm 71,6%.

Theo WHO, các bằng chứng cho thấy mức độ bảo vệ của vắc-xin chống lại bệnh nặng sẽ giảm trong vòng 6 tháng sau khi tiêm đầy đủ liều cơ bản. Trong đó, thời gian bảo vệ chống lại biến chủng Omicron có thể bị thay đổi và vẫn đang được nghiên cứu.

"Chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao đã góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong tại Thành phố, bởi theo quan sát trước đó, đa số ca tử vong tại TP.HCM rơi vào nhóm có bệnh nền, cao tuổi", ông Tâm nói.

Đồng tình với việc cần bao phủ vắc-xin cho nhóm nguy cơ cao, PGS-TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM nhận định, ngành y tế TP.HCM đã có thời điểm lơ là, nghĩ rằng tiêm đủ vắc-xin cho hơn 80% dân số Thành phố thì sẽ đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ này là chưa đủ nếu không rà soát và tiêm chủng cho người nguy cơ cao. Bởi số ca bệnh nặng, cần nhiều nguồn lực y tế và tử vong tập trung vào nhóm này.

Từ bài học kinh nghiệm chống dịch tại TP.HCM những ngày qua, ông Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh, nếu chúng ta tỉnh táo ngay từ đầu và bảo vệ người cao tuổi, người có bệnh nền trước, thì tình hình dịch tại đây có thể đã rất khác. Hiện nay, dù các địa phương đang tập trung tiêm vắc-xin cho học sinh 12-17 tuổi và tiêm mũi bổ sung, nhắc lại, song việc rà soát và có kế hoạch bảo vệ người nguy cơ cao rất cần được ưu tiên. "Tương tự liều cơ bản, chúng ta cũng nên tiêm mũi 3 trước cho người nguy cơ cao", chuyên gia của Đại học Y dược TP.HCM đề xuất.

TS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa Woolcook Việt Nam (Đại học Sydney, Australia) cũng cho rằng, Việt Nam nên tập trung tiêm nhắc lại sau mũi 3 cho người có nguy cơ diễn biến nặng và tử vong nếu mắc Covid-19. Nhóm này bao gồm người cao tuổi, mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai.

Có cần tiêm vắc-xin mũi thứ tư?

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, hiện nay có ít nhất 126 quốc gia trên toàn thế giới đã đưa ra khuyến nghị về tiêm chủng liều nhắc lại hoặc bổ sung vắc-xin phòng Covid-19 và có hơn 120 quốc gia đã bắt đầu triển khai theo chương trình.

Đối tượng mục tiêu được ưu tiên phổ biến nhất đối với liều nhắc lại là người lớn tuổi, nhân viên y tế và người bị suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, WHO cũng tiếp tục xem xét các bằng chứng mới về sự cần thiết và thời điểm tiêm liều nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19. Đặc biệt, cần quan tâm đánh giá tác động của việc xuất hiện biến chủng mới Omicron trong thời gian gần đây lên hiệu quả của vắc-xin.

Tại Việt Nam, chúng ta đang triển khai tiêm liều bổ sung vắc-xin Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên và đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1, 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc-xin) với khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng, bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người ghép tạng, ung thư, HIV… Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu rút ngắn thời gian tiêm liều nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 còn 3 tháng, thay vì 6 tháng nhằm phù hợp với tình hình hiện tại.

Các nghiên cứu đều cho thấy, đa số trường hợp nhiễm Covid-19 hiện ở những người chưa được tiêm phòng vắc-xin Covid-19. Đối với những trường hợp đã tiêm ngừa nhưng vẫn nhiễm Covid-19 sau đó thì trong hầu hết các trường hợp, các biến cố này ít nghiêm trọng hơn so với những người chưa được tiêm chủng.

Tuy nhiên, theo WHO, dữ liệu mới liên tục cho thấy việc suy giảm về hiệu quả của vắc-xin chống lại sự lây nhiễm Covid-19 theo thời gian kể từ khi tiêm chủng và sự suy giảm đáng kể hơn ở người lớn tuổi. Cụ thể, hiệu quả của vắc-xin chống lại bệnh nặng Covid-19 giảm khoảng 8% trong thời gian 6 tháng ở tất cả các nhóm tuổi.

Ở người lớn trên 50 tuổi, hiệu quả của vắc-xin chống lại bệnh nặng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Hiệu quả của vắc-xin chống lại bệnh có triệu chứng giảm 32% đối với những người trên 50 tuổi.

Không chỉ bao phủ 3 mũi vắc-xin Covid-19, với câu hỏi có cần tiêm vắc-xin mũi thứ tư nhằm tăng cường khi biến chủng mới xâm nhập, bác sỹ Trương Hữu Khanh, chuyên gia truyền nhiễm khẳng định, điều này chưa cần thiết, bởi với 3 mũi vắc-xin đã khiến phần lớn người mắc Covid-19 nhẹ và khỏi lúc nào mà không hề hay biết. “Vấn đề cần nhất lúc này là tập trung điều trị cho nhóm nguy cơ cao để giảm tỷ lệ nặng và tử vong”, bác sỹ Khanh nêu ý kiến.

Hải Phòng lập khu vực test nhanh kiểm soát biến chủng Omicron tại Sân bay Cát Bi
Nhằm kiểm soát và ngăn ngừa biến chủng mới Omicron xâm nhập vào cộng đồng, TP. Hải Phòng yêu cầu thiết lập khu vực test nhanh kháng nguyên virus...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư