Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về Covid-19 ngày 30/11: Hà Nội cho phép F0 không triệu chứng điều trị tại nhà
D. Ngân - 30/11/2021 08:27
 
Hà Nội cho phép triển khai điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi bảo đảm các yêu cầu của ngành Y tế, hạn chế tối đa bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị.

Gần 14.000 ca mắc mới sau 24h

Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 13.972 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 13.966 ca ghi nhận trong nước.

Hôm nay, số ca mắc mới tiếp tục tăng 208 ca so với ngày trước đó. Số bệnh nhân được ghi nhận tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó có 7.549 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (-98), An Giang (-81), Bình Dương (-71).

Hà Nội hôm nay ghi nhận 367 ca, giảm 62 trường hợp so với hôm qua (429).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bà Rịa - Vũng Tàu (+212), Tiền Giang (+150), Sóc Trăng (+126).

Theo đó, số ca ở Bà Rịa - Vũng Tàu không ngừng tăng trong thời gian đây. Hôm qua, địa phương này tăng 117 trường hợp.

Trung bình số ca nhiễm mới ghi nhận trong 7 ngày qua: 13.002 ca/ngày.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.238.082 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt bùng phát lần 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.232.852, trong đó có 986.531 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Hai tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (470.458), Bình Dương (282.231), Đồng Nai (87.246), Long An (38.241), Tiền Giang (28.628).

Số ca bệnh nặng, tử vong tiếp tục tăng

Theo số liệu từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong ngày, cả nước có thêm 14.624 người được công bố khỏi Covid-19, nâng tổng số xuất viện đến nay là 989.348 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.788 ca, trong đó, 3.743 trường hợp thở oxy qua mặt nạ, 1.272 ca thở oxy dòng cao, 758 người thở máy và 15 trường hợp phải can thiệp ECMO.

Từ 17h30 ngày 29/11 đến 17h30 ngày 30/11, cả nước ghi nhận 197 ca tử vong. Riêng TP.HCM có 76 trường hợp tử vong, trong đó, 17 bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến gồm: Long An (5), Bình Dương (4), An Giang (2), Bến Tre (1), Đồng Tháp (1), Nam Định (1), Tây Ninh (1), Tiền Giang (1), Vĩnh Long (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác, số ca tử vong được ghi nhận tại Bình Dương (22), Cần Thơ (18), An Giang (14), Kiên Giang (13), Đồng Nai (11), Bình Thuận (7), Đồng Tháp (7), Tây Ninh (6), Tiền Giang (5), Bạc Liêu (4), Khánh Hòa (3), Cà Mau (3), Sóc Trăng (2), Bến Tre (2), Bình Định (2), Long An (1), Hậu Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 162 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.252 ca, chiếm tỷ lệ 2%, xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ.

Hà Nội phát hiện số mắc Covid-19 cao nhất một ngày với 468 ca

Ngày 30/11, TP.Hà Nội ghi nhận 468 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 274 ca tại cộng đồng, 138 ca tại khu cách ly và 56 ca tại khu phong tỏa.

Phân bố 468 ca mắc Covid-19 mới tại 182 xã phường thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện: Đông Anh (51); Mê Linh (44); Bắc Từ Liêm (41); Quốc Oai (39); Đống Đa (38); Nam Từ Liêm (27); Hoài Đức (25); Gia Lâm (23); Chương Mỹ, Hà Đông (21); Cầu Giấy (19); Hoàn Kiếm (18); Sóc Sơn (16); Thanh Oai, Thanh Trì (12); Ba Đình (10), Hoàng Mai (8); Hai Bà Trưng, Thường Tín (7); Thanh Xuân (6); Đan Phượng (5); Phú Xuyên (4); Sơn Tây, Thạch Thất, Ứng Hòa, Tây Hồ (3); Phúc Thọ, Long Biên (1).

Cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4-2021) là 10.597 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 4.237 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.360 ca.

Liên quan tới việc phòng chống dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận Hoàn Kiếm thông báo tìm người đã đến các địa điểm sau: Quầy hàng số 346 A2 tầng 3 chợ Đồng Xuân từ ngày 20/11 đến ngày 24/11;

Quán cafe Tonkin tại số 9 Trần Hưng Đạo và quán cafe tại 39 Lý Thường Kiệt từ 07h45 đến 11h00 sáng ngày 26/11;

Trường Đại học Dược Hà Nội tại 13-15 phố Lê Thánh Tông từ ngày 26/11 đến trưa ngày 27/11;

Quán phở gà tại số 01 phố Hàng Điếu từ 07h00 đến 07h10 sáng ngày 28/11;

Quán cháo vịt tại 21 Lý Nam Đế từ 09h00 đến 10h30 ngày 28/11. 

Người đã đến các địa điểm và thời gian trên tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc CDC Hà Nội: 0241022 (nhánh 2)/ 0969.082.115/ 0949.396.115 để được hướng dẫn và tư vấn.

Tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.

Ghi nhận hàng chục ca F0 cộng đồng, TP. Nam Định ra thông báo khẩn

Chiều ngày 29/11, sau khi ghi nhận ca dương tính COVID-19  trú tại đường Tô Hiến Thành, phường Trường Thi, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Nam Định chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng, phường Trần Tế Xương tổ chức test nhanh cho toàn bộ người dân bán hàng trong chợ và các hộ dân xung quanh khu vực chợ Phụ Long, đường Phù Long, đường Trần Nhật Duật.

Đến sáng ngày 30/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 31 ca F0 có yếu tố dịch tễ cộng đồng từ ổ dịch chợ Phụ Long (phần lớn các F0 là công dân sinh sống tại các phường: Vị Xuyên, Lộc Hạ, Trần Tế Xương, Văn Miếu, Thống Nhất, Hạ Long, Trường Thi; 2 F0 ở huyện Nam Trực; 1 F0 ở tỉnh Thái Bình, 1 F0 ở tỉnh Hà Nam).

Như vậy, trong 2 ngày 29 và 30/11, TP. Nam Định ghi nhận 66 ca dương tính COVID-19 cộng đồng, có yếu tố dịch tễ rất phức tạp, đặc biệt đã ghi nhận chùm ca F0 tại một số chợ dân sinh, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Để ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, UBND TP. Nam Định ban hành Công văn số 1644 về triển khai test nhanh tầm soát COVID-19 tại các chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ ngày 30/11 UBND các phường, xã, Trung tâm Y tế thành phố, Phòng Y tế thành phố, Ban quản lý chợ thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị triển khai ngay việc xét nghiệm nhanh tầm soát COVID-19 đối với người kinh doanh, hoạt động tại toàn bộ các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn phường, xã.

UBND thành phố ban hành 2 Thông báo khẩn về truy vết tiếp xúc với các ca F0 tại khu vực đường Văn Cao (đoạn từ ngã 6 Năng Tĩnh đến đường Song Hào) và khu vực chợ Năng Tĩnh, Chợ Phụ Long. Đề nghị người dân đã đến những địa điểm liên quan đến F0 thực hiện ngay việc tự cách ly tại nhà (nơi cư trú), theo dõi sức khỏe và liên hệ ngay đến Trạm Y tế phường, xã; Trung tâm y tế gần nhất để khai báo y tế theo quy định.

Dịch tại Hà Nội phức tạp

Theo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội, hiện nay, dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang được kiểm soát. Tuy nhiên có nguy cơ bùng phát và có thể xuất hiện nhiều ca bệnh mới do mầm bệnh tồn tại ngoài cộng đồng, còn những ca bệnh chưa được phát hiện.

Hà Nội cho phép triển khai điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà.

Số liệu thống kê cho thấy, từ ngày 21 đến 29/11, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 2.267 ca mắc mới Covid-19, trong đó số người đã tiêm 2 mũi vắc-xin là 1.402 trường hợp (61,8%), 213 trường hợp đã tiêm 1 mũi (9,4%). 

Trung bình mỗi ngày ghi nhận 284 ca/ngày, tăng so tuần từ ngày 14 đến 20/11 (ghi nhận trung bình 226 ca/ngày).

Trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận một số ổ dịch cộng đồng phức tạp, bùng phát nhanh, không rõ nguồn lây, liên quan nhiều đơn vị và nhiều sự kiện tập trung đông người…

Tính đến ngày 29/11, 4 huyện đã thu dung điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, gồm Hoài Đức 39 ca; Sóc Sơn 8 ca; Mỹ Đức 7 ca; Thanh Trì 2 ca.

Từ ngày 1/12, tất cả các địa phương còn lại thực hiện thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại cơ sở (thành phố chỉ điều tiết F0 tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng).

Tính đến ngày 27/11/2021, Hà Nội đã có 10 quận, huyện sẵn sàng thu dung điều trị, gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Long Biên, Mỹ Đức, Hoài Đức, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thanh Trì, Ba Vì, Hà Đông.

Liên quan việc khảo sát hộ gia đình đủ điều kiện cách ly tại gia đình, các quận, huyện, thị xã đã thực hiện khảo sát và lập danh sách các hộ dân đủ điều kiện cách ly F1 tại nhà để chủ động cách ly khi có trường hợp F1.

Thành phố đã rà soát được 1.993.336 hộ dân/26 quận, huyện với 778.781 hộ đủ điều kiện cách ly (F1) tại nhà. Hiện đang cách ly tại nhà 5.585 người tiếp xúc gần F1.

Sau khi nghe báo cáo, Thường trực Thành ủy Hà Nội cho phép triển khai điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế; chuẩn bị sẵn sàng các phương án theo dõi, phân luồng, cơ số thuốc điều trị để hạn chế tối đa bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị; thường xuyên cập nhật trên phần mềm theo dõi, quản lý F0 của thành phố.

Thủ tướng chỉ đạo chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 8706/VPCP-KGVX ngày 29/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Công văn nêu, gần đây, trên thế giới đã ghi nhận biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 và đang lây lan nhanh ra nhiều nước trên thế giới.

Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.

Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta.

Nam Định kiểm soát các ổ dịch

Ngày 29/11, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định xuất hiện 36 ca Covid-19 mới, trong đó có tới 35 ca phát hiện trong cộng đồng (1 ca ở phường Văn Miếu, 2 ca ở phường Trường Thi, 4 ca ở phường Mỹ Xá và 28 ca ở phường Năng Tĩnh). 

Đây là số ca Covid-19 cộng đồng trong ngày lớn nhất được ghi nhận trên địa bàn thành phố từ khi có dịch.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Nam Định, ngay khi xuất hiện ổ dịch phức tạp này, thành phố đã chỉ đạo lực lượng y tế khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho người dân phường Năng Tĩnh. 

Để ngăn dịch lây lan, cơ quan chức năng đã tiến hành phong tỏa toàn bộ chợ Năng Tĩnh và nhiều khu vực liên quan trên đoạn đường Văn Cao.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Nam Định yêu cầu các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, phát hiện và đưa F0 nhanh nhất ra khỏi cộng đồng; yêu cầu thông tin yếu tố dịch tễ liên quan ổ dịch đường Văn Cao và khu vực chợ Năng Tĩnh đến tất cả các phường, xã trên địa bàn thành phố để truy vết F1, lấy mẫu sàng lọc sớm. 

Trong những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 tại TP.Nam Định có dấu hiệu phức tạp trở lại. Ngoài ổ dịch tại phường Năng Tĩnh, thành phố cũng đang tích cực ứng phó ổ dịch tại phường Cửa Nam, địa bàn có dân cư đông đúc, nguy cơ lây nhiễm cao do các ca F0 tham gia nhiều hoạt động tập trung đông người như nhà thờ, đám cưới, đám hiếu, điểm tiêm chủng...

Ngoài ra, Bệnh viện Phụ sản tỉnh Nam Định cũng đã bị phong tỏa từ chiều 24/11 do phát hiện các ca Covid-19.

Sở Y tế đã có công văn đề nghị Bệnh viện Phụ sản Trung ương tạo điều kiện, tiếp nhận các bệnh nhân chuyển tuyến từ Nam Định trong thời gian Bệnh viện Phụ sản tỉnh thực hiện cách ly, phong tỏa; bảo đảm công tác chỉ đạo, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa cho các đơn vị trong ngành y tế tỉnh.   

Công bố nguyên nhân nam sinh tử vong sau tiêm vắc-xin Covid-19 tại Bắc Giang

Ngày 29/11, Sở Y tế Bắc Giang thông tin chính thức về trường hợp diễn biến nặng sau tiêm vắc-xin Covid-19 dẫn tới tử vong. 

Đó là C.M.T., 16 tuổi, học sinh trường trường THPT Sơn Động số 2, trú tại thôn Rèm, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Sau sự cố tiêm chủng, Sở Y tế Bắc Giang đã tổ chức họp Hội đồng chuyên môn để đánh giá tai biến trong quá sử dụng vắc-xin Covid-19.

Qua phân tích đánh giá các yếu tố dựa trên kết quả báo cáo điều tra, hồ sơ bệnh án, giấy tờ liên quan, Hội đồng chuyên môn thống nhất nguyên nhân là phản vệ độ 4 do phản ứng quá mẫn của cơ thể với vắc-xin phòng Covid-19 Pfizer.

Nguyên nhân liên quan chất lượng vắc-xin và thực hành tiêm chủng được loại trừ.

Trước đó, lúc 10h27 ngày 24/11, T, được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 Pfizer ở điểm tiêm lưu động thuộc trường THPT Sơn Động số 2. Sau tiêm khoảng 20 phút, T. xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, choáng váng, mạch 89 lần/phút, huyết áp 130/80 mmHg.

Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện tức ngực, khó thở nhiều, được xử trí cấp cứu và chuyển đến khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Sơn Động. Tại đây, trường hợp này diễn biến nhanh và xuất hiện các cơn ngừng tuần hoàn.

Sở Y tế Bắc Giang đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ tư vấn chuyên môn qua điện thoại và cử ê-kíp cấp cứu gồm bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực hàng đầu cũng như các phương tiện, trang thiết bị cần thiết tới Trung tâm Y tế huyện Sơn Động.

T. được chẩn đoán phản vệ độ 4 sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 Pfizer. Đến 23h48 cùng ngày, tình trạng bệnh nhân đủ điều kiện chuyển viện. T. được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Tại đây, T. tiếp tục được chẩn đoán sốc phản vệ độ 4 sau tiêm vắc-xin Covid-19 Pfizer và đưa vào lọc máu, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).

Trong 4 ngày điều trị, bệnh nhân luôn trong tình trạng nặng, duy trì ECMO và lọc máu. Đến trưa 28/11, do diễn biến nặng, suy đa tạng không hồi phục, bệnh nhân không may tử vong.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư