Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 17/10: Thống nhất dùng chung dữ liệu tiêm vắc-xin; TP.HCM tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 22/10
D.Ngân - 17/10/2021 09:31
 
Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng thống nhất dùng chung một ứng dụng trong khai báo, nhập dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Thêm 3.175 ca mắc Covid-19

Tính từ 17h ngày 16/10 đến 17h ngày 17/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.175 ca Covid-19 trong nước (giảm 36 ca so với ngày trước đó) tại 48 tỉnh, thành phố (có 1.339 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-78), Bình Thuận (-78), Tiền Giang (-75).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (+269), Bình Dương (+152), Đồng Nai (+120).

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 859.372 ca, trong đó có 789.027 người đã được công bố khỏi Covid-19 (tính từ 27/4).

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (417.724), Bình Dương (225.414), Đồng Nai (58.622), Long An (33.738), Tiền Giang (15.011).

38 ca tử vong tại TP.HCM

Theo Bộ Y tế, trong ngày có 1.340 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong ngày, cả nước ghi nhận 63 ca tử vong tại TP.HCM (38), Bình Dương (13), Đồng Nai (2), Kiên Giang (2), Sóc Trăng (2), Đắk Lắk (2), Quảng Ngãi (1), Bạc Liêu (1), Bình Thuận (1), Đắk Nông (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.194 ca.

Trong ngày 16/10, 1.254.443 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vắc-xin đã được tiêm là 61.919.937 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 44.070.286 liều, tiêm mũi 2 là 17.849.651 liều.

Sáng 17/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, khẳng định vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân trong quá trình thích ứng với dịch bệnh.

Vì thế, Thủ tướng quán triệt tinh thần chung là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.

Các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.

Hà Nội phát hiện thêm 15 ca nhiễm Covid-19 sau 24 giờ

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội tối 17/10, 15 trường hợp vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn Thành phố gồm 9 ca liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 5 người trở về từ vùng có dịch và một nhân viên y tế.

Chín ca nhiễm liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có độ tuổi từ 21 đến 79, là bệnh nhân, người nhà chăm bệnh và nhân viên tại cơ sở y tế này. Họ đều đã được chuyển cách ly trước đó.

Như vậy, sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên từ ngày 30/9, Hà Nội đã ghi nhận 99 trường hợp dương tính với nCoV liên quan bệnh viện này. Trong đó, 44 ca sống trên địa bàn thành phố, 55 trường hợp còn lại là người từ tỉnh khác đến điều trị, chăm bệnh. Ngoài ra, chùm lây nhiễm này cũng xác định 21 trường hợp dương tính với Covid-19 tại Nam Định (12), Hà Tĩnh (6), Hải Dương (2), Hưng Yên (1).

Thành phố cũng ghi nhận 5 trường hợp vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 sau khi trở về từ TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Họ trong độ tuổi 26 - 42, có địa chỉ tại: Trần Phú, Mai Động (Hoàng Mai); Liên Mạc (Mê Linh); Xuy Xá (Mỹ Đức) và Bạch Hạ (Phú Xuyên).

Trường hợp nhiễm Covid-19 cuối cùng trong ngày 15/1 là chị P.K.O., 28 tuổi, trú tại Phúc Đồng, Long Biên. Chị O là nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4.106 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Nhiều ca mắc mới, Phú Thọ khẩn cấp chống dịch

Ngày 17/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Thọ đã họp khẩn triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch sau khi liên tiếp phát hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng.

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Phú Thọ, từ ngày 13/10 đến ngày 17/10, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã phát hiện 53 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại huyện Lâm Thao và TP.Việt Trì; trong đó, riêng trường THCS xã Chu Hóa, TP.Việt Trì có 45 học sinh. Hiện các trường hợp F0 đều được đưa về bệnh viện dã chiến tỉnh theo dõi, điều trị; đồng thời tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 liên quan. 

Tỉnh Phú Thọ đã tiến hành phong tỏa, xét nghiệm toàn bộ hơn 10.600 nhân khẩu thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) và 7.000 nhân khẩu tại xã Chu Hóa (TP.Việt Trì). 

Theo nhận định, các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao hiện chưa rõ nguồn lây, nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng ra cộng đồng rất cao.

Trước tình hình trên, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu yêu cầu UBND tỉnh ra văn bản thích ứng với dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và 2 địa phương là TP.Việt Trì và huyện Lâm Thao; kích hoạt khu cách ly tập trung với công suất 150 giường và khẩn trương triển khai tổ Covid-19 cộng đồng. 

Trước mắt, tỉnh đề nghị Quân khu 2 không tổ chức tiếp nhận công dân ngoại tỉnh về khu cách ly tập trung của tỉnh để chuẩn bị sẵn sàng phương án đưa các trường hợp F1 của tỉnh đi cách ly tập trung; đồng thời huy động lực lượng, phương tiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu cách ly tập trung của tỉnh tại xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao. 

Sở Y tế điều động cán bộ y tế trong toàn ngành tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, điều chuyển vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh để tổ chức chiến dịch tiêm chủng cho huyện Lâm Thao, TP. Việt Trì một cách nhanh nhất. TP. Việt Trì và huyện Lâm Thao căn cứ vào tình hình cụ thể, ra quyết định phong tỏa theo từng khu vực hẹp, bảo đảm an toàn và thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội. 

Tạm thời dừng việc dạy và học, các hoạt động không thiết yếu, hoạt động lễ hội, thể thao tại TP. Việt Trì, huyện Lâm Thao; Không mở các tuyến giao thông liên tỉnh. Rà soát lại tất cả các trường hợp công dân đi từ vùng dịch trở về địa bàn tỉnh. 

Tiến hành rà soát tất cả công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Thụy Vân, các công nhân tại xã Chu Hóa, thị Trấn Hùng Sơn và phường Bạch Hạc; thực hiện công tác phòng, chống dịch theo cấp độ 4 đối với xã Chu Hóa và phường Bạch Hạc (TP.Việt Trì); thị trấn Hùng Sơn và thị trấn Lâm Thao (huyện Lâm Thao).

Hà Nam: Khen thưởng cán bộ y tế hỗ trợ miền Nam chống dịch

Ngày 17/10, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương khen thưởng và chia tay đoàn cán bộ y, bác sĩ quân đội hỗ trợ tỉnh phòng, chống dịch Covid-19.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Nam, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Bộ Quốc phòng cùng y, bác sĩ, kỹ thuật viên, cán bộ, học viên của đoàn cán bộ quân y đã hỗ trợ kịp thời tỉnh Hà Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong thời gian công tác tại Hà Nam, cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, học viên trong đoàn đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt huyết với công việc.

Nhờ có kết quả xét nghiệm sớm, chính xác, Hà Nam đã nhanh chóng đánh giá tình hình dịch bệnh, phân vùng các khu vực nguy cơ cao, thần tốc triển khai các biện pháp khoanh vùng, phân loại F0 để chăm sóc, điều trị hợp lý; truy vết F1 để quản lý và tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 an toàn cho người dân. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã cơ bản được kiểm soát.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hà Nam, từ ngày 24/9, Bộ Quốc phòng đã điều động đoàn cán bộ quân y thuộc Học viện Quân y và Viện Y học dự phòng quân đội, Bệnh viện 354 Tổng cục Hậu cần, Bệnh viện 109 Quân khu 2 cùng 4 xe xét nghiệm lưu động khẩn trương về giúp tỉnh làm công tác xét nghiệm sàng lọc Covid-19.

Sau gần 1 tháng làm nhiệm vụ, đoàn cán bộ quân y đã khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng chức năng làm công tác xét nghiệm, sàng lọc, khẩn trương bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đoàn đã tiến hành làm gần 50 nghìn mẫu xét nghiệm gộp, qua đó góp phần nhanh chóng tầm soát diện rộng, sớm khoanh vùng, khống chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp tích cực của đoàn cán bộ y, bác sĩ Bộ Quốc phòng, nhân dịp tổ chức gặp mặt, UBND tỉnh đã biểu dương và trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho 37 cán bộ quân y có thành tích xuất trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Hà Nam.

Y, bác sĩ Huế tiếp tục chi viện TP.HCM chống dịch

Nhân lực chi viện của Bệnh viện Trung ương Huế sẽ ở lại TP.HCM đến cuối năm 2021 để cùng ngành y tế thành phố phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế đã thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Huế ở TP.HCM với quy mô 500 giường. Mô hình này đã thể hiện rõ sự ưu việt trong tổ chức hệ thống, bộ máy phòng, chống dịch tại TP.HCM.

Với sự hỗ trợ về trang thiết bị, cơ sở vật chất và điều động thêm nhân lực từ cơ sở y tế khác của Bộ Y tế, của UBND TP.HCM và của các nhà tài trợ, tại Trung tâm ICU người bệnh Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận điều trị rất nhiều các bệnh nhân nặng từ tuyến 2 của các bệnh viện của TP.HCM đến điều trị và hồi sức, đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng.

Khi thiết lập Trung tâm ICU tại TP.HCM, Bệnh viện Trung ương Huế đã điều động các chuyên gia hồi sức giỏi, các chuyên gia về phòng, chống nhiễm khuẩn và các bác sĩ có kinh nghiệm điều trị trên nhiều lĩnh vực đi tham gia 3 đợt dịch trước đó vào TP.HCM cùng tham gia phòng, chống dịch nên hiệu quả điều trị rất cao.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế và theo đề nghị của TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM, nhân lực của Bệnh viện Trung ương Huế sẽ ở lại TP.HCM đến cuối năm 2021 để cùng ngành y tế thành phố phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19.

GS.TS.Phạm Như Hiệp cho biết, để phục vụ công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn mới, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện phương án giữ lại những nhân lực chủ chốt, đồng thời chuyển đổi nhân lực đã làm việc tại Trung tâm thời gian qua bằng nhân lực từ Bệnh viện Trung ương Huế vào để bảo đảm sức chiến đấu cũng như năng lượng làm việc năng động của nhân lực y tế (đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ).

Trung tâm đã được sự hỗ trợ rất nhiều về trang thiết bị hiện đại từ Bộ Y tế như máy lọc máu liên tục, máy thở, máy ECMO… Trung tâm đã sử dụng các trang thiết bị này vào điều trị bệnh nhân từ rất sớm, giúp mang lại hiệu quả trong điều trị, cứu sống bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Huế đã tăng cường phối hợp các bệnh viện tuyến quận, huyện và tuyến thành phố của TP.HCM để bảo đảm công tác phối hợp điều trị cũng như chuyển tuyến các bệnh nhân nặng lên Trung tâm ICU Bệnh viện Trung ương Huế.

Chấm dứt tình trạng “loạn” dữ liệu

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng trên toàn quốc vì vậy dữ liệu tiêm chủng rất quan trọng. 

Các cơ sở thực hiện tiêm chủng vắc-xin trong thời gian từ ngày 20/10 trở đi phải sử dụng nền tảng tiêm chủng.

Đặc biệt, dữ liệu tiêm chủng rất cần tính chính xác thông tin của người dân, do đó Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất sử dụng cơ sở quốc gia về dữ liệu dân cư là cơ sở dữ liệu gốc để đối soát, xác minh thông tin chính xác của người dân. 

Với những dữ liệu đã triển khai trong thời gian trước đây, khi chưa có điều kiện đối soát, chính quyền địa phương phổ biến cho người dân phải phản ánh thông tin sai, thông tin chưa chính xác hoặc chưa đầy đủ trên Cổng tiêm chủng quốc gia trước ngày 25/10. Nếu sau ngày 25/10 vẫn xảy ra còn sai sót thì người dân phản ánh trực tiếp tại cơ sở tiêm chủng.

Việc chuẩn hoá lại dữ liệu đã tiêm chủng trước đây phải xong trước ngày 11/11/2021. Đây là sẽ hoạt động liên thông chia sẻ dữ liệu. Ban Chỉ đạo Quốc gia đã chỉ đạo chỉ có 1 ứng dụng (app) phục vụ chống dịch là Pc-Covid. 

Đối với tất cả các trường hợp tiêm vắc-xin mới cần xác minh thông tin về thân nhân, danh tính của người tiêm ngay từ đầu để đảm bảo thông tin được chính xác. 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm cả 3 Bộ đã thống nhất các cơ sở thực hiện tiêm chủng vắc-xin trong thời gian từ ngày 20/10 trở đi phải sử dụng nền tảng tiêm chủng.

Theo đó, các điểm tiêm lập kế hoạch tiêm dựa trên nền tảng; tiêm theo thông tin của người tiêm đã có trên nền tảng và in 100% chứng nhận tiêm chủng từ nền tảng này. Có như thế dữ liệu tiêm chủng mới mang tính chính xác. 

"Do đó, chúng tôi đề nghị người dân trước khi đi tiêm chủng hãy cài đặt nền tảng Sổ Sức khoẻ điện tử", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói. 

Tuy nhiên, song song với ứng dụng này có những ứng dụng khác mang tính lâu dài, có hay không có dịch bệnh vẫn triển khai, đó là nền tảng ứng dụng Sổ Sức khoẻ điện tử do Bộ Y tế chủ trì thay cho sổ y bạ giấy. 

Còn sau đó, ứng dụng sẽ sử dụng lâu dài là VNEID của Bộ Công an để xác thực thông tin, danh tính của người dân, đồng thời phục yêu cầu quản lý nhà nước khác của Bộ Công an.

Theo dự kiến từ ngày 20/10, cả 3 nền tảng này sẽ liên thông phục vụ công tác phòng chống dịch cũng như cuộc sống của người dân.

 "Trong giai đoạn phòng chống dịch hiện nay, cả 3 bộ đã thống nhất sử dụng mã QR Code trên thẻ căn cước công dân để định danh công dân, còn đối với những mã QR-Code sinh ra từ ứng dụng thì thống nhất áp dụng định dạng chuẩn do Bộ Thông tin truyền thông ban hành để đảm bảo chia sẻ thông tin, dữ liệu với nhau", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói. 

TP.HCM dự kiến tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 22/10

Theo nội dung đề xuất, Sở Y tế TP.HCM dự kiến tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả trẻ em trong độ tuổi này đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn, là học sinh đang đi học từ lớp 6 đến 12, số lượng khoảng 780.000.

Theo đó, trẻ em trên toàn thành phố sẽ được tiêm mũi một trong 5 ngày, tiêm mũi 2 trong 15 ngày từ sau khi đủ thời gian tiêm mũi một theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thành phố đề xuất tổ chức tiêm chủng tại các cơ sở cố định và điểm tiêm lưu động, trường học trên địa bàn 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, với loại vắc-xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này. Vắc-xin được sử dụng hai liều cơ bản và tiêm cùng loại vắc-xin.

Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký phiếu nếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ. Trẻ sau tiêm được cấp giấy xác nhận đã tiêm và tư vấn các thông tin theo dõi sức khỏe.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.Thủ Đức và các quận, huyện triển khai, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, ngành Y tế và chịu trách nhiệm về việc đảm bảo độ bao phủ vắc-xin cho trẻ.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết đang đề xuất các quận huyện và TP.Thủ Đức lập danh sách các học sinh trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi, trước mắt các địa phương lập danh sách học sinh lớp 11-12 (từ 16-17 tuổi) đảm bảo đủ điều kiện triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ngay khi có thể.

Ngoài danh sách các học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục, Sở còn đề nghị các địa phương rà soát bổ sung danh sách trẻ em từ 12-18 tuổi trên địa bàn bao gồm học sinh phổ cập học sinh ngoài nhà trường.

Liên quan tới công tác tiêm chủng vắc-xin hiện tại TP.HCM Sở Y tế đề nghị UBND TP.Thủ Đức và quận, huyện khẩn trương rà soát lại danh sách người trên 18 tuổi đang cư trú trên địa bàn, thống kê báo cáo số người đã tiêm mũi 1, số người đã tiêm mũi 2, số người chưa tiêm mũi 2, trong đó có bao nhiêu người đã đến hạn nhưng chưa được tiêm với các lý do đã nhiễm Covid-19, không còn ở nơi cư trú, đã tiêm nơi khác...

Ngoài ra, Sở Y tế đề nghị UBND TP.Thủ Đức và quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm và áp dụng nhiều hình thức thông tin, mời gọi người dân trên địa bàn đến tiêm mũi 1 và mũi 2 (những người đã đủ thời gian theo quy định).

Về công tác điều trị F0, theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ đóng cửa Bệnh viện Dã chiến số 1 tại ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước việc số ca mắc Covid-19 mới đang giảm dần, TP.HCM lên kế hoạch từ giữa tháng 10 đến tháng 12/2021 đóng cửa các bệnh viện dã chiến.

Theo lộ trình, TP.HCM sẽ ưu tiên đóng cửa dần các bệnh viện dã chiến đang được sử dụng tại các ký túc xá, trường học để sinh viên có thể đi học trở lại.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cũng cho biết chỉ giữ lại các bệnh viện dã chiến như Bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 là các bệnh viện dã chiến rất lớn của TP.HCM. 

Các bệnh viện này không ảnh hưởng, không sử dụng trường học và ký túc xá cho nên sẽ tiếp tục lưu giữ lại trong thời gian dài để sẵn sàng ứng phó khi có F0 mới xuất hiện.

Tin mới về dịch Covid-19 ngày 15/10: Vắc-xin nào phù hợp để tiêm cho trẻ em; nỗi lo về hội chứng “Covid kéo dài”
Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận vắc-xin Pfizer phù hợp để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư