Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 10/11: Căn cứ thực tế tại địa phương để điều trị F0
D.Ngân - 10/11/2021 08:16
 
Bộ Y tế có Công văn khẩn số 9472/BYT-MT về việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ gửi các tỉnh, thành phố.

Thêm 7.930 ca mắc Covid-19 tại 59 tỉnh, thành

Tính từ 16h ngày 9/11 đến 16h ngày 10/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.930 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 7.918 ca ghi nhận trong nước (giảm 211 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 3.999 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-274), Hà Nội (-188), An Giang (-107). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (+194), Tiền Giang (+189), TP Hồ Chí Minh (+138). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 7.596 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 992.735 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.076 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 987.758 ca, trong đó có 841.237 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.254. Tổng số ca được điều trị khỏi là 844.054.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.620 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 2.617 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 588 ca; thở máy không xâm lấn là 91 ca; thở máy xâm lấn là 311; ECMO là 13 ca.

Từ 17 giờ 30 phút ngày 9/11 đến 18 giờ 30 phút ngày 10/11 ghi nhận 79 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (43), Bình Dương (9), Long An (4), Tiền Giang (4), An Giang (4), Đồng Nai (3), Đắk Lắk (2), Tây Ninh (2), Kiên Giang (2), Bạc Liêu (2), Khánh Hòa (1), Bình Thuận (1), Vĩnh Long (1), Cần Thơ (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 69 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.765 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 132.663 xét nghiệm cho 237.046 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 23.370.536 mẫu cho 62.976.831 lượt người. Trong ngày 9/11 có 1.646.940 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm.

Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 93.962.665 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 62.806.992 liều, tiêm mũi 2 là 31.155.673 liều.

Hà Nội thêm 140 ca Covid-19, 28 ca trong cộng đồng

Theo CDC Hà Nội từ 18 giờ ngày 9/11 đến 18 giờ ngày 10/11, Hà Nội ghi nhận 140 ca bệnh trong đó, cộng đồng (28), khu cách ly (67), khu phong tỏa (45).

Phân bố tại 17/30 quận, huyện: Nam Từ Liêm (28), Ba Đình (27), Gia Lâm (21), Hoàng Mai (10), Hà Đông (8), Mê Linh (7), Cầu Giấy (7), Thanh Xuân (6), Thanh Trì (4), Ba Vì (4), Bắc Từ Liêm (4), Đống Đa (4), Long Biên (4), Hoài Đức (2), Phú Xuyên (2), Chương Mỹ (1), Hai Bà Trưng (1).

Phân bố 140 theo các chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (40); chùm liên quan ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm (24); chùm liên quan ổ dịch Thủ Lệ, Ngọc Khánh (13); chùm sàng lọc ho sốt (11); chùm liên quan ổ dịch Trần Duy Hưng (10); chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (8); chùm liên quan ổ dịch Kho hàng Shoppe KCN Đài Tư (8); chùm liên quan ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng (7); chùm liên quan các tỉnh có dịch (6); chùm liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát (5); chùm liên quan ổ dịch Nam Dư, Lĩnh Nam (3); chùm liên quan ổ dịch Phú La – Hà Đông (3); chùm liên quan ổ dịch Trần Quang Diệu – Ô Chợ Dừa (12); chùm liên quan ổ dịch Yên Xá – Tân Triều (1);

Phân bố 28 ca cộng đồng theo theo quận, huyện: Gia Lâm (7); Hà Đông (5); Nam Từ Liêm (4); Ba Đình (4); Thanh Trì (3); Hoàng Mai (2); Bắc Từ Liêm (1); Thanh Xuân (1); Cầu Giấy (1).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 5.466 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.156 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.310 ca.

Chủ động sẵn sàng điều trị F0

Tại văn bản, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chỉ đạo tăng cường chủ động rà soát, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT và Công điện số 1700/CĐ-BYT của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng lưu ý, căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, Sở Y tế chỉ đạo việc quản lý người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế hoặc tại nhà theo hướng dẫn.

Cụ thể, các địa phương chỉ đạo chủ động xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh (không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố). Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Bộ Y tế cũng lưu ý, căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, Sở Y tế chỉ đạo việc quản lý người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế hoặc tại nhà theo hướng dẫn tại Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21-8-2021 của Bộ Y tế và thiết lập các trạm y tế lưu động để bảo đảm công tác chăm sóc sức khoẻ và phòng, chống dịch cho người dân theo Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21-8-2021 của Bộ Y tế.

Về tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, theo Bộ Y tế, những người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19) được tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện thông điệp "5K". 

Trường hợp này được thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.

Những người tiêm chưa đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 (thẻ vàng trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp) thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện thông điệp "5K"; đồng thời, thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.

Với những người chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 phải thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương, đồng thời tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện thông điệp "5K"; thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương.

"Những người đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hoặc khỏi bệnh Covid-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao", Bộ Y tế nêu rõ.

Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở (sau đây gọi là cơ sở lao động), Bộ Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cho người lao động.

Cụ thể là xét nghiệm khi người lao động có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ; xét nghiệm khi bắt đầu tổ chức lại sản xuất; xét nghiệm ngẫu nhiên người lao động có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19. Thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp gộp mẫu khi xét nghiệm định kỳ, sàng lọc: Xét nghiệm kháng nguyên nhanh (gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (gộp 10-20).

Cũng theo Bộ Y tế, trên cơ sở tình hình thực tế của các cơ sở lao động trên địa bàn, các địa phương chủ động quyết định cụ thể theo từng cấp độ dịch về: Tần suất, tỷ lệ xét nghiệm ngẫu nhiên cho người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao; 

Phương án tổ chức lưu trú tập trung, cách ly và tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động. Dừng áp dụng các nội dung có liên quan đến tần suất, tỷ lệ xét nghiệm, phương án lưu trú tập trung, cách ly, tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động.

TP.HCM thiết lập khẩn thêm 33 trạm y tế lưu động

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM ngày 9/11 đã ký văn bản khẩn gửi Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, huyện Bình Tân. Theo đó, Sở Y tế quyết định bổ sung thêm 33 trạm y tế lưu động do các bệnh viện thành phố và quận, huyện đảm trách. Cụ thể như sau: Quận 12 (20 trạm), Bình Chánh (8 trạm), Hóc Môn (4 trạm), Bình Tân (1 trạm).

Sở Y tế đề nghị Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống, dịch của các quận, huyện khẩn trương bố trí địa điểm cho các trạm y tế lưu động đi vào hoạt động. Đồng thời tăng cường kiểm tra công tác khám, theo dõi, cấp phát thuốc cho các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà và cách ly tập trung theo đúng quy định

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện cần tăng cường chỉ đạo trung tâm y tế và các trạm y tế chủ động nắm bắt các hộ gia đình F0 có người thuộc nhóm nguy cơ cao, chưa được tiêm chủng để theo dõi sát tình trạng sức khỏe và triển khai tiêm chủng ngay.

Trước đó, Sở Y tế cũng đã yêu cầu kích hoạt 40 trạm y tế lưu động tại huyện Hóc Môn.

Ngày 9/11, TP.HCM ghi nhận 1.276 ca mắc Covid-19, nâng tổng số mắc trong đợt này của Thành phố lên 441.216 ca.

Bà Rịa- Vũng Tàu: Từ ngày 12/11 sẽ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi

Theo đó, đối tượng được tiêm là tất cả trẻ từ 12-17 tuổi đang sinh sống, học tập trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo lộ trình, tỉnh sẽ tiến hành tiêm cho trẻ từ 16-17 tuổi trước, sau đó sẽ hạ dần độ tuổi.

Những trẻ đang đi học sẽ được tiêm vắc-xin tại trường hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch Covid-19. 

Tỉnh sẽ triển khai tiêm cho học sinh đang theo học tại các trường trung học phổ thông vào các ngày 12, 13, 14/11 và tiêm vét vào ngày 15/11; trong đó, tiêm cho đối tượng 17 tuổi trước.

Trẻ không đi học hoặc chưa nhập học sẽ được tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND huyện, thị xã, thành phố lựa chọn. Thời gian dự kiến là 2 ngày 16 - 17/11 và tiêm vét vào ngày 18/11.

Trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh sẽ được lập danh sách và tiêm ngay tại các bệnh viện.

Bộ Y tế đưa thuốc Molnupiravir vào điều trị thí điểm tại nhà F0 có kiểm soát tại hàng loạt tỉnh thành
1 triệu viên thuốc nghiên cứu Molnupiravir từ nguồn nhập khẩu do Công ty DB – cổ đông sáng lập Tập đoàn Ecopark tài trợ cho chương trình có thể...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư