Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về dịch bệnh ngày 23/5: Giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn
D.Ngân - 23/05/2022 11:02
 
Nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn đã được nêu ra, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về việc này.

Cả nước chỉ có 1.179 ca mắc Covid-19

Tính từ 16h ngày 22/5 đến 16h ngày 23/5, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.179 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 1.179 ca ghi nhận trong nước tại 43 tỉnh, thành phố, có 812 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-138), Nghệ An (-43), Hà Nội (-15). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Quảng Trị (+66), Quảng Bình (+18), Quảng Ngãi (+14).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 1.553 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.710.066 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.195 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.702.309 ca, trong đó có 9.403.091 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.598.163), TP Hồ Chí Minh (609.184), Nghệ An (484.158), Bắc Giang (387.516), Bình Dương (383.764).

3.862 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 

Tổng số ca được điều trị khỏi là 9.405.908 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 216 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 171 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 27 ca; thở máy không xâm lấn: 4 ca; thở máy xâm lấn: 12 ca; ECMO: 2 ca.

Từ 17h30 ngày 22/5 đến 17h30 ngày 23/5 ghi nhận 1 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.076 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 39.507.844 mẫu cho 85.814.565 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 219.119.853 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 198.242.952 liều: Mũi 1 là 71.472.284 liều; Mũi 2 là 68.705.438 liều; Mũi 3 là 1.506.133 liều; Mũi bổ sung là 15.163.528 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 41.328.874 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 66.695 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.424.430 liều: Mũi 1 là 8.926.224 liều; Mũi 2 là 8.498.206 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 3.452.471 liều: Mũi 1 là 3.423.350 liều; Mũi 2 là 29.121 liều.

Hà Nội có 332 ca Covid-19

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua, thành phố đã ghi nhận 332 ca bệnh: 112 ca cộng đồng; 220 ca đã cách ly.

Bệnh nhân phân bố tại 121 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (30); Đông Anh (27); Hà Đông (27); Long Biên (26); Cầu Giấy (24).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 29/4/2021 là 1.598.955 ca.

Trên địa bàn thành phố còn gần 82.900 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó có 100 ca điều trị tại bệnh viện và gần 82.800 ca theo dõi tại nhà.

Về tiêm vắc-xin phòng Covid-19, Hà Nội đã triển khai tiêm mũi 1 cho 170.770 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Các giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn

Nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn đã được nêu ra nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận chính thức về việc này.

Hầu hết trẻ mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đều xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa trước khi vàng da, và trong một số trường hợp là suy gan cấp tính. Các bác sĩ không tìm thấy virus gây viêm gan A, B, C, D, E ở các bệnh nhi này. 

Tại khu vực châu Á ghi nhận 8 trường hợp chết trong đó 7 trường hợp ghi nhận tại Indonesia và 1 trường hợp tại Palestine. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS.Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, kết quả phân tích ban đầu đánh giá các giả thuyết về căn nguyên của bệnh đã được các nhà khoa học trên thế giới công bố trên các tạp chí hàng đầu cho thấy những nguyên nhân dưới đây có thể là căn nguyên hoặc một phần căn nguyên của căn bệnh mới và đặc biệt nguy hiểm này. 

Đầu tiên, đây có thể là một bệnh nhiễm trùng Adenovirus thông thường, nhưng do tính nhạy cảm bất thường hoặc phản ứng của cơ thể người cho phép nhiễm Adenovirus trở nên nặng hơn thành viêm gan (bao gồm cả trực tiếp hay bệnh lý miễn dịch);

Tiếp theo, giả thuyết có thể do một biến thể Adenovirus hoàn toàn mới, có hoặc không có sự đóng góp của một đồng yếu tố như đã liệt kê ở trên.

Bên cạnh đó, bệnh có thể gây ra bởi hội chứng hậu Covid; do tiếp xúc với thuốc, chất độc hoặc môi trường; một biến thể mới của SARS-CoV-2; hay một mầm bệnh hoàn toàn mới hoạt động đơn lẻ hoặc đồng nhiễm.

Tại Việt Nam, hiện nay chưa ghi nhận trường hợp bệnh nào tuy nhiên cũng đã có những báo cáo ban đầu về một số trường hợp viêm gan cấp không xét nghiệm được các tác nhân thông thường và được đưa vào hệ thống giám sát khẩn cấp. 

Ngày 9/5/2022, Bộ Y tế gửi Công văn số 2329/BYT-DP tới các sở y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân. Ngay sau đó, ngày 12/5, Văn phòng Chính phủ gửi Công văn số 2956/VPCP-KGVX tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố về việc dịch bệnh viêm gan cấp ở trẻ em. 

Ngày 13/5/2022, Bộ Y tế tiếp tục gửi Công văn số 2480/BYT-DP đến các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc giám sát các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.

Kinh nghiệm từ giám sát và kiểm soát Covid-19 cho thấy việc hành động nhanh và dứt khoát ngay từ đầu sẽ giúp kiểm soát bệnh từ giai đoạn sớm và điều đó sẽ giúp hạn chế những tổn thất phía sau. Mọi sự trì hoãn trong giám sát, kiểm soát bệnh sẽ dẫn đến những hậu quá khó lường cũng như nguy cơ quá tải hệ thống khi bệnh đã lan tràn quy mô lớn.

Theo TS.Phạm Quang Thái, trong khi chờ đợi, các biện pháp không đặc hiệu tiếp tục được thực hiện như bảo đảm công tác khử trùng dụng cụ y tế; giữ vệ sinh tay, che miệng khi ho; khi thăm khám bệnh nhân cần sử dụng găng tay, áo choàng và kính bảo hộ dùng một lần tránh lây nhiễm virus; khuyến cáo người dân ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi cho trẻ ăn.

Tại các bệnh viện có khả năng xảy ra các trường hợp viêm gan cấp tính, nên hạn chế việc chuyển bệnh nhân hoặc di chuyển nhân viên giữa các đơn vị bệnh viện khác nhau để tránh lây truyền. Cũng nên tránh giao tiếp các trường hợp có thể bị viêm gan cấp tính với các bệnh nhân khác.

Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam cần triển khai các cuộc điều tra sâu hơn về lâm sàng và phơi nhiễm; xét nghiệm độc chất với môi trường và thực phẩm; các xét nghiệm vi sinh bổ sung; tăng cường các hoạt động giám sát; công bố và đưa ra cảnh báo cho công chúng về sự gia tăng số ca mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em. 

Bên cạnh đó, phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và CDC châu Âu để cảnh báo các quốc gia khác về tình trạng này; triển khai bộ kit xét nghiệm nhanh để có thể đáp ứng trong trường hợp số ca bệnh tăng nhanh; lấy mẫu không xâm lấn trên các đối tượng là thành viên hộ gia đình/tiếp xúc gần với bệnh nhân; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vệ sinh tay...

Cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 21/5, đã có 92 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và 28 ca nghi nhiễm được báo cáo ở 12 quốc gia, trong đó có Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Canada, Bỉ, Đức, Australia, Mỹ...

Tại Việt Nam, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập; Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.

Theo CDC Hoa Kỳ, bệnh đậu mùa khỉ lần đầu được phát hiện vào năm 1958. Ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Từ đó, các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên người tại các quốc gia Trung và Tây Phi.

Cũng theo tổ chức này, đậu mùa khỉ là bệnh do virus truyền từ động vật sang người. Biểu hiện của bệnh tương tự nhưng nhẹ hơn so với bệnh đậu mùa. Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ và kiệt sức.

Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của 2 bệnh là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên trong khi bệnh đậu mùa thì không.

Thời kỳ ủ bệnh (thời gian từ lúc nhiễm bệnh đến khi có triệu chứng) đối với bệnh đậu mùa khỉ thường là 7-14 ngày nhưng có thể là 5-21 ngày.

Đậu mùa khỉ hiếm khi xảy ra bên ngoài châu Phi, do vậy đợt bùng phát hiện nay ở châu Âu đang gây lo ngại. Tuy nhiên, các nhà khoa học không cho rằng đợt bùng phát có thể tiến triển thành đại dịch như Covid-19.

Phân biệt tình trạng gia tăng các bệnh lý tiêu hóa và bệnh viêm gan ở trẻ
Dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh viêm gan bí ẩn đang khiến thế giới hoang mang là nôn mửa và tiêu chảy.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư