Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 12/7: Hà Nội thêm nhiều ổ dịch sốt xuất huyết, trẻ mắc tay chân miệng tiếp tục tăng tại TP.HCM
D.Ngân - 12/07/2023 08:45
 
Trong tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết với 7 ổ dịch mới. Đáng chú ý, có nhiều ca biến chứng nặng, có gia đình 2-3 người cùng phải nhập viện.

Không chủ quan với sốt xuất  huyết

Số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, tăng vọt tới 132 trường hợp so với tuần trước đó, không có ca tử vong.

Ảnh minh hoạ.

Thành phố cũng ghi nhận 7 ổ dịch mới trong tuần tại: Hoàng Mai (2), Nam Từ Liêm (2), Phú Xuyên (1), Quốc Oai (1), Thạch Thất (1).

CDC Hà Nội dự báo, kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ.

Dự báo thời gian tới số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Theo các bác sĩ, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu thì thì cần làm xét nghiệm máu khá đơn giản và cho kết quả nhanh trong vòng 1 vài giờ. 

Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L. Khi sốt xuất huyết, xét nghiệm công thức máu sẽ thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc). 

Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L. Theo khuyến cáo, nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh-rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng-màng phổi… khi đó cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời. 

Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5 G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường”, PGS. Cường nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. 

Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện. Hiện nay một số bệnh dịch khác vẫn còn (Covid-19, cúm, thủy đậu...), nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết. 

"Nếu như vậy có thể dẫn đến điều trị phác đồ sai, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bác sĩ các tuyến cũng cần cập nhật hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế để xử lý điều trị đúng", bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết người dân cần thực hiện những điều sau: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Bên cạnh đó, cần loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. 

Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Ngoài ra, khi bị sốt, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Trong khi điều trị bệnh, người bị sốt xuất huyết nên nằm trong màn để không bị muỗi đốt, tránh lây lan bệnh cho người khác.

Để phòng sốt xuất huyết, do hiện nay chưa có vắc-xin, việc phòng bệnh vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt loăng quăng bọ gậy. 

Hiện nay, bước vào đầu mùa mưa, cần tiến hành phun muỗi tại những nơi có phát hiện ca bệnh tránh dịch bệnh lan rộng. 

TP.HCM: Trẻ mắc tay chân miệng tiếp tục tăng

Những ngày gần đây, số ca mắc tay chân miệng nhập viện tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM gia tăng nhanh chóng. Một số bệnh viện tuyến cuối của Thành phố đã phải kê thêm giường bệnh, bổ sung nhân sự nhằm đảm bảo công tác điều trị.

Ghi nhận thực tế tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình mỗi ngày có thêm 60 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện điều trị nội trú. Hiện đơn vị này điều trị cho khoảng 200 trẻ mỗi ngày, trong đó có nhiều trẻ nặng phải đặt nội khí quản và chuyển xuống các phòng hồi sức. 

Tình hình cũng diễn ra tương tự tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Theo các bác sĩ, một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh tay chân miệng năm nay gia tăng nhanh với nhiều ca bệnh nặng là do sự xuất hiện của chủng virus EV71. 

Dự báo dịch tay chân miệng năm nay sẽ "nóng" nên Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới… lên phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống số ca bệnh gia tăng. 

Về vấn đề thuốc điều trị, Bộ Y tế cũng đã có phương án đảm bảo các loại thuốc điều trị hiệu quả cho các bệnh viện của Thành phố.

Các bác sĩ khuyến cáo, điều quan trọng nhất là cần kịp thời phát hiện dấu hiệu biến chứng của trẻ khi mắc tay chân miệng. Khi mắc tay chân miệng, trẻ có thể đột ngột chuyển nặng, suy hô hấp, nguy kịch chỉ trong vài giờ.

Do đó, phụ huynh nên cho con đi khám ở cơ sở y tế gần nhất khi nghi ngờ mắc tay chân miệng để được xác định bệnh, theo dõi sát. Phụ huynh cũng không nên vì quá lo lắng mà đổ xô lên các bệnh viện tuyến trên. 

Hiện nay bệnh tay chân miệng có thể được điều trị tốt ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Nếu không được chăm sóc, điều trị kịp thời ở tuyến dưới trẻ có thể chuyển nặng và nguy kịch.

Nuôi sống bé trai nặng 600 gram

Bệnh viện Phụ sản Trung ương thông tin về trường hợp bé sinh non tháng được điều trị dài ngày nhất tại bệnh viện từ trước đến nay (gần 5 tháng), với 52 ngày thở máy xâm nhập, 10 lần truyền máu.

Bệnh nhi là bé Nguyễn Trần B.Kh., con của chị T.A (ở Hà Nội). Khi chị A. mang thai ở tuần thứ 23 bị dọa đẻ non. Sản phụ đã được chăm sóc điều trị khoảng 3 tuần tại Bệnh viện Phụ sản trung ương. Đến ngày 18-2-2023, khi thai được 25 tuần tuổi, sản phụ A. được chỉ định đẻ.

Thai nhi chào đời nặng 600 gram, bị suy dinh dưỡng, suy hô hấp, thở nấc, phản xạ rất chậm. Sau đó, trẻ được đặt nội khí quản, thở máy, bơm surfactant.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Trần Danh Cường, quá trình suốt 5 tháng điều trị, nuôi dưỡng trẻ tại bệnh viện, có những giai đoạn các y bác sĩ cảm thấy gần như vô vọng.

Ngoài yếu tố sinh non, cực nhẹ cân, trẻ còn mắc nhiều bệnh lý khác như viêm ruột hoại tử, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, sau đó còn bị hẹp ruột…

Trẻ được điều trị thở máy cao tần, nuôi dưỡng tĩnh mạch toàn phần, kháng sinh. Bệnh viện Phụ sản trung ương đã hội chẩn thường xuyên với PGS.TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Khi được 110 ngày tuổi, trẻ được PGS.TS Nguyễn Việt Hoa tiến hành phẫu thuật cắt đoạn hẹp ruột…

Hiện tại, sau gần 5 tháng được điều trị và chăm sóc tích cực, trẻ đã nặng 2.200g, tương đương bé khoảng 1 tháng tuổi, ăn tốt, bú được sữa mẹ.

Ông Trần Danh Cường cho biết, trước đây, những trẻ sinh non tháng bị viêm ruột hoại tử đều đối mặt với nguy cơ tử vong. Việc cứu sống bé trai nêu trên đã mang đến tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội sống cho những trẻ sinh non tháng, nhẹ cân.

Tin mới về y tế ngày 5/7: Hà Nội có thể là điểm nóng của dịch sốt xuất huyết
Tại Hà Nội, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần. Chuyên gia lo ngại, Hà Nội có thể là điểm nóng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư