Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 29/11: Việt Nam chưa phát hiện biến chủng Omicron; Bắc Ninh liên tiếp phát hiện nhiều ca mắc mới
D. Ngân - 29/11/2021 09:27
 
Bộ Y tế đề nghị viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur chủ động giải trình tự gene trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron, đặc biệt người về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Bến Tre, Tiền Giang, Hải phòng giảm nhiều số ca mắc Covid-19

Tính từ 16h ngày 28/11 đến 16h ngày 29/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.770 ca nhiễm mới, trong đó, 12 ca nhập cảnh và 13.758 ca ghi nhận trong nước (giảm 28 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (7.601 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (-157), Tiền Giang (-105), Hải Phòng (-92).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: An Giang (+160), Hà Nội (+152), Bà Rịa- Vũng Tàu (+117).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 12.596 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.224.110 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.419 ca nhiễm).

Tính từ 27/4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.218.886 , trong đó, 971.907 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (468.961), Bình Dương (281.605), Đồng Nai (86.732), Long An (38.161), Tiền Giang (27.901).

Hơn 16.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Trong ngày 29/11, Bộ Y tế công bố 16.088 F0 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi lên 974.724 người.

Cùng ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các sở y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 173 ca tử vong tại TP.HCM (62 - trong đó có 11 trường hợp từ các địa phương khác chuyển đến), Bình Dương (22), Đồng Nai (12), An Giang (10), Tiền Giang (10), Cần Thơ (10), Tây Ninh (8), Vĩnh Long (7), Kiên Giang (7), Đồng Tháp (6), Long An (5), Cà Mau (3), Trà Vinh (2), Sóc Trăng (2), Bình Thuận (2), Khánh Hòa (1), Đắk Nông (1), Bến Tre (1), Hậu Giang (1), Bạc Liêu (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 158 người. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.055 người, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca mắc.

Điều tra nguyên nhân vụ 4 người tử vong sau tiêm vắc-xin

Trong ngày 28/11, 1.231.057 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số đã được tiêm là 120.644.108 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 70.958.765 liều, tiêm mũi 2 là 49.685.343 liều.

Liên quan tới sự cố tiêm chủng, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính liên quan sự cố tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại Công ty TNHH Giày Kim Việt ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) ngày 23/11 khiến 4 người tử vong.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan và UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc, xác định nguyên nhân sự cố sau tiêm vắc-xin. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các đơn vị liên quan phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/11.

Gần 1 triệu liều vắc-xin Covid-19 do Pháp viện trợ đã đến Việt Nam

Việt Nam đã nhận được 969.930 liều vắc-xin Pfizer phòng Covid-19 do Chính phủ Pháp viện trợ thông qua Cơ chế COVAX vào ngày 27/11.

Một đợt viện trợ song phương bổ sung 400.000 liều vắc-xin của Chính phủ Pháp dự kiến ​​sẽ được chuyển giao trong những ngày tới.

Việc viện trợ vắc-xin này đã được Thủ tướng Pháp Jean Castex công bố trong chuyến thăm Pháp chính thức của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính từ ngày 3 đến ngày 5/11.

Đại sứ Pháp Nicolas Warnery cho biết, chia sẻ vắc-xin Covid-19 là một trong những ưu tiên hàng đầu của Pháp. Do vậy từ tháng 4/2020, Pháp là quốc gia đầu tiên chia sẻ vắc-xin thông qua cơ chế COVAX và kể từ đó đã cam kết viện trợ 120 triệu liều vào giữa năm 2022.

Việc tặng Việt Nam gần 1,4 triệu liều lần này cùng với 672.000 liều viện trợ cho Việt Nam vào tháng 9 nằm trong cam kết hỗ trợ này. Những hỗ trợ này phù hợp với sự hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực y tế.

Đại sứ Nicolas Warnery cũng nói thêm rằng, Pháp đang thể hiện tình đoàn kết của mình với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin trên toàn cầu.

Pháp đang cung cấp cho các đối tác của mình tất cả các loại vắc-xin đã được sử dụng để tiêm chủng cho người dân Pháp như Astra Zeneca, Pfizer, Janssen và sắp tới là Moderna. Phần lớn viện trợ của Pháp được chuyển qua Cơ chế COVAX, để đảm bảo phân bổ toàn cầu hiệu quả và công bằng.

Với việc chuyển giao vắc-xin do Chính phủ Pháp viện trợ, Việt Nam đã nhận được 31.145.260  liều vắc-xin phòng Covid-19 thông qua Cơ chế COVAX.

Đến nay, hơn 120.644.108 liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm chủng tại Việt Nam, trong số đó có hơn 49.685.343 triệu liều thứ hai.

Việc bổ sung vắc-xin này sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng diện bao phủ và tiếp cận nhiều đối tượng thuộc các nhóm ưu tiên, bao gồm cả người cao tuổi và những người có bệnh lý nền, góp phần hoàn thành mục tiêu tiêm chủng trên 70% dân số của cả nước vào cuối quý một năm 2022.

Hà Nội tìm người tới Nhà hàng Doncook

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thông báo tìm người đã đến Nhà hàng Doncook tại số 130 phố Trung Hoà, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy và Trụ sở Công ty IFC tại số 9 Lô 1G - Khu đô thị Trung Yên, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, trong thời gian từ ngày 13/11/2021 đến ngày 27/11/2021 (tại đây đã ghi nhận 4 nhân viên mắc Covid-19).

Những người đã đến các địa điểm trên, trong thời gian như thông báo chủ động tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế/Trung tâm Y tế nơi cư trú, để được hỗ trợ hoặc gọi đến các số điện thoại: 0243.833.2846 (TYT phường Yên Hoà, Cầu Giấy), 0243.5566.535 (TYT phường Trung Hoà, Cầu Giấy), 0243.993.6118 (TTYT quận Cầu Giấy), hoặc CDC Hà Nội: 0241022 (nhánh 2)/ 0969.082.115/0949.396.115, để được tư vấn và hướng dẫn.

Tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.

Theo CDC Hà Nội, số ca mắc mới từ 18h ngày 28/11 đến 18h ngày 29/11 Hà Nội ghi nhận 390 ca bệnh trong đó: cộng đồng (220), khu cách ly (109), khu phong tỏa (61).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 10.059 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 3.963 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.096 ca.

An Giang dịch hạ nhiệt xuống cấp độ 2

Sở Y tế An Giang vừa ký Thông báo 4166/TB-SYT cập nhật cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Theo đó, căn cứ kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19 của các địa phương, cấp độ dịch của tỉnh An Giang đã hạ xuống cấp 2 - nguy cơ trung bình (màu vàng). Cụ thể:

Đối với cấp huyện: Cấp độ 1- nguy cơ thấp (bình thường mới), tương ứng với màu xanh, 4 đơn vị: TP. Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Phú Tân. Cấp độ 2, tương ứng với màu vàng 3 đơn vị: TX. Tân Châu, huyện Chợ Mới, Tri Tôn. Cấp độ 3 - nguy cơ cao, tương ứng với màu cam, 2 đơn vị: huyện An Phú, Châu Thành và Cấp độ 4 - cấp nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ,  2 đơn vị: TP. Châu Đốc, huyện Tịnh Biên.

Bác sỹ Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết thêm, mặc dù dịch bệnh COVID-19 cơ bản kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ. Mọi người cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên tinh thần đề cao các biện pháp bảo vệ cá nhân. Đồng thời, tỉnh cũng đã có sự chuyển biến linh hoạt trong tư duy phòng, chống dịch phù hợp tình hình mới.

Theo Sở Y tế An Giang: Cùng với khẩn trương hoàn thành mục tiêu bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, để sớm đưa tình hình dịch bệnh ổn định trở lại trong thời gian tới, các địa phương thực hiện linh hoạt biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới. Trong đó, sẽ thực hiện việc phong tỏa khu vực có dịch theo hướng hẹp nhất và kiểm soát chặt chẽ nhất, chứ không khoanh rộng như trước đây. Trên tinh thần thích nghi linh hoạt với dịch bệnh, Sở Y tế đã có Công văn 4000/SYT-NVY cập nhật hướng dẫn quản lý, theo dõi, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện. Đồng thời, cho F1 cách ly tại nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly tập trung.

Ngành y tế khuyến cáo: Để thích nghi với giai đoạn “Chung sống an toàn” với dịch, người dân phải luôn đề cao tinh thần bảo vệ cá nhân bằng việc đảm bảo tốt thông điệp “5K” để hạn chế nguy cơ cho người thân và góp phần cùng với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, phải tham gia tiêm vaccine đầy đủ theo thông báo của địa phương nhằm sớm tạo được miễn dịch cộng đồng, từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới như trước đây.

Trong ngày 28/11/2021, An giang phát hiện 375 trường hợp mắc COVID-19. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 từ ngày 15/4 đến nay: 22.989 trường hợp (có 19 trường hợp tái dương tính). 

Vĩnh Long gần 10.000 ca mắc, nâng phòng chống dịch lên cấp độ 3 từ 30/11

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có quyết định nâng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh từ cấp 2 (nguy cơ trung bình) lên cấp độ 3 (nguy cơ cao), áp dụng từ 0h00 ngày 30/11/2021.

UBND tỉnh Vĩnh Long giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương công bố cấp độ dịch cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.

Theo sở Y tế Vĩnh Long, hôm qua, tỉnh này ghi nhận có 545 ca mắc, nâng tổng số lên 9.764 ca nhiễm đã công bố (14 ca nhập cảnh; 9.750 ca cộng đồng, điều trị khỏi 652 ca và 83 ca tử vong).

Vinh Long cũng đang khẩn trương phủ vắc-xin trong cộng đồng: Số tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên: mũi 1: 758.419, mũi 2: 626.594. Từ 12 - 17 tuổi: mũi 1: 89.056, mũi 2: 43.644.

Thái Bình: 455 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thái Bình, trong ngày 28/11, tỉnh Thái Bình có thêm 63 ca mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, đủ điều kiện xuất viện, nâng tổng số ca F0 được điều trị khỏi tại Thái Bình trong tuần qua lên 455 trường hợp.

Trong số 63 bệnh nhân được xuất viện, có 14 bệnh nhân là trẻ em, Bệnh viện Dã chiến số 1 (Bệnh viện Phổi) có 21 bệnh nhân được trị khỏi. Tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (ký túc xá Trường Đại học Thái Bình) có 38 bệnh nhân và tại Bệnh viện Nhi có 4 bệnh nhân.

Căn cứ theo tình hình dịch bệnh, Thái Bình đã kích hoạt các bệnh viện dã chiến, phân tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng. Trong đó, tầng 1 điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng; tầng 2 điều trị bệnh nhân vừa, trung bình và tầng 3 điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Để thực hiện hiệu quả công tác điều trị, Sở Y tế Thái Bình đã huy động nhân lực, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện để chi viện, hỗ trợ cho các cơ sở đang thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Nhân lực được huy động tại các Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, thành phố là những người đã được tập huấn về hồi sức tích cực, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tính từ ngày 10/11 đến 28/11, địa phương này ghi nhận 1.097 ca mắc COVID-19. Các ca mắc COVID-19 mới đều đã và đang xác định nguồn lây, quản lý, cách ly theo quy định.

Hiện Thái Bình đã thực hiện 1.567.307 mũi tiêm, trong đó 1.532.648 mũi tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên; có 478.052 người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine (đạt tỉ lệ 36,77%); có 1.054.596 người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (đạt tỉ lệ 81,12%); tổng số mũi tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 34.659 mũi. Số người đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin Abdala là 920 người.

Việt Nam chưa ghi nhận F0 nhiễm biến chủng Omicron

Đại diện Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam, đến nay qua giám sát dịch tễ của SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron.

Bộ Y tế đề nghị viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur chủ động giải trình tự gene trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron, đặc biệt người về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Tuy nhiên, để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của Omicron vào nước ta từ những quốc gia đã ghi nhận, lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gene những trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những người có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ quốc gia bao gồm: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ những quốc gia trên.

Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới và các cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về những biến chủng của SARS-CoV-2 để đưa ra biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Việt Nam tiếp nhận thêm khoảng 1,4 triệu liều vắc-xin Pfizer do Pháp hỗ trợ

Trong các ngày 27-28/11, Việt Nam đã tiếp nhận thêm khoảng 1,4 triệu liều vắc-xin phòng Covid- 19 Pfizer do Cộng hòa Pháp hỗ trợ, trong đó có 400.000 liều qua kênh song phương và gần 1 triệu liều qua cơ chế COVAX, nâng tổng số liều vắc-xin Pháp hỗ trợ cho Việt Nam đến nay lên hơn 2 triệu liều. 

Đây là kết quả của những nỗ lực "Ngoại giao vắc-xin" và đặc biệt là thành quả chuyến thăm chính thức Pháp đầu tháng 11 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ Ngoại giao, sự hỗ trợ và giúp đỡ mà Chính phủ và nhân dân Pháp dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp có ý nghĩa quan trọng. 

Đây cũng là minh chứng sống động cho mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước và khẳng định tinh thần hợp tác, hỗ trợ nhau trong phòng chống dịch bệnh.

Việt Nam mong muốn Pháp tiếp tục hỗ trợ vắc-xin cho Việt Nam, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vắc-xin và thuốc điều trị, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống Covid-19; phối hợp cùng đưa ra các biện pháp, hướng hợp tác sáng tạo, giúp sớm thích nghi với bối cảnh hậu Covid-19, dần đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại hoạt động bình thường.

Bắc Ninh tạm dừng nhiều dịch vụ vì liên tiếp phát hiện nhiều ca mắc mới

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 154 ca mắc Covid-19 mới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở nhiều huyện, thành phố, nhất là số ca mắc trong cộng đồng chưa giảm, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại các cơ sở thu dung trên địa bàn, người thực hiện cách ly tuyệt đối không ra khỏi khu vực cách ly trong suốt thời gian cách ly; được bố trí suất ăn riêng. 

Để phòng dịch tỉnh này yêu cầu người dân luôn thực hiện Thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. 

Cài đặt, bật Bluetooth hàng ngày trên ứng dụng PC-Covid, Sổ sức khỏe điện tử trong suốt thời gian cách ly. Tự đo thân nhiệt và tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. 

Thông báo hàng ngày cho nhân viên y tế tại cơ sở cách ly về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân. 

Khi có biểu hiện ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ y tế. Người thực hiện cách ly phải tự thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn hàng ngày.

Cơ sở thu dung người nhiễm Covid-19 có nhiệm vụ hướng dẫn bệnh nhân theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào phiếu theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu. Nhân viên của cơ sở thu dung có nhiệm vụ đến phòng người nhiễm Covid-19 để hỗ trợ trực tiếp trong các trường hợp cần thiết.

Tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu nghiêm túc dừng hoạt động đối với các dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, phòng tập thể hình, yoga, spa cho đến khi có thông báo mới. 

Tạm dừng hoạt động tổ chức tiệc cưới (mời khách) cho đến khi có thông báo mới. Tạm dừng hoạt động đối với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ tất cả thời gian trong ngày (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người đến hết ngày 30/11.

Chuyên gia y tế lo ngại về các biến chủng của SARS-Cov-2
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã nêu lên lo ngại về các biến thể của SARS-Cov-2.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư