Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 27/11: TP.HCM hướng dẫn mới về xét nghiệm cho người đi làm; Thanh Hóa tạm dừng tiêm lô vắc-xin xảy ra sự cố
D. Ngân - 27/11/2021 10:29
 
Việt Nam nhận 2 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer do Mỹ tài trợ; TP.HCM hướng dẫn mới về xét nghiệm cho người đi làm; Sức khỏe của nạn nhân phản ứng sau tiêm vắc-xin tại Thanh Hóa hiện ra sao?

Thêm 13.048 ca mắc Covid-19

Tính từ 16h ngày 26/11 đến 16h ngày 27/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.063 ca nhiễm mới, trong đó có 15 ca nhập cảnh và 13.048 ca trong nước (giảm 46 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố. Số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 7.160 ca.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bến Tre (-236), Bình Phước (-132), An Giang (-63). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Gia Lai (+88), Bình Thuận (+66), Bình Định (+65).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 11.667 ca/ngày.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.197.404 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tính riêng đợt dịch bùng phát lần 4 (từ ngày 27/4 đến nay), cả nước ghi nhận 1.192.200 ca nhiễm, trong đó có 954.107 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (465.953), Bình Dương (280.203), Đồng Nai (85.631), Long An (37.938), Tiền Giang (24.483).

Vẫn còn hơn 5.300 bệnh nhân nặng

Theo cập nhật của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, trong ngày, cả nước có 1.668 người được công bố khỏi Covid-19, nâng tổng số ca xuất viện đến nay là 956.924.

Số bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị là 5.383 ca, trong đó có 3.458 người thở ô-xy mask, 1.222 bệnh nhân thở ô-xy dòng cao. Số bệnh nhân thở máy là 693, 10 người phải can thiệp ECMO.

Từ 17h30 ngày 26/11 đến 17h30 ngày 27/11, cả nước ghi nhận 148 ca tử vong. Trong 65 ca tử vong ở TP.HCM có 8 trường hợp từ các tỉnh chuyển đến, gồm: Bạc Liêu (1), Bắc Ninh (1), Bình Dương (1), Đồng Nai (1), An Giang (1), Long An (3).

Tại các tỉnh, thành phố khác, F0 tử vong ghi nhận tại Tây Ninh (11), Bình Dương (11), An Giang (9), Long An (8), Tiền Giang (8), Bạc Liêu (7), Bình Thuận (5), Cần Thơ (5), Sóc Trăng (4), Khánh Hòa (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (3), Bình Phước (2), Hà Giang (1), Lạng Sơn (1), Đắk Lắk (1), Hậu Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 144 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.692 ca, chiếm tỷ lệ 2,1%, cao hơn trung bình của thế giới là 0,1%.

Trong ngày 26/11, cả nước có 1.359.412 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 117.691.092 liều, trong đó tiêm một mũi là 69.309.495 liều, tiêm mũi 2 là 48.381.597 liều.

Hà Nội ghi nhận 272 ca dương tính

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 26/11 đến 18h ngày 27/11, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 272 ca dương tính với vi rút SARS-Cov-2, trong đó có 146 ca tại cộng đồng, 88 ca tại khu cách ly và 38 ca tại khu phong tỏa.

Như vậy, liên tiếp trong 11 ngày qua (tính từ ngày 17/11 đến nay), Hà Nội ghi nhận hơn 200 ca/ngày. 272 ca bệnh này phân bố tại 27/30 quận, huyện.

272 ca bệnh được phân bố theo 10 chùm ca bệnh, ổ dịch: Ho sốt thứ phát (195); sàng lọc ho sốt (51); ổ dịch Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (8); liên quan các tỉnh có dịch (8); ổ dịch kho hàng Shopee - Khu công nghiệp Đài Tư, quận Long Biên (3); ổ dịch Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai (2);

Liên quan các tỉnh có dịch (thứ phát) (2); ổ dịch La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình (1); ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (1) và ổ dịch thôn Mới, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ (1).

Riêng 146 ca cộng đồng được phân bố theo các chùm ca bệnh: Ho sốt thứ phát (95); sàng lọc ho sốt (48); liên quan các tỉnh có dịch (2); liên quan các tỉnh có dịch (thứ phát) (1) và phân bố theo các quận, huyện: Đống Đa (29); Đông Anh (25); Bắc Từ Liêm (15); Thanh Xuân (9); Sóc Sơn (8); Tây Hồ (7); Thanh Trì (6); Cầu Giấy (6); Gia Lâm (5); Hoàn Kiếm (5); Quốc Oai (4); Long Biên (3); Hà Đông (3); Thạch Thất (3); Mê Linh (3); Hoài Đức (2); Mỹ Đức (2); Chương Mỹ (2); Thường Tín (2); Ba Đình (1); Thanh Oai (1); Phú Xuyên (1); Đống Đa (1); Hai Bà Trưng (1); Đan Phượng (1); Hoàng Mai (1).

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 9.368 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 3.602 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 5.766 ca.

Hà Nội: Triển khai lắp đặt các thiết bị quét mã QR tại khu vực công cộng

Công an TP.Hà Nội được giao chỉ đạo các đơn vị, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường cập nhật, kiểm soát thông tin nhân khẩu trên địa bàn; Quản lý chặt chẽ số người thường trú, tạm trú, rà soát hộ khẩu, người được cấp căn cước công dân gắn chíp, quản lý mã số định danh cá nhân…

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, nắm chắc tình hình người dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh, người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoại tỉnh về địa phương làm việc...) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên.

Công an thành phố cũng triển khai lắp đặt các thiết bị quét mã QR tại nhà ga sân bay, bến tàu, bến xe, ga tàu điện trên cao, trung tâm thương mại, khu vực công cộng, các trạm kiểm soát và ứng dụng (VN-eID) do Bộ Công an phát triển trên nền tảng ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân giúp công dân khai báo di chuyển nội địa để kiểm soát người về từ các địa phương khác, trong đó thường xuyên cập nhật người dân trở về từ các vùng dịch, các trường hợp chưa được tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ liểu vắc-xin, người đã khỏi bệnh Covid-19 trên địa bàn để triển khai các biện pháp nghiệp vụ trong trường hợp cần thiết.

.
Thêm 2 triệu liều vắc-xin Pfizer do Mỹ tài trợ đã về đến Việt Nam.

2 triệu liều vắc-xin do Mỹ tài trợ về Việt Nam

Theo đó, số vắc-xin này đã được vận chuyển đến Hà Nội và một số lô vắc-xin khác cũng đang trên đường tới Việt Nam.

Đến nay, Mỹ đã trao tặng hơn 18 triệu liều vắc-xin thông qua cơ chế COVAX hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19.

Mỹ là nước viện trợ nhiều vắc-xin cho Việt Nam. Tuần trước, Mỹ cũng vừa chuyển giao cho Việt Nam thêm một triều liều vắc-xin Moderna phòng Covid-19 vào ngày 17/11.

TP.HCM hướng dẫn mới về xét nghiệm cho người đi làm

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản cập nhật hướng dẫn tổ chức xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở (gọi chung là cơ sở lao động) trên địa bàn.

Theo đó, các cơ sở lao động thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động, khi có một trong các triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ.

Khi bắt đầu tổ chức lại hoạt động sản xuất với công suất 100% người lao động quay lại làm việc, các đơn vị thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh (mẫu gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp 10-20).

Tùy theo cấp độ dịch của TP, các cơ sở lao động tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ bằng hình thức xét nghiệm kháng nguyên nhanh (mẫu gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp 10-20).

Đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19 và người đã khỏi bệnh trong thời gian 6 tháng, các cơ sở lao động chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ. Đồng thời thực hiện xét nghiệm các trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Sức khỏe của nạn nhân phản ứng sau tiêm vắc-xin tại Thanh Hóa hiện ra sao?

Hiện 11 bệnh nhân liên quan đến sự cố tiêm chủng vắc-xin đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá tương đối ổn định sức khoẻ, không phải thở oxy, không phải dùng thuốc vận mạch, hết các triệu chứng liên quan đến sốc phản vệ, đã vận động trở lại được, các xét nghiệm trong trạng thái bình thường, có thể xuất viện trong vài ngày tới…

Ngày 26/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ với các trường hợp đang nằm điều trị, theo dõi sức khoẻ sau sự cố bất lợi tiêm chủng tại 1 điểm tiêm trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hoá), đồng thời làm việc với UBND tỉnh Thanh Hoá và ngành y tế địa phương,

Đoàn công tác của Bộ Y tế cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã nghe Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá và các đơn vị liên quan báo cáo về những nội dung liên quan đến quy trình tiêm chủng tại điểm tiêm xảy ra sự cố của huyện Nông Cống.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cũng cho biết, tỉnh thống nhất với ý kiến của Hội đồng chuyên môn của tỉnh tạm dừng tiêm lô vắc-xin này, chờ kết quả đánh giá và kiểm định. Với các lô vắc-xin khác cũng như các loại vắc-xin khác, tỉnh vẫn tiếp tục triển khai tiêm bình thường.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đồng tình với tỉnh về việc tỉnh tạm dừng tiêm lô vắc-xin liên quan đến sự cố tiêm chủng và lấy mẫu gửi ra Viện kiểm định Vaccine và Sinh phẩm y tế để kiểm định. Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh cùng các bệnh viện của Bộ lên kế hoạch cử đội chuyên gia vào hỗ trợ Thanh Hoá trong công tác tiêm chủng.

Đối với  Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá,  Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống đang điều trị, theo dõi sức khoẻ cho người dân sau sự cố tiêm chủng này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các cơ sở y tế này cần tiếp tục điều trị tốt nhất, theo dõi sát sao sức khoẻ của người bệnh.

Hai doanh nghiệp đồng ý nhượng quyền sản xuất thuốc điều trị Covid-19

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có các công văn gửi Hiệp Hội Doanh nghiệp dược Việt Nam về việc nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir và thuốc Paxlovid.

Đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, Tập đoàn dược phẩm MSD của Mỹ và Công ty Pfizer đã có văn bản đồng ý nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc điều trị Covid-19.

Cơ quan này yêu cầu Hiệp hội thông báo đến các cơ sở sản xuất thuốc thành viên có nhu cầu liên hệ với Tập đoàn dược phẩm MSD hoặc MPP để nộp hồ sơ nhằm trở thành đối tác nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir.

Cũng liên quan đến thuốc kháng virus điều trị Covid-19, thông tin của Bộ Y tế cho biết hiện có 5 công ty dược trong nước nộp hồ sơ sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir. Bộ Y tế đang xem xét để trình Chính phủ chấp thuận cho cấp phép trong tình huống phòng chống dịch khẩn cấp, với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn.

Nếu được đồng ý, dự kiến có 5 số đăng ký được cấp cho 5 thuốc Molnupiravir do các công ty dược trong nước sản xuất.

Bộ Y tế lập 3 đoàn kiểm tra việc thu dung, điều trị, thích ứng an toàn dịch Covid-19

3 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn sẽ tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và xét nghiệm SARS-CoV-2, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tránh tình trạng lạm thu sau khi hết dịch tại các địa phương được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công. 

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố rà soát, xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường quy và điều trị Covid-19, cụ thể:

Kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị người mắc Covid-19 và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4, đồng thời bảo đảm trang bị đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực tương ứng với số giường ICU tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Củng cố hạ tầng kỹ thuật về ô-xy y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến để bảo đảm cung cấp ô-xy y tế tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn và hệ thống ô-xy trung tâm để cung cấp ô-xy hóa lỏng, khí nén, đủ số vỏ chứa ô-xy như bồn, bình và chai khí ô-xy y tế tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến quận, huyện trở lên.

Hoàn chỉnh kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng để đáp ứng khi có dịch xảy ra.

Xây dựng các chỉ số cụ thể để làm căn cứ đánh giá triển khai kế hoạch, bao gồm các chỉ số về số giường hồi sức tích cực, hạ tầng kỹ thuật ô-xy y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phưong đầu tư nguồn lực để bảo đảm triển khai hiệu quả kế hoạch củng cố hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (đặc biệt là các khoa Hồi sức tích cực) đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường quy và thu dung, điều trị Covid-19, giảm tỷ lệ vong do bệnh tật và Covid-19.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư