-
Hà Nội kiểm nghiệm 2.400 mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm năm 2025 -
Nhiều bệnh viện công lập vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế -
Viêm phổi và cúm mùa lây lan nhanh -
Trao giải Báo chí toàn quốc về sức khỏe Nhân dân lần thứ II -
Quyền lợi bảo hiểm y tế theo phân cấp chuyên môn của 48 bệnh viện -
Phòng ngừa ngộ độc rượu cuối năm
Thêm 8.744 ca mắc Covid-19, số bệnh nhân khỏi bệnh tăng kỷ lục 23.568 ca
Tính đến 17h ngày 29/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 đã ghi nhận 8.758 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 8.744 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.161 ca so với ngày trước đó) tại 33 tỉnh, thành phố (có 4.984 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP.HCM (4.699), Bình Dương (2.389), Đồng Nai (899), Long An (132), Sóc Trăng (112), Kiên Giang (82), Tiền Giang (68), An Giang (63), Cần Thơ (42), Hà Nam (36), Khánh Hòa (32), Bình Thuận (29), Tây Ninh (23), Bạc Liêu (22), Quảng Trị (16), Đắk Lắk (15), Ninh Thuận (14), Quảng Bình (13), Cà Mau (12), Bình Định (11), Vĩnh Long (7), Gia Lai (5), Hà Nội (4), Đắk Nông (3), Bến Tre (3), Trà Vinh (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Phú Yên (2), Quảng Ngãi (2), Phú Thọ (1), Đồng Tháp (1), Đà Nẵng (1), Hải Dương (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-186), An Giang (-169), Tây Ninh (-32).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (4.322), Đồng Nai (112), Sóc Trăng (112).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 8.622 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 779.398 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.919 ca nhiễm).
Tính từ 27/4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 774.854 người. Trong đó, 578.330 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.
13/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn.
Bảy tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (384.287), Bình Dương (208.953), Đồng Nai (47.969), Long An (32.343), Tiền Giang (13.951).
Về tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19: Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 23.568; Tổng số ca được điều trị khỏi: 583.509; Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.988 ca.
Trong ngày ghi nhận 162 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (113), Bình Dương (33), Đồng Nai (3), An Giang (3), Kiên Giang (2), Long An (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (1), Cà Mau (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Tiền Giang (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 188 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.098 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
Thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 giai đoạn 2 và 3a
338 tình nguyện viên ở huyện Yên Phong tiêm xong mũi 1 vắc-xin ARCT- 154 phòng Covid-19.
Ngày 29/9, đoàn công tác của Bộ Y tế cùng các chuyên gia đang thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT- 154 phòng Covid-19 đã làm việc với huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh - địa phương đang thực hiện thử nghiệm lâm sàng vắc-xin này.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trường Đại học Y Hà Nội, giai đoạn 2 và 3a, vắc-xin này được thử nghiệm lâm sàng tại Hà Nội; Bắc Ninh và Long An với khoảng 1.000 tình nguyện viên.
Tại Bắc Ninh, việc thử nghiệm lâm sàng được triển khai tại huyện Yên Phong ở các xã Tam Giang, Yên Phụ, Hoà Tiến, Đông Thọ và Thị trấn Chờ.
Từ ngày 20 - 23/9, nhóm nghiên cứu bắt đầu tiến hành thu tuyển tình nguyện viên; từ ngày 24 - 26/9 tổ chức khám sàng lọc. Qua khám sàng lọc hơn 500 tình nguyện viên tuổi từ 18-65, nhóm nghiên cứu đã thu tuyển được 338 người.
Ngày 27/9 - 29/9 tiêm mũi 1 vắc-xin ARCT- 154 cho 338 tình nguyện viên, riêng trong ngày 29/9 sẽ tiêm xong mũi 1 cho 82 người còn lại.
PGS.TS.Phạm Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Dược lý Lâm sàng, nghiên cứu viên của nhóm nghiên cứu trường Đại học Y Hà Nội cho biết, báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 về tính an toàn của vắc-xin ARCT-154 đã được Hội đồng Đạo đức Y sinh học Bộ Y tế nghiệm thu ngày 20/9/2021. Các kết quả bước đầu cho thấy vắc-xin ARCT-154 an toàn trên người tình nguyện khoẻ mạnh.
Sau khi có kết quả của giai đoạn 3, Bộ Y tế sẽ có những kết quả cuối cùng về hiệu lực bảo vệ của vắc-xin này.
TS.Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế, vắc-xin ARCT- 154 theo công nghệ mRNA được phát triển trên cơ sở vắc-xin ARCT- 021 (đã có các kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, 2 và 3 ở Mỹ và Singapore) chính vì thế Hội đồng đạo đức đã cho phép để đảm bảo tiến độ và thời gian và đặc biệt có được vắc-xin theo công nghệ trên nhằm phục vụ cho công cuộc phòng chống dịch ở Việt Nam, nghiên cứu này được triển khai gối đầu giai đoạn 2 và 3a.
Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Pasteur TP.HCM đang tiến hành triển khai giai đoạn 2 và 3a. Hiện việc tiêm mũi 1 hiện đã hoàn thành tại Bắc Ninh và Vĩnh Long.
Được biết theo đề cương của nghiên cứu, dự kiến việc tiêm mũi 2 vắc-xin này với người tình nguyện của gian đoạn 2 và 3a tại Yên Phong sẽ diễn ra khoảng ngày 25 - 27/10/2021.
Tại phía Nam, cũng khoảng thời gian này sẽ diễn ra việc tiêm thử nghiệm mũi 2 cho người tình nguyện.
Vắc-xin ARCT-154 được phát triển theo công nghệ mRNA tương tự vắc-xin Pfizer và Moderna. Nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy điểm vượt trội của vắc-xin này là tác động tốt trên các biến chủng của SARS-CoV-2 đặc biệt trên biến chủng Delta.
Dự kiến giai đoạn 3a sẽ kết thúc vào ngày 24/11/2021, nhóm nghiêm cứu sẽ đánh giá và báo cáo kết quả thử nghiệm vào ngày 30/12/2021. Nếu kết quả tốt nhóm nghiên cứu sẽ xin cấp phép khẩn cấp đối với vắc-xin ARCT-154.
Hà Nội thích ứng an toàn với Covid-19
Chiều ngày 29/9, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết trên địa bàn không ghi nhận ca mắc mới.
Trước đó, từ 6h đến 12h ngày 29/9, trên địa bàn Thành phố ghi nhận thêm 1 ca dương tính mới với virus SARS-Cov-2 tại khu phong tỏa. Ca bệnh mới này ở quận Long Biên, liên quan đến chùm ca bệnh tại tổ 4 phường Việt Hưng.
Như vậy, trong ngày 29/9, Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc, gồm 1 ca tại khu cách ly và 1 ca tại khu phong tỏa.
Cộng dồn từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 3.973 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.372 ca.
Về công tác tiêm chủng, chỉ tính riêng các quận, huyện của thành phố Hà Nội đến 12h ngày 19/9 đã tiêm được 27.311 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Tổng số mũi tiêm của các quận, huyện trên địa bàn Thành phố ghi nhận đến thời điểm này là 5.883.912 mũi, trong đó có 5.048.013 mũi 1 và 835.899 mũi 2.
Về chủ trương phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố trong thời gian tới, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thường trực Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.
Các cấp, các ngành phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp.
Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp chủ động có phương án thích ứng với dịch bệnh, chuyển đổi số, tổ chức lại sản xuất kinh doanh bảo đảm vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiến hành từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế.
Song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, có ba biện pháp trọng tâm mà Hà Nội sẽ tập trung thực hiện.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, người dân phải thực hiện “5K”, tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR, đưa việc này trở thành thói quen, nếp sống hằng ngày.
Lãnh đạo Thành phố hy vọng, cùng với người dân, các doanh nghiệp sẽ thật sự là chủ thể, là trung tâm trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; có phương án sản xuất an toàn; an toàn để sản xuất, sản xuất phải bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở, nâng cao khả năng dự báo và đáp ứng phòng chống dịch của hệ thống y tế dự phòng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện; trọng tâm là chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm ở mức cao hơn trên nguyên tắc là không để F0 phải điều trị tại nhà.
Ngoài ra, Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc-xin để trong tháng 10/2021 cơ bản tiêm mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1; chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi khi có vắc-xin và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Kiên Giang áp dụng Chỉ thị số 19 từ ngày 30/9
Từ 0 giờ ngày 30/9, tỉnh Kiên Giang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh, và vẫn duy trì áp dụng Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ tại một số địa bàn ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn).
Cùng thời gian trên, áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg tại xã Bình Giang, thị trấn Hòn Đất và thị trấn Sóc Sơn của huyện Hòn Đất.
Và áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg tại phường An Thới của TP.Phú Quốc; phường Mỹ Đức của TP.Hà Tiên; khu phố Minh An, thị trấn Minh Lương của huyện Châu Thành; khu phố Võ Thị Sáu, khu phố Nguyễn Trãi, thuộc phường Vĩnh Thanh; khu phố Nam Cao thuộc phường Vĩnh Quang của TP.Rạch Giá; các ấp Hòn Chông, Bãi Giếng, Ba Trại, Hòn Trẹm thuộc xã Bình An và thị trấn Kiên Lương của huyện Kiên Lương.
Tỉnh Kiên Giang vẫn duy trì các chốt kiểm soát liên tỉnh, liên huyện, thành phố để kiểm soát người và phương tiện. Người dân chỉ được đi lại trong phạm vi huyện, thành phố nơi cư trú. Các chốt trong phạm vi huyện, thành phố giải thể, trừ các chốt tại những “vùng đỏ" đang áp dụng theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Đến 19 giờ ngày 28/9, tỉnh Kiên Giang ghi nhận 5.567 ca mắc Covid-19.
Bổ sung kinh phí mua thêm 20 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1639/QĐ-TTg ngày 29/9/2021 về bổ sung kinh phí mua và tiếp nhận 20 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.
Quyết định nêu rõ, bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và tiếp nhận 20 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.
Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí nêu trên thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc sử dụng số kinh phí nêu trên theo quy định.
Bạc Liêu phấn đấu về bình thường mới từ 10/10/2021
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Bạc Liêu, dịch bệnh trên địa bàn Tỉnh hiện cơ bản được kiểm soát. Trong tổng số 64 đơn vị cấp xã trên toàn Tỉnh, có 1/64 phường, xã ở mức nguy cơ cao; 3/64 phường, xã ở mức nguy cơ và 60/64 phường, xã, thị trấn còn lại ở mức bình thường mới. Trong 7 đơn vị cấp huyện, có 2 đơn vị ở mức nguy cơ và 5 đơn vị còn lại ở mức bình thường mới.
Ngành chức năng Bạc Liêu cho rằng, với việc ưu tiên tập trung các khu vực có nguy cơ cao, tổ chức quyết liệt đồng bộ để bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất có thể, với phương châm “Kiên quyết, quyết liệt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn”, đã từng bước kiểm soát được tình hình, song yếu tố nguy cơ vẫn còn khá cao, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ. Điển hình là các ổ dịch liên quan Công ty Tài chính F88 và Mỹ phẩm Đông Anh tại TP. Bạc Liêu, Trung tâm Y tế huyện Hòa Bình...
Bạc Liêu hiện đang đối diện nguy cơ từ bên ngoài: lượng người về từ các tỉnh, thành phố những ngày gần đây tăng khá mạnh, do TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội; các địa bàn giáp ranh với Bạc Liêu tình hình vẫn còn căng thẳng, việc áp dụng “luồng xanh” cho các xe tải chở hàng còn một số bất cập, đã có một số trường hợp lợi dụng cơ chế này để thông qua chốt và chở người trái phép từ vùng dịch vào Tỉnh.
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bạc Liêu sẽ tiếp tục tổ chức các chốt chặn kiểm soát phòng chống dịch, nhất là ở “vòng ngoài” của Tỉnh; quản lý chặt người về từ vùng có dịch. Tiếp tục thực hiện test nhanh cho tất cả các tài xế xe “luồng xanh” khi vào địa bàn Tỉnh. Tổ chức truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch; phong tỏa chặt chẽ các địa điểm có F0 để tầm soát khẩn trương. Tất cả các trường hợp trong khu vực phong tỏa đều được kiểm tra, giám sát, chăm sóc y tế như nhau, không có ngoại lệ.
Tiếp tục vận động mọi người dân tham gia phòng chống dịch, phát hiện báo cáo với chính quyền địa phương những người mới đến, về từ vùng dịch và thực hiện nghiêm thông điệp “5K”. Khẩn trương triển khai việc tiêm phòng COVID-19 trên địa bàn Tỉnh với quyết tâm đưa tỉnh trở về trạng thái bình thường mới vào ngày 10/10/2021.
Theo CDC Bạc Liêu, tính đến sáng 29/9/2021, Bạc Liêu có 18 ca mắc mới, nâng tổng số lên 458 ca, số ca bình phục 249, 2 ca tử vong, đang cách ly tập trung 1.734 ca, cách ly tại nhà 2.358, tiêm vacxin mũi 1: 141.037 và mũi 2: 48.724.
11/15 địa phương của tỉnh Long An về trạng thái bình thường mới
Theo CDC Long An, đến sáng nay, Tỉnh phát hiện thêm 135 ca nhiễm Covid-19, giảm 26 ca so với số ca mắc ngày 27/9 (161 ca), trong đó 07 ca trong cộng đồng; điều trị khỏi 260 ca (giảm 405 ca), lũy kế đến nay có 28.502 ca xuất viện (88,22%); tử vong 02 (giảm 03 ca).
Tính chung, đến nay, Long An ghi nhận 32.305 ca nhiễm Covid-19 (trong đó 8.246 cộng đồng, 2.718 khu cách ly, 21.341 khu phong tỏa); điều trị khỏi 28.502 ca (88,22%); tử vong 416 ca (1,28%), đang điều trị tại bệnh viện 3.011 ca (9,32%), chờ khu cách ly tạm 376 ca (1,16%). Số ca bệnh hiện đang điều trị theo tầng 3.011 ca.
Trong ngày không có vùng cách ly mới. Lũy kế có 1.261 vùng và đang cách ly 330 vùng
Công tác xét nghiệm, trong ngày đã thực hiện lấy mẫu: Test nhanh 17.175 mẫu, phát hiện 07 test dương tính. PCR đơn 1.663 mẫu và 1.877 mẫu gộp, phát hiện 219 trường hợp dương tính và 31 mẫu gộp dương tính. PCR các F1 trong ngày 113, âm tính 64, đang chờ kết quả 48. Tầm soát F2 (test nhanh) trong vùng cách ly 14, âm tính 12, đang chờ kết quả 02.
Tính đến nay, tỉnh Long An thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được 1.734.281 mũi tiêm, gồm 1.434.619 mũi 1 và 299.662 mũi 2.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Tỉnh, hiện Long An có 11 địa phương về bình thường mới, chỉ còn: TP. Tân An, TX. Kiến Tường, 2 huyện: Đức Hòa và Bến Lức còn ở vùng nguy cơ theo Quyết định 2686/QĐ-BĐT.
Trà Vinh dừng quy định người dân không ra đường từ 20h hôm trước đến 5h sáng hôm sau
Ông Nguyễn Văn Quyển, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, Tỉnh vừa có Thông báo số 144/TB-VP về thống nhất tạm dừng hình thức người dân không được ra đường trong khoảng thời gian từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau theo quy định tại Công văn số 4021, do tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là hệ thống truyền thông cơ sở về kết quả, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tình hình tiêm vắc-xin phòng Covid-19, để người dân an tâm, tin tưởng, chung tay thực hiện các biện phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Tỉnh.
Phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, Tổ Covid cộng đồng tăng cường quản lý, kiểm soát chặt địa bàn, nắm kỹ tình hình đi lại của người dân nhằm phát hiện kịp thời người đến từ bên ngoài địa bàn để có biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp…
Khẩn trương xây dựng kế hoạch, huy động tối đa nguồn lực để kịp thời tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo quy định, đảm bảo đúng tiến độ, an toàn, hiệu quả.
Chủ động đánh giá tình hình dịch bệnh đối với từng khu vực thuộc địa bàn quản lý theo mức độ nguy cơ quy định tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG, ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Nhanh chóng kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, bố trí cơ sở cách ly tập trung dự phòng của địa phương để sử dụng ngay khi cần cách ly tập trung các đối tượng trên địa bàn.
Theo CDC Trà Vinh, qua kết quả xét nghiệm PCR trong đêm qua đến sáng ngày 29/9, phát hiện 02 ca nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, cả 02 ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2: bệnh nhân N.T.K, nữ, sinh năm 1970 và bệnh nhân là H.T.T, nữ, sinh năm 2003, đều có địa chỉ ấp Bích Trì, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành (đã được cách ly tập trung từ ngày 22/9/2021).
Tính đến sáng ngày 29/9/2021 tỉnh Trà Vinh ghi nhận 1.509 ca nhiễm Covid-19, trong đó 1.367 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh; 21 trường hợp tử vong.
Vắc-xin về lớn, tăng tốc tiêm chủng
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng tốc độ tiêm chủng do những ngày gần đây, số vắc-xin tiêm chủng hàng ngày có xu hướng giảm.
Hiện số lượng vắc-xin được tiêm hàng ngày có xu hướng giảm. Ảnh: Đức Thanh |
Từ tháng 10 đến tháng 12, Việt Nam có thể sẽ tiếp nhận số lượng vắc-xin nhiều hơn so với thời gian trước.
Để đảm bảo sử dụng vắc-xin đúng tiến độ, tăng nhanh diện bao phủ, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để triển khai tiêm chủng với số lượng lớn từ nay đến cuối năm 2021.
Cơ quan này yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên). Đặc biệt, các địa phương đẩy mạnh bao phủ mũi 1 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định.
Các địa phương cần huy động tối đa lực lượng tham gia tiêm chủng (bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành); Tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động.
Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho các đối tượng khác khi có hướng dẫn của Bộ.
Bên cạnh việc tăng tốc tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở tiêm chủng ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong việc cập nhật danh sách, thông tin của người tiêm trên Hệ thống tiêm chủng vắc-xin Covid-19 theo đúng tiến độ tiêm của địa phương.
Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố coi công tác tiêm chủng là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong tình hình hiện nay và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu tổ chức tiếp nhận vắc-xin, triển khai tiêm chủng chậm và để xảy ra lãng phí vắc-xin.
Theo bản tin tối 28/9 của Bộ Y tế, tổng số đã được tiêm đến ngày 27/9 là 40.095.031 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 31.497.967 liều, tiêm mũi 2 là 8.597.064.
Sở Y tế TP.HCM lên tiếng việc thu hồi lô vắc-xin Pfizer
Ngày 28/9, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo khẩn đến các quận, huyện, TP.Thủ Đức và các cơ sở y tế ngưng tiêm vắc-xin Pfizer lô FK0112 đến khi có thông báo mới.
Lý giải nguyên nhân, tại họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố chiều 28/9, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết quyết định này để nhằm mục đích chấn chỉnh lại việc quản lý, điều hành tại một số địa phương.
Tuy nhiên, vị này khẳng định Sở Y tế chưa có văn bản yêu cầu thu hồi lô vắc-xin này hay tạm ngừng tiêm Pfizer mà chỉ là thông tin chỉ đạo, điều hành.
Được biết, Sở Y tế TP.HCM đưa ra chỉ đạo sau khi có trường hợp tử vong sau tiêm lô vắc-xin. Đầu giờ chiều 28/9, Sở Y tế TP.HCM đã họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tử vong và xem xét có liên quan vắc-xin hay không.
Sau khi Hội đồng tư vấn chuyên môn kết luận không có bằng chứng liên quan vắc-xin này, đến hơn 18h, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo đề nghị các đơn vị tiếp tục tiêm chủng bình thường.
Hà Nội phát hiện 1 ca Covid-19 mới ở chung cư Nam Đô
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 28/9 đến 6h ngày 29/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1 ca dương tính mới với virus SARS-Cov-2 trong khu cách ly. Ca bệnh này tại quận Hoàng Mai và thuộc chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt.
Bệnh nhân này là P.T.H, nữ, năm sinh 1976; ở chung cư Nam Đô, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân N.T.H. Ngày 20/9, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả âm tính và chuyển vào khu cách ly. Ngày 28/9, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.972 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.371 ca.
Tính đến 18h ngày 28-9, trên địa bàn thành phố có tổng số 657 điểm phong tỏa, trong đó số điểm đang phong tỏa là 19.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về công tác cách ly, hiện trên địa bàn thành phố còn 2.992 người đang cách ly, trong đó có 1.867 người tại khu cách ly tập trung cho F1 và người về từ vùng dịch; 138 người tại khu cách ly tập trung do quân đội quản lý; 878 người cách ly tại khách sạn; 109 người tại khu cách ly dành cho tổ bay.
Về công tác tiêm chủng, ngành Y tế Thủ đô và các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn đã tiêm được hơn 6,9 triệu mũi vắc xin, trong đó có hơn 5,8 triệu mũi 1 (đạt 96,5% dân số trên 18 tuổi và 70% tổng dân số); hơn 1,1 triệu mũi 2 (đạt 18,6% dân số trên 18 tuổi và 13,5% tổng dân số).
Cần Thơ: Cách ly toàn bộ Bệnh viện Tim mạch đến ngày 12/10
Ngày 28/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Cần Thơ có quyết định tạm thời thiết lập cách ly toàn bộ Bệnh viện Tim mạch TP.Cần Thơ (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) để phòng chống dịch và ngăn chặn việc lây nhiễm trong cộng đồng. Thời gian cách ly bắt đầu từ 17 giờ ngày 28/9 đến 17 giờ ngày 12/10.
Trong thời gian thực hiện cách ly, Bệnh viện Tim mạch ngừng tiếp nhận khám, chữa bệnh ngoại trú, bệnh cấp cứu, nhập viện, điều chuyển người bệnh đang được quản lý điều trị ngoại trú, cấp cứu đến các bệnh viện khác trên địa bàn. Đối với các bệnh nhân đã nhập viện trước đó, bệnh viện tiếp tục điều trị.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Cần Thơ, tính đến ngày 27/9, có 4 F0 là nhân viên X-Quang, tạp vụ, bảo vệ, căn tin; 5 F0 là bệnh nhân, thân nhân người bệnh từng đến bệnh viện, chưa xác định nguồn lây từ cộng đồng hay từ bệnh viện.
Trong thời gian cách ly theo yêu cầu của lãnh đạo Bệnh viện, cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không được ra, vào khu cách ly, thực hiện nghiêm 5K. Trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện.
-
Viêm phổi và cúm mùa lây lan nhanh -
Trao giải Báo chí toàn quốc về sức khỏe Nhân dân lần thứ II -
Nỗi lo tai nạn thương tích dịp Tết và cách phòng ngừa -
Quyền lợi bảo hiểm y tế theo phân cấp chuyên môn của 48 bệnh viện -
Tin mới y tế ngày 9/1: Nguy cơ viêm tụy cấp và sỏi thận dịp cuối năm -
Phòng ngừa ngộ độc rượu cuối năm -
Tránh gây hoang mang nhưng không chủ quan, lơ là với virus viêm phổi HMPV
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 10/1 -
2 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất giải pháp giúp Lào đột phá trong thu hút đầu tư -
3 Ngân hàng phải báo công an khi phát hiện ít nhất 5 tờ tiền giả trong một giao dịch -
4 Thông tin cụ thể về hướng tuyến, vị trí 31 ga tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng -
5 Chỉ đạo mới của lãnh đạo Chính phủ về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
- Japfa Việt Nam lọt Top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín
- Ngân Tín Group tiếp tục vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
- Newtown Diamond tại Đà Nẵng có gì thu hút nhà đầu tư mới?
- Agribank tiếp sức doanh nghiệp với 5 chương trình tín dụng ưu đãi đặc biệt năm 2025
- Cathay Life lọt Top Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
- ACB năm 2024: Tăng trưởng bứt phá, quản trị rủi ro hiệu quả