Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 15/11: Xem xét đưa kit xét nghiệm vào diện bình ổn giá
D.Ngân - 15/11/2021 09:29
 
Theo Bộ Tài chính, Bộ đang đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Giá trong đó, nghiên cứu đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế, kit xét nghiệm vào diện bình ổn giá.

Cả nước thêm 8.616 ca mắc Covid-19 mới, 3950 ca cộng đồng

Tính từ 16 giờ ngày 14/11 đến 16 giờ ngày 15/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.616 ca nhiễm mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 8.603 ca ghi nhận trong nước (tăng 440 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 3.950 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (-116), Khánh Hòa (-98), Thái Bình (-42).Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (+247), Tiền Giang (+226), TP Hồ Chí Minh (+180). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 8.341 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.035.138 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.506 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.030.096 ca, trong đó có 861.699 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.  Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.205. Tổng số ca được điều trị khỏi là 864.516. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.950 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 2.718 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 739 ca; thở máy không xâm lấn là 112 ca; thở máy xâm lấn là 368 ca; ECMO là 13 ca.

Từ 17 giờ 30 phút ngày 14/11 đến 17 giờ 30 phút ngày 15/11 ghi nhận 101 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (45), An Giang (10), Bình Dương (9), Long An (7), Tiền Giang (6), Kiên Giang (6), Đồng Nai (3), Tây Ninh (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (2), Cần Thơ (2), Bạc Liêu (2), Ninh Thuận (2), Đắk Lắk (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 84 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.183 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 155.898 xét nghiệm cho 199.650 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 24.186.178 mẫu cho 64.476.029 lượt người. Trong ngày 14/11 có 849.150 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 99.751.224 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 64.467.940 liều, tiêm mũi 2 là 35.283.284 liều.

Hà Nội có tới 289 ca dương tính, 47 ca cộng đồng

Theo CDC Hà Nội, từ 18 giờ ngày 14/11 đến 18 giờ ngày 15/11 Hà Nội ghi nhận 289 ca bệnh trong đó, cộng đồng (47), khu cách ly (178), khu phong tỏa (64).

Phân bố tại 19/30 quận, huyện: Gia Lâm (24), Hai Bà Trưng (17), Hoàng Mai (16), Thanh Xuân (12), Quốc Oai (10), Mê Linh (10), Chương Mỹ (8), Long Biên (8), Cầu Giấy (7), Thanh Oai (6), Bắc Từ Liêm (6), Đống Đa (5), Thường Tín (4), Phú Xuyên (3, Hoài Đức (3), Tây Hồ (3),  Thanh Trì (2), Phúc Thọ (1), Sóc Sơn (1).

Phân bố 289 theo các chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm ca bệnh liên quan ổ dịch Sài Sơn, Quốc Oai (1); chùm liên quan ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm (5); chùm liên quan Kho hàng Shopee KCN Đài Tư (4); chùm liên quan ổ dịch Thủ Lệ, Ngọc Khánh (7); sàng lọc ho sốt (11); chùm liên quan các tỉnh có dịch (8); chùm liên quan các tỉnh có dịch (thứ phát 9); chùm liên quan ổ dịch Yên Nội, Đồng Quang (10); chùm liên quan ổ dịch Chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm(20); chùm liên quan ổ dịch Phú La-Hà Đông (12); chùm liên quan ổ dịch đường Trần Duy Hưng (17); chùm liên quan ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng (5); chùm liên quan ổ dịch Yên Xá, Tân Triều (1); chùm liên quan ổ dịch đường Bưởi, Cống Vị (2); chùm liên quan ổ dịch Trần Quang Diệu – OCD (2); chùm liên quan ổ dịch Phú Đô (1).

Phân bố 47 ca cộng đồng theo theo chùm: Ho sốt thứ phát  (16), sàng lọc ho sốt (9), ổ dịch Yên Nội, Đồng Quang (10), ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm (5), liên quan các tỉnh có dịch (2), liên quan các tỉnh có dịch thứ phát (2), ổ dịch kho hàng Shopee KCN Đài Tư (2), ổ dịch Ninh Hiệp, Gia Lâm (1).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 6.331 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.318 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 4.013 ca.

Quản lý giá test Covid-19

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Giá trong đó, nghiên cứu đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế, kit xét nghiệm vào diện bình ổn giá trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế về danh mục mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế cụ thể đưa vào bình ổn giá.

Theo Bộ Tài chính, Bộ đang đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Giá trong đó, nghiên cứu đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế, kit xét nghiệm vào diện bình ổn giá.

Trước đó, nhiều hiệp hội và doanh nghiệp đã kiến nghị đưa sản phẩm test nhanh Covid-19 vào diện bình ổn giá vì dịch bệnh còn kéo dài. 

Theo Bộ Tài chính, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Theo Khoản 2, Điều 15 Luật Giá năm 2012; Khoản 1 Điều 3, Nghị định số 177/2013/NĐ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá cho thấy, "sản phẩm test nhanh Covid-19" không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá và văn bản hướng dẫn thi hành.

Trước đó, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 16/2021/TT-BYT hướng dẫn giá xét nghiệm SARS-CoV-2, quy định áp dụng trong các trường hợp: Thanh toán chi phí xét nghiệm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người sử dụng dịch vụ xét nghiệm tự chi trả; các trường hợp được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể, Thông tư quy định “xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh” với mức tối đa bao gồm cả sinh phẩm xét nghiệm là 109.700 đồng/xét nghiệm. 

Trong đó, giá dịch vụ test nhanh (gồm chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương) của đơn vị theo mức giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là 16.400 đồng/xét nghiệm.

Nếu chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo kết quả đấu thầu của đơn vị là 50.000 đồng/test thì đơn vị được thu của người xét nghiệm, thanh toán với Quỹ Bảo hiểm y tế (theo tỷ lệ), thanh toán với ngân sách Nhà nước là 66.400 đồng/xét nghiệm (không được thu và thanh toán theo mức tối đa 109.700 đồng/xét nghiệm).

Trường hợp chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo kết quả đấu thầu của đơn vị là 100.000 đồng/test. 

Mặc dù chi phí của xét nghiệm là 116.400 đồng/xét nghiệm nhưng đơn vị chỉ được thu của người bệnh, thanh toán với Quỹ Bảo hiểm y tế (theo tỷ lệ), thanh toán với ngân sách Nhà nước theo mức giá là 109.700 đồng/xét nghiệm; còn 6.700 đồng được quyết toán vào nguồn kinh phí đã giao tự chủ và nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị.

Đối với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR, Thông tư hướng dẫn và quy định cụ thể việc thực hiện mức giá trong trường hợp gộp mẫu theo các phương pháp gộp mẫu hướng dẫn tại Quyết định 1817/QĐ-BYT ngày 7/4/2021.

Bên cạnh việc quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở y tế có trách nhiệm mua sắm vật tư, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, về đấu thầu đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tăng giá dịch vụ xét nghiệm bất hợp lý.

Số lượng F0 tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội tối 14/11, trong 24 giờ qua, thành phố xác định được 119 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, 42 ca cộng đồng, 71 trường hợp ở khu cách ly và 6 người sống tại vùng phong tỏa.

Như vậy, trong ngày 14/11, Hà Nội đã ghi nhận một ổ dịch mới tại Yên Nội, Đồng Quang, Quốc Oai. Đáng chú ý, các trường hợp nhiễm Covid-19 thuộc ổ dịch này gồm một số nhân viên tại quán cà phê trên địa bàn và những người liên quan.

42 trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng được phân bổ tại các quận, huyện gồm: Quốc Oai (22), Nam Từ Liêm (5), Bắc Từ Liêm (4), Hà Đông (3), Ba Đình (2), Cầu Giấy (1), Đống Đa (1); Gia Lâm (1), Hoàn Kiếm (1), Thanh Trì (1), Thanh Xuân (1).

Từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 6.043 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, 2.271 ca cộng đồng và 3.772 trường hợp đã được cách ly.

Theo thống kê tại Cổng Thông tin Tiêm chủng Covid-19, Hà Nội đã tiêm tổng cộng 11.040.124 mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Tỷ lệ người dân trên 18 tại Hà Nội được tiêm một liều vắc-xin là 98,65%, mũi 2 là 79,42%.

Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản đồng ý đề xuất của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) thành phố về phương án giảm khoảng cách giữa 2 mũi vắc-xin AstraZeneca còn tối thiểu 4 tuần.

Đề xuất này dựa trên hướng dẫn của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) trong văn bản gửi các sở y tế về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19. Theo đó, NIHE đề nghị các địa phương tiêm trả mũi 2 sau mũi đầu tiên từ 4 tuần trở lên.

Trước đó, người đã tiêm một mũi vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca ở Hà Nội sẽ phải đợi 8 tuần trở lên để được tiêm mũi 2.

Trước tình trạng số ca nhiễm Covid-19 có chiều hướng gia tăng, các địa phương đã chủ động cập nhật cấp độ dịch để đưa ra biện pháp ứng phó phù hợp.

Sau khi đưa ra các chính sách nới lỏng nhằm hỗ trợ người dân đi lại, ổn định cuộc sống, số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại nhiều địa phương đang có chiều hướng gia tăng. 

Dù công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam được thực hiện khá tốt, sự chênh lệch về mức độ bao phủ giữa các địa phương vẫn đem lại nhiều lo ngại.

Tỉnh An Giang trong một tuần vừa qua cũng ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trung bình khoảng 500-700 trường hợp/ngày. Riêng trong ngày 13/11, toàn tỉnh ghi nhận 695 người dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, huyện Châu Phú chiếm tỷ lệ cao nhất với 194 ca nhiễm mới.

Tại Kiên Giang, bình quân tỉnh này ghi nhận khoảng 400 trường hợp dương tính với Covid-19 trong một tuần qua. Số ca cộng đồng chiếm khoảng hơn 20%.

Trong lần cập nhật gần nhất, tỉnh Kiên Giang được đánh giá ở cấp độ 2 với nguy cơ trung bình. Tuy nhiên, địa phương này đang có 3 huyện, 15 xã ở nguy cơ cao (cấp độ 3) và một xã nguy cơ rất cao (cấp 4).

Tỉnh đã tiêm được tổng cộng 1.894.618 mũi vắc-xin Covid-19 cho người dân trên địa bàn, đạt tỷ lệ mũi một là 97,59% và mũi 2 là 54,18%.

Tại Bạc Liêu, hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19 đã được phát hiện chỉ trong vòng 4 ngày (từ ngày 8 đến 12/11). Riêng trong ngày 13/11, địa phương này ghi nhận 273 trường hợp dương tính với 118 ca cộng đồng.

Thành phố Cần Thơ trong thời gian qua cũng ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao với nhiều ngày lên tới gần 600 trường hợp. Thành phố chủ trương đẩy mạnh công tác tiêm chủng theo số liều được phân bổ, đồng thời tập trung lực lượng truy vết, khoanh vùng và xét nghiệm để phát hiện kịp thời F0 trong cộng đồng.

Cần Thơ đã tiêm được tổng cộng 1.253.996 liều vắc-xin Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Qua đó, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi của thành phố được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin đã đạt 95,7%.

Tỉnh Phú Thọ hiện ở cấp độ 2 về nguy cơ dịch Covid-19 với số ca cộng đồng xấp xỉ 6,71/100.000 dân/tuần và 83,5% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc-xin.

Tuy nhiên, địa phương này hiện có một xã đang ở cấp độ 4 là Thục Luyện (Thanh Sơn) và tới 6 xã cấp độ 3 (Chân Mộng - Đoan Hùng; Thị trấn Thanh Sơn; Sơn Hùng - Thanh Sơn; Văn Luông - Tân Sơn; Ngọc Đồng - Yên Lập và Xuân Lộc - Thanh Thủy).

Trong ngày 13/11, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận thêm 223 ca nhiễm Covid-19. Đồng thời, địa phương này cũng thiết lập vùng cách ly y tế đối với 11 khu vực trên địa bàn do nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bà Rịa - Vũng Tàu, thực trạng số ca mắc mới ngoài cộng đồng có chiều hướng tăng cao thời gian qua đã phản ánh thực tế dịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất phức tạp và xâm nhập sâu bên trong.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiêm được tổng cộng 1.409.934 mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Tỷ lệ tiêm mũi một của tỉnh đã đạt 105,81%, mũi 2 là 52,39%.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngày 14/11, Hải Dương có thêm 45 ca mắc Covid-19, cao nhất kể từ ngày 1/10 trở lại đây.

Riêng ổ dịch tại xã Tân Phong (Ninh Giang), trong ngày có 40 ca mắc, gồm 20 ca là F1 đã được cách ly tập trung và 20 ca trong khu vực phong tỏa. Trong số này có nhiều bệnh nhân đang bị ho sốt, ngứa họng. 

Như vậy, ổ dịch xã Tân Phong đến nay có 79 ca mắc Covid-19, là địa phương có số ca mắc nhiều nhất tỉnh hiện nay.

Tại thị xã Kinh Môn cũng phát sinh 1 ổ dịch mới tại phường Phú Thứ, gồm 3 người trong cùng một gia đình là anh P.V.C. (sinh năm 1993, công nhân Công ty CP Thép Hòa Phát), chị H.N.Đ. (sinh năm 1989) và cháu P.H.T.B. (sinh năm 2019). Ngày 8.11, chị Đ. và cháu B. đi từ tỉnh Đồng Nai về và được cách ly tại nhà.

Liên quan đến ổ dịch xã Cổ Dũng (Kim Thành), trong ngày có 2 ca mắc là anh N.C.H. (sinh năm 1989) và chị N.T.H. (sinh năm 1965). Đây là các F1 đã được cách ly tập trung.

Ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 ngay trong năm 2021
Quốc hội yêu cầu trước ngày 01/01/2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư