Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 7/1: Hà Nội kiến nghị cấp đủ thuốc điều trị F0
D.Ngân - 07/01/2022 08:58
 
Về tình hình cấp phát thuốc trên địa bàn Hà Nội, túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà bao gồm 3 gói A, B, C, sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.

Thêm 16.278 ca nhiễm Covid-19 mới, hơn 6.000 ca nặng đang điều trị

Tính từ 16h ngày 6/1 đến 16h ngày 7/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.278 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 16.254 ca ghi nhận trong nước (giảm 163 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 11.423 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-270), Hải Phòng (-128), Gia Lai (-102). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (+443), Vĩnh Long (+180), Bà Rịa - Vũng Tàu (+111).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 16.021 ca/ngày.

Tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP Hồ Chí Minh (11), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.859.841 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.851 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.853.904 ca, trong đó có 1.476.231 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (506.902), Bình Dương (291.270), Đồng Nai (98.545), Tây Ninh (81.135), Hà Nội (62.174).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 14.633 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.479.048 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.006 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 4.239 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 884 ca; thở máy không xâm lấn là 140 ca; thở máy xâm lấn là 723 ca; ECMO là 20 ca.

Từ 17h30 ngày 6/1 đến 17h30 phút ngày 7/1 ghi nhận 233 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua 212 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.877 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 30.839.883 mẫu tương đương 75.500.440 lượt người, tăng 104.454 mẫu so với ngày trước đó. Trong ngày 6/1 có 804.906 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 157.740.557 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.146.683 liều, tiêm mũi 2 là 70.529.369 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 9.064.505 liều.

Hà Nội ghi nhận 2.725 ca mắc mới, 655 ca cộng đồng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc mới từ 18 giờ ngày 6/1/2022 đến 18 giờ ngày 7/1/2022 ghi nhận 2.725 trường hợp. Trong đó, 655 ca bệnh cộng đồng, 2.070 ca bệnh đã được cách ly.

Các ca bệnh phân bố tại 323 xã phường thị trấn thuộc 27/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (213); Hà Đông (196); Cầu Giấy (156); Bắc Từ Liêm (145); Gia Lâm (138)…

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 65.356 ca.

Theo Sở Y tế Hà Nội gần đây trung bình mỗi ngày, Hà Nội ghi nhận hơn 2.200 ca, tăng nhiều so với kỳ báo trước (trung bình 1.747 ca/ngày) và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tiếp theo.

Toàn thành phố đã tiêm được gần 13 triệu mũi vaccine, trong đó có 199.000 mũi bổ sung và hơn 807.000 mũi nhắc lại. 

Thành phố đang điều trị cho 38.038 người. Trong đó, tầng 1 là 35.655 người; tầng 2 là 1.655 người; tầng 3 là 390 người. Tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát, tuy nhiên hệ thống y tế các tuyến đang chịu rất nhiều áp lực về quản lý, thu dung, điều trị. Trong thời gian tới, khi số ca mắc tiếp tục gia tăng là gánh nặng lên hệ thống y tế và có thể gia tăng tỷ lệ chuyển nặng, tỷ lệ tử vong...

Đảm bảo đủ thuốc điều trị tại nhà cho F0

Hà Nội hiện có khoảng hơn 28.000 F0 đang điều trị tại nhà với 3 gói thuốc cơ bản. Theo đó, gói thuốc A bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Sở Y tế Hà Nội được các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ và cấp phát cho các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã 11.700 túi thuốc A.

Về tình hình cấp phát thuốc trên địa bàn Hà Nội, túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà bao gồm 3 gói A, B, C, sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân

Gói B gồm các loại thuốc kháng viêm và thuốc chống đông. Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Các đơn vị tự chủ động cấp phát gói thuốc này cho bệnh nhân.

Cuối cùng là gói C có thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus đang trong chương trình thử nghiệm. Theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, F0 được tham gia chương trình là người có kết quả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc rRT-PCR dương tính trong vòng 5 ngày, từ 18 tuổi trở lên và cam kết đồng ý tham gia bằng văn bản, không có các chống chỉ định dùng thuốc.

Trong trường hợp F0 điều trị tại nhà phải có văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cách ly tại nhà.

Sở Y tế Hà Nội đã chuẩn bị 18.875 túi thuốc C và cấp phát 12.000 gói về cho các đơn vị để chuyển đến F0 điều trị tại nhà. Trong đó, 10.000 bệnh nhân đủ điều kiện đã được cấp phát túi thuốc C. Số lượng túi thuốc còn lại sẽ chuyển cho các bệnh nhân trong thời gian tới.

Trước tình hình số ca mắc Covid-19 gia tăng, ngày 6/1, chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca F0 phát sinh hằng ngày tăng cao, số ca ngoài cộng đồng chiếm tỷ lệ lớn.

Thực tế này đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải thực hiện tốt chuyển trạng thái từ “zero Covid” sang quản lý rủi ro;

Xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu trong những ngày tới để vào cuộc đồng bộ, quyết liệt.

Các cấp, ngành phối hợp rà soát để mua sắm vật tư tiêu hao, vật tư xét nghiệm tạo điều kiện cho y tế cơ sở tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc mua sắm vật tư y tế là cần thiết, cấp bách vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân; nhưng phải thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch. 

Thành phố nghiêm cấm mọi hành vi tư lợi. Nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. 

Các địa phương tiếp tục rà soát năng lực y tế cơ sở trên quy mô dân số để bố trí trạm y tế lưu động đủ đáp ứng yêu cầu quản lý và hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tại cơ sở và tại nhà. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu ngành Y tế phối hợp các địa phương tiếp tục huy động cán bộ y tế nghỉ hưu, y tế tư nhân, sinh viên ngành y tế tham gia phòng, chống dịch;

Đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người đủ điều kiện, tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Đồng thời kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ thành phố đủ cơ số thuốc để điều trị sớm các ca F0 nhằm hạn chế rủi ro và giảm số lượng bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị.

Được biết, theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất, Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng). 

Thành phố có 2 huyện ở cấp độ một (màu xanh); 18 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam - tăng 2 khu vực so với cách đây một tuần). Phân loại theo cấp xã, phường, Hà Nội có 190 đơn vị ở cấp độ một; 278 địa bàn ở cấp độ 2 và 111 xã, phường ở cấp độ 3.

Hơn nửa tháng qua, đồ thị số ca mắc tại thành phố này liên tiếp tăng cao. Trong vòng 7 ngày qua, Hà Nội có đến 13.938 ca mắc, trung bình số F0 mới mỗi ngày là 1.991 ca.

Nhiều biện pháp ngăn biến chủng Omicron

Bộ Y tế đã có công điện gửi Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trước biến chủng Omicron.

Theo Bộ Y tế, đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trước biến chủng mới Omiron, đến nay biến chủng này đã lây lan ít nhất 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron tại 3 khu vực miền bắc, miền nam, miền trung đều là các trường hợp nhập cảnh đã được quản lý, cách ly kịp thời.

Bộ Y tế cho rằng, thời gian tới, nguy cơ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc biến chủng Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và lây lan ra cộng đồng là rất lớn.

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong bối cảnh biến chủng Omicron có thể xâm nhập và lây lan nhanh; Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng, chống biến chủng Omicron; 

Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn, nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; 

Tiếp tục phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng, trạm y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.

Tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, lưu ý kiểm tra điều kiện lưu trú của các trường hợp này nhằm bảo đảm không tiếp xúc với người chung quanh khi mới nhập cảnh theo quy định; tăng cường giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng.

Phối hợp các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biển chủng Omicron đến để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gene khẳng định.

Bộ Y tế yêu cầu khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron, thực hiện mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho các địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân, thực hiện cách ly y tế kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1; trả kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế lưu ý phải điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu.

Các cơ sở khám, chữa bệnh cần thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; cán bộ y tế, các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao cần cảnh giác. Thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế; bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng nhắc các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; 

Rà soát, tiêm vét cho tất cả các đối tượng nguy cơ cao, người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, bảo đảm an toàn, hiệu quả; triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp, trường học. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết ngày 4/1, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 206,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 và đã phân bổ về các địa phương 176,8 triệu liều, còn khoảng 29,7 triệu liều đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng. 

Cập nhật đến chiều 6/1, các địa phương, đơn vị cũng đã tiêm gần 157 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. 

Vẫn có tỷ lệ F0 diễn biến nặng dù tiêm đủ hai mũi vắc-xin
Theo chuyên gia, vẫn có tỷ lệ nhất định F0 diễn biến nặng dù tiêm đủ hai mũi vắc-xin, do vậy, người dân không được chủ quan.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư