Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 11/6: Một số tỉnh không nhận, đề nghị điều chuyển vắc-xin Covid-19
D.Ngân - 11/06/2022 10:54
 
Theo Bộ Y tế, hiện có 9 địa phương chưa tiếp nhận hết số vắc-xin được phân bổ, một số khác không nhận hoặc đề nghị điều chuyển vắc-xin

Nhiều tỉnh, thành phố chậm nhận vắc-xin

Ngày 10/6, Bộ Y tế gửi Công điện số 771/CĐ-BYT về việc tăng cường tiếp nhận và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Theo Bộ Y tế hiện có 9 địa phương chưa tiếp nhận hết số vắc-xin được phân bổ.

Công văn nêu rõ, ngày 26/5/2022, Bộ Y tế có Công điện số 708/CĐ-BYT gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ đợt 146, 147 (vắc-xin có hạn sử dụng 30/6/2022).

Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại Tờ trình số 1295/TTr-VSDTTƯ ngày 6/6/2022, một số địa phương vẫn chưa tiếp nhận hết số vắc-xin được phân bổ, hoặc có văn bản đề nghị không nhận vắc-xin, hoặc điều chuyển vắc-xin đã được phân bổ mặc dù số vắc-xin được phân bổ chỉ đáp ứng 30% nhu cầu tiêm chủng mũi nhắc lại của các địa phương.

Để tăng cường công tác tiêm chủng nhằm đạt các mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các tỉnh khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm chủng đối với số lượng vắc-xin được phân bổ đợt 146 và 147 theo Quyết định số 443/QĐ-VSDTTƯ ngày 16/5/2022 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bảo đảm sử dụng vắc-xin hiệu quả, không để hủy bỏ vắc-xin, tránh lãng phí.

Tiếp tục rà soát đối tượng, tăng cường truyền thông, giao chỉ tiêu tiêm chủng cho từng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, từng xã, phường, thị trấn và thực hiện các biện pháp khác để đẩy mạnh việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, tổ chức tiêm mũi 4 cho đối tượng cần tiêm chủng theo Công điện số 702/CĐ-BYT ngày 24/5/2022 và Công điện số 710/CĐ-BYT ngày 27/5/2022 của Bộ Y tế.

Địa phương nào không tiếp nhận đủ vắc-xin sử dụng để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ Y tế, hiện có 9 địa phương chưa tiếp nhận hết số vắc-xin được phân bổ gồm: Điện Biên, Hà Nam, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Một địa phương chưa tiếp nhận vắc-xin phân bổ là Thanh Hóa. 4 địa phương đề nghị điều chuyển vắc-xin với số lượng lớn gồm: Thanh Hóa, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Cà Mau.

Hàng loạt trường hợp sốt rét nguy hiểm nhập viện

Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2022, TP ghi nhận 5 trường hợp sốt rét, trong đó có 2 trường hợp sốt rét ác tính.

Các trường hợp mắc sốt rét nhập viện trên có những trường hợp đi công tác tại vùng có sốt rét lưu hành ở Tây Nguyên hoặc đi công tác tại các nước châu Phi…

Trong đó có 2 trường hợp sốt rét ác tính rất nguy hiểm được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Đây là 2 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về.

Trước tình hình sốt rét có những diễn biến phức tạp, Sở Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận một trường hợp có sốt cần chú ý khai thác yếu tố tiền sử đi lại của bệnh nhân. Khi bệnh nhân đi từ các vùng có sốt rét lưu hành về thì cần nghĩ ngay đến bệnh sốt rét và tiến hành xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét (test nhanh hoặc nhuộm lame máu) để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng nặng và tử vong.

Theo Bộ Y tế trong năm 2021, cả nước có 465 bệnh nhân sốt rét, giảm 67% so với năm 2020, không có ca tử vong. Tại khu vực phía Nam, ghi nhận 43 ca sốt rét, giảm 76% so với năm 2020. Đến hết năm 2021 cả nước đã có 36 tỉnh thành được công nhận loại trừ bệnh sốt rét và đang phấn đấu để đạt loại trừ sốt rét vào năm 2030.

Tại TP.HCM, từ năm 2011 đến nay không phát hiện ca bệnh sốt rét nội tại (là ca bệnh mắc bênh tại TP.HCM) mà tất cả đều là các ca nhiễm từ các vùng dịch tễ lưu hành. Thành phố đã được công nhận loại trừ sốt rét từ năm 2020, hiện đang trong giai đoạn “phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ”.

Mặc dù vậy, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố vẫn duy trì các hoạt động giám sát thường xuyên ca bệnh và côn trùng truyền bệnh cùng các hoạt động chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Y tế cho biết, TP là nơi có biến động dân cư rất lớn và cũng là nơi tập trung nhiều bệnh viện tuyến cuối, nên hàng năm vẫn ghi nhận một số trường hợp sốt rét là những người đến từ vùng đang có dịch sốt rét lưu hành trong và ngoài nước. Kết quả giám sát trung gian truyền bệnh sốt rét tại TP không phát hiện muỗi Anopheles, vì vậy nguy cơ lây lan bệnh sốt rét tại thành phố là gần như không có.

Mặc dầu vậy, ngành Y tế TP vẫn khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp tiêu diệt lăng quăng, ngăn ngừa muỗi đốt để phòng tránh các bệnh lây lan do muỗi truyền, trong đó căn bệnh sốt xuất huyết hiện đang là bệnh truyền nhiễm lưu hành tại thành phố đang bắt đầu vào mùa dịch khi mùa mưa đang đến.

Được biết, sốt rét là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền từ người bệnh sang người lành khi bị muỗi đốt. Muỗi Anopheles (còn gọi là muỗi đòn xóc) là trung gian truyền bệnh sốt rét. Ký sinh trùng sốt rét không tồn tại ở ngoại cảnh, chỉ tồn tại trong máu người bệnh và trong cơ thể muỗi truyền bệnh sau khi chích người bệnh.

Bệnh sốt rét nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ xuất hiện các biến chứng nặng – thể sốt rét ác tính (như biến chứng não gây hôn mê sâu, co giật; suy gan, suy thận, thiếu máu nặng, tiểu huyết cầu tố do vỡ hồng cầu hàng loạt..) và khi đó nguy cơ tử vong là rất cao.

Những người chưa từng bị sốt rét (chưa có miễn dịch) là nhóm có nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng nặng và tử vong khi nhiễm ký sinh trùng sốt rét.Nhóm này cần được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời.

Sốt xuất huyết bùng phát mạnh

Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 43.628 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong tại TP.HCM (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1).

Báo cáo của các địa phương cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết tại nước ta đã tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam. Đến nay đã có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì sốt xuất huyết 

So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp. Trong đó, số mắc và tử vong tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam. 

Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang là cao điểm mùa dịch số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Các Viện đầu ngành lập ngay các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương phòng chống sốt xuất huyết

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Cục Y tế dự phòng đề nghị lãnh đạo các Viện trên thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, huyện, vùng nóng ghi nhận số mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao để tập trung hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng chống sốt xuất huyết. 

Phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết và nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các tỉnh thành phố thuộc khu vực phụ trách. Kịp thời báo cáo và chủ động tham mưu Bộ Y tế về công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. 

Hướng dẫn các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng; tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

Đồng thời tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện. 

Bộ Y tế phân bổ vắc-xin Pfizer cho các tỉnh, thành phố
TP.HCM nhận được gần 55.000 liều vắc-xin Pfizer, Hà Nội hơn 38.000 liều, còn Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh gần 26.000 liều.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư