Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 7/9: Hơn 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 sắp về Việt Nam; Hà Nội 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng
D.Ngân - 07/09/2021 09:06
 
Theo Bộ Y tế, vắc-xin sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm là khoảng 70 triệu liều.

Cần Thơ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16

Chiều ngày 7/9, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký Công văn số 3769 /UBND-HCTC về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Theo đó, TP. Cần Thơ tiếp tục áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn Thành phố từ 0h ngày 8/9/2021 đến 0h ngày 18/9/2021.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 1/8/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố, tăng cường kiểm tra, xử lý ngay các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc thực hiện nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội.

Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân Thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Sở Y tế, UBND quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc Kế hoạch xét nghiệm trọng điểm trên địa bàn thành phố theo hướng dẫn tại Công điện số 1305/CĐ-BYT của Bộ Y tế từ ngày 09 đến ngày 17/9/2021; tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm theo kế hoạch đã đề ra, chú trọng tổ chức thực hiện có hiệu quả việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ nhằm phát hiện sớm người nhiễm là khâu then chốt để kịp thời phát hiện, đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND quận, huyện khẩn trương xây dựng phương án phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn, có lộ trình thực hiện cụ thể. Trong đó, ưu tiên khởi động lại hoạt động xây dựng các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm của Thành phố, sản xuất nông nghiệp, hoạt động của một số doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân chậm nhất đến ngày 13/9/2021 báo cáo UBND Thành phố.

UBND các quận, huyện: Ô Môn, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh phấn đấu chậm nhất đến ngày 15/9/2021 kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn và báo cáo UBND Thành phố trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

UBND các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt phấn đấu chậm nhất đến ngày 17/9/2021 kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn và báo cáo UBND Thành phố trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Sở Y tế TP. Cần Thơ, từ ngày 08/7/2021 đến 17h ngày 7/9/2021, trên địa bàn Thành phố có 4.582 ca mắc COVID-19; số trường hợp điều trị khỏi là 3.632 người; số trường hợp tử vong là 68 người.

Hơn 300.000 ca Covid-19 đã được công bố khỏi bệnh

Tính từ 17h ngày 6/9 đến 17h ngày 7/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.208 ca nhiễm mới, trong đó có 15 ca nhập cảnh.

Ngoài ra, 8.161 trường hợp trong số này là các ca bệnh ngoài cộng đồng. Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.716 ca. TP.HCM tăng 188 ca, Bình Dương tăng 1.772 ca, Đồng Nai tăng 74 ca, Long An giảm 367 ca, Kiên Giang tăng 41 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 550.996 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.601 ca nhiễm).

Ở đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Bộ Y tế ghi nhận 546.683 ca mắc trong nước. 308.936 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày, Bộ Y tế cũng công bố 10.253 ca mắc Covid-19 khỏi bệnh, nâng tổng số điều trị khỏi lên 311.710 trường hợp.

Theo tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn, ngày 7/9 ghi nhận 316 ca tử vong tại TP.HCM (253), Bình Dương (40), Long An (7), Tiền Giang (7), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Đồng Tháp (1), Phú Yên (2).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.701 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Trong 24 giờ qua, ngành Y tế đã thực hiện 415.446 xét nghiệm cho 1.118.641 lượt người. Số lượng mẫu xét nghiệm từ 27/4 đến nay là 18.111.288, cho 41.278.424 lượt người.

Trong ngày 6/9, 534.937 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm cho người dân. Như vậy, tổng số liều vắc-xin Covid-19 đã đã được tiêm là 22.675.644 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.231.238 liều, tiêm mũi 2 là 3.444.406 liều.

TP.HCM đang nghiên cứu chính sách "thẻ xanh vắc-xin", nới lỏng yêu cầu giãn cách xã hội với những người đã tiêm 1-2 mũi vắc-xin. Để hiện thực hóa điều này, Thành phố sẽ khởi động chiến dịch tiêm vắc-xin từ nay đến 15/9 để sớm đạt độ phủ vắc-xin cao.

Hà Nội có 39 trường hợp dương tính với Covid-19

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội tối 7/9, Thành phố vừa ghi nhận thêm 5 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 2 người tại cộng đồng, 3 trường hợp còn lại ở khu cách ly, vùng phong tỏa.

Hai người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 tại cộng đồng là một đôi vợ chồng ở Bạch Đằng, Hai Bà Trưng.

Ngày 3/9, người vợ có triệu chứng sốt, ho, nôn. Tới ngày 6/9, chị cùng chồng tới khám tại một bệnh viện trên địa bàn và được lấy mẫu xét nghiệm. Hai người đều cho kết quả dương tính.

Ba trường hợp còn lại nhiễm SARS-CoV-2 được phát hiện tại khu cách ly, vùng phong tỏa gồm 2 F1 tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai), Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) và một dân quân tự vệ có địa chỉ ở Thanh Trì (Hoàng Mai).

Như vậy, từ 18h ngày 6/9 đến 18h ngày 7/9, Thành phố có thêm 39 ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 6 trường hợp tại cộng đồng, 31 người ở khu cách ly, 2 ca sống tại khu vực phong tỏa.

Tại Hà Nội, một số ổ dịch đang có diễn biến phức tạp gồm: Thanh Xuân Trung (509 ca nhiễm), Văn Miếu (117), Văn Chương (90), ngõ 24 Kim Đồng (47), Tân Lập (20) và chợ Ngọc Hà (18).

Như vậy, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.619 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

10 tỉnh, thành phố phía Bắc hỗ trợ TP.Hà Nội chống dịch

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Quốc phòng, cùng 10 tỉnh, thành phố phía Bắc chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để chủ động phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình chủ động chuẩn bị về nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ cho Hà Nội khi cần thiết trong việc xét nghiệm thần tốc, phân loại F0 để chăm sóc, điều trị hợp lý, truy vết F1 để quản lý, tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Từ ngày 6 đến 12/9, Hà Nội sẽ xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn Thành phố theo nguyên tắc: Tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần; tại khu vực có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần; tại các khu vực khác, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.

Hà Nội đặt mục tiêu trước ngày 15/9 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh để vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế.

Kiên Giang thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà

Từ ngày 7/9, tỉnh Kiên Giang thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà, giao UBND Tỉnh hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo triển khai thực hiện

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang giao chính quyền Tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng thêm các khu cách ly tập trung và thu dung điều trị F0.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, địa phương phải duy trì các hoạt động kinh tế, sản xuất để hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trên địa bàn, tạo nguồn lực để phòng chống dịch bệnh và thực hiện an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang thống nhất phương án tổ chức năm học mới 2021-2022 trên địa bàn Tỉnh theo hai phương án.

Phương án 1, đến ngày 20/9 (tình hình dịch Covid-19 của Tỉnh được kiểm soát), cho tất cả học sinh từ mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đến trường học tập bình thường, nhưng phải bảo đảm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Phương án 2, đến ngày 20/9 (tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp), học sinh sẽ học qua internet.

Theo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đến hết ngày 6/9, số ca mắc Covid-19 tại Kiên Giang là 2.610 ca, có 2.021 ca đang điều trị, 13 ca tử vong, số người đang cách ly tập trung là 2.467.

***

Tỉnh Bình Thuận, từ 0h ngày 8/9, TP. Phan Thiết thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

***

Trong ngày, UBND TP. Đà Nẵng ban hành kế hoạch 159/KH-UBND về việc tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn Thành phố nhằm tiếp tục rà soát, phát hiện kịp thời người mắc Covid-19 tại cộng đồng để khoanh vùng, xử lý, không để dịch lây lan.

Cụ thể, kế hoạch được triển khai từ ngày 6 đến ngày 20/9, sau đó căn cứ vào tình hình, diễn biến dịch Covid-19 sẽ thực hiện xét nghiệm theo kế hoạch tiếp theo của UBND Thành phố.

Cà Mau áp dụng giãn cách toàn Tỉnh theo Chỉ thị 15 từ 7/9/2021

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành quyết định về việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn địa bàn tỉnh Cà Mau (trừ khu phong tỏa, khu vực cách ly y tế được thực hiện theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19).

Toàn tỉnh Cà Mau sẽ thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có tăng cường một số quy định bắt đầu từ 0 giờ ngày 7/9 cho đến khi có thông báo mới.

Theo đó, Cà Mau tiếp tục thực hiện nghiêm “3 mũi giáp công”, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Công an Tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh, UBND các huyện, TP. Cà Mau và các cơ quan chức năng tăng cường siết chặt hơn nữa việc quản lý người và phương tiện đường bộ, đường thủy, đường biển, tuyệt đối không để người dân vào Tỉnh mà không được kiểm tra, giám sát; quản lý chặt người điều khiển phương tiện, người phụ lái, người áp tải hàng hóa trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa, dừng, đỗ, lên xuống hàng hóa và việc lưu trú lại tại tỉnh Cà Mau.

Mặc dù chủ động nới lỏng giãn cách, tháo gỡ từng bước nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý các địa phương, người dân và doanh nghiệp tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Cán bộ, công chức, viên chức và các lực lượng vũ trang phải gương mẫu chấp hành quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trên lĩnh vực, địa bàn mình quản lý.

Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đánh giá, phân loại và công bố danh sách các xã, phường, thị trấn theo từng mức độ nguy cơ để làm cơ sở triển khai áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp. Hướng dẫn việc test nhanh Covid-19 và công nhận kết quả test nhanh cho người dân và doanh nghiệp.

UBND Tỉnh lưu ý người dân ra đường thời điểm này phải có giấy đi đường, yêu cầu các xã, phường, thị trấn trong Tỉnh đều phải cấp giấy đi chợ cho người dân 2 ngày/lần/hộ. Khi có nhu cầu đi lại cần thiết thì người dân phải xin phép chính quyền địa phương cấp xã. Trường hợp xét thấy lý do đi lại là chính đáng, thì UBND cấp xã cấp giấy đi đường cho người dân, nhưng phải ghi rõ cung đường cụ thể (điểm đi, điểm đến). Riêng trường hợp bệnh tật, cấp cứu và các trường hợp khẩn cấp khác không phải xin phép.

20 triệu liều vắc-xin sẽ về Việt Nam trong tháng 9

Ngày 6/9, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc-xin Covid-19 (không tính nguồn COVAX - đã có cam kết nhưng do khan hiếm vắc-xin nên chưa có kế hoạch cụ thể). 

Hà Nội yêu cầu xét nghiệm diện rộng thần tốc 100% người dân trên toàn bộ địa bàn thành phố trước ngày 15/9.

Trong đó, vắc-xin sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vắc-xin trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.

Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 trước ngày 15/9. 

Về vắc-xin cho trẻ em, Thủ tướng đã có chỉ đạo, Bộ Y tế đã tích cực làm việc với các công ty cung ứng và sẽ có lộ trình tiêm cụ thể.

Thêm 5 người tại Hà Nội dương tính với Covid-19

Trong 5 ca nhiễm Covid-19 mới ở Hà Nội sáng ngày 7/9, có một trường hợp được ghi nhận dương tính mới trong cộng đồng là ông N.T.P., 53 tuổi, trú tại Nghĩa Đô, Cầu Giấy.

Người này có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 tại Nga ngày 8/11/2020. Ngày 3/9 vừa qua, ông tới tiêm vắc-xin Covid-19 tại số 21 Trung Liệt.

Ba ngày sau, ông P. đưa người nhà tới khám tại Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ, được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và cho kết quả dương tính. Hiện ông không có triệu chứng của bệnh.

Bốn trường hợp còn lại được thành phố xác định dương tính với SARS-CoV-2 đều là F1 và đã cách ly tập trung. Họ có độ tuổi từ 12 đến 44, trú tại Hàng Bột (Đống Đa); Quang Trung và Phú Lương (Hà Đông).

Về kết quả lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng có trọng điểm theo kế hoạch ngày 1/9 vừa qua của UBND Hà Nội, tính đến 18h ngày 6/9, thành phố đã lấy được 759.945/1.000.000 mẫu, đạt 75,99% kế hoạch.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đã có 299.132 mẫu có kết quả (299.129 mẫu âm tính và 3 mẫu dương tính). Số mẫu dương tính là những người thuộc khu vực nguy cơ cao gồm một ca tại Tả Thanh Oai (Thanh Trì), một ca ở Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) và trường hợp còn lại ở Quang Trung (Hà Đông).

Đến nay, Hà Nội đang theo dõi một số ổ dịch có diễn biến phức tạp gồm: Thanh Xuân Trung (488 ca), Văn Miếu (117), Văn Chương (90), ngõ 24 Kim Đồng (47), chợ Ngọc Hà (18), Tân Lập (20).

Như vậy, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.585 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. 

Hà Nội xét nghiệm 100% người dân trên địa bàn thành phố

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 20/CĐ-UBND về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Công điện nêu rõ, mục tiêu trước ngày 15/9/2021 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 để thành phố vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế.

Nguyên tắc thực hiện bao gồm phân loại các vùng theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp với từng vùng để "bảo vệ vững chắc vùng xanh", "xanh hóa vùng vàng", "thu hẹp vùng đỏ"; Xét nghiệm diện rộng thần tốc 100% người dân trên toàn bộ địa bàn thành phố để bóc tách nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng. 

Thành phố cũng hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn trước ngày 15/9 trên cơ sở số vắc-xin được phân giao của Bộ Y tế.

Từ ngày 6/9 đến 12/9, xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn thành phố theo nguyên tắc tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần; 

Tại khu vực có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần; Tại các khu vực khác, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần. 

Hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát nhân viên y tế và áp dụng các phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Tăng cường các điểm lấy mẫu di động tại các xã, phường, thị trấn. Sau ngày 12/9, tiếp tục lấy mẫu để giám sát, đánh giá nguy cơ.

Thành phố đặt mục tiêu, hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn trên cơ sở số vắc-xin được phân giao của Bộ Y tế; 

Tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định; đặc biệt ưu tiên và lưu ý cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.

Quảng Ngãi tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 11/9

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký quyết định bổ sung, điều chỉnh biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch COVID-19 trên địa bàn. Quyết định này có hiệu lực từ 18h ngày 6 đến 12h ngày 11/9.

Quảng Ngãi áp dụng giãn cách xã hội các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Trà Bồng và TP Quảng Ngãi (trừ các địa bàn, khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội tuyệt đối) tương ứng mức nguy cơ rất cao, theo Chỉ thị 16. Người dân không ra khỏi nhà từ 20h ngày hôm trước đến 4h ngày hôm sau.

Còn các huyện: Mộ Đức, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Lý Sơn và thị xã Đức Phổ áp dụng giãn cách xã hội tương ứng mức nguy cơ và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Y tế triển khai kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm nhanh chóng, an toàn, hiệu quả tại các địa bàn, khu vực phong tỏa và nhóm đối tượng có nguy cơ cao, rất cao để đưa F0 ra khỏi cộng đồng, phân loại điều trị ngay, bóc tách nguồn lây, dập ổ dịch.

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ ngày 26/6 - 6/9, Quảng Ngãi ghi nhận 800 ca mắc Covid-19. Trong đó, 54 ca liên quan tới ổ dịch xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), 164 ca liên quan tới ổ dịch Công ty Hoya Lens (Khu công nghiệp VSIP).

Lấy mẫu xét nghiệm 2-3 lần/tuần với người dân ở khu vực nguy cơ cao
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16 đẩy mạnh hơn nữa việc xét nghiệm trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư