Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 11/9: Hợp tác phát triển dược phẩm, công nghệ sinh học
D.Ngân - 11/09/2023 11:25
 
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden một thỏa thuận hợp tác giữa Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống Dịch Stanford (ViRx@Stanford-Vietnam) và Viện Nghiên cứu Tâm Anh đã diễn ra.

Hợp tác y tế Việt Nam - Hoa Kỳ

Thỏa thuận được xây dựng trên khuôn khổ hợp tác khoa học và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà hai Chính phủ đặt ra mục tiêu thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam chính thức của Tổng thống Joe Biden.

Thoả thuận hợp tác giữa Viện nghiên cứu Vi sinh & Chống dịch Stanford và Viện Nghiên cứu Tâm Anh.

Theo đó, Viện nghiên cứu Vi sinh & Chống dịch Stanford và Viện Nghiên cứu Tâm Anh thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẽ đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học; nghiên cứu phát triển các loại thuốc phòng và trị bệnh;

Đồng thời ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng hệ thống phòng lab hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ Stanford.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Viện Nghiên cứu Vi sinh & Chống dịch Stanford, Giáo sư Jeffrey S. Glenn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Vi sinh & Chống dịch Stanford cho biết, Viện Nghiên cứu Vi sinh & Chống dịch Stanford là sáng kiến của các nhà khoa học Stanford với mục tiêu chung sức tìm ra các phương án phòng chống dịch bệnh, không chỉ là Covid-19.

Từ đại dịch này, nhân loại đã quan tâm hơn đến các vấn đề vi sinh và chống dịch, cũng như việc phát hiện và điều trị các bệnh lý, trong đó có bệnh lý đặc biệt nguy hiểm như ung thư… từ đó có nhiều điều kiện và quyết tâm thúc đẩy các nghiên cứu phương án chống dịch, điều trị bệnh.

Nếu các phát minh khoa học, sáng kiến đổi mới và sáng tạo từ các phòng nghiên cứu thành công sẽ mang lại lợi ích to lớn cho loài người. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự công bằng với người dân ở các nước đang phát triển.

Chính vì vậy, việc đưa các nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng thuốc mới về Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để người dân Việt Nam có cơ hội sớm tiếp cận với những phương pháp chữa bệnh mới và tốt trên thế giới.

TS. Lương Minh Thắng, cố vấn cấp cao AI của Viện Nghiên cứu Vi sinh & Chống dịch Stanford cho biết, trí tuệ nhân tạo đã mở ra kỷ nguyên mới cho loài người khi tận dụng những trí tuệ lớn của nhân loại để đề xuất những ứng dụng mới, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Do đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các nghiên cứu khoa học sẽ góp phần rút ngắn thời gian nghiên cứu, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Từ đó, quá trình nghiên cứu phát triển thuốc, vắc xin được tiết giảm thời gian và giảm giá thành.

Còn theo GS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Tâm Anh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Viện nghiên cứu Tâm Anh được thành lập với mục tiêu tạo môi trường lý tưởng để thực hiện và phát triển các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lâm sàng thuốc và vắc xin, thúc đẩy ứng dụng khoa học dữ liệu vào quá trình khám, chữa bệnh, đặc biệt là những bệnh lý nguy hiểm, như ung thư, viêm gan, sốt xuất huyết…

Do đó, hai bên đều cùng nhìn thấy sự đồng thuận trong mục tiêu chung là phụng sự khoa học và phục vụ con người. Trên cơ sở đó hai bên đã đi đến đàm phán để thống nhất kế hoạch hành động trước mắt và lâu dài trong việc nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng thuốc mới và các phương pháp chẩn đoán bệnh.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Vi sinh và chống dịch Stanford với Viện Nghiên cứu Tâm Anh được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều hợp tác lớn, thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học, mang lại những lợi ích cho lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Ngay sau lễ ký kết này, chúng tôi sẽ bắt tay cùng nhau để sớm thực hiện những dự án quan trọng như xét nghiệm chẩn đoán và điều trị viêm gan D; phát triển thuốc điều trị ung thư liên quan đến cơ chế miễn dịch, thuốc điều trị sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường trao đổi đào tạo, trao đổi hợp tác chuyên môn giữa các nhà khoa học của hai bên tại Việt Nam và Mỹ, thắt chặt hơn nữa hợp tác về khoa học, giáo dục, y tế và kinh tế giữa hai quốc gia.

Không chủ quan với bệnh dại

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế của địa phương, trong 8 tháng qua, cả nước ghi nhận 55 trường hợp tử vong do bệnh dại, tại 25 tỉnh, thành phố.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người.

Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vắc-xin dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại vết cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình tàn phá.

Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 - 90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, "đoạn đường" di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hầu hết những trường hợp tử vong vì bệnh dại là do không tiêm phòng sau khi bị chó cắn.

Nhiều trường hợp nghĩ chó nhà nuôi cắn thì không sao nên nhiều người chủ quan không tiêm phòng. Chỉ đến khi bất ngờ lên cơn dại mới vội vàng tiêm vắc-xin phòng bệnh thì đã quá muộn.

Lúc này, virus bệnh dại đã lên não và phát bệnh thì không có thuốc nào chữa được. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%.

Theo đánh giá từ Cục Y tế Dự phòng, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc-xin.

Năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong. Năm nay, tính đến thời điểm hiện tại, Gia Lai là tỉnh có số người mắc bệnh dại và tử vong nhiều nhất với 9 trường hợp, tiếp đến là Nghệ An và Điện Biên, mỗi tỉnh 6 trường hợp, Bình Phước và Bến Tre, mỗi tỉnh 4 trường hợp. 20 tỉnh thành khác có từ 1-2 người tử vong vì bệnh dại.

Gần đây, cả nước ghi nhận nhiều ổ dịch chó dại, ca tử vong do chó dại cắn do không tiêm vắc-xin phòng dại. Bệnh dại là căn bệnh rất nguy hiểm và hiện nay thuốc điều trị vẫn chưa được nghiên cứu thành công.

Phần lớn người tử vong do bệnh dại đến từ nguyên nhân sự chủ quan không tiêm vắc-xin phòng dại trong khi đây là căn bệnh hoàn toàn có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin.

Ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Nếu tiêm phòng cho chó chỉ mất vài chục ngàn đồng/con nhưng nếu người bị cắn phải điều trị dự phòng thì tốn vài triệu đồng/người. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa.

Trên thực tế, vết thương do chó dại gây ra sẽ có nhiều mức độ tổn thương khác nhau. Đáng lo ngại là khi vết thương do chó cắn quá sâu, khiến chảy máu.

Lúc này việc đi khám và theo dõi sức khỏe là vô cùng cần thiết. Bởi vì virus gây bệnh dại thường được phát hiện trong nước bọt của chó. Khi chúng tấn công và gây tổn thương ngoài da cho chúng ta, virus có thể tận dụng cơ hội này, tấn công vào máu, hệ thần kinh và đe dọa tính mạng.

Thêm 2 trường hợp tử vong vì liên cầu khuẩn

Theo thông tin từ CDC Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, Thành phố đã ghi nhận 15 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có 2 ca đã tử vong. Trong khi cùng kỳ năm 2022, Thành phố chỉ ghi nhận 1 ca bệnh.

Thông tin này tiếp tục gióng lên báo động về căn bệnh nguy hiểm đang có xu hướng gia tăng mà một trong những nguyên nhân chính liên quan đến tình trạng giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món ăn từ thịt lợn chưa nấu chín…

Cụ thể, ca tử vong mới nhất liên quan đến một nam bệnh nhân (50 tuổi, ở quận Thanh Xuân) bị sốt 40 độ C, mệt mỏi, đau nhức cả hai khớp chân. Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt tại nhà nhưng tình trạng bệnh nặng lên.

Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán, viêm phổi biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong. Kết quả xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis).

Trước đó, một trường hợp nam bệnh nhân (48 tuổi, ở huyện Ba Vì) cũng tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.

Trước khi nhiễm bệnh, trong quá trình giết mổ, bệnh nhân không sử dụng biện pháp bảo hộ. Hai ngày sau khi giết mổ lợn, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, nôn,...

Sau đó một ngày, bệnh nhân xuất hiện ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, tình trạng bệnh nặng lên và bệnh nhân đã tử vong.

Đáng nói, dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng người dân còn chủ quan với bệnh liên cầu lợn. Do đó, số bệnh nhân liên quan đến bệnh này đang có xu hướng gia tăng.

Theo CDC Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 15 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có 2 ca tử vong. Trong khi cùng kỳ năm 2022, thành phố chỉ ghi nhận 1 ca bệnh. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín…

Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp do tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi giết mổ, chế biến thực phẩm.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hầu hết các ca bệnh mắc liên cầu lợn đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín.

Người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn bao gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy cơ địa mỗi người, thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn trên người là từ vài tiếng đến 4 hoặc 5 ngày.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Đồng thời, không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đưa ra cảnh báo, tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn gây ra khoảng 7%. Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục.

Cách tốt nhất để tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn là phòng bệnh. Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện chưa có vắc-xin phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư