Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 3/3: Quy định mới về xét nghiệm F1 tại trường học
D.Ngân - 03/03/2022 08:12
 
TP.HCM bỏ quy định xét nghiệm toàn bộ học sinh của lớp có F0, chỉ những trường hợp có triệu chứng nghi mắc Covid-19 mới cần phải xét nghiệm.

Thêm 118.780 ca Covid-19 mới tại 62 tỉnh, thành phố

Tính từ 16h ngày 2/3 đến 16h ngày 3/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 118.790 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 118.780 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.500 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố, có 77.226 ca trong cộng đồng.

Ngày 3/3/2022, Sở Y tế Hải Dương đăng ký bổ sung 29.360 ca và Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 28.000 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lai Châu (-1.151), Bắc Kạn (-687), Đắk Nông (-555). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+3.547), Nghệ An (+1.823), Bình Dương (+1.249).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 95.127 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.885.631 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 39.335 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.878.220 ca, trong đó có 2.547.708 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. HCM (541.987), Hà Nội (319.048), Bình Dương (301.609), Đồng Nai (101.825), Tây Ninh (96.555).

33.740 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.550.525 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.840 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 3.039 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 371 ca; thở máy không xâm lấn là 89 ca; thở máy xâm lấn là 332 ca; ECMO là 9 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 2/3 đến 17 giờ 30 ngày 3/3 ghi nhận 95 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 95 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.547 ca, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 33.994.645 mẫu tương đương 79.665.130 lượt người, tăng 114.197 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 2/3 có 376.284 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 195.672.969 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 178.871.881 liều: Mũi 1 là 70.780.325 liều; Mũi 2 là 67.485.548 liều; Mũi 3 là 1.444.843 liều; Mũi bổ sung là 14.055.038 liều; Mũi nhắc lại là 25.106.127 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.801.088 liều: Mũi 1 là 8.635.842 liều; Mũi 2 là 8.165.246 liều.

Số ca Covid-19 mới tại Hà Nội cao nhất cả nước với 18.661 F0

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24 giờ qua phát hiện thêm 18.661 ca F0, cao hơn kỷ lục hôm qua hơn 3.500 ca, trong đó có 6.418 ca cộng đồng.

Bệnh nhân phân bố tại 525 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên (987), Sóc Sơn (958), Hoài Đức (936), Hoàng Mai (922), Đông Anh (918), Nam Từ Liêm (904).

Tới hết ngày 2/3, số ca dương tính SARS-CoV-2 đang điều trị, theo dõi ở Hà Nội là 641.242 ca, trong đó có 634.109 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm gần 99%); 1.163 người cách ly tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố và của quận, huyện, thị xã;

Có gần 6.000 người điều trị tại bệnh viện tầng 2 và tầng 3 của thành phố và 360 người điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Đến nay, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi tại Hà Nội là 517.398 người.

Ngày 2/3, Hà Nội ghi nhận 20 người mắc Covid-19 tử vong. Như vậy, tổng số người tử vong tính từ 27/4/2021 cho đến nay là 1.122 người.

Quy định mới về xét nghiệm 

Chiều 2/3, theo quyết định mới nhất của UBND TP.HCM, không cần phải xét nghiệm nhanh kháng nguyên toàn bộ F1, học sinh, giáo viên của lớp có F0. Thay vào đó, những trường hợp có triệu chứng nghi mắc Covid-19 mới cần phải xét nghiệm.

TP.HCM bỏ quy định xét nghiệm toàn bộ học sinh của lớp có F0.

Việc xét nghiệm nhanh sẽ không cần do nhân viên y tế thực hiện hay giám sát như quy định trước. Thay vào đó, phụ huynh tự thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh tại nhà vào ngày thứ 5 nếu đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc ngày thứ 7 nếu chưa tiêm đủ liều.

Sau đó, phụ huynh thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm lớp bằng cách gửi hình ảnh xét nghiệm qua email, zalo hay tin nhắn điện thoại.

Trường hợp gia đình không có điều kiện thực hiện test nhanh cho con tại nhà, phụ huynh có thể đưa học sinh đến trạm y tế để được nhân viên y tế thực hiện. Phụ huynh hoặc nhân viên y tế thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm. Kết quả âm tính gửi đến giáo viên được xem như đủ điều kiện cho học sinh quay trở lại trường học.

Ngoài ra, cơ sở giáo dục phải lập danh sách học sinh thuộc nhóm nguy cơ (béo phì, mắc các bệnh mạn tính, bệnh lý bẩm sinh) để theo dõi sát sức khỏe trong vòng 10 ngày.

Sự điều chỉnh này cụ thể hóa đối tượng học sinh cần theo dõi sức khỏe. Công văn cũ chỉ yêu cầu lập danh sách học sinh mắc bệnh nền.

Đề xuất hai phương án cấp phát thuốc điều trị Covid-19

Liên quan tới việc cấp phát thuốc điều trị Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ 2 phương án phân phối thuốc Molnupiravir gồm: cấp phát thuốc miễn phí tại cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 và bán tại các cơ sở đăng ký, kinh doanh về thuốc để người dân tự mua.

Trước đó, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị về phương án người dân tự chi trả thuốc Molnupiravir và được Bộ Chính trị cho phép. Bộ Y tế đang tiếp tục trình Chính phủ xin ý kiến các nội dung liên quan đến việc người dân tự mua thuốc. Khi được Thủ tướng cho ý kiến, Bộ Y tế sẽ triển khai cụ thể.

Liên quan đến thuốc chứa Molnupiravir điều trị Covid-19, ngày 17/2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có quyết định cấp số đăng ký lưu hành cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước.

Cụ thể gồm Molravir 400 thành phần Molnupiravir 400 mg của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam; Movinavir thành phần Molnupiravir 200 mg của Công ty CP hóa-dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400mg của Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm. Giá thuốc có hoạt chất Molnupiravir dao động từ 230.000 đến dưới 350.000 một hộp cho liệu trình điều trị trong 5 ngày.

Hà Nội tập trung điều trị cho các ca bệnh nặng

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện tại số bệnh nhân đang được điều trị là gần 600.000 người, trong đó có hơn 550.000 người theo dõi cách ly tại nhà; hơn 1.000 người cách ly tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố và quận, huyện, thị xã; hơn 6.000 người điều trị tại bệnh viện tầng 2 và tầng 3 của thành phố.

Ngoài ra, 2 bệnh viện tuyến Trung ương là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đang điều trị 360 ca F0 nặng.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, chiến lược của Hà Nội là tập trung điều trị sớm ca chuyển nặng theo từng tầng, giảm tỷ lệ tử vong.

Để tránh việc quá tải, các khu điều trị thực hiện việc hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến triển điều trị. Cụ thể, đối với bệnh nhân tầng 2 và 3 chuyển biến tốt sẽ được cho về nhà tự cách ly, điều trị, thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện như trước đây.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thành phố vẫn ở trạng thái chủ động, không quá tải trong điều trị cho bệnh nhân. Trong tình huống xảy ra kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay, theo tính toán khả năng thu dung, điều trị, thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được.

Xét nghiệm Covid-19 trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt thực hiện ra sao?
Sau khi Bộ Y tế ban hành tiêu chí phân chia các cấp độ dịch, nhiều ý kiến đã băn khoăn về việc xét nghiệm Covid-19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư