Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 10/7: Nguy kịch do chữa đột quỵ theo cách truyền miệng
D.Ngân - 10/07/2023 11:00
 
Cơ sở y tế vừa tiếp nhận bệnh nhân nam 66 tuổi, bị đột quỵ, gia đình bôi nước gừng, chọc các đầu ngón tay và tai nặn máu dẫn đến nguy kịch.

Khuyến cáo không điều trị đột quỵ theo truyền miệng

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, ngày 7/7, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu yếu nửa người bên trái, nói ngọng, đau đầu.

Gia đình bôi nước gừng, sau đó lấy kim chích lể các đầu ngón tay và tai để bóp bỏ "máu độc", nhưng tình trạng không cải thiện. Sau đó, người đàn ông được đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu.

Ảnh minh hoạ.

Bác sĩ Trần Văn Kiên, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não, nhập viện muộn và xử trí sai cách dẫn đến nguy kịch. Thời gian cấp cứu vàng cho người đột quỵ là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.

Các bác sĩ hội chẩn trực tuyến cùng chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai, quyết định can thiệp lấy huyết khối, tái thông mạch não cho người bệnh. Hiện, bệnh nhân đã cải thiện cơ lực tay và chân trái song cần tiếp tục theo dõi để tránh biến chứng.

Cũng vì bệnh đột quỵ, ngày 9/7, PGS.TS. Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết ba bệnh nhân đều vào viện chậm, quá giờ vàng, không thể can thiệp tái thông mạch máu mà chỉ dùng thuốc, tập vật lý trị liệu.

Ba bệnh nhân này trước khi nhập viện có sử dụng chất gây nghiện. Điển hình, một thanh niên sử dụng amphetamine - chất có tác dụng kích thích thần kinh trung ương gây hưng phấn. 

Chất này nếu dùng liều thấp đến trung bình thì có tác dụng cải thiện tâm trạng, tăng sự tỉnh táo và tập trung ở người mệt mỏi. Sử dụng liều cao, lâu dài, nó có thể dẫn đến tình trạng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác, bạo lực.

Nhiều nghiên cứu ghi nhận người dùng amphetamine sẽ tăng gấp 4 lần nguy cơ đột quỵ, và có thể xảy ra ngay sau vài giờ dùng chất này. Ba tháng trước, bệnh viện cũng tiếp nhận một thanh niên 30 tuổi đột quỵ liên quan dùng amphetamine, theo bác sĩ Thắng.

Chất gây nghiện nói chung có thể khiến người dùng bị co thắt mạch máu làm giảm tưới máu não; tạo ra các huyết khối gây thuyên tắc; làm rối loạn nhịp tim hoặc gây viêm mạch máu, từ đó dẫn đến đột quỵ.

Bác sĩ Thắng cũng cho biết nhiều bệnh nhân đột quỵ liên quan sử dụng chất gây nghiện bệnh viện điều trị gần đây đều khá trẻ tuổi. Đáng tiếc là họ vào viện chậm, quá thời gian vàng điều trị, giữ được tính mạng nhưng phải sống trong cảnh tàn phế, như ba thanh niên trên. "Những trường hợp này rất đáng tiếc, tương lai xem như xong do hậu quả của lối sống", bác sĩ Thắng nói.

Đột quỵ não là bệnh lý xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nề. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên và có xu hướng trẻ hóa. 

Với người lớn tuổi, nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ là tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, bệnh tim mạch. Trong khi đó, ở người trẻ, lối sống không lành mạnh với việc sử dụng thuốc lá, bia rượu và thuốc gây nghiện... nguy cơ đột quỵ đến sớm hơn nhiều so với bình thường.

Dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ là: Liệt nửa người (biểu hiện giơ hai tay bằng vai, một tay sẽ bị rơi xuống); liệt dây thần kinh số VII (méo miệng khi làm động tác nhe răng hoặc cười); rối loạn ngôn ngữ (hiểu được lời nói mà không diễn đạt được hoặc không hiểu lời người khác).

Khi gặp người đột quỵ, tuyệt đối không xoa dầu nóng, cạo gió, cắt lể hoặc cúng bái, hay áp dụng các phương pháp dân gian như đâm kim vào ngón tay hoặc dái tai.

Nhiều người lúng túng khi chứng kiến người đột quỵ, cho rằng không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ vì sẽ gây nguy hiểm. Thực tế, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế có khả năng chữa được và gần nơi mình nhất.

Cách sơ cứu đúng là đặt người bệnh ở tư thế nằm, kê đầu với độ cao khoảng 30-40 độ, nới rộng quần áo. Xoay nạn nhân sang một bên để không bị sặc, cố định người, liên lạc cấp cứu để nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Hà Nội: Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm

Thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện thành phố có 76.807 cơ sở thực phẩm. Công tác quản lý an toàn thực phẩm , kiểm soát nguồn gốc thực phẩm được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả giúp phòng tránh trường hợp  ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm cho người dân.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, ngành Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 30/30 quận, huyện, thị xã;

Tiến hành kiểm tra giám sát thực tế tại 46 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố; thường trực, thành lập các đoàn kiểm tra giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ các sự kiện quan trọng của thành phố và đất nước. 

Đồng thời, kiểm tra giám sát điều kiện an toàn thực phẩm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận và 5 huyện trên địa bàn thành phố, gồm: quận Long Biên, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Đống Đa; huyện Đông Anh, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ba Vì, Đan Phượng và truy xuất nguồn gốc rau củ quả cung cấp cho bếp ăn tập thể trường học tại 09 cơ sở. 

Ngành Y tế triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kiểm tra giám sát định kỳ tiến độ duy trì thực hiện mô hình nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học tại 10 quận, huyện, gồm: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Thanh Xuân, Gia Lâm, Thanh Trì, Mê Linh, Ba Vì. 

Sở Y tế Hà Nội tập huấn bồi dưỡng các văn bản quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm tại quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm.

Liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm, trong 5 tháng đầu năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thực hiện cấp 226 giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm; cấp 576 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiếp nhận 2004 bản tự công bố sản phẩm ngành Y tế quản lý… 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, thành phố tổ chức 3 đoàn thanh kiểm tra hậu kiểm an toàn thực phẩm theo kế hoạch; 2 đoàn truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn tập thể tại 5 quận, 5 huyện; tổ chức các đoàn giám sát mô hình điểm về an toàn thực phẩm tại các quận, huyện. 

Cụ thể, tiến hành thanh kiểm tra 206 cơ sở thực phẩm (thanh tra 76 cơ sở, kiểm tra 130 cơ sở), phát hiện và xử lý vi phạm 38 cơ sở với tổng số tiền hơn 500.000.000 đồng.

Từ nay đến cuối năm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. 

Đặc biệt, sẽ tập trung công tác hậu kiểm cơ sở thực phẩm thuộc ngành Y tế quản lý, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định. 

Tổ chức kiểm tra giám sát định kỳ các mô hình điểm: tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người, đảm bảo an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Cùng với đó, tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mô hình “Đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với bếp ăn tập thể khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất năm 2023”; xây dựng kế hoạch và tổ chức mua mẫu thị trường, xét nghiệm mẫu đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, cảnh báo cộng đồng. 

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm theo các chuyên đề: Bữa ăn tập thể trường học, bữa cỗ tập trung đông người, thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng giám sát tư vấn các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kỹ năng điều tra ngộ độc thực phẩm, kỹ năng về tư vấn giám sát cho mạng lưới cộng tác viên an toàn thực phẩm.

Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền về công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. 

Ðối với người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.

Nguy hiểm khi lạm dụng An Cung để dự phòng và điều trị đột quỵ
Một phụ nữ ở Phú Thọ thường xuyên uống thuốc An Cung để phòng đột quỵ não đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng rất nặng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư